Dã quỳ với những cơn say
Anh chồng của nó ngồi chễm chệ trên một khúc gỗ mục gần đấy, phì phèo điếu thuốc ra ý chờ vợ khuân hết đống củi đó lên chiếc xe bò để công việc cuối cùng là anh ta sẽ làm cái việc mà theo anh ta là thiên chức của một đức ông chồng đáng kính. Đó là chỉ việc ngồi lên trên đống củi vừa xếp gọn đấy, cầm roi, quất những lằn roi lên lưng con bò khốn khổ, kéo củi về nhà.
Đêm của núi rừng, cái nóng của Tây Nguyên cứ hừng hực phả vào cơ thể của con người, trong căn nhà tối om với một ngọn đèn dầu hiu hắt, ngột ngạt đến khó chịu. Hôm nay lại cúp điện. Nó ẵm thằng con trai bụ bẫm ra chiếc võng ngoài sân, ôm con hát ru và ngắm trăng, hóng mát. Tiếng ru thoảng nghe êm ái ngọt ngào nhưng ngẫm ra tiếng ru ấy cứ như nỉ non, ai oán. Tiếng ru cứ vỡ dần ra, len lỏi trong không gian, hòa vào mùi hương ngan ngát tỏa ra từ khóm dã quỳ đầu ngõ. Khúc ru của người mẹ nơi núi rừng im bặt bởi tiếng quát, tiếng chửi đổng của một ông chồng suốt ngày chìm trong men rượu. Anh ta vừa về sau một trận chén chú chén anh cùng với mấy người bà con chung làng.
Mà lạ, cái xứ này hễ cứ là đàn ông thì phải uống rượu, người người uống rượu, nhà nhà uống rượu, người ta nấu rượu chỉ để uống, không phải để bán. Càng không có khái niệm cốc rượu, li rượu, chén rượu mà là bát rượu, người ta uống bằng bát, tức là người ta uống rượu như uống nước. Và vì lúc nào cũng sẵn rượu để uống cho nên bàn nhậu được lập nên mọi lúc, mọi nơi. Là những ai kia chứ, cũng từng đấy ông hàng xóm, quanh đi quẩn lại. Nó không hiểu nổi các ông lấy đâu ra chuyện để tâm sự, để bàn bạc, để trao đổi nhiều như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác mà vẫn không hết chuyện. Những câu chuyện mang tên là tình thân là bằng hữu, là chiến hữu... Để rồi những cơn say thường trực trong từng căn nhà. Những âm thanh chửi đổng, nguyền rủa, đá thúng đụng nia thường xuyên hơn. Mà chỉ toàn là âm thanh các đức ông chồng tạo ra thôi. Thỉnh thoảng ở đâu đó có vài âm thanh của người đàn bà mạnh mồm nào đó tạo nên thì cũng lại tắt ngấm ngay sau những trận đòn tơi tả. Hoặc những tiếng quát: "Mày câm ngay, đàn bà xó bếp, biết gì chuyện đàn ông!". Núi rừng lại sẽ trở về bình yên, tịch mịch như chưa có chuyện gì xảy ra. Những người đàn bà ở đây suốt ngày quanh quẩn xó bếp, ruộng nương, cái khổ chung của nhiều người khiến cho họ nhìn mãi đâm quen. Thấy đó là chuyện thường, họ không cho là khổ mà thay vào đó họ nghĩ đấy là thiên chức là bổn phận. Nếu cảm thấy khổ quá thì họ cũng chỉ cho đó là số phận. Mà ở đây, số phận của những người đàn bà có gì khác nhau? Ít học, ít giao tiếp. Thế giới của họ là bạt ngàn núi rừng, là nương rẫy, là bếp núc, là chồng, là con. Một người sống trong môi trường chỉ toàn nhà tranh, chưa hề biết đến những tòa nhà chọc trời với đầy đủ tiện nghi hiện đại, thì làm gì tồn tại trong đầu họ phép so sánh cuộc sống giữa những căn nhà tựa thiên đường kia với mái tranh nghèo của họ, có một sự chênh lệch là cực đại. Họ bằng lòng, cui cút với thân phận của mình một cách đáng thương. Nhưng chẳng mấy khi họ nghĩ mình đáng thương. Họ cho rằng những gì mình đang chịu là chuyện bình thường kiểu mặt trời thì cứ phải mọc đằng đông vậy.
Có lẽ nó cũng sẽ như những người phụ nữ xung quanh nó, bằng lòng, vui vẻ với những thiệt thòi nếu nó không biết quá nhiều. Mà ở đời thì không cứ phải biết nhiều sẽ là sướng. Hôm nay, nó trở dậy thật sớm, khi anh chồng và cậu con trai đang còn say sưa ngủ. Nó nhanh nhẹn chuẩn bị đi chợ huyện mua đồ chuẩn bị làm tiệc mừng thọ cho mẹ chồng. Lôi bộ quần áo được may từ ngày cưới ra mặc. Chải lại mái tóc dài óng ả, ngắm mình trong gương, khuôn mặt vẫn rạng ngời nét xuân dù không điểm một chút phấn son. Nó mỉm cười. Bộ quần áo vẫn còn mới tinh vì chẳng mấy lần có dịp như thế này để ra khỏi nhà mà cần đến nó. Chợ huyện hôm nay rộn ràng đến lạ, toàn hoa là hoa. Người bán hoa đứng xếp hàng với những giỏ hoa chậu hoa hồng, lưu ly, cẩm chướng... đua nhau khoe sắc. Ngỡ ngàng một hồi, nó mới biết hôm nay là ngày quốc tế phụ nữ. Kí ức ngày xưa hối hả ùa về trong tâm trí nó. Ngày xưa, khi còn đi học, nó từng là một sơn nữ làm say đắm biết bao nhiêu chàng trai miền xuôi. Nó cũng biết bao nhiêu là ngày lễ trong một năm mà xã hội ưu ái cho người phụ nữ như nó. Nó cũng từng được nhận những món quà, những yêu thương từ một chàng trai mà theo ba mẹ nó là nhất quyết không được lấy làm chồng. Rồi số phận, vì số phận của nó là gắn với anh chồng nó bây giờ. Mà đã là số phận thì phải cam chịu chứ than vãn làm gì.
Nó đứng lặng ngắm nhìn những bông hồng, hoa cẩm chướng chúm chím trong những cái xô của người bán hàng. Nhìn cả những người đàn ông vẻ hào hoa, lịch thiệp một mình lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống vừa mua xong ghé lại mua hoa tặng mẹ, tặng chị, tặng vợ hay người yêu. Những cặp vợ chồng, những đôi tình nhân ríu rít bên nhau. Các anh, các chàng mua hoa rồi với cử chỉ tràn đầy yêu mến trao cho một nửa của mình. Nhìn những ánh mắt rạng ngời hạnh phúc kia, sống mũi nó cay xè. Bao nhiêu năm rồi nó không còn biết đến những ngày lễ như vậy, và sẽ còn bao nhiêu năm nó không biết nữa nhỉ. Nó cúi mặt rảo bước thật nhanh như chạy trốn.
Hoa dã quỳ mùa này thật là đẹp, đẹp đến nao lòng. Chẳng hiểu sao nó cứ yêu loài hoa này đến thế. Nó vừa nhìn thấy những bông hoa đắt tiền được bày bán dưới chợ kia là biểu tượng của sự đài các, kiêu sa. Chúng rất đắt tiền, nó cũng thèm, cũng ước ao được tặng một bông để được mân mê từng cánh hoa, được ngửi cái mùi hương của hoa, để nâng niu, áp sát hoa vào lồng ngực như một biểu hiện cảm ơn người đã quan tâm đến mình. Còn loài hoa hoang dại suốt đời vui cùng nắng cùng gió này có ai để ý đến. Có ai đem bán dã quỳ, mà có bán thì ai mua? Bất giác trong tâm trí nó ẩn hiện hình ảnh những bông dã quỳ là hiện thân của những người đàn bà như nó. Nó thấy thương dã quỳ nhiều hơn. Nó nhẹ nhàng bẻ từng khóm hoa, được một bó rõ to, đem vào nhà. Loay hoay tìm mãi nó mới tìm được một cái ca nhựa cũ kĩ, nó tỉ mẩn cắt tờ giấy báo dán xunh quanh ca cho nó giống một cái bình. Dã quỳ rực rỡ trên bàn ở một góc trong phòng khách. Nó cười mãn nguyện với món quà tự tạo, coi như mình cũng có quà. Căn nhà trở nên sáng sủa, ấp áp. Một bản tình ca được vang lên từ chiếc ti vi được người đàn bà đang rất yêu đời nghêu ngao hát theo. Dã quỳ trong bình vẫn lặng lẽ, lặng lẽ như cái bản tính vốn có của loài hoa này, lặng lẽ đến cam chịu.
Xoảng! Bình, hoa, nước thành một bãi nhòe nhoẹt ngoài sân trước sự ngỡ ngàng của nó, thằng con khóc thét lên chạy lại ôm chầm lấy mẹ vì sợ cơn thịnh nộ của cha. Những chuyện như thế này xảy ra thường xuyên đến mức cu cậu đâm quen, cứ thấy những âm thanh bất thường là lại chạy ù vào lòng mẹ. Sau cái ôm vỗ về thằng bé nín thinh, ngơ ngác nhìn cha sợ sệt. Khuôn mặt người cha đáng kính hầm hầm, mắt lằn lên những tia lửa giận đỏ au có lẽ vì giận mà cũng có lẽ đó là hệ quả của trận chén chú chén anh cả buổi chiều nay. Hắn ta gườm gườm nhìn hai mẹ con nó giọng lè nhè: "Cái thứ đàn bà hư, không lo cơm nước, lo cắm hoa dại, rác nhà. Hôm nay mày điên à?!”. Và bài ca chửi vợ của hắn ta cứ đều đều, kéo dài gần như vô tận mà nếu không muốn bị ăn đòn thì mẹ con nó phải ngoan ngoãn ngồi đó mà nghe đến khi hắn không còn nhận biết thế gian này là gì nữa mới được. Nghĩa là phải nghe cho đến lúc hắn chìm hẳn vào cơn say. Những tiếng chửi rủa lè nhè của hắn nhỏ dần vì xem chừng cái thứ nước màu trắng gần như nước, có được là nhờ cả một quy trình dài ủ men chưng cất mà hắn uống ban chiều kia đã dần phát huy tác dụng. Hắn khật khưỡng, chao đảo đi như chúi đầu, đánh mình xuống chiếc chõng tre vừa nằm vừa ca tiếp. Tiếng cô phát thanh viên trên chiếc ti vi đang mở xem chừng đang lấn át dần tiếng của hắn. Người ta đang phát chương trình nói về ngày một nửa của thế giới đang được tôn vinh. Hình ảnh những người phụ nữ đang ngập tràn hạnh phúc trên ti vi cứ như đâm thẳng vào mắt nó, len lỏi vào máu nó, lên não bộ, xâm nhập vào tâm trí nó rồi từ từ như hàng ngàn mũi kim châm dội xuống trái tim nó. Nó thấy đau đớn, đau đớn đến nghẹt thở. Và nó nghĩ, có lẽ hôm nay nó điên thật!
Theo Giadinhvn