A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú Tư, con là ai (phần cuối)

… Tự nhiên tôi bật khóc, khóc tức tưởi còn chú Tư lại vui vẻ phấn khích cười lên sảng khoái. Tôi nghĩ tới cái lúc sẽ gặp lại Xom Bát, là cái thằng Xom Bát sáu ngón ngày xưa, tới lúc mà chú Tư đưa trả lại anh pho tượng báu vật, chắc lúc ấy pho tượng Phật sẽ toả sáng rực rỡ trên tay hai người, màu sáng xanh thần thánh mà tôi đã có lần bắt gặp. Mênh Leng và Úc Chon đứng ngớ ra nhìn hai chú cháu tôi mà không biết có chuyện gì. Tôi lau nước mắt, nhìn Leng, nhìn Chon, nhìn chú Tư mà thắt ruột nhớ tới Chằm Rươn. Đúng là chú Tư đã tin như vậy, rằng thế nào cũng có một ngày chú trả lại được pho tượng Phật bằng vàng cho chủ của nó. Và điều kỳ diệu ấy đã đến như vậy, bất chấp tháng năm, bất chấp cả những lưu lạc và cơ cực của cuộc đời. Còn tôi, tôi cũng tin rằng Chằm Rươn sẽ quay về tìm tôi, chỉ cần anh còn sống anh sẽ về tìm tôi…
 

(...) Chập này chú Tư về muộn hoài, có hôm tới chín mười giờ tối mới nghe tiếng xe của chú. Lúc đầu tôi còn ráng đợi chú cùng ăn, đợi riết ngán quá, tôi úp cơm phần chú rồi giăng mùng đi ngủ. Nằm vậy thôi chớ đâu có ngủ, nằm thao thức tỉnh tỉnh mơ mơ cho tới lúc chú về, tiếng chú dựng và khoá xe dưới sàn, bước chân lên cầu thang rồi vô sàn liếp kêu cọt kẹt. Tôi trở dậy dụ chú ăn thêm chút cơm.

- Hồi chiều chú ăn cơm hàng rồi, giờ không muốn đụng đũa.

Chú lấy chai rượu nút lá chuối, rót ra cái chén con, hớp một hơi. Đó là chai rượu chú ngâm với quả nhàu, nghe mùi rượu vừa thơm vừa ngái.

- Chú vừa ghé nhà Úc Chon, cho con nó gói bánh quy, hỏi nó có thấy Leng về không. Cái thằng sao lâu quá không về.

- Chú mong gì mà mong hoài, ảnh còn lo làm ăn chớ chú.

- Từ khi làm xe ôm, chú dành được ít tiền, muốn đưa trả nó.

- Leng thiếu gì tiền.

- Biết vậy, nhưng không đưa thấy áy náy quá.

- Cháu chắc chắn ảnh không nhận của chú đâu.

- Ờ, chú cũng muốn gặp nó để hỏi tung tích thằng con nhà Pha Vi một thể.

- Chú Tư à, chưa biết chừng ở đây rồi hỏi được tin anh Ba con cũng nên.

- Vậy đó. Phiêu bạt hơn chục năm trời nay chú thấy có nhiều người tìm được nhau rồi. Chú trở lại đây ở là mong đợi một ngày nào đó tụi nó tìm về đây. Mọi người tìm về đây.

- Con biết mà chú.

- Chú càng mong tìm được người nhà Pha Vi để trả cho người ta cái bọc vàng. Giữ lâu quá, nay chú mệt rồi, biết đâu...

- Chú nói gì vậy chú Tư, biết đâu làm sao, chú còn mạnh khỏe lắm mà.

Chú Tư đưa tay vuốt tóc, mấy sợi tóc bạc lả tả rơi xuống quần chú.

- Đó con xem, chú yếu đi nhiều rồi, độ này chú cứ hay nghĩ lung tung vậy đó. Nhung nè, chú hỏi con...

- Chú hỏi gì chú?

- Con biết chỗ chú giấu bọc vàng người ta gởi rồi chớ?

- Làm sao con biết được.

- Vậy chú chỉ cho con.

- Để làm gì chú?

- Con cũng nên biết, nếu mai mốt chú về dưới thì chú giao lại cho con.

- Đâu có thế chú Tư, chú đi đâu con đi đấy, con ở với chú trông nom chú tới tận già mà.

Nghe nói vậy chú Tư bật cười sảng khoái, ánh đèn soi vô mặt chú làm cho nụ cười càng rạng rỡ, cái thẹo trên má chú cũng dãn ra. Chú tợp cạn ly rượu rồi kéo tôi đi xuống thang gác. Chúng tôi đi trong đêm tối ra vườn. Tôi nghe ễnh ương thi nhau kêu oang oang ngoài ruộng, thỉnh thoảng có một con nhái nhảy rộp ngay trước chân. Không có đèn nhưng chú Tư vẫn dắt tôi đi qua những cây xoài, cây xa kê rồi thẳng tới gốc mít góc vườn. Đây là một cây mít con, chưa có trái, bên gốc có một cái lu trước kia làm mắm bồ hóc. Chú Tư xoay nghiêng cái lu rồi bênh đít lu lên. Lúc ấy tôi bỗng rùng mình cảm nhận một vầng ánh sáng thần thánh tỏa ra chung quanh, vầng sáng linh thiêng tới mức khiến tôi tự nhiên chắp tay quỳ xuống ngay cạnh chú Tư. Chú Tư cầm tay tôi dí vô cái hố đất dưới đít lu.

- Đó, con có thấy cái bọc không?

- Dạ có.

- Là tượng Phật đó con, người ta đã gởi chú một pho tượng Phật bằng vàng đó.

- Vậy a chú! Chắc vậy nên con mới thấy ánh sáng xanh toả ra từ đó, thiêng quá chú.

- Thiệt là báu vật của người ta, chú nhớ bà Pha Vi đã xụp lạy pho tượng tới hai lần đó con, con biểu chú không giữ gìn cẩn thận sao được. Con nhớ chỗ này rồi chớ?

- Dễ mà chú, con nhớ rồi.

- Vậy được, mình đi lên.

Lên tới trên nhà, chú Tư làm một chén rượu nữa rồi mới đi nằm. Tôi hỏi chú:

- Con không hiểu chú chỉ cho con chỗ giấu pho tượng Phật đó làm gì vậy?

- Có hai người biết vẫn tốt hơn.

Chú im lặng chút xíu rồi nói tiếp:

- Lúc ban đầu chú đâu biết trong  bọc có cái gì. Một lần giở ra chú thấy có mấy chiếc nhẫn vàng với pho tượng Phật, bằng vàng không thôi, bự dữ lắm, bự hơn nắm tay mình vầy này, bởi vậy ngày trước con Bảy Hường mới tìm cách đánh cắp. Con chưa ngủ đó chớ?

- Chưa đâu chú.

- Chú ân hận mãi Nhung ạ, một lần mình lấy cái nhẫn một chỉ sắm hòm cho ông Mười, thôi thì coi cũng còn được, nhưng mà cái lần chú bịnh, thiệt dở ẹc.

- Không có đâu chú, chú bịnh thì làm sao còn giữ được báu vật cho người ta.

- Chú cũng nghĩ vậy. Nhưng dịp này chạy xe ôm có chút tiền, chú tính sẽ mua bỏ vô trả người ta thôi.

- Nhưng chú biết trả cho ai?

- Vậy nên con mới cần biết chỗ chú giấu. Nhung nè...

- Dạ?

- Con còn nhớ Út Thuỷ không?

- Có chớ chú.

- Mai con nghỉ ve chai một bữa, cùng chú đi kiếm mộ nó thắp nén nhang nghe con...

Nghe chú nói vậy mà tôi thương chú đến khóc, nước mắt cứ trào ra. Thấy tôi sụt sịt chú biểu:

- Chú cũng buồn dữ lắm... Thôi, ngủ đi con.

Chú Tư đi miết, chú đang cố làm để dành tiền trả cho Leng và trả vô chỗ vàng chú đã xài. Tội nghiệp chú, Leng thì có thiết gì cái xe máy đã cho chú mượn, Úc Chon biểu anh ấy đã có xe hơi. Còn người gửi vàng cho chú sống chết thế nào, giờ này ở đâu làm sao chú đã biết được. Chú đi tối ngày, tôi linh cảm thấy có cái gì đó không yên nên lúc nào cũng lo cho chú. Linh tính ấy không sai. Một buổi tối khoảng lúc tám giờ tôi đang tắm thì thấy Chon phóng xe máy tới kêu:

- Nhung ơi, chú Tư bị cướp bắn.

Tôi rụng rời chân tay, lao ra nhảy lên xe Chon biểu anh chở đi.

- Sao anh Chon biết?

- Người ta gọi Chon. Chú Tư bị thương nặng, xe bị cướp mất rồi.

Chỗ chú bị bắn là chỗ ngã ba từ đường nhựa rẽ vô làng. Một đám đông vây quanh, soi đèn pin loang loáng, người hỏi người nói nhưng không ai biết làm gì để cứu chú Tư. Tôi vừa khóc vừa rẽ đám người chạy tới. Chú Tư nằm thê thảm bên một vũng máu. Tôi nâng đầu chú dậy, thấy miệng chú mấp máy. Tôi gào lên thảm thiết:

- Cứu người, xin các ông bà cứu người.

Chon và hai người nữa sáp vô, định nâng chú ngồi lên xe máy chở vô nhà thương. Vừa lúc ấy có ánh đèn ô tô từ xa, một chiếc xe con lướt tới, khi thấy đám đông đứng chật đường thì từ từ dừng lại. Một thanh niên to cao từ trong xe bước ra, đám đông dạt sang bên nhường đường. Chon và mấy anh bạn ý chừng thấy người thanh niên như ông lớn nên cũng dừng tay đứng nhìn. Tôi vẫn ôm đầu chú Tư, gào lên:

- Xin các ông các bà cứu chú tôi với!

Người thanh niên lặng lẽ ngồi xuống, biểu Chon soi đèn pin rồi lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ vạch mắt chú Tư lên coi. Khi anh lấy tay vạch sang mắt thứ hai thì tôi chợt rùng mình. Hình như tôi loáng thoáng nhớ ra một cái gì đó. Nhưng chưa định tâm để nhớ ra được cái gì thì người thanh niên đã biểu mọi người đưa chú Tư vô xe để đi bệnh viện. Anh ta hỏi ai là người nhà nạn nhân. Tôi biểu tôi là cháu, anh ta cho tôi lên xe ngồi đỡ chú Tư, quăng qua cho tôi một cái khăn rộng bọc vết thương kẻo máu dính vô băng rồi từ từ lái xe đi. Tôi vô cùng hoảng sợ, vừa lo cho chú Tư vừa hoang mang lần đầu ngồi trong xe hơi nên cứ rúm lại. Bỗng dưng người thanh niên quay lại nói với tôi bằng tiếng Việt, rất sõi:

- Cô đừng lo, vô bịnh viện 179 tôi cấp cứu cho.

- Dạ, xin ông làm phước.

Tới bệnh viện, người ta đặt chú lên cáng rồi khiêng đi. Tôi đờ đẫn chạy theo mọi người. Tới cửa phòng mổ tôi bị chặn lại. Tôi đứng ngoài, ngửi mùi oi của nhà thương và chịu cho muỗi chích. Chỉ một chút sau người thanh niên ban nãy đi tới. Anh ta đứng lại trước mặt tôi, mỉm cười:

- Không sao đâu, đợi tôi mổ lấy viên đạn ra là được.

Thì hoá ra anh ta là bác sĩ. Nghe anh nói thế bao nhiêu lo âu như trút được ra hết, tôi thấy nhẹ cả người. Anh ta vừa nói với tôi vừa đút tay vô găng, và đúng lúc ấy tôi lại chợt rùng mình. Lần này tôi nhìn thấy anh có ngón tay thứ sáu, nhỏ thôi nhưng tôi vẫn nhìn thấy rõ.

Ba ngày sau tôi đón chú Tư về nhà. Chú xanh mét vì mất nhiều máu. Viên đạn kẻ cướp xuyên vô đùi, bác sĩ đã mổ lấy ra. Khi chú ngã xe, đầu chú đập vô đá, tay chú lê trên mặt đường, trầy xước tùm lum, mặt chú đầy những vết tụ máu tím bầm. Đón chú Tư về một lúc đã thấy Chon qua thăm.

- Không chết mới lạ chớ ông Tư, tôi mừng cho ông qua được cái nạn này.

Chú Tư cười, gật đầu:

- Cũng may thôi Chon à. Mình đang đi chỉ thấy loé lên một cái rồi ngã sấp luôn, có biết gì đâu.

Chon rút trong túi ra cái bọc nhỏ, bên trong có một miếng màu đen to hơn đầu ngón tay đưa tôi.

- Đây là mật gấu, cô Nhung bỏ vô rượu ngâm đi rồi bôi cho ông Tư, tốt lắm đó, những vết tụ máu này sẽ tan ngay.

Một lúc sau, bà lão hàng xóm cũng mang qua cho chú nồi canh. Bà lão cứ đứng dưới cầu thang gọi, khi tôi mời bà mới bưng lên. Tôi hỏi:

- Bà cho chú Tư cái gì ăn vậy?

Bà lão nói tiếng Việt không rành:

- Miên trây bông, tôi nấu xòm lo mờ chu duôn cho tà Tư (1)

Chú Tư chắp tay vái bà, nói cám ơn:

- Xom o cun.

Người qua lại thăm viếng chú nhiều, chú vui vẻ, mạnh khoẻ lên trông thấy. Một hôm chú biểu tôi:

- Dè đâu bà con vẫn nhớ là trước mình đã ở đây. Gặp nạn thế này rồi chú mới thấy tấm lòng bà con, thấy chỗ này như quê mình thiệt con ạ.

Tôi hỏi chú:

- Chú ở đâu lâu nhất, chú Tư.

- Thì vẫn là ở đây, từ trước khi má mày sinh ra mày.

- Thế thì đây là quê chú rồi còn gì.

- Phải rồi, thế mà bao giờ chú cũng nghĩ quê chú ở bển.

- Vậy chú còn muốn về dưới với ông bà Bảy không?

- Để coi con ạ, chú vẫn muốn về.

Tôi lại hỏi chú:

- Còn con thì quê ở đâu chú?

- Sanh ra ở đâu thì quê ở đấy con à.

- Ở Chăng Va đây chứ còn ở đâu.

Vậy ra tôi cũng có quê, tôi sinh ra ở đây thì quê tôi cũng ở đây. Nếu đúng là ai sanh ở đâu quê ở đó thì tại sao ông Mười, ông Năm, chú Tư... đều nghĩ mình quê ở dưới, có phải họ đều  sanh ra ở bển cả đâu. Tôi đang mải nghĩ về quê hương thì bỗng chú Tư xoay qua hỏi:

- Nhung nè, cái vụ mổ đùi chú gắp viên đạn ra mình phải trả bao nhiêu tiền hả con?

- Không có chú, trong nhà thương có nhiều bác sĩ tình nguyện Việt Nam, người ta thương mình nghèo, đâu có lấy tiền. Mà mình cũng may, gặp được cái ông bác sĩ người Campuchia tốt quá.

Tôi bỗng nổi da gà khi nhắc tới người bác sĩ. Bàn tay sáu ngón của anh bỗng hiện ra trước mắt tôi rõ mồn một. Tôi ngập ngừng nói với chú Tư:

- Có điều này lạ lắm chú.

- Điều gì?

- Cái người bác sĩ cấp cứu cho chú con thấy ảnh có sáu ngón tay.

- Vậy thì sao chớ, ảnh mổ vẫn tốt đó thôi.

- Con nhớ mang máng anh con trai bà Pha Vi cũng có sáu ngón tay.

- Cái gì, thiệt hả?

- Thiệt mà chú. Lúc nhỏ tụi trẻ con kêu anh ấy là thằng sáu ngón. Nhưng con không nhớ ở bàn tay nào, lúc đó con còn nhỏ quá mà. Người bác sĩ này ở bàn tay phải.

Thiếu chút xíu thì chú Tư nhảy cẫng lên. Chú đứng bật lên, bước qua bước lại, sàn nhà rít lên ken két dưới chân chú. Chú nói như la:

- Chú nhớ ra rồi, là cái lúc chú lôi nó từ dưới sông lên. Nó giơ tay cho chú, cái bàn tay xoè ra, sáu ngón. Là bàn tay phải đó con.

Vừa lúc có tiếng Chon ơi ới gọi:

- Ông Tư ơi, có Leng về đây nè.

Chúng tôi ùa ra đón Leng. Leng xách một túi quà đi lên, nhìn chú Tư hỏi:

- Chú đi lại được rồi hả chú Tư, vậy mừng thiệt rồi.

Chú Tư mừng rỡ:

- Sao Leng biết tôi bị nạn mà về thăm?

- Có người làng qua chơi nói lại. Cháu biết từ tuần trước, hôm nay mới về thăm chú được.

- Cám ơn Leng nhiều lắm. Tôi thì thoát nạn nhưng cái xe của Leng thì mất tiêu luôn rồi.

- Tính mạng mình là quan trọng chớ cái xe thì ăn nhằm gì, khỏi bận tâm đi chú.

Tôi biết thế nào rồi chú Tư cũng sẽ hỏi Leng về con trai bà Pha Vi. Biết vậy nhưng tôi vẫn không đừng được, liền hỏi trước:

- Anh Leng còn nhớ hồi nhỏ anh chơi với anh Hai anh Ba em không?

- Nhớ lắm, anh nhớ như in những ngày tuổi trẻ ở Chăng Va này lắm. Không biết bây giờ bọn họ ra sao.

- Anh có nhớ có một đứa ở Nam Vang về không?

- Nhớ chớ. Nó là con nhà giàu ở Nam Vang chạy về làng, ba má nó bị Pốt đập chết. Bây giờ nó làm bác sĩ trong bộ đội giải phóng. Anh vẫn thường gặp nó.

- Bàn tay ảnh có sáu ngón phải hông?

- Phải rồi, nhưng có chuyện gì mà Nhung hỏi kỹ quá vậy?

Chú Tư không chịu nổi liền ngắt lời tôi để chen vô:

- Bác sĩ ở nhà thương 179 phải không?

- Phải rồi chú Tư. Sao chú biết?

- Chính nó là người gắp viên đạn ở đùi chú ra. Leng, mày dẫn chú đi cám ơn nó được không.

- Được chú. Nó ơn Việt Nam lắm mà, bây giờ nó vẫn để ý tìm lại người quen đã cưu mang nó lúc nhỏ đấy.

Chú Tư nhìn tôi reo lên:

- Thấy chưa Nhung, chú vẫn biểu là mình sẽ tìm được họ, thằng Som Bát giờ là bác sĩ đó nghen.

Tự nhiên tôi bật khóc, khóc tức tưởi còn chú Tư lại vui vẻ phấn khích cười lên sảng khoái. Tôi nghĩ tới cái lúc sẽ gặp lại Xom Bát, là cái thằng Xom Bát sáu ngón ngày xưa, tới lúc mà chú Tư đưa trả lại anh pho tượng báu vật, chắc lúc ấy pho tượng Phật sẽ toả sáng rực rỡ trên tay hai người, màu sáng xanh thần thánh mà tôi đã có lần bắt gặp.  Mênh Leng và Úc Chon đứng ngớ ra nhìn hai chú cháu tôi mà không biết có chuyện gì. Tôi lau nước mắt, nhìn Leng, nhìn Chon, nhìn chú Tư mà thắt ruột nhớ tới Chằm Rươn. Đúng là chú Tư đã tin như vậy, rằng thế nào cũng có một ngày chú trả lại được pho tượng Phật bằng vàng cho chủ của nó. Và điều kỳ diệu ấy đã đến như vậy, bất chấp tháng năm, bất chấp cả những lưu lạc và cơ cực của cuộc đời. Còn tôi, tôi cũng tin rằng Chằm Rươn sẽ quay về tìm tôi, chỉ cần anh còn sống anh sẽ về tìm tôi. Tôi làm như vô tình hỏi chú:

- Đúng như chú nói, mọi người đang quay lại mảnh đất này đó chú. Chú có tin là Chằm Rươn cũng sẽ trở về không?

- Tao biết thằng đó quá. Chỉ cần nó còn sống thì dù mày ở đâu nó cũng tìm về. Nó thương con, con thương nó, đó là cái không bao giờ chết ở trong lòng Chằm Rươn.   


Hết

Thăng Sắc

------------------------------------------------

(1): Tiếng Campuchia, nghĩa là có con cá bông, tôi nấu canh chua Việt Nam cho ông Tư.


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu