A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áng văn cuộc đời

Trò Trụ đã kể mà không lể, phác mà không họa, vẽ mà không vời. Tôi tâm đắc với những lời trong đoạn văn này đến mức muốn được gặp, làm quen mẹ của Trụ. Sao lại không? Quen với một người minh triết như bà, chắc rất thú vị. Từ khi nhận chủ nhiệm lớp Trụ đến nay, tôi chưa đến nhà cậu lần nào. Trụ học khá môn Văn mà cũng chẳng quậy phá gì nên tôi đã không phải bận tâm về cậu nhiều như đối với các học sinh cá biệt...

Xấp bài tập làm văn đã chấm xong. Đề lần này không khó, tả hình dáng và tính cách người mẹ. Là giáo viên dạy Văn hơn mười năm nay, tôi hơi bực mình với vài đứa học trò quê mùa, suy nghĩ kiểu: "Thấy trăng sáng thì nghĩ ngay rằng đỡ tốn mấy đồng thắp điện sân!", nhưng nghĩ đến mấy bài làm khá, câu văn biết dụng công tu từ, tôi cũng có chút hài lòng. Tôi mở bài chắc tay nhất, đạt điểm 8 của trò Vũ Trụ để đọc lại:

"Vầng trán mẹ sáng hơn cả buổi sáng, đáy mắt đen hơn cả màu đêm. Tóc mẹ xanh mướt như tóc một cô gái vừa gội xong. Đôi tay mẹ nõn nà tựa đọt sen mầm giá. Mẹ hay mặc chiếc váy màu lá long não có thêu mấy đóa hoa rơi babi, làm nổi bật làn da trắng ngà mịn rức, không một tì vết. Giọng nói mẹ dịu dàng như suối chảy, rót vào tai em muôn lời hay ý đẹp. Mẹ đẹp như đóa hoàng anh ngoài suối Tiên. Không một làn hương của loài hoa nào có thể bay ngược chiều gió, nhưng với làn hương của người phẩm hạnh, cao khiết như mẹ thì có thể…".

Trò Trụ đã kể mà không lể, phác mà không họa, vẽ mà không vời. Tôi tâm đắc với những lời trong đoạn văn này đến mức muốn được gặp, làm quen mẹ của Trụ. Sao lại không? Quen với một người minh triết như bà, chắc rất thú vị. Từ khi nhận chủ nhiệm lớp Trụ đến nay, tôi chưa đến nhà cậu lần nào. Trụ học khá môn Văn mà cũng chẳng quậy phá gì nên tôi đã không phải bận tâm về cậu nhiều như đối với các học sinh cá biệt.

Tôi cưỡi chiếc Attila vọt đến nhà Trụ. Áng văn hay do Trụ viết trở lại trong tâm trí tôi như ấm nước đang sôi dần. Đầu tôi manh nha ý định sẽ chọn Trụ vào đội ngũ học sinh thi giỏi văn. Tiếng động cơ, tiếng còi xe chợt dồn nén lại thành một khối. Đèn đường đổi màu xanh, cái ồn chợt giãn ra, thần kinh cũng giãn ra. Chỉ với vài nhịp rồ ga nữa tôi đã tới trước nhà Trụ. Chuông nhà thờ phía xa vẫn đổ từng giọt ngắn tiết kiệm. Chuông cổng rền lên như tiếng rên. Một phụ nữ trung niên xuất hiện nơi khung cửa. Mẹ của Trụ. Bà khác xa hình ảnh tôi tưởng tượng và càng khác hơn với lời lẽ Trụ tả. Nom bà phục phịch, mệt mỏi và lắm điều. Bà mời tôi vào nhà. Ở góc phòng khách, chiếc cầu thang cao ngồng dẫn lên gác như đang kiễng chân tìm đường chạy. Quần áo bẩn nằm la liệt cạnh máy giặt. Trụ không có nhà. Bà mẹ chẳng biết cậu con đi đâu nữa. Hình như bà chỉ có hai cách nói chuyện là kể lể và than van. Bà ở góa, có hàng bán chén bát ngoài chợ, nuôi Trụ là con một.

Tôi bỏ ý định đưa mẹ Trụ đọc bài văn cậu viết về bà. Mà không phải bà, đó chỉ là một hình ảnh mà cậu tưởng tượng hay mơ tưởng. Điều khiến tôi vui là nơi bàn học của Trụ có cả sách văn học. Tôi cầm lên một cuốn. Tiểu thuyết "Hồn khói" nổi tiếng của Hàn Du, đọc hay đến nổi da gà. Bìa sau tác phẩm có dán mác của thư viện Tri Thức. Bên trong có kẹp phiếu mượn sách. À ra Trụ mới mượn hôm qua. Coi bộ cậu cũng biết khai thưởng những tinh túy của văn chương. Đưa danh thiếp cho mẹ Trụ, tôi ra về với ít nhiều hài lòng…

 



 Minh họa: Lê Trí Dũng


Chiều thứ hai, chuẩn bị lấy giáo án ra soạn bài, đụng phải quyển sách Tập làm văn để hơ hỏng ở bàn, tôi lại nhớ tới Trụ. Giờ ra chơi hôm kia, tôi đã hỏi Trụ:

- Sao em tả không đúng về mẹ mình?

Trụ rung rung mái tóc húi cua, tua tủa như hoa gáo của mình:

- Em không thích bê nguyên si cuộc sống vào bài văn mà muốn hư cấu, sáng tạo.

- Nhưng ở tuổi mình, em cũng đừng mang nhiều gương mặt phức tạp và đa đoan!

- Cô yên tâm, em luôn bình tâm, hướng thiện.

Chuông điện thoại reo cắt ngang dòng hồi tưởng của tôi. Giọng ở đầu dây bên kia đằng đặc, khè khè như người ốm lâu ngày. Hơn phút sau, tôi mới nhận ra là mẹ của Trụ:

- Trụ đi đâu qua đêm, một ngày rưỡi nay chưa về. Giờ tôi mới dám gọi vì sợ làm phiền cô chủ nhiệm.

- Sáng nay em không có tiết dạy ở lớp cháu. Chị có đoán được vì sao…

- Trụ chơi game ở tiệm gần nhà. Công chuyện nhà còn nhiều mà nó chưa dọn dẹp. Tôi bực quá tới tiệm quát mắng, đòi nó về ngay. Trụ nói nó đã lỡ mua thẻ chơi nửa tiếng. Tôi đe năm phút sau phải về nhưng hắn đi đâu luôn tới hôm nay. Tôi đã gọi đến nhà những người bà con nhưng chưa tìm được…

Lo lắng, tôi quay số cho Ban Cán sự lớp rồi gọi đến mấy bạn thân cùng lớp với Trụ. Lời kể của trò Hoa, tổ trưởng của cậu làm tôi quan tâm:

- Lúc mẹ Trụ la bạn ấy ở tiệm game, em cũng đang chơi ở đó. Bà nói nặng kiểu như "Sao mày hư đốn, học không lo học, việc nhà không làm, chỉ ham chơi. Tao thật bạc phước có con như mày"…

- Thế em có cùng về với Trụ không ?

- Mẹ em chạy xe ngang qua cũng tấp vô gặp em lúc đó. Bà nói: "Con hãy chơi cho xong số thời gian trong thẻ, mẹ ngồi ở ngoài chờ". Em đã cắp mũ chạy theo mẹ ngay lúc ấy. Trụ còn ở lại…

Lại thêm một bài học về cách giáo dục con! Suy tư, tôi hỏi:

- Thân với Trụ, Hoa cho cô biết Trụ thường đến những đâu?

- Thưa, hồ bơi, bảo tàng.

Tôi suy nghĩ lung. Bị mẹ mắng chỗ đông người, có cả cô bạn thân cùng lớp, Trụ thấy bẽ mặt nên tôi e rằng em đã bị stress và lánh ở đâu đó. Hồ bơi chắc là không. Hôm nay em chẳng vui. Có thể bảo tàng. Mà không, bữa nay thứ hai, các bảo tàng đóng cửa. Tôi nhớ lại hôm đến nhà Trụ. Một điều gì đó xẹt lên trong óc. Tôi nhảy lên chiếc Attila chạy ra đường với độ tăng tốc của một con cá chình và khả năng định vị của một con lươn…

Căn phòng hun hút được gắn kính hai bên tường làm ta có cảm giác độ rộng nó là vô cùng. Những bộ bàn ghế màu đơn thể được kê đều tắp, rải rác vài mươi người ngồi đọc sách. Khi tôi bước vào, tất cả nhất loạt ngước lên nhìn cứ như tôi là một mẫu vật hiếm trong bảo tàng sinh học. Hai mắt tôi đảo như rang lạc trong dăm phút, rồi tôi sải những bước dứt khoát về phía cuối phòng. Chỉ có một người vẫn chúi mũi vào trang sách, không ngẩng mặt lên nhìn tôi. Tôi đặt tay lên vai cậu ta. Cậu giật mình, ngước lên, ngạc nhiên đến mức đôi mắt mở hình chữ O và miệng hình chữ A:

- Sao cô biết em đang ở thư viện này?

Phải, tôi đang đứng trong thư viện Tri Thức, trước mặt Vũ Trụ! Nhìn vẻ mặt căng thẳng của cậu, tôi cố nói với giọng của một anh hề:

- Nhờ cô may mà! Đã đến lúc cô phải bỏ lối chờ đợi những quà tặng bất ngờ của cuộc sống, mà phải tự mình "đi tìm" cuộc sống. Hôm nay là hạn chót trả cuốn truyện "Hồn khói" của Hàn Du cho thư viện. Em không muốn bị thủ thư treo thẻ mượn sách, phải tới đây thôi !

- Sao cô biết hết trơn ?

- Nhờ cô …úm ba la.

Nụ cười lưỡi mác của Trụ làm dịu gương mặt hơi bị cằn trước tuổi:

- Em biết cô đến để "áp giải" em về nhà, nhưng em thích cách nói hóm hỉnh của cô…

- Hồi tối em nghỉ ở đâu?

- Thưa, tại đây luôn, ở góc khuất. Nhiều phòng quá, bảo vệ cũng chẳng biết.

- Về thôi! Mẹ đang sốt ruột tìm em. Vì Thượng đế không thể có mặt được ở khắp nơi, nên đã phải tạo ra các bà mẹ!

- Hình như lời nói của cô đã khuất phục được em chứ không phải là ông Thượng đế đó…

Tôi lấy xe máy lai Trụ về nhà. Nhìn mẹ Trụ hoan hỉ cầm tay con, bà như biến thành một người khác, tôi thấy đôi lúc, cái mà mình có được từ công việc không phải là tiền bạc mà là những bài học quý giá. Một nhóm bạn cùng lớp của Trụ trờ đến "hỏi tội" cậu. Trụ tiếp bạn ngoài hàng hiên. Mẹ Trụ xăng xái pha trà sâm cho tôi. Chưa uống vội, tôi đến bàn học của cậu học trò mới bỏ nhà đi bụi. Quyển vở Tập làm văn Trụ đặt cạnh kệ sách làm tôi sực nhớ đến bài luận tả người mẹ của cậu. Tôi lần giở ra bài đó, điểm 8 vẫn tươi màu nheo đỏ. Tôi đưa áng văn cho mẹ Trụ xem. Tôi mừng thấy bà không có thái độ khó chịu và lời nói phản cảm. Bà tâm sự sau ít phút trầm tư:

- Đây là hình ảnh về người mẹ mà Trụ tưởng tượng, ôi trời, khác với tôi quá!

- Đằng sau những câu văn của Trụ lấp lánh một hình ảnh NGƯỜI ĐẸP theo đúng nghĩa viết hoa của từ này…

Âm giọng của mẹ Trụ chợt nhẹ đi:

- Nó làm tôi nhớ đến ông nhà tôi. Tôi hay nóng tính. Khi còn sống, có lúc bực tôi quá, ổng nói: "Lúc mới lấy nhau, bà hiền tựa đóa hoa cosmos. Còn bây giờ, tôi không biết đang sống với vợ hay với con ong chúa nữa!".

Câu chuyện diễn tiến theo hướng thuận lợi. Tôi trò chuyện với mẹ Trụ, hoàn toàn không áp đặt các phương pháp giáo dục cho trẻ mà chỉ là những gợi ý nhẹ nhàng, tế nhị. Trong cuộc sống, đôi khi cần phải biết tự "bôi xóa" mình đi, không phải để lãng quên mà để hiểu thêm người khác và có cơ hội học tập. Giọng tôi nhẹ, thầm thĩ như tâm tình:

- Con gái em quét nhà, rửa chén không mau, không sạch bằng em, tất nhiên rồi, nhưng em vẫn khen. Khen vì cháu đã biết làm việc nhà đỡ đần cho mẹ. Em luôn khen động viên những cố gắng của con, dù nhỏ nhất…Có hôm em phụ trách nhiều tiết, phải dạy đến trưa trật. Biết con được nghỉ học hai tiết cuối, thay vì ra lệnh con nấu cơm, em đã bỏ vào ngăn cặp táp cô bé mẩu giấy có lời nhắn: "Mẹ rất vui nếu trưa nay mẹ con mình được ăn cơm cùng nhau với chính bát canh chua con nấu!"…Khi con em ngại ngồi vào bàn học, em đã dán lên bàn mấy câu danh ngôn: "Trên đời không có gì vĩ đại bằng con người; trong con người không có gì vĩ đại bằng trí tuệ"; "Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người ".

Hình như con tim mẹ Trụ cũng biết rung động. Chỉ cần một làn gió nhẹ trong giọng nói của tôi, nó rung lên tựa con lắc đơn trong bầu chân không không ma sát… Tối nay, trời oi như khi đứng gần một lò đúc thép. Sợi tóc giơ lên chỗ thoáng cũng không hề động đậy. Ngọn lửa nến thơm của học trò tặng đứng im phắc nên tôi thổi phù cho nó tắt luôn. Tôi giở xấp bài Tập làm văn của lớp ra chấm mà nghe như có nước chảy ro ro trong đầu. Nhà trường thiếu giáo viên. Vì nhận dạy quá nhiều tiết trong một tuần, người tôi chắc muốn bệnh rồi hay sao ấy. Lần này tôi ra đề: "Hãy tả hình dáng và khắc họa tính cách của một người mà em yêu quý". Biên độ chọn lựa đối tượng cần tả dàn trải hơn nhiều so với đề kỳ trước. Tôi lật bài trên cùng của trò Vũ Trụ ra đọc. Hàng chữ quen, đều tắp như những hạt đậu đen đập vào mắt tôi:

" …Thân hình mẹ đậm đà, theo thời gian, tất cả như võng và chùng xuống từ gò má đến da ở đầu bàn tay. Nhưng ai chê mẹ già, bà lại nở nụ cười rộng và hoạt: "Tôi phải già để cho con cái lớn chứ !". Mẹ bán hàng ở chợ nên suốt ngày tất bật, mỗi bước đi là mỗi bước chạy. Em có cảm giác mẹ đi được hai vòng trong khi người khác chỉ đi được một vòng. Khi trở về nhà từ những buổi chợ, ánh mắt mẹ tựa mũi tên lao đi khắp phòng. Giọng mẹ to như tiếng búa máy: "Thằng Trụ đâu rồi?". Những lúc vui, cách nói chuyện của mẹ đầy sôi nổi, em có cảm giác lúc đó nếu bị ai thách gì, mẹ làm ngay. Em hay vòi mẹ làm cho em ăn món gỏi sứa, gỏi bao tử và hến xúc bánh đa. Mẹ nấu ăn ngon chắc cỡ bếp Tàu Yan Can Cook. Có lần giận mẹ, em bỏ nhà đi bụi. Em ăn cơm dĩa ngoài đường bán, thấy dở và nhạt nhẽo như mạt cưa, càng bời bời nhớ mẹ và những món ngon mẹ nấu. Cô chủ nhiệm dỗ em về nhà. Gặp lại em, những nếp nhăn như tấm bản đồ thời xưa trên mặt mẹ chợt giãn cả ra khiến mẹ trẻ đi hàng tá tuổi, đôi mắt mẹ đầy nước nhưng em vẫn thấy có nghìn tia sáng đang nhảy nhót, môi mẹ run lên trong một tiếng cười vô thanh: "Vũ Trụ, con tôi!". Có một hạnh phúc lớn lao mà tới lúc đó, em mới nhận ra: Dưới mắt mẹ, em là cả vũ trụ !…".

Niềm vui đến với tôi thành một mảng mềm như phần trên đã nguội của tô cháo nóng. Sự xung khắc, bất hòa chắc đã rời khỏi gia đình Trụ. Dường như cả mẹ của Trụ cũng đã tránh nhìn đời, nhìn con với "đôi mắt" cũ. Tôi gọi điện ngay cho mẹ Trụ:

- Có hai tin vui. Em đã chọn Trụ vào đội ngũ học sinh thi giỏi văn cấp quận. Một niềm vui nữa: Hôm nay em ra đề làm văn tả người mình yêu quý, Trụ đã chọn chị!

Nụ cười hào sảng và kéo dài của mẹ Trụ khiến tôi nghĩ, niềm vui có một đứa con thảo, yêu thương mình là niềm hạnh phúc bất diệt trên đời. Mẹ Trụ nói:

- Nếu tôi có cơ hội làm bài văn trên, tôi sẽ ca ngợi cô. Cô quan tâm tối đa đến học sinh. Tôi cũng có đọc được ở đâu đó câu: "Khôn đến đâu cũng cần được dạy". Bằng lời nói, việc làm của mình, chính cô đã mở mắt cho tôi …

Tôi không còn cảm thấy trời nóng bức tựa đổ chì lên đầu. Có một ngọn gió thơm phả vào lòng tôi mát lành như thoa kem, thật dễ chịu.

Nguyễn Thị Cẩm Vân (VNCA)


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu