A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nước mắt chảy xuôi

... Chuông điện thoại tút những hồi dài. Con chợt thấy mặn đắng trong lòng, ngồi thẫn thờ nghĩ về cha, về mẹ, về những khoản tiền hàng tháng con nhận, nghĩ về nét mặt nhăn nhó ngán ngẩn của thằng Út mỗi khi bữa cơm đạm bạc thường chỉ rặt chén cà muối mặn chát năm này qua năm khác… để con có đủ tiền ăn học, và con nghĩ về bốn năm qua, đã coi thành phố là nhà và quê nhà chỉ là chốn trọ.

Ngày cha chuẩn bị đưa con vào thành phố thi, mẹ tất tả lo nào quần áo, đồ dùng, thuốc bổ, luộc mấy quả trứng gà mới đẻ, mấy trái bắp non cho cha con ăn dọc đường, thêm mấy lát gừng ngậm ấm bụng. Mấy ngày trước nghe cha mẹ bàn bạc chuyện tiền bạc cho con đi, mẹ phải vay tiền trước đại lý nông sản. Cuối mùa thu hoạch cân lúa bán cho họ với giá rẻ, cha đầu tắt mặt tối nhận đủ thứ việc người ta thuê, có hôm tối mịt trở về với cái bụng đói meo.

Tranh minh họa 

Con vẫn nhớ món ăn quen thuộc của nhà mình là cà muối, cà mẹ trồng trong vườn nhà và cả mấy luống rau đủ làm cho bữa ăn thêm hương vị quê nhà. Thỉnh thoảng mẹ nhặt về những trái dưa leo cuối mùa bé tẹo người ta bỏ lại sau thu hoạch, muối chua rồi kho với cá, tìm mỏi mòn trong nồi dưa mới thấy một con cá cỏn con, mẹ lại nhường hai anh em con ăn phần nhiều thịt nhất, phần xương cha mẹ ăn một cách ngon lành.

Những ngày con ôn thi, mẹ không cho con động tay chân vào bất cứ việc gì, chỉ ăn, học và ngủ. Còn cha mẹ thì rời khỏi nhà buổi sáng sớm khi sương còn long lanh trên ngọn cây, đọt cỏ, và trở về khi hoàng hôn đã buông xuống từ lâu. Chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình xong mẹ lại lo chăm đàn heo, mấy con gà, cha tranh thủ sửa lại những lỗ thủng trên trần nhà sợ đêm mưa gió.

Thường là những ngày nắng, mặt trời chiếu ánh sáng xuyên thẳng xuống nền nhà, những hôm trời mưa, cha mẹ lại lục đục lấy thau để giữa nhà hứng nước. Ngày ấy con luôn xấu hổ vì gia đình mình nghèo, cha mẹ làm thuê, chưa bao giờ dám đưa bạn bè về nhà, viện lý do cha mẹ khó tính mặc dù mẹ luôn bảo con đưa bạn về chơi.

Và hôm nay trên chiếc xe đông nghẹt người, hành khách đa phần là thí sinh vào thành phố thi đại học, có bạn được cha mẹ đi cùng, có bạn ngồi co ro một mình nhìn xung quanh, thỉnh thoảng lại cúi đầu thở dài, lòng tủi thân và đôi mắt bạn hoe đỏ. Con cũng có cha đưa đi cùng nhưng nhìn cha với quần tây bạc thếch, chiếc áo nhuốm vàng dù mẹ đã lựa cái mới nhất trong những chiếc quần áo của cha, đôi dép lào mòn đế, chân tay chai sạn, đậm màu phèn, con cố tình ngồi cách xa cha, sợ người khác biết cha là cha con thì quê chết.

Đến bến xe, bảo con ngồi trông đồ đạc, cha hỏi thăm các anh chị sinh viên tình nguyện nơi ở và trường thi. Nhìn dáng cha lam lũ, các anh chị tận tình đưa hai cha con đến phòng trọ cạnh trường, giá lại rẻ.

Ở đây còn có một ngôi chùa lớn, hàng ngày các bậc ni sư đều phát cơm từ thiện cho các gia đình đưa con đi thi. Trong khi cha mừng vì tiết kiệm được chi phí, con lại xấu hổ xếp hàng nhận cơm, có hôm giả mệt đợi cha mang về phòng ăn. Khi nào mang cơm về cha cũng mua thêm cái đùi gà, lúc mấy miếng sườn ram và cá chiên giòn cho con ăn, còn cha vẫn cặm cụi với hộp cơm nguội lạnh.

Con bước vào phòng thi với ánh nhìn đầy hy vọng của cha, giọng nói lo lắng của mẹ từ quê gọi vào “Gắng nhen con, học kiếm cái nghề, đừng để nghèo như cha mẹ”. Xa xa ngoài cổng trường, bàn tay cha vẫy vẫy trong ánh nắng hanh vàng.

Rời phòng thi, nhìn cha mẹ bạn khác người đọc báo, uống cà phê, nghe nhạc đợi con, còn cha ngồi tựa đầu vào gốc cây bên đường, kéo chiếc mũ qua mắt tránh ánh mặt trời, da cha đen sạm và áo ướt đẫm mồ hôi.

Thi xong đại học, đến thi cao đẳng, cha vẫn đưa con đến tận trường dù bất kể trời nắng hay mưa, ở phòng trọ ngay bên cạnh trường, bồi bổ cho con những món ăn mà khi ở nhà chỉ là mơ ước. Cha bảo dù con có lớn đến cỡ nào thì trong mắt cha mẹ con vẫn mãi là thằng bé, thằng bé chỉ biết nhận những yêu thương từ cha mẹ như đó vốn dĩ là trách nhiệm, mà vô tâm quên mất mình đã trưởng thành.

Ngày nhận giấy báo từ trường, con về nhà báo tin cha mẹ biết. Cha không nói gì chỉ nhìn con bằng ánh mắt đầy tự hào. Mẹ chạy từ dưới đồng lên, hai chân lấm bùn, mồ hôi nhễ nhại, mắt lệ nhòa, cười mừng mừng tủi tủi, ôm con vào lòng, mùi đồng khô mặn đắng. Tối đến, ai đến nhà mẹ cũng khoe con đậu đại học, con lại mừng vì sắp được xa nhà, vào thành phố hòa cùng nhịp sống đô thị.

Ngày mai con lên xe vào thành phố nhập học, mẹ thu xếp đồ đạc, mua đủ thứ thức ăn cho con mang theo, lại còn nào thuốc cảm, đau đầu, đau bụng... Cha đưa con ra bến xe, đưa con lên tận chỗ ngồi, xe dần dần chuyển bánh mà cha vẫn nhìn theo không chớp mắt. Bóng cha xa dần, có nụ cười trên môi và đôi hàng nước mắt. Cha mẹ cứ dặn con lo học, đừng đi làm thêm, hàng tháng cha mẹ lại gửi tiền con chi tiêu đầy đủ, có khi gửi thêm con gà, ít trái cây quê nhà.

Con cứ thế, thuộc hạng “không làm vẫn có lương”, học và chơi, hè lại kéo nhau về nhà bạn bè cùng lớp, chưa một lần nghĩ về nghỉ hè cùng gia đình. Mỗi khi cha mẹ gọi điện hỏi thăm, con lại cảm thấy mình mất tự do, chỉ gọi về nhà khi tiền đã tiêu hết. Tết đến về nhà mấy ngày con lại nôn nóng vào thành phố, bởi về nhà mọi thứ đều buồn chán và tẻ nhạt, không khí gia đình sum vầy không đủ níu chân con lại với vùng quê nhỏ bé.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngày con làm lễ tốt nghiệp, cha bảo sẽ thu xếp vào với con, con lại nói không cần như thế vì sau buổi lễ, con còn đi ăn mừng với bạn bè, cha ngậm ngùi bảo đã chuyển tiền vào thẻ cho con.

Buổi tối đang tiệc tùng vui vẻ, mẹ gọi điện hỏi con đã ăn gì chưa, con trả lời qua loa để tiếp tục cùng những bản nhạc karaoke sôi nổi. Bỗng tiếng thằng Út vang trong điện thoại “Út ăn cà muối hoài chán quá anh Hai ơi”. Tiếng mẹ la thằng Út kèm tiếng nấc nghẹn.

Chuông điện thoại tút những hồi dài. Con chợt thấy mặn đắng trong lòng, ngồi thẫn thờ nghĩ về cha, về mẹ, về những khoản tiền hàng tháng con nhận, nghĩ về nét mặt nhăn nhó ngán ngẩn của thằng Út mỗi khi bữa cơm đạm bạc thường chỉ rặt chén cà muối mặn chát năm này qua năm khác… để con có đủ tiền ăn học, và con nghĩ về bốn năm qua, đã coi thành phố là nhà và quê nhà chỉ là chốn trọ.

Đêm muộn, thành phố có chuyến xe khách cuối cùng rời bến, đưa con trở về…

Thy Nữ/www.sggp.org.vn/


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu