A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyến tàu cuối mùa đông

Tàu từ bên kia sông Côn qua. Nguyệt Hà và những người khách vội vã bước xuống tàu. Ðó là một con tàu cây, có thân khá dài và cái mũi ghếch xiên lên trời, với đôi mắt được vẽ to, tròng đen tròn như cái miệng chén. Con tàu xình xịch, lấy số de. Nước cuồn cuộn, ùng ục như sôi ở phía sau lái. Rồi nó từ từ rời xa bến sông có cái chòi lẻ loi, chơ vơ bên mấy cây so đũa lưa thưa, cằn cỗi. 

...Bây giờ gần cuối mùa đông. Gió bấc già ngọn thổi se se mấy đêm qua - Chắc Ðịnh cũng đang cuộn chăn, ôm ấp cô vợ mới cưới mà vui vẻ hạnh phúc?... Tàu ra giữa sông lớn. Gió ù ù. Nguyệt Hà kéo cao cổ áo. Ðã hai mươi mấy âm lịch. Cô trở về thành phố ăn Tết với gia đình. Mẹ chắc đang trông chờ cô con gái từ nơi xa xôi, hẻo lánh trở về. Mẹ chẳng bao giờ biết cô như một người làm vườn, sáng ra thấy cơn bão đã tàn phá hết hoa màu, cây trái... Tiếc nhiều lắm! Nhưng chẳng có cách nào khác. Ðịnh đã quay mặt một trăm tám mươi độ. Ôi ! Ðàn ông cũng không sao hiểu nổi, chứ chẳng riêng gì phụ nữ! 

- Cô bị mệt?... Tôi cho cô mượn cái võng ra phía sau giăng ngủ một giấc... Một giấc sẽ tới nhà. Ðường còn xa lắm! 

- Cảm ơn anh! Không sao...  

- Nguyệt Hà nhìn người đàn ông tốt bụng kia. Anh ta trạc ba mươi tuổi ngoài, mặc bộ quân phục bạc mầu. Trên cổ áo anh có đeo quân hàm sĩ quan xanh lá cây. Anh ta ngồi kế bên cô từ khi cô xuống tàu, nhưng Nguyệt Hà chẳng hề để ý. Lúc cô buồn ngủ, liêu xiêu dựa vào người anh, thì anh ta mới lên tiếng. 

- Anh... Anh ở đồn biên phòng? 

- Vâng... còn cô. Cô chắc làm ở huyện? 

- Dạ... Em ở trạm khuyến ngư... 

Tiếng máy tàu rì rì, đều đặn. Nguyệt Hà không cưỡng nổi cơn buồn ngủ. Cô biết đường còn xa lắm. Gần một ngày trời mới tới. Những xóm làng, những đám bần lá còn mờ sương trắng bên bờ sông, những dải đất lồi lõm từng khúc do bị sóng đánh lở, lùi lại phía sau. Con tàu phăm phăm xé nước, Nguyệt Hà ngả vào vai anh bộ đội biên phòng, thiu thiu ngủ ngon lành. Người sĩ quan ấy cố gắng không cựa mình để cô gái tạm tròn giấc ngủ: "Không biết cô ta có mơ gì không! Cô bé nầy cũng dễ ngủ như trẻ con!". 

Chiếc tàu khách khựng lại khi chạm vào một đám lục bình trôi trên sông. Phía dưới đám lục bình là một gốc cây to lờ đờ mặt nước. Có lẽ đây là một cây gỗ lớn bị đổ trên nguồn, vì lý do nào đó, nó đã trôi ra sông lớn. Người ta đã cưa ngang khúc thân cận phần gốc và bỏ mặc cái khúc gỗ dị dạng, lù xù ấy trôi nổi... Nguyệt Hà bừng mở mắt. Cô vịn vai anh bộ đội theo quán tính... "Xin lỗi anh... Tôi vô ý quá!" - Má cô thoáng hồng lên khi nhìn thấy khuôn mặt hơi phong trần nhưng khá đẹp trai của anh. "Không sao... Tôi thấy cô ngủ ngon quá! Nên chẳng dám đánh thức cô dậy!". 

- À. Anh về đâu... 

- Tôi về Tây Phố...  

- Tây Phố à!... Anh ở lối nào? 

- Ðến đó, tôi còn đi nữa. Tôi về đến Chợ Xép. 

- Anh chắc về quê ăn Tết...? 

- Không! Tôi chỉ tranh thủ về thăm con... Rồi phải trở xuống Cảng Cát! - Người sĩ quan bộ đội biên phòng nói. 

Nguyệt Hà nhìn anh, hỏi thăm như phép lịch sự thông thường: 

- Cháu lớn chưa anh? 

- Nó còn bé lắm... Nó ở với bà nội! 

Nguyệt Hà cảm giác hơi là lạ khi nghe người sĩ quan kia nói. Giọng anh ta thoáng dợm buồn. Nếu không nhìn vào đôi mắt người đàn ông ấy, người ta cũng khó lòng phát hiện. Cô bỗng hỏi vu vơ: 

- Sao lại ở với bà nội... Mẹ nó đâu? Trẻ con ở với mẹ mới phải chứ! 

- Vợ tôi mất khi con bé vừa lên sáu tháng! 

 Nguyệt Hà cảm thấy ái ngại: 

- ... Mới sáu tháng mà đã mất mẹ! Chắc nuôi nó vất vả lắm? 

- ... Con bé lại èo uột, đường ruột của nó không chịu được sữa hộp. Chỉ uống nước cơm với đường mà lớn! Bây giờ cũng ổn rồi, đã được bốn tuổi... - Người đàn ông ấy im lặng không nói nữa. Nguyệt Hà cũng im lặng. Hình như trên đời nầy, có những nỗi buồn không giống nhau! Nguyệt Hà miên man với những suy nghĩ của cô. 

- Cô về thành phố, rồi bao giờ trở xuống Cảng Cát - Người sĩ quan hỏi. 

- Qua Tết tôi mới xuống! 

- Anh ở đó lâu chưa? 

- Tết nầy nữa là tám năm... 

- Tám năm? Cũng khá lâu à!... Sao anh không xin chuyển về thành phố hoặc một nơi gần gia đình hơn? 

- Tại cô không biết đó thôi. Lính biên phòng chúng tôi phải ở biên giới, hải đảo hoặc cửa sông. Ở thành phố thì đâu còn gọi là biên phòng! 

... Cảng Cát là một vùng đất cuối sông giáp biển. Ở đây có một cảng cá với những làng, trại nuôi tôm dọc theo con sông Mỹ Xuân. Có truyền thuyết về một nàng công chúa đã chết ở xứ nầy thời xa xưa lắm. Mộ cô công chúa ấy còn đâu đây (?). Người ta kể lại rằng công chúa rất đẹp, tuổi mới cập kê... Chuyện tình của Nguyệt Hà cũng nhiều trắc trở! Cô về Cảng Cát gần tròn bốn năm. Ðịnh là một kỹ sư của Trung tâm khuyến ngư tỉnh. Những lần lên xuống trạm, Ðịnh đã quen Nguyệt Hà và chinh phục cô. Nguyệt Hà dần dần yêu Ðịnh, có lẽ do sự cô đơn nơi miền đất cuối sông này hơn là tình yêu đích thực. Thế nên cô cũng không khó khăn lắm để quên Ðịnh trong một thời gian ngắn sau khi anh có vợ. Bây giờ cô trở về mang một nỗi chán nản đâu đâu. 

...Trên chuyến tàu cuối mùa đông lạnh lẽo, người ta hình như dễ gần nhau hơn qua những câu chuyện đời thường, và đôi lúc là những câu chuyện riêng tư. Và có thể, họ sẽ trở thành những người quen trong những chuyến tàu sau nữa! 

Chợ Xép chỉ là xóm chợ nhỏ, lưa thưa bên cây cầu của thị trấn cận thành phố. Ngày cuối cùng của năm. Nguyệt Hà chợt nhớ lại câu chuyện của người sĩ quan bộ đội biên phòng trong chuyến tàu mấy hôm trước. Cô bỗng có ý nghĩ: "Anh ta nói với mình, về thăm con rồi trở xuống Cảng Cát. Thử ghé vào, tìm nhà hắn ta xem sao. Có thể anh ta nói cho ra vẻ!". Nguyệt Hà hỏi thăm, người ta chỉ cho cô một ngôi nhà ở cuối xóm. Căn nhà gỗ bình thường. Trước nhà có cây mai vàng được uốn hình con nai, bum búp nụ. Nhà mở cửa toang hoác. Nguyệt Hà bước lên thềm: "Xin lỗi... Có ai ở nhà không?". Không có người lên tiếng. Cô nhìn vào trong. Ðập vào mắt cô là một đứa bé gái chừng ba bốn tuổi, mặt mày sáng sủa nhưng hơi xanh xao, bị nhốt trong một cái giường khá rộng, có rào bằng những cây xống lá khô được bện bằng dây lạt dừa nước. Một cái chuồng nhốt con nít! Ðứa bé nhìn Nguyệt Hà có vẻ lạ lùng, rồi nó thản nhiên chơi tiếp với con búp bê đã cụt một tay, văng ra kế đó. Cô đi lại bên con bé. Nguyệt Hà đưa tay ra. Con bé lần vịn thanh rào, đứng lên và nắm tay cô, nó tỏ ra khá vui mừng, hai chân bung búng!... Có tiếng bước chân sau hè, và giọng người hỏi: "Ai vậy?". Nguyệt Hà thoáng bối rối, rồi cô trả lời: "... Cháu... Cháu là bạn của anh Tuấn!". Người đàn bà đã khá lớn tuổi, dáng người sạch sẽ, nhìn Nguyệt Hà: "... Cô là bạn của thằng Tuấn. Cô ngồi chơi, để tôi chăm nước uống nghe?" - "Cảm ơn dì!... Vợ anh Tuấn đâu. Thưa dì?"- "Vợ nó chết mấy năm rồi cô không biết sao?"- Người đàn bà kia có vẻ ngạc nhiên nhìn Nguyệt Hà chăm chăm - "Cháu ở xa mới về..." - "À, ra vậy!". Bà ta bỗng thoáng quay mặt, đưa tay lên quệt mi mắt: "Xin lỗi cô... Thấy cô tôi nhớ con dâu tôi quá! Nó là dân gốc thị thành, có chồng về quê mà giỏi lắm. Ngày nó còn sống, nó cáng đáng mọi công việc trong ngoài...". 

- Chị ấy làm gì ạ. Thưa dì? 

- Nó là cô giáo ở ngoài xã. Chồng nó đi làm xa, ít khi về lắm. Việc nhà nầy nó lo tất! - Mẹ Tuấn chỉ tấm ảnh bán thân trên bàn thờ. Nguyệt Hà nhìn người phụ nữ trong ảnh. Người trong ảnh có nụ cười hiền hiền, như đang nhìn cô. "Vợ anh Tuấn ở ngoài chắc đẹp lắm!". Mẹ Tuấn cầm một cái tô từ dưới bếp lên: "Tôi cho bé Thương ăn cơm. Cô ngồi chơi nhé!" - "Ðể cháu giúp cho dì... Em bé dễ cưng quá! Tội nghiệp...". Nguyệt Hà cầm lấy cái tô cơm trên tay mẹ của Tuấn. Bà nhìn Nguyệt Hà trân trân: "Trời ơi! Sao cô ấy giống con dâu mình quá vậy!" rồi chợt thì thầm - "Lan ơi ! Tết đến nơi rồi. Con về nhà ăn Tết với mẹ nhé..." - Bà thắp cây hương trên bàn thờ con dâu.

Nguyệt Hà từ giã bà Sáu, mẹ của Tuấn, ra về. Bé Thương nhìn theo Nguyệt Hà ngơ ngác. Có lẽ nó không hiểu vì sao cô ấy đến, rồi cô ấy lại đi? Theo lời kể của bà Sáu, mẹ của bé Thương bị tai nạn giao thông trên đường đi từ trường học về nhà. "Chắc tại nó nóng lòng về cho con nó bú, nên không cảnh giác bọn ấy!". Hai tay thanh niên uống rượu say, đã tông xe vào cô giáo Lan, làm cô chết ngay tại chỗ! 

- A lô! Anh Tuấn hở. Em... đang ở nhà anh! 

- Cô... cô là ai ! Mà sao cô lại ở... đó? 

- Em là Nguyệt Hà. Nguyệt Hà... trạm khuyến ngư Cảng Cát. Anh có nhớ không? Em chơi với bé Thương mấy hôm nay! 

- A! Cô Hà... Tôi cảm ơn cô nhiều lắm! Khi nào cô trở xuống, tôi sẽ khao cô một chầu để đền ơn! 

Nguyệt Hà cảm thấy vui vui trong lòng. Còn chuyện xuống Cảng Cát sớm hay muộn, cô vẫn chưa tính được... 

Khi Nguyệt Hà quảy hành lý xuống tàu trở về Cảng Cát thì trời đã sang xuân, nhưng không khí vẫn còn chút rét dìu dịu của cuối mùa đông vương lại. Ở trên bến tàu Cảng Cát hôm ấy, người ta thấy có một người sĩ quan bộ đội biên phòng, thỉnh thoảng lại đưa tay xem đồng hồ. Hình như anh ta có vẻ nóng lòng và sốt ruột lắm! 

...Nắng mùa xuân vàng trong mầu hổ phách. Xứ biển đẹp như trong tranh vẽ.

 Đặng Hoàng Thám/ Nhân Dân

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu