Phố rừng
Tôi thường xuyên thấy em hiện về. Tôi nghe thấy cả giọng nói của em, cả điệu cười và cái cách em giơ tay lên vuốt mái tóc dài, hơi xoăn và đen bóng nữa. Những lúc như thế, tôi thấy mình trở về cái thủa tôi là một chàng trai hai mươi ba tuổi…
Minh họa: Hoàng Phượng Vỹ |
Em chìa bàn tay gầy nhưng trắng trẻo ra cho tôi bắt, tôi đã nắm chặt lấy nó. Đôi bàn tay của em thật dài, những ngón thon thả, nhỏ nhắn và mềm mại. Thực sự tôi chưa thấy ai có đôi tay đẹp như vậy.
Hai chúng tôi đứng lại dưới gốc một cây rất to có nhiều dây leo quấn chằng chịt. Tôi ngước nhìn lên, ngay gần tầm mắt, một bụi trầu không xanh mướt mát. Nhà tôi ở quê, cạnh cái lu nước cũ kỹ bên gốc cây cau, cũng có một bụi trầu không tươi tốt như vậy. Nghĩ về những ngày còn nhỏ, chạy loăng quoăng chờ bà ngoại hái từng lá, xếp lại thành tấm mang đi chợ bán, chợt nhớ quê da diết.
Chúng tôi bước xuống lối mòn chỉ cách chỗ vừa đứng một bước chân, đường ngoằn ngoèo, hai bên toàn những cây gai và cành khô mục nát, hoa dẻ rừng thoang thoảng trên cao, chào mào cãi nhau chí chóe. Rừng cây đầy âm thanh, chẳng ra nhạc, cũng chẳng ồn ào, mà tuyệt nhiên không phải thanh thoát, ầm ì hay róc rách.
Đây là lần đầu tiên tôi đi cùng một người con gái, người con gái có đôi tay dịu dàng, dáng người thanh mảnh trong rừng rậm vào buổi chiều tà… Chúng tôi cứ thế đi cạnh nhau, chẳng ai nói với ai câu nào. Lạ lẫm và ngại ngùng. Tôi không có cớ gì để im lặng nữa, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu.
Biết nói gì bây giờ, một thằng lính ở rừng như tôi, quê mùa, nhút nhát… Tôi thận trọng, liếc nhìn em. Khóe miệng đang cười, đôi mắt long lanh. Cũng có thể tại tôi chưa nhìn vào mắt một cô gái bao giờ. Đôi lông mày hơi rậm, cứng cỏi, đối lập với đôi tay và vẻ dịu dàng của dáng người thanh mảnh. Em nhìn tôi, hai má cứ đỏ ửng lên, giống hệt mấy đứa bạn gái lớp tôi lúc bị gọi lên bảng trả lời bài cũ.
Thật đớn hèn cho tôi, thằng giai quê chưa một lần nắm tay con gái. Em bắt lời trước:
- Anh sẽ quay lại nơi này chứ?
Làm sao mà tôi trả lời được, đời thằng lính chiến, nay đây mai đó… Nhưng tôi đã trấn tĩnh ngay:
- À ừ… anh sẽ quay lại.
Thấy bạo dạn hơn chút ít, tôi nghĩ ra một câu nói thật bóng bẩy, chỉ sợ em cười:
- Quay lại để đi với em một quãng đường rừng chứ.
Nhưng em không cười, chỉ ngước mắt lên nhìn tôi, đôi môi mọng đỏ mím lại kiểu hờn dỗi.
Chúng tôi đến bên bờ sông, xốc lại ba lô, tôi định bảo: "Chào em, anh đi".
Nhưng tôi không muốn rời xa. Chúng tôi lại đi thêm một đoạn đường, hai bên bờ sông lạnh và nắng, mặt nước phẳng lặng không hề chuyển động, tự nhiên tôi thấy hoang mang.
Thật vô lý, có cái gì cứ dùng dằng mãi, tôi lại thấy tiêng tiếc khi phải xa em. Một cô gái tôi chưa hề biết tên.
Cuối cùng chúng tôi ngồi nghỉ lại bên một gốc cây rất to ven đường. Rừng về chiều im ắng hơn buổi sáng. Em ngồi bên tôi, hơi thở ấm áp và thoang thoảng trên mái tóc mùi trầm ngan ngát.
Đột nhiên em chỉ tay: "Nhà em đấy, cửa sổ mầu xanh kia". Em chào tôi vội vã, rồi bước vào ngõ nhỏ sâu hun hút. Đường muộn, không một bóng người, bước chân của em dội mạnh, một thứ âm thanh văng vẳng vang xa.
Tôi đến đơn vị mới, nhận nhiệm vụ coi kho hàng của binh trạm để chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Ăn uống rồi ngủ một giấc triền miên, tỉnh dậy đã sang ngày khác. Tối hôm sau, tôi đến thẳng ngôi nhà có nhiều cửa sổ, ngước nhìn lên, có một ô cửa vẫn sáng đèn. Chẳng biết em có nhà không. Tôi cứ phân vân như vậy mãi rồi cũng bước vào, tôi leo lên hành lang và tìm đúng căn phòng ấy, đặc biệt là cái ô cửa mầu coban sáng đèn hôm trước. Đây rồi, ô cửa này hôm nay cũng sáng đèn, em đang cầm cọ vẽ, những mảng mầu tối sáng chưa ra hình thù gì rõ rệt trên tấm toan trắng.
Lúc say sưa vẽ, đôi lông mày rậm dãn ra, em chăm chú đến mức tôi đứng lặng một hồi mà em không hề biết. Bên em, trên bàn có quyển sách gì đó dày và cũ kỹ. Tội nghiệp, tôi nghĩ, nếu có điều kiện, tôi sẽ mua tặng em nhiều quyển mới chứ không phải những trang giấy ố vàng cũ nát thế kia.
Tôi đứng ở ngoài rất lâu, để ngắm em, nghĩ bụng mình đến đây làm gì nhỉ? Một cô họa sỹ, xinh đẹp. Còn tôi, thằng lính quèn, tốt hơn hết là bỏ đi thôi, bỏ đi ngay trước khi cô ấy nhìn thấy… và tôi cứ lùi dần, lùi dần ra phía ngoài. Vậy mà em đứng ngay trước mặt. "Sao anh không vào mà quay ra?". Tôi thật sự ngạc nhiên. Vừa xong, em còn chăm chú cắm đầu vào giá vẽ cơ mà, sao ra đây nhanh thế, hay chị em sinh đôi? Không, vẫn cái đôi mày rậm dãn ra…
Em lại nhoẻn miệng cười. Hai chúng tôi lặng lẽ bên nhau. Rừng cây xào xạc, gió, và lá rụng, cứ y như đang chuyển mùa. Tôi ngước mắt nhìn lên, hoa diệp lan phơn đã tàn nhưng bằng lăng vẫn còn tím ngắt.
Lần này chúng tôi không hề im lặng mà nói toàn chuyện linh tinh chẳng ra đầu cũng chẳng ra cuối, chuyện về những con cá có đốm trắng trên lưng và những hàng vây thật cứng. Em bảo những con cá ấy rất béo, kho mắm ngon hơn, nhưng nấu canh chua mỡ nhểu ra ăn ngấy.
Tôi bất chợt nhìn lên, hôm nay sao em thanh mảnh thế, hai cánh tay có cả những đường gân, hay em bị ốm? Tôi hỏi: "Em ốm à?". "Không phải, em vẫn bình thường mà". Hóa ra em mặc áo mầu vàng, mầu vàng thường yếu ớt hơn những mầu khác. Tôi cũng chẳng còn nhớ hôm trước em mặc áo mầu gì, xanh lục, xám hay mầu da trời? Chúng tôi nói rất nhiều chuyện, nói xong rồi, lại chả biết mình vừa nói gì…
Dủ dẻ vàng đâu đó cứ phảng phất hương ngầy ngậy. Mùi trầm trên tóc em đậm đà hơn chứ không thoang thoảng nữa. Trời bắt đầu tối. Cao cao đã lác đác mấy vì sao. Thỉnh thoảng có những cô gái, những chàng trai đứng bên đường như những cặp tình nhân. Tôi ghen tị đưa mắt nhìn họ rồi thầm nghĩ: "Đến bao giờ tôi và người bên cạnh thân mật như họ?". Ý nghĩ ấy làm tôi thấy lạnh lạnh ở sống lưng. Hình như rất đông những tốp bộ đội lướt qua bên cạnh, ai ai cũng mỉm cười với tôi, lại có người nhìn tôi tò mò như muốn nói gì đó. Em gái nhỏ bé bên tôi cúi đầu bước rất nhanh. Không hiểu sao lúc ấy tôi thấy buồn cười và cố tình đi sát bên em. Có lúc chạm cả tay vào nhau, rất nhẹ thôi nhưng tôi thấy ấm áp lạ thường.
Cuối cùng chúng tôi chia tay nhau. Tôi về đến nơi chốn của mình đã khuya lắm rồi, bắp chân mỏi dừ, chắc chân em mỏi hơn tôi, phụ nữ mà, lại yếu ớt mong manh thế. Tôi nằm nhớ lại chặng đường đã đi và bất giác mỉm cười. Tôi nghĩ lại những gì em kể với tôi, nhớ giọng nói nhẹ nhưng ấm và nũng nịu của em.
Tôi thiếp đi từ lúc nào, nắng tràn ngập cả mặt, nóng nực mà sao tôi vẫn ngủ ngon lành. Mặt trời nơi đây mọc sớm hơn nơi khác, vì tôi đang ở một nơi xa tít. Bây giờ không phải mùa hè mà mặt trời rất chói chang, có một tia nắng cứ xói vào tôi nhảy nhót, lạ thế! Tôi còn văng vẳng nghe tiếng hát thánh thót nhưng rất rõ, rất khẽ nữa. Tôi cứ nằm im phơi mặt ra dưới tia nắng quái ấy, nghĩ về cô gái có đôi tay gầy với những đường gân xanh nhợt dưới da.
Sau buổi tối ấy chúng tôi có lệnh phải rời trạm gác. Cái kho hàng được giao cho đơn vị mới. Cũng chẳng thấy ai nhắc về một cô gái đã đưa đường, đi với tôi mấy lần trước, vậy là tôi chưa biết tên em. Nhìn hoa lá rủ xuống bên đường, một nỗi buồn cứ mênh mang xâm lấn. Tự nhiên chợt tiếc, sao có lúc sát gần nhau mà tôi không hôn em? Tôi đã hai mươi ba tuổi rồi chứ có bé nhỏ gì đâu mà đần độn vậy?
Đơn vị tôi ở xa, nơi không hề ngưng tiếng súng đạn, những cánh rừng, những con đường mòn, những suối sâu đèo cao, trận đánh này đến trận đánh khác. Chiến tranh, thảng hoặc có những khoảnh khắc xa vời. Đồng quê phố xá, nơi tôi đi qua như ảo ảnh. Vậy mà trong giấc mơ, bao giờ cũng quay về cái làng quê hẻo lánh, có lớp học bên ruộng khoai nước, những con chão chuộc mầu xanh lục làm tổ phun ra một đống bọt và những con cào cào châu chấu xanh xanh đỏ đỏ bay vù vù ngoài song cửa. Những đứa con gái hét ré lên khi thấy một con sâu khoai béo nũng nĩnh, xanh mướt ngo ngoe cái râu dài… Cuối cùng, mọi ý nghĩ quay lại trạm kho giữa rừng có cô gái đẹp dẫn đường vào đơn vị… như thực, như mơ suốt một mùa Hạ, sang Thu, rồi mùa Xuân ướt át. Đấy là lần đầu tiên tôi đi qua khu rừng vắng, lần đầu tiên gặp cô gái ấy, lần đầu tiên tôi biết có con phố giữa rừng không số nhà, không biển hiệu mà tôi tự đặt tên "Phố rừng".
*
Giải phóng.
Tôi sẽ đi tìm em. Tôi sẽ rủ em đi lại con đường em đã dẫn tôi đi. Con đường mòn khi xưa, có nhiều cành cây gai chĩa ra từ hai bên, sau này sẽ rộng rãi, phẳng lỳ, ôtô chạy qua vun vút. Cái dáng thanh mảnh lại uyển chuyển bên tôi, em sẽ không khác mấy, có khi còn xinh đẹp hơn xưa, và đôi tay em vẫn dịu dàng như vậy.
Anh có nhớ em không?
Em sẽ sững sờ rồi bước chậm lại ôm ghì lấy tôi và hỏi tôi như vậy. Hai khuôn mặt chúng tôi chạm vào nhau, mắt chúng tôi rất gần nhau. Hình ảnh của tôi bé tý tẹo trong con ngươi của em. Tôi sẽ cúi xuống, hôn đôi môi hồng lên và căng mọng, thật sâu. Trời lạnh mà môi em rất ấm. Tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác trong lúc hôn, em khép hai hàng mi lại, khuôn mặt thánh thiện chưa từng có. Rồi em ép hai má vào mặt tôi, cái hôn đầu tiên sẽ làm tôi nhớ mãi. Chúng tôi đứng yên nghe hơi thở của nhau, cảm giác như mọi thứ đông đặc lại.
Trời càng tối càng lạnh, những con đường đen sẫm, sâu hun hút, thỉnh thoảng có một vài ánh đèn trong những ngôi nhà vắng lặng. Mặc kệ, tôi sẽ đến ven rừng. Thêm một quãng nữa là đến dãy phố có nhà của em. Nắng, gió, mưa sa, thời gian, cây cỏ, quá khứ và tương lai, niềm vui và nỗi buồn, tất cả đều là của chúng tôi. Đầu óc choáng váng, tôi cứ thì thầm một mình, ôi những tháng ngày thuộc về tôi thật là hạnh phúc. Có biết bao nhiêu cô gái mười tám tuổi mình đã gặp, nhưng bạn chỉ có thể nhìn vào mắt một người và thấy ánh sáng lấp lánh, chiều sâu và sự ướt át trong đó. Và chỉ có một người có thể làm bạn cảm động đến phát khóc, chỉ có một người mà bạn nghĩ có thể sẻ chia tất cả từ miếng cơm manh áo, đến những cảm giác sung sướng hay khổ đau tột cùng. Và chắc chắn cô gái ấy cũng yêu bạn say sưa đắm đuối như bạn đã từng yêu cô ấy.
Chiến tranh kết thúc, tôi trở về trường đại học, tôi ấp ủ ước mơ làm thầy giáo dạy môn Lịch sử. Chắc em học vẽ ở một trường mỹ thuật nào đó. Tôi thầm ước ao, trong sáng tác của em có con đường mòn chúng tôi từng đi, và những bức tranh đồng đất quê tôi lúc hoàng hôn buông xuống...
Mùa Thu ở sân trường Tổng hợp, hoa anh đào khoe sắc hồng rực rỡ, loài hoa đẹp nhưng độc vô cùng. Tôi đã nghe em kể: "Bên suối có một loài phong lan, hoa mầu đỏ rực, đẹp mê hồn. Vừa hé nở đã tỏa ra mùi hương rất ngọt. Vẻ đẹp mê hồn và mùi hương ấy đã quyến rũ các loài bướm. Thật kì lạ những đóa hoa ấy tiết ra một thứ nhựa độc rất dính. Tất cả những con bướm sặc sỡ, trắng tinh hoặc vàng óng ánh, đẹp, đều không thoát được chất nhựa ấy. Chỉ mấy mùa hoa nở, mà ong bướm trong khu rừng ấy tuyệt chủng". Khủng khiếp, những cái gì đẹp đều có tính tiêu diệt. Em kể với tôi như vậy rồi cười khúc khích. Tôi đang đứng dưới rặng hoa anh đào hồng rực nhớ đến em.
Tôi hăm hở đi tìm em, tôi đi tìm cô gái chưa hề biết tên...
Tôi đếm một, hai, ba, bốn, rất nhiều ngôi nhà có cửa sổ, nhưng toàn tối om. Nơi tôi gặp em cũng thay đổi, một quả bom rơi trúng tim đường, công binh đã quay hẳn vệt đường sang hướng khác, họ bắc một cây cầu qua con suối Giàng để lên đường lớn. Chỗ có ngôi nhà nhiều cửa sổ không còn nữa, gió thổi ràn rạt về phía ấy, bụi đường mù mịt, cuộn tung lên từng đám.
Vĩ thanh.
Tôi đã tìm được ngôi nhà ấy, vào một buổi hoàng hôm tím sẫm, trong một lần dẫn sinh viên khoa Lịch sử đi thực tập. Gian nhà nhỏ sáng đèn. Một má miền Nam búi tóc lốm đốm bạc sau gáy đang dọn vỏ trái cây, lẫn những bông hoa dẻ vàng héo rũ. Má quấn chiếc khăn rằn cũ kỹ nhưng sạch sẽ trên cổ, giờ thì má bắt đầu lau thật kỹ mặt bàn, tấm ảnh thờ cô gái vẫn nghi ngút khói hương. Tôi bủn rủn chân tay, nhận ra cô gái trong tấm ảnh. Em đấy ư? Em hy sinh từ trước khi tôi nhập ngũ? Má quấn lại chiếc khăn rằn trên cổ, và lấy nước mời tôi... Má kể: "Sáng nay, có một đoàn học sinh đi du lịch đã vào đây, họ thắp hương cho con gái má… Nếu còn sống, giờ em nó cũng ngoài bốn mươi, nếu nó còn sống má đã có cháu ngoại bế rồi".
Tôi thấy đầu óc mụ mị… Không lẽ nào?
Vũ Minh Nguyệt (Báo Văn nghệ Công an)