Hương sắc mùa Xuân
![]() |
Lời bình của Hoàng Tấn Đạt
Thơ là tiếng hát của con tim, nó thường cất lên ở nhiều cung bậc trong trạng thái vui, buồn khác nhau. Dưới trời Âu, trên xứ tuyết, con tim của nhà thơ Bùi Nguyệt cũng đã cất lên trong nỗi nhớ quê hương:
Tuyết tan gọi chồi non tỉnh giấc
Đàn sếu bay ríu rít rủ nhau về
Thẫn thờ bên khung cửa sổ
Nhớ cháy lòng hơi ấm tình quê
Nhìn cảnh đàn chim sếu, sau một thời gian di trú để tránh cái lạnh của sương vây tuyết phủ mùa Đông, đang ríu rít rủ nhau bay về tổ cũ, gợi ra cảnh đoàn tụ gia đình, đã làm nhà thơ “Thẫn thờ đứng bên cửa sổ/ Nhớ cháy lòng hơi ấm tình quê”, khi Xuân về Tết đến. Đây là sự liên tưởng logic, rất hợp lý về tâm lý- đối cảnh sinh tình. Từ đây, mạch cảm xúc được trào dâng, hình tượng thơ được phát triển trong một trường liên tưởng:
Nhớ mẹ ngồi gói bánh chưng xanh
Đón con về vui ngày đoàn tụ
Hòa tiếng cười mừng Xuân pháo nổ
Đêm Giao Thừa vang tiếng chuông ngân
Cảnh ấm êm trong một gia đình khi Xuân về Tết đến hiện lên qua những từ tượng thanh, tượng hình gợi tả, gợi cảm. Hình ảnh “mẹ ngồi gói bánh chưng xanh” là hình ảnh rất điển hình trong ngày Ba Mươi Tết. Sự tích bánh chưng bánh dày đã in vào buồng tim khối óc của mỗi người Việt
Theo trật tự tuyến tính thời gian, những câu thơ tiếp theo như một thước phim quay chậm trong đêm Trừ Tịch cứ hiện lên trong nỗi nhớ của tác giả. Gái trai náo nức đi hái lộc đầu Xuân, tiếng nói tiếng cười rộn ràng làm xốn xang cả cỏ cây hoa lá. Sức Xuân như lan tỏa từ con người sang cảnh vật. Âm thanh của tuổi xuân đang đánh thức cả màn đêm. Xuân trong lòng người và Xuân của đất trời, của thảo mộc thiên nhiên đang bừng lên, đánh thức cả thời con gái của nhà thơ:
Xuân đã về đánh thức những chồi non
Đánh thức trong ta cả thời con gái
Nếu không xao xuyến, không rạo rực, khó có thể hạ được câu thơ như thế. Phải chăng đây là sự hồi xuân trong lòng tác giả hay chính là khát vọng của mùa Xuân như cỏ cây đang lên mầm xanh lá, khi mùa Đông lạnh giá ở nơi đây - dưới trời Tây, đã nhường chỗ cho nàng Xuân ấm áp.
Có thể nói mạch cảm xúc của bài thơ như dòng suối cứ cuồn cuộn chảy rồi dồn hết ở khổ thơ kết, đặc biệt là hai câu thơ cuối đã gây bất ngờ cho người đọc khi mở ra không gian, thời gian mênh mang như vô cùng, vô tận của quá khứ và hiện tại:
Xuân quá khứ và Xuân hiện tại
Lắng đọng trong lòng hương sắc mùa Xuân
Đọc đến đây tôi lại nhớ đến bức Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Hương sắc mùa Xuân trong câu thơ trên của Bùi Nguyệt bao hàm cả ý này. Đó là cái hay của hình tượng, cái đẹp của tâm hồn. Nên “Hương sắc mùa Xuân” đâu chỉ lắng đọng trong lòng tác giả, mà chắc chắn nó sẽ đọng mãi trong lòng bạn đọc chúng tôi, bởi ai cũng có một thời trẻ trung, một thời xuân sắc. Ấy chính là hương sắc mùa Xuân…
Hương sắc mùa Xuân Tuyết đã tan chồi non tỉnh giấc Nhớ mẹ ngồi gói bánh chưng xanh Xuân đã về đánh thức những chồi non Bùi Nguyệt (Chemnitz- CHLB Đức) |
Hoàng Tấn Đạt