Mẹ xóm Đoài
Bà mẹ xóm Đoài không chịu nổi căn phòng nhỏ thó tám mét vuông kín bưng như nhà tù dưới gầm cầu thang. Những ngày cô con dâu đi vắng, bà thường lẻn ra phòng khách ngồi ăn trầu cho thoáng. Người ta nói: “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Nghĩ cho đúng, bà không phải là người đi đêm nhưng bà đã gặp ma thật. Hôm đó, nửa chừng cô con dâu đột ngột trở về. Không kịp giấu bộ đồ nghề ăn trầu nên bà đã bị bắt quả tang. Cô con dâu mặt đỏ tía tai, gầm lên như con hổ cái:
- Trời ơi! thế này thì sống làm sao được đây. Ông Nam đâu rồi xuống xem bà mẹ yêu quí của ông làm khổ tôi đây này.
Từ tầng ba, ông Nam phi xuống phòng khách, hốt hoảng:
- Gì thế em?
- Anh nhìn đi, nước bã trầu vãi khắp nơi. Mùi hắc không thể ngửi, kinh lắm. Khách chiều nay là ông Bộ trưởng đấy. Anh phải dọn dẹp và xịt nước hoa tẩy uế cho nhanh đi. Anh nhớ nhắc bà mẹ răng đen của anh không được xuất hiện đâu đấy.
Quá quen với thói hành xử hỗn hào của cô con dâu, cứ mỗi lần như thế, bà liếc nhìn con trai. Hễ thấy nó luống cuống là bà sửa sai ngay cho dù có nhiều lần bà đúng. Lần này thấy nó lo lắng, mặt thuột ra ngây dại. Bà vội xin lỗi con dâu rồi đứng lên thu dọn lại căn phòng. Chờ bà lau xong những vết bẩn trên bàn, Nam kéo mẹ đi vào căn buồng tám mét vuông, mồm méo xệch:
- Mẹ ơi, mẹ thương con với. Mẹ nhớ đừng ăn trầu trong phòng khách nữa. Chiều nay vợ chồng con tiếp ông lớn. Mẹ nhớ ở trong phòng đừng ra mẹ nhé.
- Mẹ nhớ rồi, con yên tâm. - Nói xong bà ém tiếng thở dài.
*
* *
Vợ chồng mới sống với nhau được hai năm, khi cái bụng bà mới lùm lùm ông chưa kịp vui thì đột ngột qua đời. Ngày bà sinh Nam, bên nội cho ba sào đất và ngôi nhà lợp ngói khang trang. Bà ở vậy nuôi Nam khôn lớn. Bà đã khước từ hàng chục đám dạm hỏi, quan to có, trai tân có để Nam không phải chịu cảnh sống với bố dượng. Với bà, những gì Nam vui là bà vui, Nam buồn là bà buồn. Nói đúng hơn, Nam là tất cả cuộc đời bà. Con bồ côi bồ cút nhưng Nam chẳng thua kém một ai trong làng, học đến đâu biết đến đó, rồi niềm vui như vỡ oà khi Nam được đi học ở nước ngoài. Sau bốn năm đèn sách, Nam về nước. Lần này Nam đem theo cả bạn gái người Hà Nội gốc tên Thùy Giang, người đẹp như tranh về cùng.
Đám cưới Nam - Giang tổ chức tại khách sạn Thống Nhất. Bố Giang là ông lớn nên đám cưới tổ chức rất hoành tráng. Điều làm bà chạnh lòng tí chút là hôm ra khách sạn, theo yêu cầu của Giang, Nam nói bà ở nhà và mời cặp vợ chồng ông chủ tịch huyện - không họ hàng thân thích gì - đóng vai người nhà Nam để giữ thể diện với bên vợ. Nhưng rồi bà nghĩ: “Nhà người ta danh giá, mình quê mùa đứng vào chỉ làm xấu mặt con thôi”. Thế là bà cho qua.
|
Sau đám cưới, Nam ở rể nhà vợ. Ngôi biệt thự to lớn đã làm bà lóa mắt trong một lần đến thăm con. Bà thấy tội nghiệp cho con trai quá. Vì nghèo nên con bà phải sống kiếp “chó chui gầm chạn”. Trở về nhà, bà cứ buồn buồn như thể mình có lỗi. Nhưng biết làm sao được. Lực bất tòng tâm, bà đành cam chịu.
Thế rồi bỗng dưng bà trở thành tỉ phú. Đó là ngày người ta mở một con đường quốc lộ ngay sát mảnh đất màu gan gà “khỉ ho cò gáy” của bà. Có tin vui, vợ chồng Nam phóng xe về ở với bà một đêm. Cô con dâu vui vẻ mẹ mẹ, con con ngọt như mía lùi. Bà mừng không biết để đâu cho hết. Bà sờ nắn tóc tai thằng con như sờ một đứa trẻ. Bà mắng yêu: “Dạo này con gầy và xanh lắm. Đừng có làm quá sức con nhé”.
Đêm ở quê, trời tối đen như mực. Ngọn đèn dầu cháy leo lét chỉ đủ thắp sáng một vùng nhỏ. Nam ngồi bên mẹ trên chiếc chõng tre dưới mái hiên ngôi nhà đã từng in dấu tuổi thơ anh. Vợ Nam lót chồng báo khiêm nhường ngồi trên bậc cửa thấp hơn chiếc chõng tre nửa thân ghế. Nam bắt đầu câu chuyện hệ trọng:
- Mẹ ạ, dạo này vợ chồng con bận quá. Phần lo công việc, phần phải lo cho hai cháu Hiền, Tú ăn học, nên không về thăm mẹ luôn được. Con tính đưa mẹ ra ở với chúng con để tiện việc chăm nom. Mẹ có đồng ý không?
Bà móm mém nhai trầu không trả lời, chỉ đến lúc Nam giục:
- Ý mẹ thế nào ạ?
Bà mới khom người nhổ miếng bã trầu vào ống bơ để dưới gầm bàn rồi nói:
- Được ra ở với vợ chồng con lúc tuổi già thì quí hóa lắm. Nhưng mẹ cứ ngại ngần vì mình con ở nhờ nhà người ta đã là quá rồi. Bây giờ gánh thêm mẹ e không tiện con ạ. Với lại mẹ phải ở nhà để thắp hương thờ cúng cha con và tổ tiên chứ.
- Con sẽ mua nhà riêng cho mẹ.
- Đất đai đắt đỏ, các con lấy tiền đâu mà mua?
- Thì mình đổi mảnh vườn quê lấy nhà phố mẹ nhé.
- Thế còn việc thờ cúng bố con và tổ tiên thì sao?
- Thì nhà mình, mình lập bàn thờ gia tiên thôi.
- Mẹ không biết gì đâu. Tất cả nhà này là của con. Con tính thế nào đó cho thuận là được.
*
* *
Nhờ tài tháo vát của vợ, chỉ trong vòng một tháng, việc bán đất và mua nhà đều diễn ra theo ý muốn. Vợ Nam bỏ ra thêm một tháng tân trang ngôi nhà mới theo gu thẩm mỹ phương Tây. Hôm khánh thành, vợ Nam tổ chức buổi liên hoan hoành tráng. Khách cơ quan đoàn thể nhất là bên bố vợ Nam đến nườm nượp. Tiền thu về lãi lớn, vợ chồng Nam có thêm con xế hộp để đi.
Mẹ ra, Nam bố trí cho bà ở cả tầng tư. Mỗi lần lên xuống, thở không ra hơi. Nam chuyển hai đứa con đổi chỗ cho bà. Ở tầng ba cũng không đỡ hơn là mấy. Bà phải vin cầu thang đếm từng bậc mới xuống tầng một ăn cơm được. Thấy không thuận, Nam bàn với vợ đổi chỗ cho mẹ ở tầng hai. Vợ Nam nhíu mày gắt toáng lên: “Anh xem tôi phải đầu tư biết bao nhiêu công sức mới có căn phòng cho hai vợ chồng. Bây giờ lên tầng ba phải làm lại từ đầu trong khi mẹ ở đây lại quá phí phạm”.
Đúng lúc đó bà đi qua. Bà đã nghe được lời cô con dâu nói. Khi gặp Nam, bà đề nghị:
- Mẹ không leo tầng được đâu, cho mẹ ở tầng một, con xem có thể sửa chỗ cầu thang…
- Được mẹ ạ, để con lo cho.
Cô con dâu như từ trên trời rơi xuống nói thay Nam.
Chỉ vài ngày sau, gầm cầu thang nhà Nam đã thành căn phòng khá đẹp. Vợ Nam mua cho bà chiếc giường nệm nhỏ xinh và chiếc tủ đựng quần áo hợp với căn phòng. Một chiếc bàn gỗ vuông dành cho bà ngồi ăn trầu. Hơn cả mong đợi, vợ Nam còn mua chiếc bô đựng bã trầu có hoa văn Bát Tràng nhìn rất ưa mắt.
Mới đầu vào ở, bà rất thích. Bà thấy thuận tiện và tự do. Nhưng ở lâu bà không chịu nổi. Căn phòng kín quá. Nếu đóng cửa bà không tài nào thở được. Bà phải mở cửa suốt ngày đêm. Những hôm có khách, bà ngồi trong phòng đóng kín chỉ mỗi việc chắp tay cầu trời khất Phật cho đám khách về nhanh để mở cửa.
Một hôm, Nam đột ngột bước vào, anh thấy mẹ ngồi nhắm mắt, chắp tay như tụng kinh: “Các ngài về nhanh lên cho tôi mở cửa, nếu không tôi chết mất”. Nam hốt hoảng: “Mẹ ơi sao mẹ không nói sớm. Để con tìm cách”.
Ngay hôm đó, đám thợ cũ có mặt. Họ thay cho bà cánh cửa mới có nửa phần trên thông thoáng và lắp chiếc quạt thông hơi xuyên qua nhà vệ sinh. Thời đại khoa học đúng là có khác. Với sự thay đổi ấy, việc hít thở không khí của bà không thành vấn đề nữa. Nhưng vấn đề mới lại xuất hiện. Bà vốn quen với khoảng trời mênh mông. Bước ra cửa là đồng bãi bạt ngàn cây cối. Bây giờ ngồi mãi trong căn phòng tám mét vuông, bà thấy bức bí. Đó là lý do để bà mắc lỗi với cô con dâu và bị cô con dâu chì chiết những lời khó nghe như thế.
*
* *
Sau hôm sự cố ăn trầu ngoài phòng khách, lần đầu tiên bà chủ động gọi con trai vào phòng mình. Bà nhìn con với ánh mắt buồn rất hiếm hoi khi cả đời bà chỉ biết sống cho con:
- Mẹ thấy mình không hợp với ngoài này. Mẹ đi lên tầng không được. Mẹ sống trong căn phòng nhỏ này cũng không được. Mẹ muốn con về quê chuộc lại ít mét đất nhà mình đủ làm cho mẹ căn nhà nhỏ. Con hãy để mẹ về.
- Mẹ ơi, chỗ đất nhà mình đắt lắm, con lấy tiền đâu để mua hả mẹ.
Đúng lúc đó, vợ Nam đẩy cửa bước vào. Cô nhíu mày:
- Mẹ nói vậy cũng đúng, người già cần có không gian, con cái nên chiều theo ý mẹ, anh ạ.
Vợ Nam thường có quyết định nhanh và “hợp” ý mẹ nên anh phải thực hiện ngay. Nam mua đất, xây nhà và đưa mẹ về ở. Từ đấy, dân làng bỏ cách xưng hô mẹ Nam mà chuyển sang gọi bà là Mẹ xóm Đoài.
Về làng, Mẹ xóm Đoài như con chim sổ lồng. Bà đi hết nhà bà con trong làng hỏi han trò chuyện. Ai cũng quí và thương bà. Thấy bà côi cút, Tùng cháu họ xa của bà, làm phó thôn thường đến thăm. Một hôm, Tùng trách:
- Tại sao bà cứ sống cho anh Nam mãi thế. Bà phải sống cho bà nữa chứ. Anh Nam có vợ con đàng hoàng rồi. Nhẽ ra anh phải lo cho bà mới đúng…
Ảnh: Tam Nguyen
Cùng lúc đó, Thúy bạn học thời phổ thông với Nam nay là bí thư chi bộ xã bước vào nhẹ nhàng nói:
- Tùng nói đúng đấy bà ạ, con thấy anh Nam bây giờ khác trước nhiều quá. Anh quen dựa vào sự chở che vô điều kiện của bà nên sống ích kỷ, thực dụng. Nếu bà cứ tiếp tục sống như thế, con tin anh Nam sẽ còn trượt sâu thêm trên con đường lầm lạc ấy.
Nghe Tùng và Thúy nói, bà ngồi lịm đi một lúc rồi thở dài:
- Bà quen sống như thế, nay bảo bà sống khác đi, bà không làm được. Thế hệ bà xưa cũ quá phải không các cháu?.
*
* *
Hai năm đầu tính từ ngày bà về lại quê, cả gia đình Nam thường về thăm bà vào dịp hè. Hai đứa con sống thật khó khăn ở quê. Đứa em nói:
- Nhà vệ sinh ghê quá anh ạ, em không dám đi.
- Tao cũng vậy. Thôi cố nhịn về Hà Nội thôi.
- Em đã nhịn được mấy lần rồi, nhưng lần này không được. Em phải làm sao đây?
Thằng anh nêu sáng kiến:
- Em lấy bông của mẹ bịt vào hai lỗ mũi và dùng khăn tắm bịt mắt lại mà đi nhanh lên.
Nam nghe con nói chuyện với nhau mà lòng quặn đau. Sau lần ấy, anh thường về thăm mẹ một mình, nhưng mật độ thưa dần.
*
* *
Mẹ xóm Đoài ốm, bà bị cảm lạnh để quá lâu dẫn đến phổi bị hoại tử. Sau một tuần chữa trị ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ điều trị nói riêng với Tùng:
- Do để quá lâu, phổi của bà bị hoại tử nghiêm trọng. Bà chỉ sống được ít ngày nữa thôi. Gia đình nên chủ động lo chuyện hậu sự cho bà đi, anh ạ.
Chờ lúc bà tỉnh, Tùng hỏi:
- Bà có điện thoại anh Nam không để cháu gọi anh về.
Bà vừa thở vừa nói:
- Có nhưng bà làm mất rồi.
Nói xong, bà đi vào hôn mê sâu.
Trong làng xã, Nam chẳng giao du với ai. Những lần về, chiều mẹ, Nam lên mộ tổ trên núi và nhà thờ họ thắp hương. Cứ làm xong là Nam về, không chuyện trò nên chẳng ai quan tâm đến Nam cả.
Hai ngày sau thì bà tỉnh lại, bà gọi Tùng đến bên:
- Cháu tính xem tổng số tiền bà chữa bệnh và trang trải đám tang hết bao nhiêu?
- Chắc gần ba mươi triệu bà ạ.
- Thế nhà của bà bán được khoảng bao nhiêu?
- Dạ khoảng 70 triệu đồng.
- Bà còn hai mươi triệu để trong chum thóc cháu bán giúp bà cái nhà, chi mười triệu cho con cháu đến trông nom bà mấy ngày qua rồi giữ lại hai mươi triệu thắp hương ông bà tổ tiên hàng năm thay Nam. Làm ma chay xong còn lại bao nhiêu cháu đưa cho hai đứa cháu nội giúp bà. Bà muốn cháu nói với bà con xóm làng là tha thứ cho Nam, đừng trách Nam vì bà biết Nam cũng chẳng sung sướng gì.
Dặn Tùng xong, mẹ xóm Đoài lặng lẽ ra đi trong niềm thương tiếc của chòm xóm.
*
* *
Nam nói với vợ:
- Anh thấy nóng ruột quá, chủ nhật này anh về thăm mẹ.
- Bà đang khỏe không việc gì đâu. Anh không nhớ chủ nhật này có hẹn đến nhà ông thứ trưởng à? Em đã mua cho bà điện thoại để bàn rồi. Hôm nào về ta lắp cho bà để tiện liên lạc. Dịp này em muốn anh tập trung vào việc như bố dặn, đề bạt viện trưởng xong, ta về vẫn chưa muộn anh ạ.
Tính từ ngày bà mất cho đến ngày Nam nhận quyết định Viện trưởng vừa tròn một tuần. Khi chiếc xe ô tô của Nam đỗ trước cổng anh gọi toáng lên:
- Mẹ ơi, con về đây này. Mẹ ơi! Mẹ ơi.
Không có tiếng trả lời. Cửa vẫn cài chốt bên trong. Nam kiễng chân ngó vào. Bên trong có người, không phải một mà có nhiều người. Nam lay cánh cổng bằng tôn hỏi:
- Có ai trong nhà không, mở hộ cửa với.
Khoảng năm phút sau, Tùng đi ra nhìn Nam chằm chằm:
- Ông hỏi ai?
- Tùng không nhận ra anh ư? - Nam ngạc nhiên - Là Nam đây mà.
Tùng thủng thỉnh:
- Tôi chẳng biết Nam nào cả?
- Mẹ anh đâu?
- Mẹ anh chuyển chỗ rồi.
- Mẹ anh chuyển về đâu, cho anh biết đi.
- Ngoài… nghĩa địa làng.
Nam quát:
- Mày nói cái gì?
Tùng đưa cho Nam tờ giấy bán nhà, bản quyết toán tiền thuốc, chi phí ma chay và phong bì ba lăm triệu đồng, thêm năm triệu tiền phúng viếng. Mặt Nam tái đi rồi quay lại nhìn vợ, cái nhìn quyết liệt chưa từng có. Nam tiến lên vung tay tát vào mặt vợ rồi quát:
- Cô đã giết mẹ tôi.
Người vợ nhìn Nam ngạc nhiên. Cô đã bắt gặp sự phản kháng dứt khoát chưa bao giờ có của chồng. Đột nhiên, cô bừng tỉnh nhận ra lầm lỗi của mình. Cô không khóc mà nhắm mắt đứng chờ cát tát tiếp theo của chồng. Nam tính vung tay lên tiếp thì Tùng lao vào vằn mắt lên và giữ tay Nam lại.
Nam buông tay ngồi gục xuống khóc hu hu:
- Mẹ ơi! Con sai rồi. Con sai rồi…
*
* *
Khu nghĩa địa làng nằm ở chân đồi thông nhìn xuống khe suối nước trong veo. Mộ bà mẹ xóm Đoài vừa chôn đất còn mới cỏ mọc lưa thưa. Vài nén hương cháy giữa chừng, đen sẫm vì mưa gió ngả nghiêng. Nam ôm mộ mẹ khóc như mưa. Vợ Nam quì xuống bên mộ bà nước mắt âm thầm chảy.
Mặt trời vội vã bị hoàng hôn nuốt trọn, trong ráng chiều loang lổ những vệt nắng đang tàn lụi, Nam liêu xiêu theo vợ đi ra xe.
Đêm đó trời nổi giông.
Sấm chớp rạch xé không gian vỡ vụn. Trên cao, những dòng nước xối xả đổ xuống nghĩa địa. Người xóm Đoài bảo nhau: Mưa thế này, những người dưới mộ mát mẻ lắm!
Nguyễn Đăng An (QĐND)