A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người mẹ

Mẹ tôi sống cả một đời cực nhọc nhưng không kêu ca... Tôi viết về mẹ vài dòng và muốn viết thêm về nhiều người phụ nữ mà tôi quen biết...

Mẹ tôi đau yếu quặt quẹo từ lâu nhưng vẫn làm việc, vẫn hoạt động, không ai trong nhà nghĩ bà đã đến tuổi tám tư và bắt đầu hy vọng bà sống thêm được nhiều năm.

Hy vọng nhưng thương quá vì từ năm ngoái khi ông già mất, bà không muốn về nhà. Bà theo cô út và chàng rể ra sống ở Quảng Ninh. Mấy lần con cái đón bà về Huế, nhưng bà có vẻ sợ hãi. Chắc sợ cô đơn trong phòng, sợ sự lãnh đạm của người chung quanh. Kể cả con cháu. Bà cần thuốc có thuốc. Cần ăn uống gì thì có ngay. Nhưng ở tuổi tám tư bà đâu chỉ cần những thứ đó?

Mùa hè năm 1972, tôi đi công tác có dịp ghé thăm gia đình. Làng xóm tan hoang vì cách đấy một tuần, bọn Mỹ vừa ném bom. Lúc đó nhà tôi ở Thanh Hóa. Cả làng hầu như bị xóa sổ. Cha mẹ tôi nhặt nhạnh từng cái bát vỡ, từng cái xoong nhôm bẹp rúm để gây lại ngọn lửa sống cho cả nhà. Trên nền gạch bị cày xới, một túp lều dựng lên. Thế ăn uống thì sao?

Cha mẹ tôi chỉ vào góc lều. Tôi chưa hiểu là gì thì mấy đứa em tôi bảo nhà mình vừa bị bom nên tháng này ưu tiên chỉ phải ăn 70% sắn... Hóa ra đây là sắn người ta phơi cả củ. Những củ sắn dài ngoẵng nhiều xơ trong cái vỏ đen sì nhìn mà ngại quá.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy củ sắn mà đen đến thế. Nhưng mẹ tôi, lúc ấy còn khỏe, nhanh nhẹn gạt ngay ý nghĩ ngại ngùng của tôi: “Ăn được mà, rồi con xem. Nhà mình có tiêu chuẩn gạo cán bộ còn được mua sắn chứ chung quanh bà con còn đứt bữa kia”.

Tôi ra bờ con mương chảy trước nhà thấy cái chậu sành đã ngâm đầy thứ củ đen sì. Sắn khô ngâm nửa ngày, phần vỏ mềm ra. Bóc vỏ đi cắt nhỏ củ cho vào cối giã nát rồi lọc qua rổ lấy phần bột. Ngào bột sắn rắc vào chút bột mì nặn thành bánh ở giữa cho chút hành khô xào mỡ để vào rổ hấp lên. Tôi nhìn tay cô giáo khô xác đen sì vì nhựa mà không thể giúp mẹ được nhiều. Tôi giã giúp mẹ một cối bột mà thở không ra hơi. Sau đó tôi đi, biết rằng mẹ ở nhà gánh vác tất cả những việc nhọc nhằn với mấy đứa em tôi còn nhỏ. Những thứ lương thực kiểu ấy vào tay mẹ là nuốt trôi được. Rồi trồng khoai, trồng rau, trồng củ. Rồi nuôi lợn. Trong khi công việc nhà trường chồng chất lên đầu mấy cô giáo để các thầy cầm súng ra trận.

Mẹ tôi sinh 5 người con. Cuối năm 1972, em út tôi ra đời giữa đêm B52 ném bom xuống cầu Hàm Rồng đường chim bay rất gần nhà tôi. Bom ném quanh làng. Mẹ tôi trở dạ em út tôi trong hầm. Lửa cháy khắp nơi không ai giúp được ai. Em trai tôi 10 tuổi đun một siêu nước, chạy ra giếng múc nước rồi vào hầm giúp mẹ sinh em. Mẹ tôi hướng dẫn cho nó mọi việc và thằng bé 10 tuổi can đảm cắt rốn cho em, lau rửa cho em, cho mẹ. Khi tôi về nhà sau mấy tháng, nó mới kể cho tôi nghe và òa khóc. Nó bảo mẹ gan lắm nên lúc đó em không sợ. Bây giờ mới sợ...

Mẹ tôi sống cả một đời cực nhọc nhưng không kêu ca. Bà đã từng có tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng năm 1955 biến động, gia tài cửa nhà bị mất, ông bà ngoại tôi đau tim mà chết, mẹ tôi can đảm từ bỏ ký ức, sống cuộc sống của một người độc lập vượt qua nhiều bất hạnh. Bây giờ bà tám tư tuổi, con cháu đông. Nhưng ai có việc nấy, lại hành xử như nhiều người thời đại mới - không bao giờ để mẹ thiếu tiền, nhưng thực ra mẹ lại thiếu tất cả...

Tôi viết về mẹ vài dòng và muốn viết thêm về nhiều người phụ nữ mà tôi quen biết. Tôi được chị Thanh Hương, tác giả sân khấu nhờ biên tập cuốn “Đi trong cuộc sống”, phần nói về việc riêng chị dành rất ít trang nhưng với tôi nó quan trọng, vì tôi được thấy một người mẹ như hàng triệu người mẹ trên đất nước này - một mình vật lộn với đời sống đơn độc, nuôi con khôn lớn, còn tạo dựng cho mình một vị trí trong xã hội để không thua kém ai. Thật xúc động khi chị kể về ngày đột nhiên phát hiện khối u trên đầu chồng, đưa anh vào viện thấy anh lơ đãng ngủ li bì. Bác sĩ y tá thì tắc trách. Chứng u não làm chồng chị gục rất nhanh. Anh mất. Một mình chị ôm con khóc đêm đêm. Rồi chiến tranh. Con gái của chị phải sơ tán theo trường. Cuối tuần chị đạp xe thăm con, thấy con quần áo hôi hám, lòng chị xót như xát muối. Con chị nói: “Giếng sâu lắm, mỗi lần kéo được gàu nước con rất đau tay. Trời mùa đông con đứng tắm bên thành giếng lạnh lắm mẹ ơi...”. Chị nhìn đứa con nhỏ xíu xách cặp lồng đi qua cả cánh đồng sang xóm bên kia vì trường phải phân tán nhiều nơi, bếp ăn làm ở xóm ấy. Cặp lồng cơm nguội ngắt với vài miếng đậu phụ kho trắng nhợt. Nhìn con ăn cơm, nhìn chỗ ở của con mà không thể giúp con. Lại phải đạp xe về vì còn việc cơ quan. Chị còn phải đi thực tế vì mình không đi không thể yên được. Chị gửi con lại Hà Nội 6 tháng trời để đạp xe vào tuyến lửa. Ngày đó điện thoại không có, thư từ rất lâu mới tới nơi, lòng người mẹ bất an bao nhiêu khi gửi con lại mà chẳng có tin tức gì.

Trên thế giới này chắc ít người khổ như phụ nữ Việt Nam. Tiễn đứa con ra đi, tiễn “thằng cu” thân yêu của mình đi ra cổng là xem như bặt vô âm tín. Chịu đựng như vậy cho đến khi hết chiến tranh, may ra “thằng cu” còn được trở về. Rồi biết bao nhiêu cô gái trẻ lấy chồng, ở với chồng ba đêm, hoặc một tuần, anh ấy đi. Có khi mới vào được Quảng Bình đơn vị bị bom. Anh ấy chết. Nhưng vì chính sách hậu phương người ta không thể báo tử. Cứ thế 5 năm, 10 năm... Người con gái bước sang tuổi băm mà vẫn chờ đợi.

Cách đây gần chục năm tôi được phân công biên tập cuốn “Nhật ký viết tay” của nhà văn Nguyễn Thi. Ông ghi về những trận công đồn, những sinh hoạt lính tráng vui nhộn thời chống Pháp những năm 50. Nhưng ông ghi rất sâu sắc câu chuyện tình yêu của ông.

Chị tên là Bình Trang, một trong ba tiểu thư con của một vị kỹ sư ở Sài Gòn, rời bỏ cuộc sống nhung lụa để cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Chị không thuộc trường hợp hiếm hoi khi ấy. Nhiều trí thức chọn con đường như chị. Trong đơn vị bộ đội, chị Bình Trang làm nhiều việc, nhưng có một việc rất độc đáo. Trong bưng biền kháng chiến, bộ đội thường chiếu phim, hầu hết là phim Xô Viết. Nhưng máy chiếu không có bộ phận phát tiếng. Thế là Bình Trang ngồi kéo áccoocđêông minh họa cho phim. Cứ nhìn lên màn ảnh, thấy cảnh nào thì kéo đàn cho hợp... và bộ đội ta vui vẻ xem phim, nghe nhạc. Thông thường mỗi đêm kéo đàn 3 tiếng. Có đêm đột xuất phải kéo đến 5 tiếng.

Một hôm chị đang phát rẫy, mặc áo cộc tay quần xà lỏn. Nguyễn Thi đi qua xuống rẫy làm quen. Tình yêu đến rất nhanh, như số phận sinh ra họ dành cho nhau. Anh em bộ đội kéo tới làm cho họ cái lán ở vùng rừng Tha La. Ở đây, chị Bình Trang cùng chồng tranh thủ khi nghỉ làm đám cưới, đã phát rẫy dự định trồng mía, lấy cái nuôi con. Nhưng giữa tuần trăng mật, anh chị phải chia tay. Mấy rẫy phát rồi cỏ mọc lại. Hom mía anh Thi đi xa kéo về bằng xe bò cũng bỏ lại, để theo đơn vị.

Tuần trăng mật ấy là quãng thời gian đẹp nhất của hai người. Sau này trong tác phẩm của mình, Nguyễn Thi nhiều lần nhắc lại cái ánh trăng đã chứng kiến hạnh phúc của họ.

Bình Trang có thai. Kháng chiến vào giai đoạn ác liệt. Chị mang xắc cốt tài liệu, mang đứa con trong bụng đi công tác về miền đông, tới Campuchia, tới những nơi xa xôi của miền rừng này. Chẳng có gì ăn. Chỉ khoai sắn mà cũng thiếu.

Đơn vị nghĩ đến phương án thuận lợi cho anh chị. Chị được phân công về công tác nội thành Sài Gòn. Để hợp thức hóa một gia đình, một đồng chí nam được cử về cùng chị. Hai người đóng giả vợ chồng. Nguyễn Thi ôm vợ, ôm cả đứa con trong bụng vợ, chia tay, không bao giờ nghĩ rằng đây là cuộc chia ly.

Kháng chiến thành công. Đất nước chia cắt. Nói rằng 2 năm sẽ hiệp thương thống nhất, lại có công tác, Nguyễn Thi không thể đi tìm vợ mà phải theo tàu tập kết ra Bắc. Rồi 2 năm cứ thế nhân lên... Ở Sài Gòn ngày ấy, những người kháng chiến cũ như chị Bình Trang gặp rất nhiều hoạn nạn. Chị sinh con, nuôi con, bị tù đày. Gặp trăm ngàn khó khăn đau khổ. Chị không thể chịu đựng một mình, phải nương tựa vào một đồng chí nam. Nguyễn Thi ở miền Bắc không hiểu hết mọi điều. Đau khổ làm anh mất sáng suốt. Anh lấy một người phụ nữ khác.

Con gái Trang Thu của họ không bao giờ gặp cha. Những người đồng đội của chị Bình Trang ở Sài Gòn thấu hiểu nỗi đau của chị. Đang giữa chừng cuộc chiến, chị được lệnh ra Bắc. Gửi con gái cho người ruột thịt ở Sài Gòn, Bình Trang đeo ba lô đi bộ mấy tháng trời, ra đến miền Bắc thì Nguyễn Thi đã lên đường vào miền Nam...

Số phận của họ đã không còn đổ bóng vào nhau. Có tất cả chuyện đó có lẽ vì họ quá yêu nhau.

Trong đợt tổng tấn công lần thứ hai vào Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Thi hy sinh trên đường Minh Phụng, có lẽ rất gần nơi ở của con gái anh. Chị Bình Trang, sau rất nhiều nước mắt, đã lên đường ra nước ngoài học chỉ huy dàn nhạc. Câu chuyện của họ cũng là nhỏ bé trong biển cả những đau thương mà dân tộc ta phải chịu đựng mấy chục năm. Nhưng là câu chuyện của một nhà văn, nó không khỏi làm ta ám ảnh.

Theo Lê Minh Khuê (daibieunhandan)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu