A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiều tất niên

An đã đi nhiều nơi, nói theo mẹ anh là đã “ăn mòn bát, vạt đũa” cơm thiên hạ cũng đã từng dự những bữa tiệc lớn, chưa là quốc yến nhưng sang trọng và có đủ sơn hào hải vị, nhưng có lẽ không có cuộc vui nào anh được tự do thoải mái và nhiều xúc cảm như bữa cơm tất niên với các bạn “thời áo ngắn” hôm nay…

An đang công tác tỉnh xa thì nhận được tin nhắn “Sắp xếp công việc, về trước 30 Tết!”. Phải mất một lúc lâu anh mới nhận ra người nhắn tin là Thanh “đúc” bạn  học thời cấp III, cái thằng hồi đi học chưa bao giờ được làm chân tổ phó, vậy mà nó nói với ai cũng như “ra lệnh” cho người ta. Dù vậy, vốn là người quen chấp hành “lệnh” An cũng cố co chương trình làm việc với tỉnh để kịp về có mặt ở cuộc “gặp gỡ cuối năm” nghe nói đã được chuẩn bị từ cả tháng nay.
An bắt xe ôm từ trung tâm thành phố (với giá 90 ngàn - đắt hơn ngày thường hai chục vì là áp Tết) ra ngoại ô. Ngồi sau xe suốt hơn hai chục cây số gần cả tiếng đồng hồ An không hề nói một câu. Anh chàng xe ôm, chắc có lẽ cũng là một viên chức tranh thủ chạy xe kiếm thêm tí tiền tiêu Tết, An nghĩ vậy bởi dường như anh ta đang rất biết tâm trạng của anh. Anh đang miên man “lướt các trang website” của một “thời xa vắng”... Dọc những con đường trải nhựa phẳng lì và bóng láng anh đang đi, năm xưa là những xóm quê nghèo mái rạ bờ tre, là ngôi trường mà anh và các bạn anh ngồi học. Những lớp học thời chưa xa nằm rải rác trong vùng chiến sự kề bên những trận địa tên lửa, ra đa; những ga tàu quân sự Dục Nội, Yên Viên rồi Cầu Đuống, rồi kho xăng Đức Giang... toàn những mục tiêu mà máy bay Mỹ lúc nào cũng nhăm nhăm huỷ diệt nên tất cả được xây cất theo lối “dã chiến”.


Lớp D (8D, 9D, 10D) nằm ở góc làng Rỗ Rong, đằng trước là cánh đồng lúa, những cửa sổ phía sau nhìn ra một cái ao rau cần lúc nào cũng oang oang tiếng ếch nhái. Từ xa đứng trên những ụ súng 12 ly 7 trực chiến đặt trên bờ con sông máng nằm không xa, các anh bộ đội phòng không cũng không thể nhìn thấy được lớp An bởi chẳng những nó được nằm nửa nổi nửa chìm dưới mặt đất mà nó còn được che khuất bởi những lùm tre um tùm quanh năm xanh tốt. Mai này, trong những cuốn lịch sử của trường Phổ thông trung học Liên Hà, lịch sử ngành giáo dục Thủ đô có lẽ phải ghi đôi dòng về những lớp học thời chiến này. Không chỉ có tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình mới có những lớp học “dã chiến” mà ngay ngoại thành Hà Nội cũng có. Ấy là những phòng học được “kiến trúc” theo lối công sự nửa nổi nửa chìm, khung tre, vách đất, mái rạ. Bao quanh là những luỹ đất được đắp nện rất công phu. Từ trong phòng học, khi tiếng còi báo động vang lên từ nóc Nhà hát Lớn thành phố và tiếng cô phát thanh viên Đài truyền thanh Hà Nội: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Đã có báo động phòng không, đồng bào cần nhanh chóng và bình tĩnh xuống hầm trú ẩn, Các lực lượng vũ trang chiến đấu và phục vụ chiến đấu hãy dũng cảm và kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ!” là đám học sinh có thể tản ra các căn hầm chữ A, những hố cá nhân bằng những đoạn giao thông hào sâu ngập đầu người được đào theo lối “ngoắt ngoéo chữ chi”. Thời ấy, An cùng bạn bè đi học ngoài sách vở còn phải mang theo xô chậu để tát nước trong hầm trú ẩn, cuốc xẻng để nạo vét hầm và cứu sập, mũ rơm để tránh bom bi mảnh đạn... đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết thời bấy giờ:

Chào các cụ bạch đầu quân trồng cây chống Mỹ

Chào các em những đồng chí của tương lai

Mang mũ rơm đi học đường dài

An đã ngày ngày ngồi học trong những căn phòng độc đáo ấy. Bây giờ mỗi khi nhớ lại cái thời chưa xa ấy, An và bạn bè cứ nói đùa với nhau rằng, những phòng học ấy, những lớp học ấy là những giảng đường bằng đất. Xung quanh lũ học trò như An, toàn là đất: vách đất, tường đất, luỹ hào đất; ruộng đồng, mương máng đường đi lối lại..., cả bảng đen, bàn viết, ghế ngồi cũng nện đắp hết thảy bằng đất, đất sét (trên mặt có láng mỏng chút xi măng). Có phải đất quê An nặng tình với những đứa con quê nên đã sản sinh thứ đất diệu kỳ vừa có thể làm hào làm luỹ che chở bom đạn địch; lại vừa có thể làm chỗ ngồi, làm bệ phóng cho con em hướng tới tương lai? 

Lớp trường của thế hệ học sinh cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX là như vậy đó. Bây giờ lớp con em không thể ngờ đã có một thời những ông cử, ông nghè... như An hôm nay lại đã từng ngồi học trong những Giảng đường Đất ấy. Nhưng những năm tháng ấy là có thật và mãi còn trong lứa tuổi thế hệ An. Họ đã sống những ngày đầy đạn bom gian khổ, ăn đói, mặc rách; nhưng cũng thấm đẫm yêu thương, nhiều say mê và mộng ước...Và từ những lớp học “dã chiến”, những giảng đường đất độc đáo kia không ít những người trong đám bạn bè An nói chung và nói riêng trong lớp D thời ấy đã nên người, trong đó có những người thành danh, là giáo sư, tiến sỹ, là  những “kỹ sư tâm hồn”; đặc biệt, lại có những người trai trẻ được lưu danh, được Tổ quốc ghi công - đó là những liệt sỹ: Ngô Đắc Phan, Trần Đức Chung, Lê Quang Kiên, Lê Đình Nga...

An còn đang mải mê, còn đang bị những “kỷ niệm mái trường” cuốn đi thì anh chàng xe ôm đã dừng xe đột ngột và hạ một câu rất lịch lãm và vui vẻ: “Xin mời quý khách xuống xe, hết tiền!”. Còn đang ngơ ngác chưa kịp nhận ra nơi mình đang đứng là chỗ nào, có phải là ngõ vào nhà riêng của Sa không thì một cô bé đã đến bên anh lễ phép:

Dạ thưa, bác là bác An?

Sao cháu biết tên chú? 

Cô bé thưa: “Mẹ cháu tả bác và nói tên với cháu từ tối hôm qua ạ. Bố mẹ cháu và các bác khác đang chờ bác trong nhà ạ!”. Nghe giọng nói và dáng điệu của cô bé, An biết ngay đây là con gái của Sa. Anh theo chân con gái Sa bước qua chiếc cổng với hai cánh gỗ đã được mở rộng. Chưa bước vào đến sân, Thanh “đúc” đã trách yêu:

- Tưởng bận việc nước không về? Để nguyên giày chớ có tháo! Hôm nay ông bà Sa “tháo khoán”. Ai có giày cứ đi giày, ai có dép cứ đi dép.

Cùng với tiếng cậu ta là lao nhao rất nhiều giọng khác mà sau hơn mười năm xa An không thể nào nhận hết, nhận ngay ra được. Chỉ duy nhất có một giọng anh nhận ra đó là tiếng của Sa. Em cũng không “mày mày tao tao” thân mật kiểu bạn bè lâu lâu mới gặp, cũng không “ông ông bà bà” như cách xưng hô vào cái tuổi chúng tôi, tuổi đã lên chức ông bà mà vẫn quê quê, vẫn nền nã nhẹ nhàng như những thuở nào - thuở mà em và các bạn gái lớp tôi còn áo xanh sĩ lâm quần đen láng.

- An vẫn xe ôm về à? Vào nhà cái đã - Vừa nói Sa vừa cười, nụ cười vẫn như năm nào

An bắt tay mọi người, có người anh nhận ra ngay, lại có người phải định thần một lúc mới nhớ, nhất là mấy chị em lấy chồng và công tác xa như Mão, Vân, Hồng A, Hồng B, Thiểm, Lộc, Mai... Ông xã của Sa tất bật kéo ghế, pha trà mời bạn cũ của vợ. Sau cái bắt tay cùng ngồi, anh bảo:

- Gớm, cô ấy nhà tôi bồn chồn khấp khởi vui từ cả một tháng nay.

Rồi anh kể:

“Con bé út nhà tôi thấy mẹ nó thế nó nói:

- Mẹ làm như chỉ có thời mẹ mới đồng môn đồng miếc! Thời con, học hết 12: liên hoan, lưu bút xong là “bái bai” luôn, mỗi đứa mỗi ngả. Ai cũng mải lo toan cuộc sống, rồi còn lo chồng con, công ăn việc làm, bao nhiêu là thứ... – Dừng lại một lúc, nghĩ sao đó, nó lại nói - Ờ mà bố nhỉ, thời bố mẹ không tivi, tủ lạnh, điều hoà, cũng chẳng nhà lầu xe hơi, đôla ngoại tệ, càng không bia hộp, thuốc lá hộp, nhất là xa lạ với computer và internet... 

Tôi đế vào vẻ tán thưởng:

- Tóm lại là chẳng có gì!

Con bé ghé tai tôi:

- Chỉ có “nhau” thôi bố nhỉ? Cũng không biết “nhau” của mẹ con ngày ấy là ai đây? Mai thế nào con cũng điều tra ra.

Con bé bấm đốt ngón tay kể rành rọt tên những bác, những chú nảo chú nào mà có người tôi chưa gặp mặt. Con bé bảo nó biết tên mấy người qua nhật ký và máy di động của mẹ nó”.

An nói vui với chồng Sa:

- Anh có nhớ tên ai trong số tên cháu kể không?

-  Có vài ba.

Anh cười rất hóm và kể tên mấy ông bạn lớp tôi thời 8 -9 -10D,  nào Tuệ, Hiệp, Khải; nào Viễn, Thăng, Phan; nào Khai, Thanh, Sơn, nào Tích, Hoành, Nghị... và anh nói nhỏ vào tai tôi giọng đã hóm càng thêm hóm:

- Cháu nó nói thêm vẻ bí mật: “Khéo không nhau của mẹ là bác Sơn bố ạ!”. Tôi biết anh Sơn là thương binh, dạy môn Chính trị ở trường cấp III mà nhà tôi và các anh từng ngồi học... và, tịnh không thấy cháu nó nhắc đến tên anh. Anh là An?

An thưa “vâng” và cảm thấy mặt và tai mình đỏ như người vừa uống rượu. An cũng chỉ mới nghe tên chồng Sa chứ đây là lần đầu gặp anh. Hồi Sa lấy chồng, An đang đóng quân ở xa. Sau được biết chồng Sa là một người lớn hơn bọn An chừng dăm ba tuổi; yêu vợ, thương con hết mực. Thằng Thanh “đúc” (bọn An gọi như vậy không phải do hắn đông vợ, đông con mà đơn giản là vừa học xong phổ thông nó đi làm thợ ngay, thợ đúc ở xí nghiệp đúc Mai Lâm) bình luận với mọi người về chồng Sa: “Tất cả đều OK, chỉ mỗi tội có máu ghen!”. An nghĩ mình phận lính tráng lại hay phải đi xa, nghe vậy cũng mừng cho bạn. Giờ ngồi trước người đàn ông hạnh phúc, có vợ hiền con thảo đủ nếp đủ tẻ, An tiếp lời nửa đùa nửa thật:

- Chắc là ít gặp nên cháu… “bỏ sót” mất vài tên. Hôm nay tất cả đều có mặt. Trông họ kìa, y như một câu thơ của ai đó: Tháng năm như ai đốt/ Tàn tro bay trắng đầu/ Bạn bè lâu gặp lại/ Mây bồng bềnh mắt nhau. Họ là những người đã “yên bề gia thất” và cũng đã và sắp già cả lượt. Cháu nó nhớ thêm được cái tên nào mừng cái tên ấy, kể cả cái tên An của tôi. Danh sách cháu nó đưa ra càng dài bác càng là người đàn ông hạnh phúc, bởi đến hôm nay, áp Tết này bọn tôi đến chúc mừng Tết khi tất cả đã bị “loại ra khỏi vòng chiến đấu”. “An toàn tuyệt đối” rồi bác ơi! Không còn lý do gì để mà không uống mừng...!

An chưa nói nói hết câu thì Thanh “đúc” đã xăm xăm cái cốc thuỷ tinh Liên Xô cũ đến trước mặt:

- Không say không về mọi người ơi! - Vừa nói nó vừa “ực” một cái hết liền cốc rượu quê “nút lá chuối” loại rượu nổi tiếng mà chỉ có ở quê Sa, bên nhà ngoại em mới cất được.

Bữa tiệc tất niên do Sa đạo diễn không bày biện theo kiểu mỗi mâm đủ “bốn bát sáu đĩa” truyền thống của người xứ Đông Ngàn, cũng không có bánh chè lam, chè bà cốt dùng để tráng miệng. Món chủ lực chỉ là cá. Cá là thực phẩm ưa chuộng của người dân xứ này, có câu “có cá đổ vạ cho cơm” để nói về sự ngon miệng nên ăn được nhiều cơm; lại có câu “có thịt đòi cá” lắm khi dùng để chỉ giá trị của cá là... hơn cả thịt. “Đầu cá trôi môi cá mè” là những phần ngon nhất của cá. Ngoài cá chép, cá mè còn có cá rô. Có câu “Cá rô tháng tám chẳng dám bảo ai / Cá rô tháng hai bảo ai thì bảo”. Bây giờ còn là tiết đông, chửa tới giêng hai cá chưa có trứng còn béo, tháng tám cũng vừa qua nên có mớ cá rô đồng mà rán giòn lên chấm với nước mắm gừng uống với rượu quê thì thật là “tuyệt cú mèo”. Ngoài cá rô rán, cá rô còn được nướng lên gỡ lấy thịt đem nấu với cải ngồng thành một món canh mà khi canh vừa sôi thôi đã làm “phiền” mũi hàng xóm. Bát nước mắm để chấm cá rô nướng và thịt chân giò luộc, thịt đông hôm nay cũng được bà chủ nhà rất quan tâm. Nó được đặt ở chính giữa mâm cỗ. Dân quê vùng này có câu: Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy / Ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o; lại  có  câu: Mắm tươi nước cất / Đô vật ba năm và câu: Mắm ngấu thì ngon/ Ruộng ngấu mẹ con cả mừng... Lúc cúi xuống đặt bắt nước mắm vào mâm, Sa nói nhỏ như chỉ để mỗi An nghe: Ăn cơm với mắm nó thắm về sau... Rồi lại nói to hơn chút như với mọi người:

- Mâm nào cần cà giơ tay! Có cơm, có cá,… có cà mới đủ vị nhá!

Cà muối, không phải là cà pháo mà là thứ cà bát muối nén là thứ đặc sản của người dân xứ Bắc. Cà muối phải là cà bát bánh tẻ “bổ tám”, miếng vừa phải nén kỹ hàng tháng trước. Miếng cà vừa dôn dốt chua vừa giòn chấm với mắm tép thì rõ là “một miếng cà bằng ba thang thuốc” - thuốc nói ở đây là thuốc bổ. Ngày xưa họ tin rằng, đức Thánh Gióng làng Phù Đổng từ một cậu bé vươn vai một cái thành trang thanh niên tuấn tú có sức mạnh phi thường là do ăn cơm với cà. Có câu:

       Bảy nong cơm, ba nong cà
       Uống một hớp nước cạn đà khúc sông

Khi người nhà đem cà ra, vui miệng Sa lại bảo với mọi người: Ăn cơm cà, nhà có phúc. Sa nói: “Làm cỗ quê thế để các bạn đừng quên quê”; lại vừa nói vừa liếc sang mấy anh bạn da dẻ tốt tươi, vòng hai quá cỡ: “Với lại để mấy bạn Hà Nội I có một ngoại hình chị em… dễ nhìn hơn!”. Trong vai bà chủ Sa đi đến tất cả các bàn chúc rượu mọi người. Trong sắc xuân gương mặt Sa bỗng như trẻ ra, ngời sáng. Em tỏ ra rất vui vì ông xã thoải mái hoà đồng cùng mọi người, lại dám trăm phần trăm với cả thầy Sơn - người mà hôm trước con gái anh đã đoán non đoán già là “nhau” thuở học trò của mẹ nó. Anh cụng ly với tất cả những người bạn cũ của vợ, và cứ mỗi lần “cạch” với ai anh lại nói, nói mỗi một câu:

- Nào ta trăm phần trăm với “nhau”!

Những khoảnh khắc ấy nom anh thật tự tin, kiêu hãnh và trẻ trung, trẻ hơn tuổi rất nhiều. An đã đi nhiều nơi, nói theo mẹ anh là đã “ăn mòn bát, vạt đũa” cơm thiên hạ; cũng đã từng dự những bữa tiệc lớn, chưa là quốc yến nhưng sang trọng và có đủ sơn hào hải vị, nhưng có lẽ không có cuộc vui nào anh được tự do thoải mái và nhiều xúc cảm như bữa cơm tất niên với các bạn “thời áo ngắn” hôm nay…

An trở về nhà muộn hơn ngày thường. Vợ và các con anh cũng đang soạn sửa nhà cửa, cỗ bàn chuẩn bị đón giao thừa. Con dâu vừa mắc thêm những chiếc bóng đèn trang trí lên cành đào lớn chi chít những nụ hoa vừa hóm hỉnh:

- Bố đi đâu về mà… vui thế!Anh cười nhìn bà xã anh và nở nụ cười thay cho câu trả lời con. Đúng anh đang rất vui bởi vì anh vừa gặp lại những người bạn thuở học trò đã lớn lên và thành người từ trong bom đạn, đói nghèo và từ những… giảng đường.

Ngô Vĩnh Bình (Văn nghệ Quân đội) 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu