A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông cố ngoại

Một ngày nọ, khi lúa đã chất đầy sân phơi, đã đổ đầy bồ, đã đầy các bao thì ngọn gió cũng ngọt như sữa. Ngọn gió chạy qua sông để thơm thêm hương lúa, hương đồng. Ông cố ngoại của tôi nằm phe phẩy quạt mo cau.

Chiếc võng lắc lư, hai đầu mắc vào thân hai cây xoài đang tuổi lớn, cành lá de ra sum suê. Nước mé sông thổi lên mát lạnh. Lâu lâu lại có trái xoài chín bị dơi ăn rơi tòm xuống mặt nước. Ông cố ngoại cứ cởi trần, chân không, đầu quấn cái khăn rằn, lim dim mắt phả từng cuộn khói thuốc gò lên trời xanh. Ông cười cho ngày trúng mùa.

- Mưa bây ơi, coi cào lúa, đem bao ra mau cho kịp - Mắt lim dim nhưng ông cố ngoại kịp gọi giật mọi người trong nhà.

- Nắng chang chang vầy mà ông kêu xấp nhỏ cào lúa gấp vậy? Thêm một nắng nữa đi, nghen ông - Bà cố ngoại nhìn trời, nằn nì ông.

- Tui nói mưa, ở đó cãi hoài…

Ông cố ngoại cùng mọi người trong nhà nhanh tay nhanh chân kẻ cào, người xúc, kẻ quét, người cột bao vác đem vô trong kho chứa lúa. Loáng một cái bốn sân phơi rộng đầy ắp lúa vàng đã trống huơ trống hoác, nền gạch Tàu đỏ au chỉ còn lại dúm bụi cát phơ phất gió.

Khi mọi người chuẩn bị thau thùng hứng nước mưa cũng là lúc những đụn mây đen đang sà xuống sát mé sông. Một lúc sau khi gió thổi mạnh lay những tàu chuối lạch xạch, những tàu dừa lao xao thì những hột mưa đầu tiên lộp bộp vỗ trên máng xối. Tiếng mưa mỗi lúc một dày. Con nít trong nhà hí hửng chạy ra sân gạch phơi lúa khi nãy mặc sức tắm mưa và rượt đuổi vui tíu tít. Tiếng cười râm ran.

- Bà còn cãi nữa hông? - Ông cố ngoại chọc bà.

- Thôi, tui sai. Ông uống ly trà cho mát ruột nghen - Bà cố ngoại pha bình trà xanh cho ông.

Ông trầm ngâm hút thuốc, nhấp ngụm trà thơm trong làn mưa trắng xóa. Mưa cuối dải đất phương Nam này mau đến cũng mau đi. Mưa dứt khoát, sảng khoái như lòng người vậy.

*

Nhà ông cố ngoại của tôi lúc bấy giờ có thể nói là giàu nhứt nhì ở miệt quê đó. Nhưng dường như lúc nào trong ông cũng chất chứa bao nỗi niềm. Ông mơ được đi khắp đất nước. Ông mơ được ra biển ngắm khơi xa quê nhà. Nhiều lúc buồn chân buồn tay, ông lại ra sau vườn, một mình luyện lại các thế võ. Người ông chắc nịch, da ngăm đượm vị phèn, vị đất quê, đặc biệt là đôi mắt sáng quắc. Vì thế mà ít ai dám nhìn trực diện khi nói chuyện với ông. Ông đã từng làm ông hổ phải chạy vô sâu trong rừng tràm, không dám bén mảng ra nhà dân cắp gà vịt nữa.

Chuyện là lần đó có con cọp vằn đói dữ lại gặp cảnh cháy rừng nên nó chạy loạn cào cào. Chúa hổ làm thịt luôn mấy con gà quanh vườn nhà ông cố ngoại. Tiếng chó sủa, gà, vịt chạy réo loạn xạ, mọi người chạy ra há hốc mồm. Riêng ông với cây trường côn quần thảo với chúa hổ miệt U Minh Hạ này. Từ lúc trời nhá nhem tối tới trăng lên đọt dừa, một người một vật cứ gầm gừ đánh bổ vào nhau. Bỗng một tiếng gầm lần sau cuối vọt ra từ miệng chúa hổ. Trường côn của ông đã giáng một đòn chí mạng ngay yết hầu. Cuộc chiến đã xong. Ông cũng mệt ngất ngư. Mọi người vừa lo vừa mừng khôn xiết. Lời đồn vang khắp xứ. Còn ông cố ngoại coi như chưa từng có chuyện xảy ra giữa ông với chúa hổ. Ông nói tỉnh bơ, nó chết là không may thôi. Nó ăn thịt gà vịt được rồi sẽ tới lượt ăn tới người thì chòm xóm mình sẽ không yên. Diệt nó để bảo vệ chung cũng là cách tự mình bảo vệ mình.

Cuộc sống rồi cũng êm trôi, mùa lúa mới lại trĩu đầy bông, sân phơi lại đầy thóc. Bao giờ cũng vậy, sau mùa thu hoạch, ông cố ngoại đều chia cho những người nghèo ít lúa gạo. Ông từng nói, keo rít làm gì mấy chục ký lúa gạo cho mỗi nhà. Mình cho thì cũng là mình nhận vậy mà.

Ông không bao giờ nằm ngủ trong nhà mà lúc nào cũng nằm bên tấm phản kê ở hàng hiên. Ông nói, nằm vậy cho mát. Gió từ sông, trăng cũng từ sông, mặc sức mà yên lành. Mà cũng dễ quan sát kho thóc, nhà cửa nữa chớ.
Lúc rảnh rỗi, bà nội hay kể về ông cố ngoại. Kể riết thành ra tôi thuộc lòng từ khi nào không biết. Chỉ thấy lâu dần nó như chất hồ keo đóng khít, tình thương ruột thịt cứ chảy tràn không thôi.

Bà nói như hồi tưởng lại một thời đẹp đã trôi qua xa lắc: "Ông cậu Sáu, ông cậu Bảy (lẽ ra phải gọi là ông cậu Út, nhưng quen gọi vậy!) của bây có nước da mặn mòi như ông cố, đôi mắt sáng quắc, chưn mày tướng, mặt chữ điền. Mà lạ, hai ông cậu đó lại không ông nào chịu theo ông cố ngoại học vài thế võ dụng thân. Ông cậu Sáu mê sách. Ông cậu Bảy mê đi đó đây. Còn bà dì Hai cứ len lén theo ông cố ngoại bây ra sau vườn luyện võ rồi múa máy theo. Có lần ông cố ngoại biết được, rầy dữ. Con gái con lứa mà học võ gì con. Lo mà thêu thùa đảm đang nhà cửa. Múa máy coi sao đặng. Bà dì Hai bỏ luôn ước mơ nối nghiệp vài thế võ của ông. Bà dì Ba giỏi tính toán, đời sống của chị ấy sau này tốt lắm. Bà dì Tư thương bà nội nhứt nhà. Vậy mà bà ấy yểu mệnh, tiếc quá!". Nói tới đoạn đó lần nào bà nội cũng lấy khăn rằn chậm chậm nước mắt đục. Những giọt nước khô khan như cố trườn ra khỏi khóe mắt để lăn chậm chạp xuống gò má hóp của bà nội.

Có lần nọ tôi mạnh miệng hỏi bà nội sao mà bà dì Tư chết sớm. Bà nhìn tôi hồi lâu rồi nói: "Bà dì Tư dáng người cao ráo, đẹp người đẹp nết, có điều bịnh rề rề hoài. Năm bà dì Tư tròn mười bảy thì cũng là lúc bao chàng trai ngấp nghé, nhiều nhà dạm hỏi nhưng bà chưa ưng ai. Một bữa, bà ra sông Lớn lên chợ huyện mua ít đồ mới. Trời xui đất khiến thế nào mà con đò bỗng bị sóng lưỡi búa duềnh ập lên. Mọi người càng hoảng đò càng chao. Rồi lật đò. Rồi bà dì Tư của bây về với vua Thủy Tề đận đó. Lấy được xác chớ có cứu được người đâu con ơi… Cũng vì chuyện bà dì Tư mất mà ông cố ngoại của con cứ thở dài thườn thượt nhiều đêm. Ông cố ngoại tự trách mình chưa chịu dạy bà dì Tư bơi lội, bởi bà dì Tư ốm yếu quá. Trong nhà ai cũng bơi lội giỏi".

Sau lần đó, ông cố ngoại họp gia đình. Ông bắt buộc mấy chị em của bà nội phải học võ do ông dạy vào mỗi lúc chạng vạng. Ông khuyên các con phải học chữ đến khi nào thấy chán thì thôi. Ông lo hết. Vậy là cứ chiều chiều tối tối mấy bà dì, ông cậu và bà nội lại hì hục tập luyện thở, đứng tấn, đi quyền, múa gậy…

*

Một đêm không trăng sao. Tiếng ếch nhái đưa vọng lại đều đều, nước róc rách chảy và sóng cứ trôi. Bỗng đâu những đốm lửa đuốc lá dừa cháy rực lên, lô nhô dáng người, mặt mày hung tợn, lời nói bặm trợn. Họ thét cả nhà choàng tỉnh giữa khuya. Ông cố ngoại thức dậy từ lúc nghe động bước chân lạ, nhưng cố nằm im coi sao. Ông nghĩ chắc là cướp rồi.

- Mau kêu người nhà khuân lúa gạo ra ghe cho tao, mau lên - Một tên chắc là đầu sỏ giở mùng tung lên, hất hàm phía ông cố ngoại.

- Bây đâu mở đèn cho sáng coi - Ông điềm nhiên gọi mọi người trong nhà như chưa hề có việc gì xảy ra.

Dưới ánh đèn dầu, ông cố ngoại nhìn lướt qua bọn cướp và đếm nhanh có mười tám tên. Ông nói với chúng, nếu nghèo khó thiếu vốn làm ăn, gặp phải mất mùa, thiên tai, dịch bịnh mà đến xin lúa gạo hoặc vay tiền thì ở đây sẵn lòng. Còn cướp cạn thì khó. Khó lắm đó. Tên cướp đầu sỏ, có thể là vậy, chửi lèm bèm rồi lệnh cho đồng bọn nhào vô cướp lúa gạo. Ông cố ngoại đi quyền múa cước loang loáng. Bọn cướp kẻ thì văng xuống mé sông lóp ngóp, đứa thì văng ra nền gạch nằm ôm bụng, thằng năn nỉ xin tha mạng.

Ông cố ngoại lúc này mới hỏi thêm lần nữa: "Tụi bây từ đâu tới đây mà làm càn vậy? Bây chưa nghe tên ông Lâm Ngọc ở xóm Cây Bần từng đánh chết cọp sao?". Nhiều tiếng lao nhao, rồi tiếng của tên cầm đầu băng cướp ư ử: "Trời đất, vậy là lầm rồi. Bọn em tưởng là chỗ nhà ông anh đây cũng như mấy tay địa chủ, dư dả của ăn của để, còn bọn dân đen như tụi em khốn khó quá". "Hừ. Tao có phải là địa chủ, điền chủ gì. Từ đôi bàn tay trắng, chịu khó lao động, khai khẩn đất hoang, cật lực gieo trồng lúa má mới có được năm bảy chục công lúa đó chớ có phải cường hào ác bá gì cho cam. Sao bây không chịu làm ăn mà đi cướp càn rồi quơ quào nói là dân đen khốn cùng tội nghiệp. Biết bao dân nghèo đều như bây cả sao?". "Dạ… tụi em biết lỗi rồi… Cũng bởi bạc bài, đá gà rồi hoàn cảnh rối ren nên làm liều vậy". "Bây giờ muốn hoàn lương không?". "Muốn chớ, anh. Phải nói là tiên sanh mới đúng lễ". "Thôi, văn vẻ chi cho rườm rà. Nếu thực sự muốn phục thiện thì ta đây sẵn lòng cho mỗi đứa hai bao lúa, tự vác mang về, đứa nào chịu ở lại làm công rồi sống ở đây luôn thì cũng tốt. Nhưng nhớ là nếu lừa dối thì chắc rằng không phải nắm đấm suông như tối nay đâu mà cây trường côn này sẽ lấy điều công bằng ra nói đó".

Mười tám tên cướp cúi đầu rối rít cảm ơn ông cố ngoại trước sự chứng kiến cả gia đình.

Vậy là ba người xin ở lại làm việc cho nhà ông cố ngoại.

Bẵng một thời gian sau, cũng một đêm tối trời, không ngờ cũng lại xảy ra câu chuyện tương tự như lần mười tám tên cướp trước kia tới kiếm chuyện.

Đêm đó mưa lất phất, ông cố ngoại khó ngủ. Ngồi dậy vấn thuốc gò, ông se điếu thuốc đã mềm nhẵn mịn sợi thuốc rồi mà chưa châm lửa hút vội. Ông nhìn giọt mưa, nghĩ là mưa vầy chắc rả rích suốt đêm. Chợt có tiếng la hét, quát tháo từ xa, rền tiếng chó sủa…

- Thằng nào chủ nhà, ra mau tao biểu coi… Lúa thóc ê chề, dưới sông ghe xuồng mấy chiếc, no ấm quá mà. Vô bây ơi! - Thằng đầu sỏ choai choai oang oang giọng. Nó chỉ trỏ cho đàn em vô kho thóc của ông cố ngoại khuân vác xuống ghe. Trong nhà đã thức dậy, ánh đèn nhòe trong mưa, những ngọn gió nghiêng qua bay lại làm cho ánh sáng cũng chao theo như những làn sóng gợn trên sông trước nhà ông cố ngoại. Mấy người giúp việc trong nhà đã lao nhao, ông cậu Sáu, ông cậu Bảy vừa muốn xông ra cản bọn cướp lại thì ông cố ngoại khoát tay ra hiệu trở vô nhà. Trong nhà im phăng phắc sau cái khoát tay ra hiệu của ông.

Bọn cướp cạn thấy vậy tưởng ngon ăn, thấy nhà giàu mà coi bộ kiêng nể cướp, tên đầu sỏ cười ha hả: "Ừ, phải vậy chớ. Mười lăm anh em tao mà ra tay thì cái nhà này còn gì. Cứ ngồi đó im lặng, tao chở hết ghe lúa này rồi lát quay trở lại lấy thêm. Khi nào đủ số thì thôi". Bà nội tức quá, buột miệng: "Tụi bây lấy gì mà dữ vậy? Mấy cái miệng mà ăn nhiều lúa thóc, người ta làm lụng cơ cực mới có…". "Im…" - Ông cố ngoại hét to một tiếng. Bà nội giật mình lùi lại mấy bước, cả đám cướp cũng có vẻ hoảng hốt. Ông cố ngoại hướng mắt về phía tên đầu sỏ: "Mười lăm đứa bây từ đâu tới? Lấy lúa gạo nhiều để làm gì?". "Hỏi lạ. Lấy để ăn. Ăn hổng hết thì bán lại. Lúa này chắc hột, sáng, to chắc bán có lời nhiều. Nhiêu đây đủ để anh em tụi tao có tiền ăn chơi hai, ba tháng". "Tụi bây đem lúa gạo trở lại chỗ cũ hết đi. Cái gì không phải của mình thì đừng có mà làm liều đụng tới". "Cái lão già này chắc chán sống. Mẹ nó…". Nói đoạn, thằng đầu sỏ cầm cây búa nhào vô chém ông cố ngoại. Ông vẫn ngồi im. Lưỡi búa vừa lia xuống gần tới bả vai ông, đột nhiên ngưng lại. Bàn tay như gọng kìm của ông đã chộp cứng cổ tay của tên cướp đầu đảng. Ông bẻ ngược cổ tay của hắn nghe cái rốp. Tên cướp la lên cái "hự", ông hất tên cướp ngã quỵ xuống. Đám lâu la còn lại thấy vậy lao xao. Hai ba tên phóng lên đánh vào ông tới tấp. Chúng dùng gậy, dao. Ông vẫn thản nhiên như không. Ông đứng một chỗ, né đòn nhẹ nhàng sau những cái xoay người, rồi một cú đá như trời giáng làm một tên bay vô phía nhà trong, gần chỗ người nhà ông cố ngoại đang đứng chứng kiến. "Ủa, thằng Công phải hôn? Thằng Công con anh Năm Thẹo đây mà, giống quá". Một trong số ba người là cướp trước kia đã ở lại nhà ông cố ngoại làm công lên tiếng. Vì anh ta thấy thằng nhóc té gần chỗ mình quen quá. Nó lồm cồm bò dậy. Nhận ra người quen, nó la to: "Anh em ơi! Dừng tay cái đã. Có phải chú Sáu Ria hôn?". "Ừ, đúng rồi. Tao đây". Anh cướp làm công nhà ông cố ngoại nói gọn: "Sao bây bày đặt đi cướp bóc làm gì vậy? Anh Năm Thẹo dạo này sao rồi, con?". "Cha con xuống với vua Thủy Tề rồi. Nghe mấy chú kể là tại cha con bị ông già này (ông cố ngoại của tôi) đánh đến hộc máu. Cha uất ức, giữa sông nằm thở dốc trên xuồng rồi nhào đầu té luôn. Mấy chú mò hoài không thấy xác đâu. Ngay chỗ rốn sông. Bởi vậy, tụi con mới kéo nhau tới đây trả thù". "À… mà bây nghe nói tin đồn thất thiệt rồi. Mấy thằng đó nói vậy làm cho tụi nhỏ phải mang trong đầu cái máu trả thù, kiểu này biết khi nào lòi ra sự thiệt. Nghe nè, hồi trước tao với anh Bân, anh Sửu cùng với cha của cháu và mấy anh em khác do không chịu làm ăn, chây lười lao động. Tụi chú kết nhau thành băng đảng chuyên đi trộm cướp xóm làng để ăn chơi, nhậu nhẹt, đá gà, gái gú. Nghĩ lại còn mắc cỡ. Ông Lâm Ngọc đã không ra tay sát hại mà còn cho mỗi người vác hai bao lúa đem về ăn. Ai có muốn ở lại làm công với ông thì ông cho. Nghe vậy chú với chú Bân, chú Sửu cùng ở lại đây làm tới giờ nè. Còn cha của cháu với mấy anh em khác thì về nhà bình yên mà. Nếu tai nạn là do nhậu chớ gì. Thiệt là… người lớn vẽ đường sai lại đổ thừa con cháu. Khổ cho tụi nhỏ". "Thật vậy sao chú Sáu Ria?".

Cả đám cướp choai choai đứng thừ ra ngó ông cố ngoại rồi lại nhìn ba người chú của tụi nó từng là trộm cướp giờ làm công, ăn mặc cũng tươm tất. Tên đầu sỏ mới nói: "Ui da, đau quá… mà thôi… chắc nhầm lẫn". Nói xong, nó gọi anh em cùng tới quỳ xuống xin lỗi ông cố ngoại. Ông đỡ thằng đầu sỏ lên và nắm cổ tay bẻ ngược lại nghe cái rốp rồi nắn nắn mấy cái. Thằng nhóc thấy khỏe lại, hết bị trật gân tay.

Chú Bân với chú Sửu xua tay, nói: "Còn không tin sao mà cứ đứng đó ú ớ. Mau xuống ghe đem lúa trả lại cho ông Lâm kìa". "Dạ…". Tụi nhóc loay hoay xuống bến đem lúa trở lại kho thóc. "Thôi, tao cho bây hết đó. Đem về đi. Ráng mà làm ăn. Còn nhỏ thì lo học hành, làm kinh tế để thay đổi vận mạng. Trộm cướp là tao ghét. Lần sau, tao đánh chết, nếu còn cướp". Ông cố ngoại nói với tụi nhóc. Bọn chúng líu ríu cảm ơn, nhưng không dám đem lúa thóc về mà xúm nhau vác lúa cho vô kho thóc của ông như cũ. Mười lăm tên lần lượt thụt lùi vái dài chào ông, chào ba người chú từng vào sanh ra tử với cha chúng.

*

Ông cố ngoại ra đi theo khói rạ đồng bưng từ sau lần bà nội giác ngộ rồi trưởng thành từ chiến khu Việt Minh. Ông cố ngoại nói lời cuối cùng với bà nội mà mãi sau này bà vẫn thường kể cho tôi nghe. Ông cố ngoại nhắc bà nội: "Làm việc gì thiện, có ích thì ráng mà làm đừng nệ công. Làm việc gì mà đem lại điều xấu, điều ác với người khác thì càng tránh càng tốt. Của nhà không thiếu, giúp người khó khăn hơn mình thì nên làm. Nhưng cũng đừng để bị đánh tráo tình thương, đừng để bị lừa dối trong cách hành xử thiện tâm". Mỗi khi trời trở gió sang mùa đông, bà nội lại thêm nhiều tâm sự. Bà nội buồn vì chưa làm hết những lời ông cố ngoại trăng trối. Bởi tánh thật thà, thương người mà bà nội cho hết. Có lẽ chất nghệ sĩ và thích tự do đó đây sông nước mà bà nội bất cần đeo mang gì cho nặng lòng chăng…

Giờ đây, mỗi lần tiết Thanh Minh hay giỗ chạp gì đó của dòng tộc, tôi lại miên man đưa lòng về với gió phương Nam mà như nghe âm âm lời của người xưa, có thể đã truyền từ ông cố ngoại tới bà nội rồi tới ba tôi và chú Bảy tôi: "Đừng làm cái tên cái họ của mình bị lấm bùn nghen, con!".

Gió thổi những tro cuống rạ bay về trời. Gió thổi mát lời xưa còn đồng vọng đâu đây. Đêm nầy, tôi lật lại gia phả ngồn ngộn màu thời gian…

Tiếng ngái ngủ, trở mình của con gái sắp tròn một tuổi của tôi như đang thêm vào một dòng mới cho trang gia phả... 

Trần Huy Minh Phương (VNCA)

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu