A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình xưa

Con Mén có cái điện thoại di động cũ. Mỗi lần nghe nhạc chuông vang lên: “Điệp ơi, mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ. Xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong… chờ…”, là chị Kim cố nhịn cười “Mén ơi, có thằng Điệp nào kêu mầy kìa!”...

 Ảnh minh họa

Cứ vài ngày là anh Luân lại nghe chị Kim - vợ anh - cằn nhằn: “Con nhỏ gì đâu mà nhà quê thấy ớn. Ai đời lên Sài Gòn rồi mà còn lấy tên Mén, cái tên nghe quê trớt hà!” Anh Luân cười: “Thì người ta tên Mén, kêu là Mén, hổng lẽ kêu là Kiều, là Diễm cho nó sang?” Chị Kim vẫn còn lằng nhằng: “Ừ thì cái tên… do cha mẹ đặt. Em chỉ thấy khó chịu bởi cái tánh… kỳ kỳ của nó và thói quen không giống ai ở cái đất Sài Gòn này. Bực thì to nhỏ với anh chớ em biết thế nào anh cũng sẽ nói cái câu: tội nghiệp con Mén lắm em à, nó là bà con dưới quê, nhà nghèo lắm! Ừ thì… em biết nó bà con, bà con theo kiểu… là cháu chồng của bà dì hàng xóm!”. Anh Luân lại cười: “Ừ thì… nó mới mười lăm, mười sáu tuổi, còn khờ ịch, có gì mình dạy dỗ nó, như là con cháu”. Chị Kim cười mỉm, không biết phải nói gì thêm về con bé giúp việc này, chỉ biết rằng đôi lúc chị thấy bực, nhưng có khi lại thấy nó ngờ nghệch đến buồn cười.

Con Mén hổng giống ai. Ở thành, nấu toàn bếp điện, bếp ga, vậy mà bữa nào nó cũng chắc lưỡi thèm nồi cơm củi, có nước cơm, có cơm cháy chan mỡ hành, nước tương. Hoặc mỗi khi nhìn ra đường thấy kẹt xe, khói mù mịt, nó lại ao ước phải chi đó là khói đốt đồng tháng giêng, đẹp biết bao nhiêu. Mà, mỗi khi nhắc khói đốt đồng nó lại thèm khoai lang nướng rơm.

Chị Kim chưa từng sống ở quê nên thấy con Mén như từ một thế giới xa lạ nào đó, giống như trong truyện cổ tích. Con Mén hay nói những từ “ước gì”, “phải chi”: “Chèn ơi, bây giờ ước gì nhà có cái hũ nhỏ, đi chợ mua cá về nhận mắm ăn cho đã thèm. Mắm chợ ở đây người ta trộn màu, đỏ lòm nhìn thấy ớn!”; “Nhà này phải chi rộng chỗ, nuôi vài con heo để nó ăn cơm dư, canh thừa, vừa không phải tội vì đổ cơm mà cuối năm còn kiếm thêm vài tạ heo ăn tết”; “Ở đất Sài Gòn này nước sông gì mà đen thui, phải chi được như nước sông ở quê mình, trời nực phóng xuống tắm cho nó đã”;…

Mỗi khi nghe con bé ao ước như vậy, bao giờ anh Luân cũng thấy nhớ quê da diết. Cách nghĩ của nó, cách nói chuyện bộc trực của nó, anh nghe quen, rất thân quen giống hệt những lời mà nội anh, ngoại anh, má anh đã từng nói với con cháu. Luân nhớ miền quê có nhiều kinh rạch ngoằn ngoèo ôm lấy những cánh đồng, vườn cây và dùng dằng trước bao mái nhà êm đềm chiều chiều vương khói bếp. Ở đó, quà bánh của tụi con nít chỉ là khoai lùi, bắp nướng, cà na ngào đường hay bình bát giằm nước đá.

Con Mén nhắc chuyện hũ mắm khiến anh chợt thèm cái hũ mắm của nội, của má tưởng rằng đã trôi theo dòng ký ức. Hồi đó, nội, ba và chú Út thường đi thả câu, giăng lưới, đặt đú,... Mùa nước nổi, cá nhiều ăn không hết, bà nội và má hay làm khô, làm mắm. Mắm được nhận trong những khạp da bò nhỏ, bên trên đậy mo cau, cài chặt bằng những nan tre. Khạp thì đựng mắm cá lóc, khạp đựng mắm cá sặt, khạp đựng mắm cá bổi để đổi bữa: mắm sống, mắm kho, mắm chưng,… Và Luân, anh đã lớn lên bằng những bữa cơm không bao giờ thiếu cái món mắm đôi lúc có mùi khăm khẳm đó.

Con Mén có cái điện thoại di động cũ. Mỗi lần nghe nhạc chuông vang lên: “Điệp ơi, mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ. Xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong… chờ…” là chị Kim cố nhịn cười “Mén ơi, có thằng Điệp nào kêu mầy kìa!”

Con Mén chu cái miệng lên: “Má tui ở quê gọi chớ có ông Điệp nào đâu. Mà má này cũng thiệt là kỳ, cứ gọi điện lên hoài hổng sợ tốn tiền. Bữa thì nói đàn gà mới nở được mười ba con, thấy cưng lắm; bữa thì nói con Nhí bạn mầy chồng mới đi coi mắt, thằng đó nhà ở xóm Chùa”.

Chị Kim hỏi nhỏ bạn bao nhiêu tuổi mà chồng coi mắt, nó trề môi: “Xời ơi, mới mười bảy, mười tám tuổi chớ bi nhiêu. Mới nứt con mắt mà bày đặt có chồng, thiệt là chán!” Chị Kim lắc đầu, điệu bộ con Mén y hệt bà già.

Nhưng anh Luân, mỗi khi nghe nhạc chuông của con Mén là lòng anh lại gợn lên nỗi xốn xang. Phải, anh đã lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ, anh đã quên bến đò ngang, con sông nhỏ và chốn quê xưa. Nơi ấy, anh đã từng có một mối tình quê rất đẹp.

Hồi đó, anh quen cô gái xóm trên, dịu dàng như dòng sông quê ban sáng. Hai người đã từng mơ ước đến cái ngày cùng nhau bên bàn lễ tơ hồng. Cô chữ nghĩa không nhiều nên ước mơ rất đơn giản về một mái nhà của riêng hai đứa. Mỗi tối, khi anh dạy bài cho con học, cô sẽ ủi cho chồng bộ quần áo, móc lên giá. Sáng thì nấu nồi cơm nóng hay cháo trắng và ơ cá kho tiêu để chồng lót dạ đi làm việc. Chiều, cô sẽ ẵm con ra cửa đợi chồng về,…

Ngày ấy, nghe những lời chân tình của người yêu khi nhắc đến tương lai và hạnh phúc, anh nghĩ nó rất đơn giản đến độ không cần mơ cũng có. Nhưng sự đời… không, tại anh, kể từ ngày anh rời quê đặt chân lên chốn phồn hoa đô hội thì mọi thứ đã đổi thay. Anh đã vì công danh, sự nghiệp mà thay lòng đổi dạ, bỏ lại người con gái mà có lúc anh nghĩ không thể thiếu trong cuộc đời mình.

Trưa nay, chị Kim lại càm ràm chuyện con bé giúp việc:

- Mén à, hồi sáng, trước khi đi làm thím nhờ mầy đi chợ. Mầy mua dưa leo ở đâu mà trái thì già chát, trái thì héo queo vậy?

Con bé ngập ngừng:

- Dạ, xin lỗi thím. Hồi sáng… con vừa tính quẹo vô chợ, tới chỗ quen mua như mọi bữa thì… con gặp một bà cụ… bận bộ đồ cũ y hệt bà ngoại, ngồi bán dưa leo ở vỉa hè. Con thấy tội nghiệp nên ghé mua giùm.

- Thím biết mầy có tánh thương người, nhưng thương người ta như vậy là hại sức khỏe của mình. Mơi mốt gặp người đáng thương, con cứ lấy tiền lẻ cho vài ngàn, thím không la rầy gì đâu, nhớ chưa!

- Dạ - con bé quay mặt, nói nhỏ một mình - Mà… người ta có phải dân ăn xin đâu mà cho.

- Nhớ chưa mà lẩm bẩm một mình vậy?

- Dạ nhớ. Tại vì hồi ở quê má hay dạy con khi đi chợ mua đồ, gặp mấy bà già, con nít thì mua giùm như thể mình giúp cho họ.

Nghe con bé nhắc tới mẹ, chị Kim hỏi:

- Lâu quá, thím không thấy mầy xin về quê thăm ba má. Bộ hổng nhớ hả? Thôi thì cuối tuần này, chú thím có ở nhà, tranh thủ về quê hai ngày rồi lên.

- Nhà ai mà hổng nhớ, nhớ nhất là má. Mà thôi, về chi tốn tiền, nhớ má để trong bụng, vài bữa điện về nói chuyện hay lấy hình ra coi là đỡ nhớ rồi.

- Ủa, có đem theo hình nữa à? Vô lấy ra cho thím coi - chị Kim quay sang chồng - Thiệt tệ, từ hồi dì Tư dắt con nhỏ lên tới giờ, vợ chồng mình có biết mặt mày ba má nó ra làm sao đâu.

Chị Kim chăm chú nhìn bức ảnh rồi khen:

- Bà chị này chắc hồi trẻ cũng khá đẹp. Mà, coi bộ má mầy hiền quá, hả Mén?

- Hồi đó đẹp hay không thì con hổng biết, chớ bây giờ vì nghèo quá, cực quá nên… Má con hiền, hiền lắm. Mà cũng vì quá hiền nên mới khổ. Mỗi lần ba đi nhậu về hay chửi mắng và đánh má bầm giập luôn. Nhà ngoại thì ở xa, cũng may nhờ có bà Tư - người giới thiệu con lên đây giúp việc - thường chạy qua can ngăn, khi thì đắp muối, khi lăn hột gà luộc lên mặt má cho hết bầm.

Chị Kim đưa bức ảnh cho chồng:

- Nè, anh coi đi. Người như vầy mà bị chồng đánh đập, thiệt là tội nghiệp.

Anh Luân như không tin vào mắt mình: Là Luyến? Là cô ấy?

- Má… má con tên gì? - Luân biết mình đã lỡ lời nên đánh lảng - Chú nghe người ta nói cái tên thường ảnh hưởng đến cuộc đời nên…

- Má con tên Luyến, dì Hai thì tên Quyến. Hai chị em là Quyến Luyến vậy mà dì Hai sướng bi nhiêu thì má con lại khổ bấy nhiêu.

Không kiềm chế được nữa, anh Luân chất vấn ngay con nhỏ:

- Vậy má con có tội tình gì mà bị thằng đó… ờ không, chú xin lỗi, lại bị ba con ngược đãi quá mức như vậy?

Lâu rồi mới có người đồng cảm và thương hại cho má, con Mén bộc bạch hết mọi chuyện:

- Má có làm gì sai đâu mà ba con hễ nhậu về là kiếm cớ chửi mắng, đánh đập. Mấy công ruộng, một tay ba bán hết để rượu chè, cờ bạc nên bây giờ má phải làm thuê, làm mướn cho người ta. Hồi nhỏ, con hay nghe ba chửi má là sống với một người mà lại nhớ một người. Con tức lắm, thì má sống với một người là ba, nhớ một người cũng lại là ba. Nhưng sau này con hiểu ra ba nói vậy là vì ba ghen. Ghen gì vô cớ! Một năm, ngoài mấy ngày tết hay những lúc về ngoại, má có đi đâu chơi, có mặc bộ quần áo nào đẹp? Còn một chuyện nghe thiệt lảng, có lần ba đi nhậu về nghe má dỗ thằng Út “Điệp ơi mai anh lên thành đô nhà xe rực rỡ…”, mới nghe tới đó ổng nhào vô đánh má mấy bạt tai, "nhớ thằng Điệp thì theo nó luôn đi!" Mơi mốt tui cấm bà ca bản này, nghen!". Bởi vậy con thấy ba thiệt lãng, lãng nhách luôn. Bài “Lan và Điệp” ở quê ai mà hổng thuộc, hổng thích. Trên đời chắc hổng ai giống ba của con, ai đời lại đi ghen với cái thằng Điệp nào đó trong cải lương.

Con Mén vẫn vô tư kể. Luân không nghe, tai anh lùng bùng. Anh muốn hét to lên cho cả thế giới này biết anh chính là “thằng Điệp”, cái thằng táng tận lương tâm. Luyến ơi, anh đã làm khổ em, làm khổ cả đời em rồi!

Chiều nay, trên sân thượng, Luân nhìn về phía trời Nam, day dứt mối tình xưa nghĩa cũ. Anh đang ấm êm bên con ngoan, vợ đẹp. Nhưng giờ anh chợt nhận ra rằng mình không đủ tư cách để hưởng hạnh phúc mà bấy lâu anh cứ nghĩ nó luôn luôn, mãi mãi thuộc về mình. Giờ này, có một người phụ nữ đang sống bên chồng mà lòng luôn nhớ tới một người. Anh nghe nhói trái tim mình như vừa bị ai đó bóp vào, thoi thóp.

Nguyễn Linh (baovinhlong)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu