A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện thầy giáo Phúng

Quê tôi có rất nhiều miếu mạo, đền chùa. Mỗi ngôi đền, ngôi miếu thường mang dấu ấn lịch sử của vùng quê ...Có một ngôi miếu nhỏ ở giữa cánh đồng, tọa lạc dưới gốc đa cổ thụ. Cây đa gốc to tới mấy vòng tay ôm. Cành lá sum suê rậm rạp đến ánh sáng cũng khó bề xuyên qua. Trên cành cây tua tủa các rễ phụ buông xuống như tấm mành. Có rễ phụ bám xoắn vào thân cây nổi u lên gân guốc, sù sì. Đặc biệt có hai chiếc rễ phụ từ hai cành cây đối xứng nhau buông xuống cắm vào lòng đất lớn dần lên to như hai cây cột cái. Ngôi đền ở giữa trông như nằm trong một chiếc ỷ lớn.Ngôi miếu đó thờ ông giáo Phúng. Ông Phúng là giáo viên dạy ở trường tiểu học Kim Bị.

Quê tôi có rất nhiều miếu mạo, đền chùa. Mỗi ngôi đền, ngôi miếu thường mang dấu ấn lịch sử của vùng quê như đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, rồi miếu Tiên Công thờ mười chín vị có công khai sáng ra vùng đảo. Người dân quê tôi từ mấy trăm năm trước cũng không muốn khắc sâu hận thù vào quá khứ, đến cả tướng giặc Phạm Nhan cũng lập đền thờ. Mỗi ngôi đền hàng năm đều tổ chức lễ hội, dập dìu quan khách các nơi về dự lễ rất đông vui.

Có một ngôi miếu nhỏ ở giữa cánh đồng, tọa lạc dưới gốc đa cổ thụ. Cây đa gốc to tới mấy vòng tay ôm. Cành lá sum suê rậm rạp đến ánh sáng cũng khó bề xuyên qua. Trên cành cây tua tủa các rễ phụ buông xuống như tấm mành. Có rễ phụ bám xoắn vào thân cây nổi u lên gân guốc, sù sì. Đặc biệt có hai chiếc rễ phụ từ hai cành cây đối xứng nhau buông xuống cắm vào lòng đất lớn dần lên to như hai cây cột cái. Ngôi đền ở giữa trông như nằm trong một chiếc ỷ lớn.

Hằng năm đến mùa thi, bọn con gái chúng tôi thường rủ nhau lên miếu lễ. Chúng tôi sắm sanh lễ vật, vàng hương hoa quả cung kính đặt trước ban thờ lầm rầm khấn “Ngài linh thiêng, phù hộ cho chúng con thi đỗ lên lớp”. Cái Hương - bạn tôi còn biết xin “âm dương”. Nó khấn xong tung hai đồng tiền lên quay tròn, múa tít trong lòng đĩa một lúc mới nằm im - hai đồng tiền “một sấp, một ngửa”. Chúng tôi hỉ hả rủ nhau ra ngồi dưới gốc cây đa. Có một hôm may mắn chúng tôi gặp một bà già đi lễ. Bà cụ bảo: Các cháu đi lễ thày ư? Thế là ngoan lắm!

Tôi hỏi:

- Sao lại gọi ngài là thày?

Bà cụ cười xoa đầu từng đứa rồi bảo:

- Thế thì ngồi xuống đây bà nói cho mà biết.

*

*      *

Ngôi miếu đó thờ ông giáo Phúng. Ông Phúng là giáo viên dạy ở trường tiểu học Kim Bị. Ông đỗ bằng “xép- phi- ca”, tiếng tây nói làu làu. Khi đến lớp ông thường mặc bộ quần áo vải ka ki đồng màu, là li chém gió. Chiếc thắt lưng da to bản màu đen cài một chiếc dây bạch kim vòng xuống túi quần trông rất điệu. Tóc ông đen mượt chải “be ăng tin” bồng lên như lưỡi con trai. Mép, cằm nhẵn nhụi không gợn một sợi râu. Chân đi giày zôn, mũi cong cong như mõm ngóe. Ai cũng bảo - trông thày giáo Phúng đẹp trai phong độ như một vị hoàng tử

Tôi học thày Phúng năm lớp nhì. Cả lớp chỉ có ba học sinh là nữ: cái Hoan, cái Sửu và tôi. Lớp nhì là lớp lộ cộ về tuổi tác, bởi cái thời ấy thi cử rất nghiêm. Nhiều học sinh đúp từ lớp dưới lưu cữu mấy năm mới lên được lớp nhì. Học sinh lớp nhất thi rớt cũng tụt xuống lớp nhì, rồi học sinh lớp nhì lưu ban ở lại. Thành ra chênh lệch nhau đến năm sáu tuổi. Hoan, Sửu và tôi đều đã ở tuổi cập kê, đứng trước người đàn ông đẹp trai đã biết xấu hổ. Khi họ vô tình hay hữu ý đụng vào người là tim đã đập rộn lên.

 Nhiều hôm thày Phúng giảng bài ở trên, chúng tôi thường ghé tai nhau thầm thì: “Thày giáo đẹp trai nhỉ!”. Rồi sau đó bấm nhau cười rúc rích! Thày Phúng biết chúng tôi nói chuyện đột ngột ngừng giảng và gọi: Em Hoan nhắc lại đoạn thày vừa giảng - muốn tìm diện tích hình thang? Hoan đứng lên dõng dạc:

- Thưa thày! Muốn tìm diện tích hình thang

Đáy lớn, đáy nhỏ ta mang cộng vào

Xong rồi nhân với chiều cao

Chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra.

Thày Phúng khen - tốt! Thày lại say sưa giảng. Giảng xong, thày ra bài toán cho cả lớp làm tại chỗ, rồi thày đi xuống lớp đến từng người xem làm thế nào? Ai bí, thày gợi ý cho mà làm. Thày dừng chân bên bàn chúng tôi. Thấy cái Hoan đã làm xong, phương pháp và cách trình bày mạch lạc, thày cầm quyển vở giơ lên trước lớp tuyên dương: Các em nên học tập em Hoan. Thày trả vở rồi vô tư đặt nhẹ tay lên trán Hoan - em học khá đấy! Cái Hoan mừng rơn. Dọc đường về thỉnh thoảng nó lại đưa tay đặt vào trán tủm tỉm cười thầm.

Không biết thày Phúng có ý gì không, còn chúng tôi mỗi khi thày đến là trong người rạo rực cả lên. Một hôm chủ nhật thày đi đâu không biết mà ăn mặc rất bảnh bao. Tôi nhìn thấy bóng thày đi qua ngõ, vội vàng bỏ cả cối gạo đang giã dở chạy ra ngoài nấp sau bụi ruối nhìn thày đi về phía làng Đông. Cái làng Đông ấy có một ngôi chùa, bọn lính Bảo Chính Đoàn đã chiếm làm đồn bốt do một tên quan hai Pháp làm đồn trưởng. Một sự ngẫu nhiên hay hữu ý mà bên này là bốt chùa Đông, bên kia là đền Phạm Nhan. Như vậy là hai thằng giặc - một thằng giặc sống bên đông, một thằng giặc chết bên tây như hai gọng kìm kẹp con đường Cái Dắt ở giữa, khiến người dân đi qua ai cũng sợ không dám quay ngang quay ngửa. Mắt nhìn thẳng phía trước mà đi. Thày Phúng vừa đi đến đầu làng thì gặp một toán lính đi bắt phu. Tên cai Khanh hất hàm hỏi: Mày đi đâu? Việt Minh do thám hở?

Thày Phúng khoanh tay trước ngực:

- Dạ! Tôi là thày giáo ạ!

Nó thúc báng súng vào người thày:

 - Nếu là thày giáo thì đi phu cho săn gân cốt.

Chúng đẩy thày Phúng vào đám dân phu vừa đàn ông, vừa đàn bà đi vào thôn xóm, bắt chặt hết cây cối, bụi rậm. Đó là chiến dịch “phát quang” hòng cho Việt Minh không còn nơi ẩn nấp.

Tôi nhìn thày Phúng mà thương. Chao ôi! Những cây mít to, cành lá sum suê rậm rạp, thày mắm môi mà chặt. Mồ hôi mồ kê đầm đìa ướt đẫm áo thày. Quần áo thày ban nãy con sạch bong, thẳng thớm, giờ lem nhem những nhựa cây. Tóc thày rẽ ngôi bóng lộn, giờ lõa xõa bết trên trán. Gương mặt thày hốc hác, bàn tay phồng rộp những bọng nước. Thương thày quá, tôi đến nói nhỏ với thày: “Thày vào vườn chuối nhà em mà chặt”. Thày Phúng hiểu đó là phương pháp giải cứu cho thày đỡ mất sức. Thày nhìn tôi: “cảm ơn em!”

Sáng hôm sau nhìn dáng thày uể oải, tôi biết qua một ngày lao động khổ sai và với lòng tự trọng của người thày chắc là suốt đêm qua thày không ngủ được, sáng nay thày vẫn cố gượng gạo đến lớp. Vẫn bộ quần áo sạch tươm thẳng thớm, thơm tho, thày giảng môn lịch sử - Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Vừa giảng, thày vừa liên hệ chỉ tay qua ô cửa phía cánh đồng xa xa có một ngôi đền cổ lấp ló dưới lùm cây. Thày bảo:

- Chính ở nơi đó Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đứng xõa tóc chống gươm thị sát địa hình và hướng rút quân của giặc để bày trận đồ nhử cho quân giặc sa vào bãi cọc.
  
 



 Minh họa: Lê Trí Dũng

 
Mỗi khi giảng bài lịch sử xong, đôi mắt thày thường rưng rưng: “Các em phải tự hào về vùng đất quê ta ghi dấu ấn biết bao huyền thoại. Bây giờ đất nước ta vẫn còn giặc giã. Các em cố gắng học giỏi và lớn mau lên để cầm súng mà đi cứu nước”.

Trước đây, tôi chỉ biết chiến tranh qua những lời thầm thì của bố mẹ cùng những người hàng xóm và thi thoảng nghe thấy tiếng súng nổ ì ầm, tiếng động cơ của máy bay “bà già”, máy bay phóng pháo từng đàn như lũ quạ bay ngang qua bầu trời. Chiến tranh còn ở đâu xa lắm! nhưng bây giờ thì chiến tranh đã về đến làng quê tôi thật rồi. Không chỉ có bốt làng Đông mà các làng Vị Khê, Trung Bản, Yên Trung, Yên Thượng… làng nào cũng có đồn bốt. Tượng Phật ở các chùa chúng quẳng hết xuống ruộng, xuống ao, thay vì những tên lính Bảo Chính Đoàn, những tên lính Tây mắt xanh mũi lõ, những đoàn lính Com Măng Đô rùng rùng súng ống về làng. Gót giày đinh xéo bét be ngọn lúa. Đêm nào tôi cũng nghe thấy tiếng súng nổ đì đẹt trên các đồn bốt vọng lại. Có đêm đang ngủ nghe tiếng súng liên thanh từng tràng, tiếng súng trường “cắc bọp!”. Và ình ình từng loạt đạn “moóc chi ê”, cả nhà tôi nằm rạp xuống gầm giường tránh đạn lạc. Tôi hé mắt nhìn ra sân có những tia chớp xanh lét. Bố tôi bảo: “Việt Minh ta đang đánh đồn!”

Sáng hôm sau tôi nghe những người hàng xóm thầm thì: “Nó bắt được Việt Minh đang giải lên tỉnh”. Tôi chưa biết Việt Minh như thế nào? Chỉ biết qua những câu chuyện về việc họ đánh Tây gan dạ và dũng cảm lắm. Tôi hình dung họ cao to, giỏi võ thuật và phải là người ở đâu đến chứ không phải ở quê tôi. Nên khi tôi nấp sau bụi tre đầu ngõ nhìn ra ngoài đường cái, thấy đi giữa tốp lính súng lăm lăm là hai người đàn ông mặc quần áo ta màu nâu, tay bị trói giật cánh khuỷu, tôi giật mình nhận ra anh Chả và anh Hãy, đều người cùng thôn. Hai anh là thợ cày, hiền lành chất phác, ít nói. Thế mà làm Việt Minh ư?

Những trận công đồn xẩy ra trong làng như thế cũng không ảnh hưởng mấy đến sự học của chúng tôi. Trường lớp vẫn mở cửa. Học sinh đến trường đông đủ. Thày giáo Phúng vẫn bộ quần áo Tây là li chém gió cắp chiếc cặp da đen tới lớp. Nhưng có khác hơn là trước khi học thày thường cầm nhịp cho cả lớp hát bài:

                    “bao chiến sĩ anh hùng

                   Lạnh lùng vung gươm ra sa trường

                   Quân xung phong nước Nam đang chờ…”

Chúng tôi say sưa hát và tưởng tượng trong từng lời ca như chính mình là những chiến sĩ đang hăm hở cùng đoàn quân tiến ra phía trước. Cái Hoan, cái Sửu lại bấm chí tôi - thày giáo hát hay nhỉ! Tôi bảo: Khen thày thì có mà khen cả ngày. Thấy Hoan hay khen thày Phúng một lần tôi đánh bạo bắt lọn: Mày yêu thày giáo nhé! Nó cãi - vớ vẩn! Nhưng mặt nó lại đỏ bừng lên. Cái Sửu bảo, đúng tủ rồi mà còn già mồm cãi, hôm nao bọn tớ đi rình cho mà xem! Tôi bảo, họ đã có gì đâu mà rình với mò? Sửu bĩu môi, thế mà đòi biết. Buổi học nào cũng thấy thày Phúng dừng chân bên bàn học của cái Hoan. Tôi bảo: “Thày giáo nào chẳng cưng học sinh giỏi. Cái Hoan học giỏi toàn diện luôn đứng thứ nhất, thứ nhì ở lớp. Đã thế nó lại còn xinh gái nữa. Mày muốn thày năng đến thì hãy gắng học giỏi lên!”. Sửu lườm tôi - mày là cái đứa ba phải!

Chuyện tình yêu không ai giữ kín được. Từ miệng Sửu bay đi. Trong lớp đã có những tiếng xầm xì, và tôi cũng không khỏi băn khoăn. Có một buổi trưa tôi đang ứng dụng phương pháp tiết kiệm giấy của thày bằng cách lấy những quyển vở cũ ngâm vào chậu nước vôi trong. Chất ba zơ kiềm sẽ tẩy sạch những con chữ. Còn lại là những tờ giấy trắng tinh. Tôi phơi khô để đóng thành vở dùng lại. Cái Sửu hớt hải đến:

- Mày đã biết gì chưa?

- Có chuyện gì?

- Cái Hoan bỏ nhà đi rồi!

Tôi hốt hoảng:

- Làm sao nó bỏ nhà đi?

- Người ta bảo: không biết tại sao tự dưng nó lại hư đốn thế? Buổi tối nó không học mà thường ngồi viết thư cho giai. Bố nó đánh nó và đuổi đi.

Tôi sụt hẫng cả người, ngồi thừ ra. Đang yên, đang lành, học giỏi như thế! Người cao thon lẳn xinh xắn như thế! Tiếng nói thì trong veo, nhẹ nhàng, thanh thoát. Người như thế mà làm cô giáo đứng trên bục giảng thì học sinh chỉ có há miệng mà nghe. Hoan là niềm hi vọng, là hệ quy chiếu của học sinh cả lớp chúng tôi. Vậy mà nó bỏ đi đâu?

Tôi và Sửu hối hả đi tìm khắp nơi hang cùng ngõ hẻm trong làng. Nhưng bóng dáng Hoan vẫn mất tăm mất dạng. Mãi mấy tháng sau mới có tin đồn cái Hoan nó hận bố mẹ mà bỏ nhà đi tu. Nhưng tu ở chùa nào thì không ai biết.

Lớp học ngơ ngác vì vắng Hoan. Tôi nhìn thày Phúng cũng có vẻ u buồn. Những lúc học sinh làm bài, thày hay ngồi trước bàn, tay chống cằm. Mắt nhìn qua khung cửa sổ xa xăm.

Vắng Hoan, tôi tưởng Sửu chẳng còn gì để nói về thày Phúng. Ai ngờ nó vẫn lục lọi những chuyện “bí mật” mà nó bảo là “mục sở thị”, nó giữ kín để đến hôm nay mới nói:

- Thày Phúng yêu cái Hoan là thật. Và cái Hoan yêu thày Phúng cũng là sự thật. Hai người thường xuyên viết thư cho nhau.

Tôi hỏi:

- Sao cậu biết?

- Cậu đúng là vô tâm. Chính mắt tớ trông thấy thày Phúng nhét thư vào cặp cái Hoan nhiều lần và có một lần họ… hôn nhau!

- Thật thế ư?

- Tao nói dối thì tao không bằng con chó!

Tôi ngồi phịch xuống chiếc chõng tre miên man một nỗi buồn vô cớ. Thày Phúng mà lại như thế ư? Chao ôi, hóa ra cái vẻ bên ngoài hào hoa, phong nhã chỉ là vỏ bọc khuất lấp đi  sự xấu xa, bỉ ổi. Rồi thì thày sẽ bẽ mặt cho mà xem. Người ta sẽ cười vào mặt thày. Tôi mông lung dằn vặt mấy ngày đêm rồi tự hỏi: Hay là mình cũng như cái Sửu  - yêu thày! Mẹ tôi ngồi trên chiếc chõng tre vá áo, thỉnh thoảng lại nhìn tôi lắc đầu - trông con dạo này hốc hác quá!

Khoảng hai tuần sau thì cái Hoan trở về. Nó tỏ ra bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Chúng tôi nghĩ chuyện riêng tư của nó tế nhị nên cũng không dám hỏi. Ở trên lớp nó vẫn là đứa học trò giỏi và thầy Phúng vẫn tỏ ra yêu quý nó nhất lớp.

Thế rồi, vào một đêm, bất thình lình tôi nghe tiếng súng nổ phía bốt chùa Đông. Tiếng súng nổ mỗi lúc một dữ dội. Bố tôi chạy ra rồi lại chạy vào. “Ta lại đánh bốt chùa Đông rồi. Phen này chúng bay ra bã!”. Bố tôi bảo cả nhà nằm rạp xuống gầm giường. Tôi lo sợ mắt nhắm tít, nghe tim mình đập thình thịch như đánh trống. Ngoài sân có tiếng chân người bước gấp gáp rồi một bóng người kẹt cửa chui  vào. Tôi hé mắt nhìn ra. Đúng là một bóng ma! Bóng ma đen xì ngó nghiêng rồi cất tiếng nói: “Ông bà anh chị cho tôi lánh tạm!”. Bóng ma chui tọt vào trong buồng rồi im phắc!

Phía chùa Đông tiếng súng đã im bặt. Không gian trở lại yên tĩnh. Mọi người thở phào trở dậy. Bố tôi khêu tỏ ngọn đèn hoa kì soi vào trong buồng. Tôi hồi hộp phấp phỏng chờ đợi. Bỗng có những tiếng giày đinh lộp cộp ngoài sân. Ba bốn tên lính súng lăm lăm trong tay đạp cửa bước vào.

Một thằng có lẽ là chỉ huy túm lấy ngực bố tôi quát: “Mày giấu thằng Việt Minh ở đâu, nói ngay không tao bắn!”. Nó chí súng vào ngực bố tôi. Bố tôi lùi lại: “Các ông khám trong nhà xem. Nếu có Việt Minh trong nhà thì các ông cứ bắn!”. Nó đẩy bố tôi ngã ngửa xuống nền nhà rồi chia nhau sục sạo trong buồng, xét các gầm giường, xó xỉnh. Tôi run cầm cập chắp hai tay cầu đức Phật bà Quan Âm cho cái bóng đen ban nãy không phải là người, mà hãy là ma biến hóa đi cho bố tôi thoát chết.

Ba thằng lính sục sạo một lúc không thấy gì, chúng văng tục: “Tiên sư chúng mày!”. Rồi xồng xộc bước ra ngoài. Mọi người trong nhà thở phào. Bố tôi gọi: Ai trong đó ra mau, bọn lính đi rồi! Bóng đen từ sau bao thóc ở góc buồng chui ra, quần áo lấm láp, tóc tai bơ phờ, nhoẻn miệng cười trắng xóa:

- Xin cảm ơn hai bác và em Hới!

Dưới ánh đèn hoa kì lờ mờ cũng đủ cho tôi nhìn rõ khuôn mặt thày Phúng. Tôi không biết nói với thày như thế nào, đứng ớ ra. “Chẳng lẽ thày là Việt Minh ư?”. Thày Phúng mỉm cười xoa đầu tôi: “Ngày mai vẫn đi học bình thường em nhé!”

Nói xong thày chào mọi người rồi vội vã bước đi.

Sáng hôm sau tôi đến lớp rất sớm, đứng chờ thày ở cổng trường. Mừng lắm! Thày Phúng vẫn quần áo bảnh bao, tóc chải be ăng tin bồng lên như lưỡi con trai. Thày ung dung vào lớp. Đặt chiếc cặp da đen xuống bàn, thày bảo cả lớp hát:

… ngựa phi nơi xa tai nghe súng vang trên trời điệu kèn rộn rã là trang nam nhi. Quyết chiến sa trường, sống thác coi thường, mong xác trong da ngựa bọc thân thế trai…

Tôi rưng rưng vừa hát vừa nhìn thày Phúng như một nhân vật huyền thoại. Tôi coi thày là một anh hùng. Thày đã cùng những người du kích đột nhập bốt chùa Đông giết chết tên quan hai Pháp. Tôi thấy tự hào về thầy!

Nhưng tôi chôn chặt vào lòng những điều tai nghe mắt thấy về thày Phúng

*

*    *

Một đêm tôi lại nghe thấy tiếng súng nổ.

Tôi bồn chồn lo lắng, chỉ mong đêm chóng qua. Sáng hôm sau đến lớp, tôi lại đứng trước cửa chờ thày. Và tôi mừng khôn xiết khi nhìn thấy thày vẫn đến lớp. Thày lại viết lên bảng rồi cầm thước gõ vào từng chữ cho chúng tôi đọc theo:

          Trần Bình Trọng anh hùng ngàn thu trước

          Đem tấm thân bẩy thước chống sơn hà

          Mải lo đền nợ nước trả thù nhà

          Trong tâm khảm nặng tình yêu tổ quốc…

Chúng tôi đang say sưa đọc thì nghe những tiếng giày gõ lộp cộp ngoài hiên. Một tiểu đội lính súng lăm lăm trong tay xồng xộc vào lớp. Tên chỉ huy bảo: “Tất cả ngồi im!”. Chúng bắt thày Phúng giơ tay lên để khám trong người, rồi khám trong cặp. Chúng lôi ra một tập giấy. Thằng chỉ huy tát thày một cái. Năm ngón tay in trên má thày đỏ tía. Chúng xúm lại trói nghiến thày lại. Tôi nhìn những vòng dây thừng quấn quanh người thày Phúng mà thương thày quá. Chúng đưa thày lên chiếc xe com măng ca. Không biết chúng đưa thày đi đâu?

Chúng tôi ngơ ngác đứng nhìn theo. Mắt đứa nào cũng rưng rưng đỏ mọng

Mấy ngày hôm sau lại có một chuyện nữa xẩy ra: Không thấy Hoan đến lớp. Tôi và Sửu đến nhà Hoan thấy mẹ Hoan rầu rĩ ngồi tựa cửa, mắt vẫn còn đỏ hoe nói: “Bọn lính vào nhà bắt nó từ mấy hôm trước rồi!”. Đất dưới chân tôi như sụt xuống. Hẫng hụt bàng hoàng, tôi và Sửu đứng nhìn nhau – Cái Hoan cũng là Việt Minh ư?

Tôi tưởng chúng sẽ đưa thày Phúng và Hoan sang nhà tù Máy Chai Hải Phòng, hay nhà tù Sơn La, thế mà đột ngột mấy tháng sau chúng đưa thày Phúng về làng. Chiếc xe com măng ca kéo chiếc rơ moóc chở thày Phúng bị trói chặt chân tay. Nó bắt thày để đầu trần ngồi trên xe giữa nắng hè gay gắt đi vòng quanh làng. Bọn con gái chúng tôi vốn nhát như cáy, thế mà tự dưng đứa nào cũng mạnh bạo chạy ùa ra đường giơ tay vẫy gọi: “Thày Phúng!”

Thày Phúng chớp mắt mỉm cười, như nói các em ở nhà chăm học nhé, thày đi rồi thày lại về! Chiếc xe com măng ca lừ lừ tiến ra khỏi làng. Mọi người hỏi nhau:

- Chúng đưa thày Phúng đi đâu?

- Hay là chúng bắt nhầm thày giáo, bây giờ đưa về làng thả ra?

Bà Chiêm - mẹ thày từ thôn Yên Xá nghe tin hớt hải chạy lên đón thày. Bà đi được nửa đường thì nghe tiếng súng nổ!

Cả làng tôi cùng nghe tiếng súng nổ.

Mọi người giật thót hiểu ra. Chúng đã bắn chết thày giáo Phúng!

Trên cánh đồng thôn Thượng có một cái gò cách sông Bạch Đằng lịch sử vài trăm bước chân. Thày Phúng ngã xuống ở nơi đấy! Mấy năm sau có con chim nào nhả hạt đa xuống đó để mọc lên một cây đa. Cây đa lớn nhanh, rợp bóng mát che nắng cho dân cày đến nghỉ ngơi. Và không biết người nào đó đã đặt những viên gạch xây lên ngôi miếu nhỏ này để thờ thày Phúng cho tới hôm nay…

 *

*      *

Hóa ra bà cụ kể cho chúng tôi nghe chuyện này chính là bà Hới  năm xưa. Bà cầm khăn chấm vào đôi mắt nhăn nheo rồi nói: “Bà kể cho các cháu nghe về một thày giáo anh hùng và một nữ học sinh như thế cho vui thôi, chứ đối với các cháu bây giờ thì chuyện đó đã thuộc về chuyện ngày xửa, ngày xưa. Ngẫm ra bọn con gái các cháu bâ

y giờ thật sướng, chứ con gái ngày xưa có mấy ai được đi học. Người ta bảo, con gái học chữ chỉ có để viết thư cho giai”.

- Thì đúng là bà Hoan viết thư cho giai còn gì? - Tôi có ý đùa bà cụ Hớn.

Không ngờ bà bảo:

- Oan lắm! Hoan đâu có viết thư cho giai. Nó được giao nhiệm vụ nhận truyền đơn của thày giáo Phúng đi rải ở chợ, ở đường làng đấy chứ! Cái lần nó lên chùa là thầy Phúng cử nó đi tập huấn để có thêm trình độ mà tiếp tục trở về làng hoạt động. Cái chùa ấy ở làng bên kia sông, là cơ sở của Việt Minh cả thôi.

Tôi vội hỏi:

- Vậy bây giờ bà Hoan ở đâu?

- Bà ấy bị tra tấn đến chết ở nhà tù Sơn La từ dạo ấy rồi…

Trước mắt tôi như sầm tối lại và có cơn gió mạnh ùa tới xào xạc trên ngọn cây đa chảy òa xuống làm lắt lay ngọn cỏ

 Tiến Luận (VNQĐ)

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu