Cô Thủy
Chiến tranh đánh phá miền Bắc đã vào giai đoạn quyết liệt, ngày đêm máy bay quần rú, ngày nào chúng cũng đánh phá vào chiếc cầu trên đường quốc lộ bắc qua sông Đáy, nhiều đến mức sau nhiều ngày nghe tiếng máy bay gầm gào trên đầu mà chẳng mấy ai muốn xuống hầm trú ẩn.
Ban ngày, hễ nghe thấy tiếng máy bay, tôi lại leo lên bẹ cây dừa nước rồi bám vào cột dây điện truyền thanh để xem bom nhả ra từ bụng nó, giống như những chú lợn con từng hàng đen trùi trũi. Khói đen bùng lên như những trái núi, lan nhanh theo gió mù mịt cả vùng.
|
Có hôm chúng rải bom bi bừa xuống cánh đồng. Quả bom rơi ra lờ lững như một cái thuyền, rồi tách làm hai, tung ra những quả bé rơi xuống nổ thành trăm ngàn nốt sáng khắp mặt đất…
Sau trận bom bi, lũ trẻ ới nhau kiếm đồ chơi, chỉ cần lật vạt cỏ mới bị bom là lộ ra nhung nhúc những viên bi bé như hạt đỗ xanh méo mó màu chì. Cả khu tập thể cơ quan bữa tối mọi nhà phải ăn cơm sớm vì đêm xuống không được thắp đèn. Đêm, cả vùng quê chìm trong tĩnh lặng. Sự sống chỉ dội lên khi tiếng kẻng báo động chen lẫn tiếng chó sủa liên hồi. Có đêm máy bay xoẹt qua ném pháo sáng, góc trời sáng rực nhìn rõ cả những hòn sỏi dải trên đường. Sáng ra bọn trẻ con rủ nhau đi tìm dù pháo sáng, những mảng dù trắng tinh nhẹ bẫng.
Bom đêm qua lạc vào làng, nhà bà Tám là cái hố bom sâu, lở lói. Con bò nhà bà bị xé tướp, bay mất phần đầu, máu vấy lẫn ruột vắt vẻo ngọn tre. Cả làng vắng lặng. Trẻ con người lớn kéo nhau sơ tán vào những chiếc hang sâu trong chân núi.
Nơi sơ tán của cơ quan thực phẩm trước kia là một khu trại chăn nuôi của huyện. Khi tiếp quản sửa lại cái nhà tường gạch mái lợp giấy dầu làm hội trường. Đây cũng là nơi làm việc của thủ trưởng cơ quan, có dẫy kệ gỗ kê sát tường chất đầy sổ sách. Giữa hội trường là chiếc bàn gỗ dài hai bên đặt ghế băng, dùng cho tiếp khách, giao ban.
Sau hội trường là khu tập thể. Hai dãy nhà cho hộ gia đình và hộ độc thân chạy song song có cửa hậu ra khoảng sân chung. Nhà bương tre tường dựng nhứng trát bùn, mái lợp rạ. Hai đầu hồi và điểm giữa mỗi dãy được luồn sợi dây thép to bằng ngón tay rồi đóng cọc xuống hai bên sân để phòng gió bão. Dãy hộ gia đình thềm cao quay mặt ra cánh ao rộng được đắp bờ ngăn thành nhiều vuông nhỏ có cống thông nhau, thả bèo cái bèo hoa dâu để nuôi gia súc. Đằng sau là dãy độc thân. Tất cả các cánh cửa của hai dãy nhà đều bằng liếp đan. Phía sau nữa là bãi hoang, cỏ dại luồn lên mấy chiếc xe cải tiến gẫy bánh cùng vài cái bừa gãy răng, gỉ sét.
Lò mổ xây kín nằm riêng biệt trên cái sân rộng củi gỗ xếp ngổn ngang, cái sân lát gạch nhiều chỗ lún nước mưa đọng vũng. Trong nhà dẫy chảo to vật đặt trên lò xây bệ xi măng nước lưng chùng nghi ngút, củi dưới lò thốc liên tục hừng hực đỏ, cửa lò là mảng liếp phủ chăn chiên cũ quây chặt có người canh nghiêm ngặt để báo động phòng không. Từ nửa đêm cho tới tờ mờ sáng nơi đây tiếng lợn kêu tiếng chân người rậm rịch. Thịt tảng trắng nhởn quăng lên ô tô chở đi nhiều quầy bán lưu động. Sáng bạch khu lò mổ lại im lìm. Đầu hồi chiếc móc thịt treo mảnh bom xé làm kẻng, lỗ kẻng dắt chiếc đinh bù loong làm dùi gõ dài độ gang tay. Cây đu đủ chú Minh trồng trước ngày nhập ngũ đứng giang tay lặng lẽ, thân cây quả bám lúc lỉu xanh non tức nhựa.
Trước kia chú Minh và cô Thủy yêu nhau. Cô Thủy da trắng, mắt đen lấp lánh, đẹp nhất cơ quan. Hai người đã bàn nhau ngày cưới, rồi chú Minh trúng tuyển bộ đội. Một tối, tôi thấy hai cô chú đứng trong bóng tối đầu hồi. Không nghe rõ tiếng chú. Lát sau tôi nghe rõ tiếng cô Thủy: “Anh cứ yên tâm lên đường, ngày chiến thắng anh về, chúng mình sẽ nên vợ nên chồng”. Từ sau đêm ấy tôi thấy chú có vẻ buồn lắm. Thời gian nghỉ chờ ngày lên đường chú cưa gốc bương già thành từng khúc, hàng ngày lặng lẽ ngồi khoanh đùi vót đũa. Ăn xong mỗi bữa chú bẻ một đôi.
Chú Minh lên đường nhập ngũ để lại ở cơ quan cây đu đủ và những bó đũa cột chặt xếp cao. Cô Thủy bọc kỹ những bó đũa bằng giấy xi măng, cô bảo để dành cho ngày cưới.
Con đường rải đá trước mặt cơ quan thi thoảng đêm đêm rầm rập đoàn quân lầm lũi đi vào Nam. Vài lần tôi bắt gặp Cô Thủy đứng thất thần nhìn theo những người không quen biết, giơ bàn tay vẫy, mắt đỏ hoe.
Cơ quan có tổ mổ, tổ bán hàng, tổ chăn nuôi và tổ thu mua. Đàn ông bây giờ chỉ có hai người là bác thủ trưởng già nhất cơ quan và chú Mùi. Còn lại là các bà tuổi sồn sồn, các cô chồng bộ đội, dăm cô gái trẻ chưa chồng và lũ trẻ con. Chú Mùi ở tổ thu mua, chú lấy vợ sớm, con cái đã lớn. Có lần vợ chú lên cơ quan chơi, cô ấy răng nhuộm đen, áo gụ tươi, quần đen vải thô may kiểu chân què, chân đi lát vát, người khô như cái mõ. Chú Mùi bị dị tật ở bàn chân, mắt lác lộn, ngày trước khám nghĩa vụ mấy lần đều không trúng tuyển. Chú Mùi và mấy cô trong tổ thu mua chia nhau đến các xã trực tiếp thu mua thực phẩm nông sản được giao cho địa phương bán cho nhà nước như: lợn, gà, trứng, đỗ, lạc… theo tinh thần như khẩu hiệu kẻ trên nhiều bức tường quét vôi trắng lốp thường gặp ở mọi nơi. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người - Tất cả cho miền nam ruột thịt”.
Vào những dịp tổ thu mua về cơ quan nghỉ để chờ các xã báo ngày giao nhận hàng thì cả khu tập thể chộn rộn hẳn lên. Mọi nhà bê mâm bát quây ra khoảng sân nhỏ ăn chung. Mấy nồi cơm to nhỏ để chụm nhau, mâm thức ăn bày sát ăn chung. Mấy cô xới bát cơm to gắp đẫy thức ăn bê ra sân giếng khơi láng xi măng ngồi phệt, ăn xong xòe đôi bàn tay vỗ vỗ dòng nước trong vắt chảy từ chiếc bể lọc táp lên khuôn mặt đỏ phừng. Bữa cơm tối nhiều hôm vui như ngày hội.
Ồn ào nhất là đêm trăng có mặt chú Mùi. Sau bữa ăn họ chọc ghẹo nhau, rồi đám đàn bà kéo một cô hò nhau đẩy ngã vào chú Mùi. Cả đám cười sằng sặc. Chú Mùi bỏ chạy họ hùa nhau đuổi, chú trốn ở đâu họ cũng moi ra được lôi xềnh xệch ra sân. Họ kiếm dây buộc chặt chân tay chú rồi hò nhau lột áo lột quần. Chú Mùi nằm còng queo thở hổn hển “Thôi không đùa nữa! Bỏ tôi ra!”. Đám đàn bà áo dệt kim Đông Xuân trễ cổ thấy rõ bộ ngực lúc lắc trắng cười hú rũ rượi chạy vòng quanh…
Ánh trăng suông quầng mờ ảo, gió đồng ú ú thổi, tràn ngập từng cơn... Thời gian sau chú Ban là bộ đội phục viên được điều về làm kế toán ở cơ quan. Chú là thương binh ở Nam ra, bị mảnh pháo phạt một bên mông chân đi khập khiễng, bệnh sốt rét làm chú rụng gần như hết tóc, lộ da đầu trắng bủng. Cô Hiên là vợ chú làm thủ thư ở xã. Mùa hè năm ấy cô xin nghỉ lên ở với chú để chăm sức khỏe cho chồng. Cô chú lấy nhau từ lâu rồi mà vẫn chưa con cái. Vợ chồng chú ở gian đầu hồi cửa vào ngoảnh ra hè, sát vách nhà tôi.
Ngày nào chú Ban cũng dậy từ tờ mờ sáng, chú đi bộ tập thể dục, rồi tạt qua khu lò mổ phụ giúp mọi người. Các cô ở đó hay bồi dưỡng cho chú món phèo. Bộ lòng vừa kéo trong bụng lợn còn bốc hơi nóng hổi, cắt đoạn ruột non tròn căng như se điếu đã được thắt chặt hai đầu, muối trộn gừng giã dối tuốt đều rồi quấn vào cây củi, thọc vào hầm lò hồng rực. Đĩa phèo nướng thơm nức. Chú nhón từng miếng nhai trệu trạo. Mấy hôm sau chú lên cơn co giật, sốt cao nằm li bì, mọi người xúm lại tháo chiếc võng đay luồn hai đầu bằng dóng tre dài hai cô khiêng chú đi bệnh viện huyện. Cô Hiên đặt cái bếp mùn cưa sát hè nấu cháo hàng ngày múc vào chiếc cạp lồng mang đến viện chăm cho chú.
Cuộc sống cứ như vậy trôi qua tuổi thơ của tôi.
Theo thời gian tôi cũng đã phổng phao, đã bắt đầu thích ngắm những bạn gái xinh xinh trong lớp. Thi đỗ vào cấp III, tự do hơn một chút, nhưng mẹ vẫn luôn dọa: “Không được chơi khuya, cổng bảo vệ mà khóa, ngủ ngoài hè muỗi đốt chết mày!” Trực gác cổng là người cơ quan luân phiên nhau. Trong khu hàng hóa có hai chú lai Béc giê canh giữ.
Tôi lớn lên thân với cô Thủy hơn. Cô ở cái chái nhà vắng của khu tập thể. Bữa nào thấy đưa thư về cũng ngong ngóng, mà ba bốn năm qua đi vẫn không thấy thư của chú Minh. Cũng thi thoảng vắng mẹ, cô rủ tôi ngủ lại nhà. Hai cô cháu ngủ trên cái giường tre những cái nan làm giát tre có khi cộm qua chiếu nghiến phải da thịt.
Một tối cơ quan xuất thực phẩm muộn. Mấy chiếc xe lấm đầy bùn đất đậu dài sát dãy nhà kho. Các chú bộ đội tíu ta tíu tít làm cả sân tập thể rộn rã như ngày hội để khi xe pháo lên đường trả lại sự im ắng như tờ vốn dĩ của khu tôi ở.
Chín giờ đêm, tôi học xong, gập sách lại, nhìn sang nhà cô Thủy thấy sáng đèn bèn chạy sang. Cũng khi ấy vợ chồng chú Ban đi qua nhà cô Thủy. Chú Ban cà nhắc đi trước vợ, cô Hiên đi sau lễ mễ xách hai cái túi. Bóng họ chìm dần vào màn đêm vẫn nghe thấy tiếng cô Hiên trò chuyện với chồng cười khúc khích. Vào tới nhà thấy cô Thủy ngồi như tượng bên cửa sổ. Tôi định chạy lại ú òa cô như mọi khi. Tưởng cô giật mình nhưng cô vẫn ngồi im như phỗng. Bấy giờ tôi mới nhìn thấy cô Thủy mắt đang đầy nước mắt nhìn theo bóng vợ chồng chú Ban và cô Hiên.
Tôi thật thà hỏi làm sao cô khóc? Có tin gì của chú Minh hay sao?
Cô Thuỷ nhìn tôi, mắt ậng nước, lắc lắc đầu.
Đêm ấy tôi ngủ lại nhà cô. Nửa đêm thức giấc nhìn sang thấy cô vẫn nằm mở to mắt nhìn lên đình màn. Bấy giờ trăng đã lên. Mắt cô Thủy to và đẹp lắm. Nhìn thấy trong trăng trong veo và ở đó những giọt nước mắt chầm chậm rơi trên gò má...
Thời gian lại trôi đi thêm nửa năm nữa.
Hôm ấy đi học nhóm rồi mải chơi với thằng bạn ở làng bên về muộn tôi tính chui vào phòng bảo vệ ngủ tạm chờ sáng.
Thấy có tiếng động cô Thủy hỏi vọng: Hùng đấy à? Sao lại ngủ ở đây? Muỗi khiêng đi đấy.
Tôi cười khì khì không nói gì.
Cô Thuỷ lại nói: Không về nhà được thì vào nhà cô mà ngủ.
Thực lòng là tôi cũng chả thích ngủ ở phòng bảo vệ làm mồi nhậu cho đàn muỗi đói, nhưng nhớ lời mẹ dặn, con trai lớn đừng có ngủ ở nhà người ta nên từ chối.
Mang tiếng là phòng cho bảo vệ nhưng cũng chỉ có một cái giường được ghép bằng mấy miếng gỗ tạp đen xỉn, đêm làm giường, ngày để ấm tích chè tươi cho khách. Một cái bàn ép chặt vào tường cho khỏi lung lay, mấy chiếc ghế mỗi cái mỗi kiểu. Tôi leo lên giường thiếp đi khi nào chả hay. Cũng không biết khi ấy là mấy giờ khuya, tôi chợt thức giấc, từ từ mở mắt khi cảm thấy có cái gì nằng nặng đè vắt qua người.
Ánh trăng hạ tuần xiên xiên qua mấy lỗ thủng trên mái phòng bảo vệ, chiếu thẳng xuống chỗ tôi nằm. Tôi nhận ra có một cái chân đang vắt qua người mình. Cái chân trắng nõn, với cái đầu gối hơi co lại, tròn trĩnh như một phần của quả bưởi đã gọt vỏ. Tôi đoán cái ống quần sa tanh rộng đã tụt xuống dưới đùi, khi cô gác chân lên người tôi. Và không chỉ có cái chân, còn có một hơi thở rất nóng, rừng rực, đang phả vào sau gáy. Tôi nằm im thin thít. Đầu óc lộn xộn, họng cứng lại, chân tay như hóa đá.
Tôi nhận ra cô Thủy. Chắc sẽ có người hỏi làm sao mà thằng oắt mới lớn là tôi lúc ấy lại nhận ra cô, khi cô ở phía sau tôi. Phải, tôi nhận ra cô Thủy chính ở cái mùi thơm hăng hắc của hoa bưởi. Cô Thủy đặc biệt thích hoa bưởi. Vào mùa hoa, lúc nào cô cũng có mấy bông cất trong túi áo cánh. Đi đến đâu mùi hoa bưởi lại phả ra đến đấy.
Tôi nằm im. Cô Thủy cũng nằm im. Rất lâu. Lâu như thể thời gian đã trôi từ đêm đến sáng. Tôi thậm chí còn bị một con kiến đốt vào sườn. Vừa đau, vừa ngứa mà không dám thò tay để gãi.
Rồi cô Thủy quàng cả cánh tay lên vai tôi. Tôi bắt đầu nín thở. Nín một lúc, chắc lâu bằng quãng nín khi mấy thằng con trai thi lặn ngoài sông, thì không chịu nổi nữa, đành phải thở phì phì ra. Hình như cô Thủy có ý xiết lấy tôi. Không rõ nữa. Bất giác tôi nghĩ đến chú Ban. Không hiểu sao tôi lại nghĩ đến chú Ban, với một bên mông bị pháo địch nó phạt cho xẹp lép. Nghĩ đến cái nhìn của cô Thủy hướng theo hai vợ chồng chú lúc họ liêu xiêu đi qua cửa.
Tôi vùng dậy...
Vơ chùm chìa khóa cổng móc ở trên tường, tôi phóng vọt về nhà. Nghe tiếng động hai con chó thi nhau sủa ông ổng. Mẹ tôi vén màn thức dậy khêu cái đèn dầu cho nó sáng lên. Nhìn tôi đang ngồi bệt thở hồng hộc, mẹ hoảng hốt: “Sao vậy con?”.
Tôi lúng búng kể lại.
Sau này, mãi sau này, và đến tận bây giờ tôi vẫn không thể tha thứ cho mình về cái sự thật thà ấy.
Sáng ra, tôi bừng tỉnh khi nghe tiếng gắt gỏng bị kìm nén ngay sát vách nhà. Tôi lén nhìn qua cửa sổ. Ngoài sân giếng mẹ tôi đứng chống nạnh, đang xỉa xỉa tay về phía cô Thủy. Cô Thủy thì cúi gằm mặt trên chậu quần áo ướt, cứ vò mãi, vò mãi cái áo, như thể vò được nó thì bao nhiêu tủi hổ sẽ trôi đi hết.
*
* *
Lớn lên, tôi đi học, bôn ba, lăn lộn với cuộc sống sau chiến tranh rồi ra nước ngoài. Đất nước cũng bao nhiêu thay đổi. Khu nhà sơ tán xưa cũng không còn nữa. Hòa bình, người ta đã xây trên đó một khu nhà rất hiện đại và có những cửa hiệu sáng choang, đầy ánh đèn điện hắt lên như rõ cả bầu trời. Con đường lát sỏi vụn cũng thay bằng con đường nhựa phẳng lì nối với xa lộ nườm nượp xe cộ chạy suốt vào Nam. Chỉ riêng cái giếng cũ là vẫn còn. Không hiểu sao người ta không lấp cái giếng đi mặc dù đã có nước máy về tận nơi. Cái giếng với những viên gạch sứt mẻ, cỏ dại mọc đầy trên miệng.
Cô Thủy đã xin chuyển đi nơi khác ngay sau đận ấy. Nghe nói khi chiến tranh kết thúc chú Minh trở về, hỏng một mắt nhưng chân tay còn lành lặn. Như thế là may mắn lắm rồi.
Tôi nhớ cái dáng của cô Thủy hôm nào ngồi ở bên cạnh cái giếng đó. Trong một buổi sáng âm u, sắp mưa, cằm tì trên đầu gối, vò mãi, vò mãi chiếc áo trong cái chậu men in hình bông hoa hồng.
CHLB Đức, 2013
Văn Tất Thắng (VNQĐ)
Tin liên quan
