A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú Tư, con là ai (phần 17)

... Một con chích choè hót lảnh lót, tiếp theo có rất nhiều tiếng chim khác nhau cùng hót theo, khu rừng đang im lìm bỗng như bừng tỉnh. Tôi và Gấm ngồi chung với ông Mười, nghe ông thở tôi biết ông cũng đang hồi hộp lắm. Trời sáng dần lên, những tia nắng đầu tiên đã lọt qua kẽ lá chiếu rõ những chiếc bắp chúng tôi trải từ thưa đến mau dần. Bỗng Gấm bóp chặt vai tôi. Chúng tôi đều nín thở. Rõ ràng chúng tôi đã nghe thấy những tiếng chí choé, khìn khịt. Lũ khỉ đang lại gần ...
 

(…) Tôi vẫn ở với chú Tư, Chằm Rươn đi về thường xuyên. Xo cũng luôn lui tới với Gấm. Họ gần gụi nhau chẳng khác chi tôi với Chằm Rươn. Tính nó vẫn thế, thoải mái, bất cần. Nó hỏi tôi:

- Rồi chưa?

Tôi hiểu ý nó.

- Rồi.

- Thích không?

- Con này kỳ quá, ai lại hỏi vậy.

Nó hỏi kỳ thiệt, sao không thích kia chớ. Chính Chằm Rươn đã đem đến cho tôi những hứng thú hoàn toàn mới mẻ mà trước ngày cưới tôi chưa hề biết đến. Chuyện ấy với người chồng cũ toàn làm tôi phát khiếp, mỗi lần hắn đòi là một lần tôi phải chịu tra tấn cực hình, tôi không bao giờ có thể mường tượng nổi là tôi lại thích Chằm Rươn tới mức như bây giờ. Tôi mỉm cười với Gấm, ngầm biểu nó là thích lắm chớ sao không.

- Có gì mà kỳ. Tao cũng rồi.

Tôi không lạ vì biết con Gấm rất thích đàn ông.

- Vậy chớ lỡ mang bầu ra thì sao.

- Lúc đó rồi tính.

Chuyện trò với nhau kiểu đó riết rồi thành quen nên mỗi lần thương nhau là tôi và Gấm lại kể nhau nghe, có lúc trố mắt lạ lùng ngạc nhiên, có lúc cùng nhau cười khúc khích. Gấm biểu tôi có kinh nghiệm hơn nó, chẳng gì cũng hai lần chồng, ấy là không kể lần yêu anh Cháy. Một lần bỗng dưng Gấm hỏi:

- Có bao giờ ảnh hỏi người chồng cũ khi đang thương mày không?

-   Có một lần.

-   Ảnh hỏi sao?

-   Ảnh hỏi ảnh có khác với hắn không.

- Đàn ông kỳ ghê mày nhỉ, mấy lần đang thương tao anh Xo cũng hỏi không biết mày với anh Rươn thương nhau thế nào. Mày trả lời Chằm Rươn sao?

- Tao thấy sao nói vậy.

- Thấy sao?

- Chằm Rươn làm cho tao sướng, thằng chồng cũ chỉ sướng mấy lần đầu, sau cục cằn hung bạo quá, tao sợ.

- Tao cũng sợ lúc anh Xo thương tao lần đầu.

- Tao có thương thằng chồng cũ bao giờ đâu, mấy lần đầu hắn còn nhẹ nhàng, sau hành hạ tao dữ quá, tao phải chịu trận, có lúc tao muốn quỳ xuống xin nó tha mà nó không tha, bây giờ nghĩ lại còn kinh. Chăm Rươn ảnh làm tao sướng thiệt sự, bây giờ lúc nào cũng chỉ mong được gần ảnh để thương nhau thôi.

- Tao cũng vậy hà, chỉ mong Xo tới, tụi tao thương nhau cả ngày mấy lần cũng được.

Thiệt ra hai anh tuần nào cũng tới, tuần nào chúng tôi cũng làm chuyện ấy vài ba bận. Những lúc rỗi họ lại xin cho chú Tư và ông Mười vài chục giác lưới đủ để đổi gạo và muối. Mưa nhiều, nước nổi rất nhanh, xóm ghe lui dần vô sát bìa rừng. Không có việc gì làm, bốn người đàn ông thường ngồi suông bàn cách kiếm tiền. Một bữa Xo biểu:

- Nước nổi như vậy là chim, khỉ, rắn rút vô rừng hết, mình có thể đi giật khỉ. Chập này nhiều mối gom khỉ đem đi bán ở Thái lan, mỗi con cũng được 200 ria.

Ông Mười tán thưởng ngay:

- Cái đó hay. Mình già đời rồi mà không tính ra. Khỉ nhiều lắm, đang rút vô rừng, đôi lúc mình nghe hắn chọc nhau chí choé ngay gần.

Chằm Rươn hào hứng:

- Con đã nghe chuyện giật khỉ rồi mà chưa bao giờ thấy. Vậy mình làm nghe chú Tư?

- Không dễ ăn đâu, cực lắm. Tôi biết mà.

Xo nói:

- Con cũng biết. Trước Pốt con đã theo ba đi làm mấy lần rồi, trẻ con đi theo người lớn giật khỉ, vui thiệt là vui. Khỉ sập bẫy, tụi con chỉ việc lùa rồi bắt trói chớ có làm được gì đâu.

Ông Mười coi bộ phấn chấn dữ lắm rồi:

- Giật được khỉ chớ sao mình không làm bộ xương mà nấu nồi cao nhỉ, già cả rồi xương cốt đau dữ lắm. Thằng Tư tính sao?

- Tính sao, mọi người làm thì tôi cũng tham gia chớ sao, ngồi suông ở ghe mà lưới để khô thì khó chịu lắm. Nhưng giật khỉ thế nào tôi đâu có biết.

Ông Mười nói:

- Vậy thế này đi, thằng Xo biết rồi thì chỉ huy, còn lại tất cả mọi người già trẻ nghe theo nó hết, đồng ý há!

Tôi và Gấm nãy giờ ngồi ké nghe chuyện, cũng thấy thích thú lây. Nghe ông Mười nói vậy, Gấm đòi luôn:

- Cho con với con Nhung đi cùng nghe ba.

Ông Mười chỉ tay sang Xo:

- Hỏi chỉ huy chớ hỏi gì tao.

Xo vui ra mặt nhưng còn chọc chúng tôi:

- Con gái đâu có dễ đi như vậy. Ngửi mùi con gái, khỉ nó không chịu vô bẫy đó.

- Xạo quá phải không Nhung. Đã gọi là khỉ còn nói gì chuyện trai gái.

- Đực cái dữ hơn người đó, chớ coi thường. Khi nhỏ anh bị ba bợp tai chỉ vì mấy cái chuyện này. Chú Mười, con kể mọi người nghe luôn được không?

- Hay đó, kể đi.

- Trẻ con theo đi giật khỉ hay bị bợp tai vì hay cười. Mấy con khỉ bự thường dòm mấy con cái tơ, chúng đi thành một dây có đực có cái, có lớn có bé. Mấy con bự chạy theo dáo dác dòm, ưng con cái nào liền chụp cái đuôi giở hổng lên làm hịch một cái, con nào không cho nó hịch thì nó cắn, ngó mắc cười thấy mồ. Mình không nhịn được phá lên cười thời khỉ chạy hết, mất cả một ngày bẫy, hỏi sao không bị người lớn bợp tai chớ. Nghe Xo kể chuyện khỉ vậy ai cũng cười. Gấm vẫn không chịu:

- Ai dè anh Xo nói dóc cũng rành ghê.

- Không có, ít bữa đi rồi tự biết mà.

Chằm Rươn sốt ruột hỏi:

- Bao giờ đi?

- Cỡ này đi là thuận nhất. Nước biển đang nổi, khỉ rút vô gò, chịu đói vì không kiếm được miếng ăn, dễ bẫy lắm.

Ông Mười hỏi:

- Nói vậy mình phải chuẩn bị cái gì?

- Mình phải có lưới tốt, rồi phải làm thùng nhốt bằng sắt. Chỉ cần những cái chính đó thôi.

Chú Tư nói:

- Ngần ấy thôi mà không mất khối tiền à?

Chằm Rươn biểu chú Tư:

- Chú để con hỏi Xo xem nên làm thế nào rồi con lo cho.

Ông Mười vui ra mặt:

- Mình bắt tay làm ngay đi.

Xo nói:

- Chú Mười phụ cho Rươn sắm lưới và làm thùng nhốt, con với chú Tư đi trinh sát trước. Trinh sát cũng vất vả lắm, coi cho chắc đường đi lối về của lũ khỉ rồi mới quyết giăng bẫy ở chỗ nào.

Mấy ngày sau đó ông Mười và Chăm Rươn lo mua lưới và đặt làm thùng nhốt khỉ, chú Tư và Xo sáng sớm bơi xuồng vô rừng, đến tối mịt mới trở về, đói khát và mệt nhoài. Thường đến lúc mặt trời lặn hẳn xuống biển mà chưa thấy họ về là tôi và Gấm sốt ruột đứng trên mũi ghe ngóng vô rừng. Rừng lúc ấy chỉ còn là một vệt đen mờ mờ, bên trên là bầu trời đen ngòm đầy nước. Thỉnh thoảng tim tôi lại nhói lên khi thấy có những luồng đạn đỏ lòm vút lên trong đêm tối. Chỉ đến khi nghe có tiếng chèo khua quen thuộc của hai chú cháu thì chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi ùa tới đón họ như thể họ ở xa lắm và đã lâu lắm mới vừa về, nhanh chóng dọn cơm cho họ ăn, chung quanh mâm cơm, mọi người lại rôm rả bàn chuyện giật khỉ.

Ông Mười hỏi:

- Kết quả ra sao rồi?

Chú Tư nói:

- Ghê quá, hôm nay tụi tôi đụng người chết. Dáng chừng bị lính Pốt giết rồi đút vô rọ, người trương phồng lên trôi dật dờ như ma.

Ông Mười xúc động nói:

- Không khéo lại bà con mình đi đánh cá đụng phải Pốt thôi. Nếu mình đi tới đó cũng phải cẩn thận lắm.

- Thằng Xo coi vậy mà giỏi, thiệt rành mọi chuyện. Nó biểu ngày mai có thể đi sớm đào hố đặt bẫy được rồi.

Xo nói:

- Chú Mười, lưới chú có đặt tới 20 mét chiều ngang không?

- Dễ chừng hơn đó. Chính xác là bao nhiêu Rươn?

- Hơn 25 mét chiều ngang.

Xo nói:

- Tốt rồi, bãi đó cũng rộng lắm mà chú. Nhung với Gấm đã mua được bắp chưa?

Gấm vui vẻ:

- Tụi em mua cả thúng rồi đó.

- Như vậy được rồi. Mai cả nhà đi sớm nghen.

Ông Mười nói với bà Mười:

- Bà nắm cho mỗi người nắm cơm, đảm bảo không bị đói mới làm được.

Hôm sau chúng tôi bơi tới gò đất vào lúc gần trưa, neo xuồng xong rồi thu lấy đồ đem lên. Chằm Rươn và Xo đều xách theo khẩu súng. Tôi hỏi:

- Mấy anh đem theo súng làm gì?

Rươn giảng giải:

- Mình đề phòng Pốt chớ em, coi chừng chúng cũng đi giật khỉ hoặc cướp xuồng. Bữa qua chú Tư và anh mới đụng người bị Pốt giết chết đó.

Chúng tôi làm cật lực, chẳng mấy lúc đã đào xong hố bẫy. Xo tỉ mỉ hướng dẫn mọi người đặt lưới, ròng dây, buộc nút, sau đó dọn sạch đất cát vương vãi chung quanh, kiếm lá rụng với cỏ rác trải lên che khuất lưới và nguỵ trang những chỗ đất mới đào. Con Gấm liếc ảnh đang đứng xoa, vẻ bằng lòng với công việc, nói nhỏ với tôi:

- Coi gớm chưa, lính mà y hệt chỉ huy!

Xo toét miệng cười, phát vô mông con Gấm một cái rõ kêu:

- Thì anh chẳng phải là tổng chỉ huy chiến dịch giật khỉ đó sao. Đó, thôi nào, mọi người nghe đây, giờ mỗi ngày mỗi ngày mình phải tới kín đáo thả bắp để cho nó ăn, sau quen dần chúng tới ăn đông thì mình mới giật. Thả bắp cũng có mẹo, thả bắp hạt là chính, thỉnh thoảng đặt một trái bắp thôi, tụi nó ranh lắm, chộp được trái bắp là biến đi luôn. Tới ngày giật khỉ, ăn thua là phải làm lều lá giấu mình, nếu để nó thấy là nó chạy hết, mất thêm mấy hôm lừa nó trở lại. Chú Tư chú Mười nhớ không được hút thuốc và xức dầu cù là nghe.

Ông Mười cười:

- Không xức dầu thì được chớ không hút thuốc chịu sao nổi!

- Phải ráng chịu đi chú, nó ngửi mùi thuốc của chú đâu dám tới. Hai em Nhung và Gấm cũng phải ráng chịu, kể cả có muỗi chích hay là muốn ho cũng phải nhịn.

Gấm chọc Xo:

- Kể cả có thấy chúng nó hịch một cái cũng phải nhịn cười luôn, nếu không phải chịu ăn bớp tai của chỉ huy đó.

Xo nói:

- Thiệt đúng, lúc đó mà cười thì coi như công sức tiêu hết trơn.

Chúng tôi trải bắp đều đặn mỗi ngày, ngày thứ ba khỉ đã tới đông vô kể. Xo biểu vậy là giật được rồi. Tối đó bốn đứa chúng tôi thao thức đợi sáng đi giật khỉ. Tôi hồi hộp không tài nào chợp mắt được, công việc trở nên hứng thú gấp trăm lần vì được làm với các anh. Khuya lắm, khi Chằm Rươn và chú Tư đã ngon giấc, tôi ra mũi ghe ngồi cho mát, ai dè vừa ngồi được chút xíu là thấy bên kia con Gấm cũng kéo Xo lên khoang thương nhau. Tôi không còn sợ tới mức hốt hoảng như trước đây bắt gặp Ba Khuông với Bảy Quyên, lại thêm chút tò mò nên ngồi im nhìn qua. Đêm trăng trên biển sáng lắm nên tôi thấy tất cả. Bây giờ thì tôi biết phải thương nhau thế nào mới có thể say mê đến vậy, như hôm đầu tiên tôi làm chuyện ấy với Rươn trên bãi cỏ, tôi đã cảm nhận được anh yêu thương tôi tới chừng nào. Đối với tôi thì đó là lần đầu tiên, Chằm Rươn cho tôi lần đầu tiên chớ không phải người chồng cũ. Ngồi coi họ thương nhau mà tôi toàn nghĩ tới Rươn, họ làm dữ quá tôi không chịu được, ai dè con Gấm chuyện ấy cũng quậy quá trời.

Chúng tôi dậy từ sáng sớm nắm cơm đem theo, hăng hái vui vẻ bơi xuồng. Tôi nhìn Gấm không thấy nó có chút gì mệt mỏi, ngược lại khuôn mặt cứ tươi roi rói, nói cười huyên thuyên luôn miệng, cấu véo Xo luôn tay. Hai đứa tôi được mang giày bộ đội, mang đồ bộ đội của Xo và Rươn. Ông Mười và chú Tư được Xo phân trói khỉ nên còn mang găng vải rất dày, trên đầu mang mũ cối. Tới nơi trời vẫn còn tối, chúng tôi bám theo nhau. Anh Rươn thì thầm:

- Mấy em có thấy giống hành quân đêm không?

- Có.

Xo nói:

- Chút nữa ngồi ém cũng không khác gì đặc công.

Xo nhanh chóng chỉ cho chúng tôi chỗ ém. Khi ai vào chỗ đó rồi trời mới hơi mờ sáng, sương mù lộ ra từng đám bàng bạc. Tôi ngồi im lặng chờ đợi, rất phấn khích. Một con chích choè hót lảnh lót, tiếp theo có rất nhiều tiếng chim khác nhau cùng hót theo, khu rừng đang im lìm bỗng như bừng tỉnh. Tôi và Gấm ngồi chung với ông Mười, nghe ông thở tôi biết ông cũng đang hồi hộp lắm. Trời sáng dần lên, những tia nắng đầu tiên đã lọt qua kẽ lá chiếu rõ những chiếc bắp chúng tôi trải từ thưa đến mau dần. Bỗng Gấm bóp chặt vai tôi. Chúng tôi đều nín thở. Rõ ràng chúng tôi đã nghe thấy những tiếng chí choé, khìn khịt. Lũ khỉ đang lại gần. Kia rồi, tôi đã nhìn thấy một con khỉ mẹ cõng một con khỉ con chạy như bay tới cái bắp đầu tiên, lượm rất nhanh rồi biến ngay vào rừng. Tiếp đến là năm con, rồi cả một bầy từ trong bụi rồ ra, từ trên cây đu xuống. Chúng chí choé, tranh giành nhau lượm bắp nhưng đến gần bẫy thì bỗng khựng lại. Cả bầy ngơ ngác, mấy con khỉ con nhảy lên lưng ôm chặt lấy cổ mẹ. Có hai con khỉ bự nhảy tới chụp ót mấy con khỉ con liệng vô giữa bẫy. Hoá ra hắn cũng cảnh giác thử coi trước. Mấy con nhỏ vô ăn lao thao, không bỏ chạy, không có chuyện gì xảy ra. Thấy vậy, những con khỉ bự cũng nhào vô, cả đàn cũng nhào vô theo, có tới hàng trăm con đã lọt gọn trong bẫy.

Tôi đang mải nhìn chúng, không thấy khỉ bự hịch khỉ cái như Xo kể. Chúng cắn nhau, giành bắp trên tay nhau, nhảy lên người nhau mà du đẩy. Giữa lúc ấy bỗng nghe một tiếng rào, cái lưới vừa được cất lên, phần lớn khỉ nằm chất đống trong lưới, còn lại nhiều con bắn tung ra chung quanh, cong đuôi choe choé chạy thục mạng tứ phía, có con suýt lao thẳng vô chỗ tôi ngồi. Chúng tôi mừng quýnh, hét lên lao tới. Cả một mẻ lưới nhung nhúc khỉ bên trong được từ từ hạ xuống. Xo và Rươn khênh thùng nhốt tới. Chú Tư bắt đầu trói khỉ, trói hai tay, còn hai cái giò để nguyên. Trói xong chú nhốt vô chuồng, cái chuồng làm thấp, ngang một mét, dài hai mét, cao có năm tấc nên con khỉ chỉ cúi lom khom chớ không đứng thẳng lên được. Có một con khỉ bự ở trong lưới mà vẫn chồm tới hù, muốn chụp cắn chân chú Tư. Chú lùi lại, co chân sút liền, con khỉ hú lên, bật dúm ra sau.

(Còn nữa)

Thăng Sắc

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu