A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú Hiền

... Hôm vừa rồi trên Truyền hình quốc gia thấy chú Hiền xuất hiện cùng chiếc thuyền cóc chất đầy rác thải công nghiệp ở chương trình Chuyển động 24h. Chú ấy trở thành “Người tử tế” trong xây dựng nông thôn mới... 

Tranh minh họa

Lúc còn đi làm, cứ định đến lúc nghỉ hưu, có thời gian đi đây đi đó. Nhưng đến khi nghỉ lại bận hơn lúc làm việc. Hai vợ chồng suốt ngày đánh vật với mấy đứa cháu, mệt bã người! Lại còn sắm sửa ngày ba bữa ăn cho người, cho lợn, gà, mèo, chó… Đủ loại thức ăn truyền thống, công nghiệp… nên nhà lúc nào cũng như trại chăn nuôi và nhà trẻ thời bao cấp. Năm vừa rồi Nhà nước cho nghỉ Tết khá dài, tôi quyết định dứt ra về quê.

Tuy các cụ đều đã qua, nhưng còn làng xóm, anh em… Nhất là chú Hiền, đến mấy chục năm nay anh em chưa có dịp nói với nhau hết câu chuyện. Nên lần này về đến nhà là tôi hỏi thăm luôn. Các em, các cháu có vẻ khó nói. Sau chú út mới bảo: “Chú ấy vẫn một mình, dạo này càng lẩm cẩm. Hết nhặt túi ni lông đựng thuốc trừ sâu diệt chuột… trên các cánh đồng, mấy tháng nay lại sắm cái thuyền cóc với cái vợt, suốt ngày vớt rác ở đoạn ngòi xóm Trung và khu chợ, chuyển đến khu tập kết ở đầu làng, cuối tuần tay thầu chở thuê chuyển đến khu xử lý tận trên huyện. Người được cử đi thu gom rác từ các gia đình đều có thù lao, còn chú ấy tự làm, có được gì. Có hôm gặp tay thầu không cho đổ, phải mang về nhà, tối mới lại mang ra đổ. Càng già càng gàn, không ai lấy là phải!” Đứa cháu gái con chú út vẻ khó chịu: “Cả nhà mấy anh em đều tử tế, mỗi chú ấy một tính, một nết, nhiều lúc xấu hổ với mọi người!”

Hiền không phải là anh em ruột nhà tôi. Hiền là con chú thím Lành, chẳng biết người ở đâu lên làm mướn cho ông hàng xóm với nhà tôi từ cuối năm 1944. Nhà ông giàu có, lắm kẻ ăn người ở, nhưng ai chứa trẻ con. Lúc ấy Hiền mới vài tuổi, chú thím nói với bố mẹ tôi cho gửi để vợ chồng đi làm. Bố mẹ tôi nhận lời. Hiền hơn tuổi tôi nhưng đen và bé lách tách, suốt ngày chơi la lủi một chỗ không nghịch ngợm, biết nghe lời người lớn và cả tôi. Nó gọi tôi bằng anh, xưng em, thành anh em từ đó.

Cách mạng thành công chú Lành xung phong Nam tiến. Sau toàn quốc kháng chiến giặc tràn lên làng, mẹ con thím tản cư theo nhà tôi vào chân núi Cố Sơn. Thím Hiền vay tiền mẹ tôi đi buôn muối từ Đầm Đa, Ba Thá theo đường số 6 lên thị xã Hòa Bình rồi xuôi đò về khu tản cư bán kiếm lời. Có chuyến qua bốt giặc, bị chúng bắn, bỏ chạy mất muối may còn người trở về khóc mếu. Mẹ tôi lại chu cấp vốn đi tiếp. Tôi và thằng Hiền la lủi theo bố tôi dạy bình dân cho người lớn vào buổi trưa, buổi tối… ở nơi tản cư, thế mà biết đọc, biết viết. Đến năm có lớp phổ thông 1, 2 ghép, tôi ra học. Bố tôi bảo: “Cho thằng Hiền cùng đi cho có bạn!” Ai ngờ nó lầm lỳ thế mà cuối năm đứng nhất lớp. Mẹ tôi bực mắng tôi: “Mẹ cho mày ăn gì mà ngu dốt thua kém cả thằng Hiền mà không biết nhục!” Bố tôi bảo: “Hai đứa đều ngoan ngoãn, chăm học, thế là tốt rồi. Còn học giỏi như thằng Hiền là trí tuệ thiên bẩm. Nó học giỏi, con mình cũng được nhờ, sao nhà lại mắng để hai đứa cùng khóc!”. Một lần có bài toán khó tôi loay hoay cả buổi chiều không làm được. Nó bảo: “Em làm thế này, anh xem có đúng không?”. Nó phải nói đi nói lại mấy lần tôi mới hiểu. Sáng sau ra lớp thầy hỏi em nào làm được lên chữa. Nó ngồi im. Tôi xung phong lên chữa. Thầy khen giỏi và cho tôi điểm 10. Trưa về tôi khoe với mẹ, mẹ tôi phấn chấn: “Thế mới là con mẹ!” Từ đó mẹ tôi thân thiện với thằng Hiền hơn.

Sau hiệp định Geneva, chúng tôi hào hứng... cải cách ruộng đất. Thím Hiền được chia quả thực một gian nhà ngói và con trâu trắng quặp sừng. Tôi và thằng Hiền buổi sáng đi học, chiều chăn trâu. Cánh đồng chiêm khô, mùa lụt bỏ hoang có mấy năm mà lau sậy mọc bi li ban lan, ngọn bắc giàn mướp. Không biết chim, cò, vạc, giệc… ở đâu mà kéo về làm tổ nhiều thế… tranh nhau, cãi vã ồn ã suốt ngày, đúng là như chim vỡ tổ. Chúng tôi muốn vào tìm trứng nhưng rất khó. Lội ở dưới thì khó len qua gốc sậy, lại không quan sát được trên ngọn sậy. Chúng tôi đành bò ngang thân cong của cây tìm trứng, bước được, bước thụt, lại trèo lên chuyền tiếp kiếm tìm. Chỉ có con trâu quặp sừng của thằng Hiền là lách được sậy vào rừng. Hiền đứng trên lưng quan sát, có tầm nhìn rộng lại điều khiển được trâu nên lần nào nó cũng được rất nhiều, có hôm được lưng nón. Nó cho tôi phần nhiều, còn chia cho lũ bạn. Trứng nó mang về cho thím Lành bao giờ cũng ít hơn tôi. Cả bọn tôi đều quý nó. Năm học 1955 kéo dài thêm học kỳ 3 sang năm 1956, tôi và Hiền đều đỗ vào cấp 2 Phủ Lâm, phải đi học xa nhà nên mẹ tôi không muốn cho đi. Thím Lành xin đi theo lo cho hai đứa. Thuở ấy ở nhờ chứ không phải thuê nhà trọ như bây giờ. Thím làm thuê bất cứ việc gì để kiếm tiền, không ai thuê thì ra cánh đồng Chiêm mò cua bắt ốc bán nuôi hai chúng tôi. Thỉnh thoảng mới tranh thủ về báo cáo với mẹ về chúng tôi để mẹ tôi yên lòng, và nhận từ mẹ tôi ít gạo trộn lẫn... ngô mang đi. Ba năm cấp hai qua nhanh, chúng tôi đều đỗ vào cấp ba Hùng Vương. Thím lại gồng gánh theo hai chúng tôi cho đến khi học xong phổ thông. Hiền tốt nghiệp loại giỏi, lại con liệt sỹ nên được cử đi học nước ngoài. Tôi vào sư phạm.

Tết ấy về mẹ tôi bảo thằng Hiền xung phong đi bộ đội rồi. Tôi không ngờ, thấy tiếc cho nó. Sau vào Nam chiến đấu, chúng tôi mất liên lạc từ đó. Ra trường tôi xung phong lên Tây Bắc công tác, rồi sinh cơ lập nghiệp ở trên. Mỗi năm lúc còn các cụ tôi về được 1, 2 lần vào đợt Tết, hè. Về sau thưa dần, phần vì xa xôi, phần vì thời chiến. Có khi 1, 2 năm mới về một lần. Cuối 75 tôi về, Hiền vẫn bặt tin, thím Lành khóc cạn nước mắt. May mà có mẹ và các em tôi làm thím khuây khỏa phần nào. Mãi cuối 76 Hiền mới về phép, nói là bị thương phải nằm viện. Năm sau xuất ngũ. Cuối 79 tôi mới gặp Hiền. Nó cao lớn, béo và trắng hơn nhiều so với ngày cấp 3. Hỏi chuyện vợ con Hiền bảo: “Để xem đã!” - “Xem nom gì, 40 đến nơi rồi!” Lần khác tôi về nhà nghe nói Hiền vào Nam làm ăn. Lần sau về nhà bảo: “Có giấy từ miền Nam gửi ra, bảo vào giải quyết quan hệ nam nữ gì đó!” Rồi bẵng đi, cho đến Tết vừa rồi anh em mới gặp nhau. Sau khi nghe chuyện về Hiền tôi vào đề ngay: “Đã U70 rồi, sao không cho thím và các cháu ra ở cùng, để chồng Bắc vợ Nam đến bao giờ nữa…” - “Làm gì có...” - “Thế giấy truy nã gửi ra, chú vào ly hôn à?” Hiền à lên một tiếng: “Em vào để thanh minh cho một người đàn bà bị oan chứ có truy bức gì đâu…”

Dịp ấy, mấy anh bạn lính rủ vào làm thợ xẻ dưới chân núi Ngọc Linh. Chúng em làm ở miệt làng… xã Trà Linh, Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Đồng bào có tục nối dây. Một chị chồng chết có 3 đứa con, muốn ở vậy làm ăn nuôi con. Người em chồng nát rượu, lười biếng không ai lấy, muốn lấy chị dâu, chị ta không ưng. Một trận bão làm nhà cửa của mẹ con chị đổ, chẳng ai giúp dựng lại. Mẹ con chị cứ dầm mưa dãi nắng mãi, phải nhờ bọn em. Mấy anh người trong ấy sợ liên lụy không làm, em nhận và bảo họ cùng làm, công xá tử tế. Cậu em chồng tức bảo với già làng em tằng tịu với chị ta, bắt chị ta nộp phạt hết chiêng ché đến lợn, gà. Chị ta một mực kêu oan. Họ vẫn không tha. Họ bảo để minh oan phải gọi người đó đến để chứng minh vô tội. Em vào tới, cả làng rầm rập kéo đến chật nhà rông. Già làng phán: “Chúng mày tằng tịu với nhau phạm tội chồng nọ vợ kia, làm bẩn cánh rừng, phạm luật Giàng, không phạt thì rừng mất, đất trôi…! Bắt chị ta và em đối mặt sau lời luận tội, già làng bảo: “Nếu muốn chứng minh vô tội thì mỗi người cầm một thanh nứa già đã vót nhọn đâm vào lòng bàn tay của nhau mà không chảy máu mới là trong sạch. Chị ta tin, kêu em: “Làm đi!” để thanh minh. Em biết họ còn lạc hậu. Cái xiên nứa sắc ngọn thế, đâm vào chỗ nào chẳng chảy máu. Em bảo: “Chắc chắn già làng với chị ấy không có quan hệ. Nếu hai người làm thử trước và không chảy máu tôi mới làm. Trống chiêng vang lên phản đối, thúc giục: “Đâm đi! Đâm đi! Không được cãi!” Em đành đem tờ giấy chứng thương ra trình già làng mình đã mất bộ phận… Họ không nghe. Em mang sẵn mảnh vải dù rút ra quàng vào người rồi tụt quần bảo già làng và hai thanh niên trẻ khỏe: “Tôi còn gì mà bảo tôi tằng tịu?” Thế là tòa án của làng vỡ. Em rời khỏi làng ấy ngay trong đêm” - “Thế mà chú không nói, để mọi người phải hiểu lầm!” - “Hay ho gì mà nói. Nhiều người hy sinh cả tính mạng, mình vẫn khỏe mạnh chân tay lành lặn là đại phúc rồi!”

Tôi chuyển sang chuyện nhặt rác. Hiền có vẻ tâm đắc: “Lúc công bố 19 tiêu chí chia thành 5 nhóm cụ thể trong xây dựng nông thôn mới, em thấy ở quê mình nhóm nào cũng có những tiêu chí khó vượt. Thế mà có vài năm mà điện, đường, trường, trạm đã đâu vào đó. Vấn đề gay nhất không ngờ lại là môi trường - tiêu chí 17 trong nhóm 4. Bác thấy đấy, từ bát cơm ta ăn, hớp nước ta uống đến không khí ta thở… đều đã ô nhiễm, chất độc gây ra bao nhiêu bệnh tật cho con người, mà giải quyết thì cực khó. Nên làm được gì thì mình làm. Trong giữ gìn độc lập thì bố con em có chút đóng góp. Đến xây dựng cuộc sống mới, nhất là nông thôn, chưa làm được gì, em mới làm vài việc lặt vặt. Nhiều người chưa hiểu ra đàm tiếu, em biết. Giải thích hóa ra mình kể công à…Trước sau thì cũng là bà con cả thôi. Bác yên tâm, em vẫn là thằng Hiền như ngày nào anh em mình cùng học. Chỉ mỗi tội già đi thôi!” Tôi hiểu và vui mừng, yên tâm trở về Tây Bắc. 

Hôm vừa rồi trên Truyền hình quốc gia thấy chú Hiền xuất hiện cùng chiếc thuyền cóc chất đầy rác thải công nghiệp ở chương trình Chuyển động 24h. Chú ấy trở thành “Người tử tế” trong xây dựng nông thôn mới. Tôi mừng quá, vội gọi nhà tôi và các cháu ra xem thì thời lượng đã hết. Mọi người đều tiếc rẻ. Tôi an ủi: “Với phẩm chất của chú ấy, tôi tin sẽ còn được phát lại và không chỉ một lần!

Theo Nguyễn Hựu (Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ)I

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu