A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội họa qua những trang Kiều

Nhớ Tết xưa, cứ vào cuối năm hay đầu năm mới, các bà các cô lại đua nhau bói Kiều để tìm một niềm tin, hy vọng an ủi, động viên trong tương lai. Họ lầm rầm khấn vái “Lạy Vua Từ Hải/ Lạy vãi Giác Duyên/ Lạy tiên Thúy Kiều/ Tên con là… tuổi… thành kính xin một quẻ cầu duyên (cầu tài, lộc)/ Con xin trang bên tay trái (tay phải) từ dòng… đến dòng… ở trên xuống (dưới lên)”. Trang sách được mở ra, kỳ lạ thay ai cũng tìm thấy niềm vui, nỗi buồn, vận hạn của mình trên từng câu chữ truyện Kiều.

Ngày nay, bói Kiều không còn thiêng liêng nữa, nhưng các nhà nghiên cứu văn học – nghệ thuật đã đặt công việc nghiên cứu truyện Kiều là một bộ môn khoa học xã hội với những mối quan hệ lịch sử xã hội nhân văn, gia đình, truyền thống văn hóa ứng xử và nhân cách. Hội Kiều học ra đời đã ấn định một phương pháp khai thác toàn diện hình tượng Nguyễn Du cùng những tác phẩm của Thi hào trong một hoàn cảnh lịch sử đầy biến động ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII.

Trong tư duy mới khách quan, khoa học về Thuyết Tài – Mệnh tương đối, về duyên phận và định mệnh, các nhà nghiên cứu đã đặt nhiều giải trình về thân phận con người và tinh thần nhân văn cao cả khi Nho giáo đã bắt đầu rệu rã.

Ở mùa Xuân 2016 này, kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-2015), từng nét đẹp thi họa lại cùng cất lên trong lễ kỷ niệm ký ức. Nỗi lo lắng của Nguyễn Du “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” sau 300 năm thành người thiên cổ đã bãng lãng như sương khói bởi tâm hồn Nguyễn Du đã hòa tan vào sông núi, lòng người. Truyện Kiều - di sản của muôn đời - sáng mãi cùng văn chương nghệ thuật, cùng những tác phẩm hội họa một thời vang bóng.

Truyện Kiều hay “Đoạn trường tân thanh” của đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du không những là áng thơ văn bất hủ về giá trị nhân văn ở thế kỷ XVIII, mà từng câu chữ, từng đoạn thơ tả tình tả cảnh đã cuốn hút bao họa sĩ cận đại mỗi khi “Cảo thơm lần giở trước đèn”.

Năm 1942, cuốn Nguyễn Du Văn họa tập được xuất bản tại Hà Nội đã là nơi hội tụ các bậc họa sĩ tài danh của Việt Nam, mỗi người có một cảm nhận riêng trong từng ý thơ để rồi qua nét bút từng nhân vật, từng cảnh đẹp thiên nhiên vọng vào tâm thức thi nhân và họa sĩ. Thi – họa trong thơ Nguyễn Du qua truyện Kiều đã đạt đến viên mãn trong thơ có họa, trong họa có thơ. Từng lời hay ý đẹp, từng chiêm nghiệm nhân tình thế thái được các bậc họa sĩ tài hoa thể hiện trong từng bức vẽ thiết tha, hoài vọng.

Trang bìa của cuốn Nguyễn Du Văn họa tập được dành riêng cho họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung với tranh khắc gỗ Mai – Hạc, khởi cảm từ ý thơ: Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen. Tranh Mai – Hạc mở đầu cho bức tứ bình trong bộ tranh Tứ Quý dân gian Hàng Trống (Hà Nội) tả cảnh mùa Xuân. Mai – Hạc cũng là hình ảnh quấn quýt bạn hữu của thi – họa, nhân tố làm nên sự thanh cao cho thi tập Kiều.

Số phận Kiều trôi nổi đọa đầy trong 15 năm luân lạc được nhiều họa sĩ nhìn ở những góc độ khác nhau với sự cảm thông chia sẻ. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong bức khắc gỗ: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa, thể hiện hình ảnh nàng Kiều ở chốn lầu xanh bằng dáng điệu của một cô gái thị thành, tóc xõa, nếp áo xô lệch chán chường, dáng ngồi vật vã, tư lự, bất an bồn chồn như chứa đựng nỗi ê chề nhục nhã.

Họa sĩ Nguyễn Tường Lân cảm thông hơn với cuộc đời đơn chiếc của nàng Kiều, những đêm vò võ chăn đơn chiếc gối, chập chờn giấc ngủ cô miên qua tranh: Vầng trăng ai sẻ làm đôi/ Nửa in chiếc gối nửa soi dặm trường. Nàng nằm đó còn nguyên xiêm áo một cách tạm bợ trằn trọc, mảnh trăng bán nguyệt chiếu sáng bờ vai nàng và con đường vạn dặm in bóng chàng tuổi trẻ cưỡi ngựa xa xăm.

Mãnh liệt hơn, cụ thể hơn, Tô Ngọc Vân làm sống lại cuộc sống trần tục nhơ nhuốc chốn lầu xanh. Mụ Tú Bà nét mặt nanh ác, ngồi chễm chệ với chiếc áo đen tăm tối, với chiếc quạt trong tay được giơ lên như một mệnh lệnh, chung quanh mụ là những cô gái làng chơi khỏa thân đau khổ, xấu hổ về nghề nghiệp của mình. Tác giả đặt tên tranh từ tứ thơ: Tú bà ghé lại thong dong dặn dò. Còn hai họa sĩ thể hiện cảnh đó bằng câu thơ minh họa “Chán chường yến anh” là Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tường Lân.

Họa sĩ Phạm Hầu, sinh viên dự thính trường Mỹ thuật Đông Dương, sau này mất sớm nên tác phẩm đặc sắc không có nhiều, nhưng phụ bản Kiều đặc sắc: Dập dìu lá gió cành chim, lại là một tác phẩm hoàn chỉnh nhất. Với sắc vàng xanh cốm nhẹ nhàng, hình ảnh cô Kiều với vẻ đẹp liêu trai, cánh tay vươn dài trong cái ngồi trễ nải.

Một vài cành lá đung đưa trước mặt nàng, một khuôn mặt hoang dại, cặp mắt nhỏ, đôi môi trái tim và bờ vai thanh mảnh ở phụ bản Kiều tắm, họa sĩ Lê Văn Đệ mạnh dạn làm rõ ý thơ: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Tác giả đã gẩy lên những đường cong tuyệt tác trên cơ thể nàng Kiều mà một lần duy nhất Nguyễn Du đã đi quá giới hạn trong quan niệm Nho giáo. Qua làn nước trong mờ ảo, một dáng hình phụ nữ thanh tân, mềm mại, từng nét đan thanh được gẩy lên tinh tế mà không nhục cảm, thánh thiện mà không xa lạ tôn giáo.

Đọc truyện Kiều ta nhớ nhất đoạn đời đẹp nhất của nàng khi nàng gặp Kim Trọng trong một chiều thanh minh: Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Trong cảnh lâng lâng bồi hồi ấy, họa sỹ Lương Xuân Nhị đã ghi lại cảnh chia tay gấp gáp, bối rối qua tấm khắc gỗ Trăng tà về tây. Ở đây các nhân vật đều bé nhỏ, thiên nhiên òa vỡ trong cảnh chiều tịch mịch. Cảnh gặp gỡ vội vàng mà chia tay trong lưu luyến. Tài năng của Lương Xuân Nhị đã làm sống lại một trạng thái nhân vật qua mô tả thiên nhiên. Thiên nhiên hoang vắng buồn tênh là những đoạn tả tình hay nhất của Nguyễn Du.

Và khi các bạn chọn những cảnh tả tình, tả cảnh đẹp nhất để minh họa cuốn Kiều thì Nguyễn Đỗ Cung chọn hình ảnh Từ Hải: Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao. Một khuôn mặt vuông vức góc cạnh lẫm liệt. Điều này phù hợp với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung hơn bởi ông ưa cái hùng tráng hơn trữ tình, ưa cái hoành tráng hơn cái hương hoa vật chất cuộc sống. Từ Hải của Nguyễn Đỗ Cung là hiện thân khát vọng tự do đầy bản lĩnh của người anh hùng.

Tác giả người Huế - họa sĩ Tôn Thất Đào, mạnh dạn trong bức tả tình thiết tha: Đốt lò hương giờ phim đồng ngày xưa/ Bẻ bai rủ rỉ đường tơ. Không gian khoáng đạt vẳng tiếng đàn tỳ bà chỉ dành riêng cho hai người, hạnh phúc lứa đôi qua tiếng đàn thủ thỉ làm ta tạm quên đi cảnh bẽ bàng u uẩn của nàng Kiều đọa đầy lưu lạc.

Hai tác phẩm tả cảnh đẹp nhất trong Nguyễn Du Văn họa tập thuộc về Trần Văn Cẩn với cảnh: Đêm Thu khắc vợi canh tàn/ Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương. Trần Văn Cẩn tìm đến cảnh đêm tĩnh mịch, hai con người với vó câu khấp khểnh lặng lẽ đi trốn cùng nhau dưới ánh trăng lạnh lẽo.

Lưu Văn Sìn lãng mạn hơn trước cảnh thiên nhiên: Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.

Mười hai tranh phụ bản trong Nguyễn Du Văn họa tập với bút pháp tài năng của những họa sĩ tên tuổi một thời đã làm sang trọng thi tập văn họa Kiều. Hình ảnh đẹp như tranh vẽ được Nguyễn Du gẩy lên qua ngôn ngữ thần kỳ cứ quyện lấy nét bút tài hoa hội họa làm nên một thăng hoa vĩnh cửu.

Năm 1950, một ấn phẩm Kim Vân Kiều lại được xuất bản tại Paris (Pháp), ấn phẩm được in trên giấy bản, nét chữ bay bướm hoa mỹ như kiểu viết tay cùng với các phụ bản của họa sĩ tài danh như họa sĩ Vũ Cao Đàm minh họa cho ý thơ: Thang mây rón bước ngọn tường/ Kẻ nhìn tỏ mặt người e cúi đầu. Với sắc nâu ấm áp, chàng Kim, nàng Kiều tâm sự qua bức tường ngăn cách. Cái thang đã giúp hai người tỏ mặt nhau. Cách lựa chọn của Vũ Cao Đàm thật tế nhị mà không kém nồng nàn trong tình yêu đôi lứa.

Nữ họa sĩ Lê Thị Lựu cảm thông hơn trên con đường lưu lạc của nàng Kiều đã trôi dạt đến cửa chùa. Phụ bản của bà minh họa cảnh bịn rịn gặp gỡ giữa Kiều và vãi Giác Duyên bên mái tam quan:  Xăm xăm gõ cửa mé ngoài/ Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong.

Họa sĩ Lê Phổ, họa sĩ bậc thầy về bảng màu ấn tượng đã ghi lại cảnh gặp gỡ Kim Kiều qua nét vẽ mềm mại thiết tha của một phương Đông cổ. Chàng dắt ngựa dáng dấp thanh tao văn nhân, hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. Sắc hồng phơn phớt của bức tranh báo hiệu một bảng màu thanh xuân sau này.

Và Mai Trung Thứ êm đềm quý phái trong tác phẩm minh họa tiếng đàn của nàng Kiều đánh cho Kim Trọng nghe: So dần dây vũ dây văn/ Bốn dây to nhỏ theo vần cung thang. Trong truyện Kiều có nhiều đoạn Nguyễn Du tả tiếng đàn nàng Kiều ở những hoàn cảnh khác nhau, nhưng không phải ngẫu nhiên Mai Trung Thứ ngày xưa, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái ngày nay đều cảm nhận tính hoa mỹ nhân văn trong tiếng đàn Kim – Kiều ở lần gặp gỡ đầu tiên. Toàn bộ bức phụ bản là hòa sắc lam phổ với những điểm đen tinh tế ở mái tóc, đôi mắt. Những đường viền hình hoa dịu mềm, uyển nhã trên nét mặt chàng Kim, nàng Kiều, trong nếp áo chỉn chu kín đáo mà sang trọng quý phái.

Một bức tranh tả cảnh theo bút pháp thủy mặc nhẹ nhàng đầy phong cách Á Đông – Nhật Bản của họa sĩ người Nhật Shikigưchi lại cảm nhận một tứ thơ thanh tao, yên bình: Dưới dòng nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thiết tha.

Có lẽ không có cuốn tiểu thuyết thơ ca nào lại được nhiều họa sĩ quyến luyến tụng ca nhiều bằng truyện Kiều của Nguyễn Du (nguyên tác truyện “Đoạn trường tân thanh” của Thanh Tâm tài nhân). Từng ý thơ tả tình, tả cảnh Nguyễn Du đã tạo niềm hưng phấn cho thi – họa cùng cất cánh. Một giá trị nhân văn, một tâm hồn thơ rộng rãi truyện Kiều đã đi vào lòng người trong tiếng ru và cả trong những bức tranh còn mãi theo năm tháng.

Nguyễn Hải Yến
Nhà phê bình nghệ thuật


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu