Chú Tư, con là ai (phần 14)
(...) Tôi cơm nước trông nom chú Tư, chẳng mấy lúc trông chú đã lại người, vết thẹo trên má chú đã hồng hào trở lại. Một buổi sớm hai chú cháu đang ngồi nói chuyện tào lao thì có người nhảy ào vô ghe nghe tiếng huỵch. Chú Tư nhìn lên không giấu được vui mừng:
- Mụ Chiêm đấy à? Về tới khi nào? Nghe nhảy cái huỵch tôi biết ngay là mụ.
Tôi cũng ngước lên nhìn, người đàn bà mà chú Tư kêu là mụ Chiêm coi thiệt lực lưỡng, đội chiếc nón vải của bộ đội nên chỉ thấy có mấy sợi tóc lơ thơ lọt ra, hai má dô cao, da nâu như suốt ngày phơi nắng. Bả ngồi thụp ngay xuống cạnh chú Tư, cười lên ha ha rồi oang oang nói:
- Mới vừa tới đây nè anh Tư, tôi tới thăm anh ngay coi anh thế nào. Coi anh khoẻ mạnh lại mau ghê ha, lại đi được một chuyến nữa rồi ha!
- Anh em mình trong đó ra sao mụ Chiêm?
- Bốn thiệt mạng, mười ba bị thương, tôi mới đưa về Bát-đom-boong rồi nhân thể dong thẳng vô vũng thăm nhà ít bữa.
Nghe bả nói tới thiệt mạng với bị thương mà như không. Rồi bả quay qua tôi, lạ lùng hỏi chú Tư:
- Con bé này là ai đó chú Tư? Có phải con Nhung chú vẫn nói chuyện đó không? Coi giống dữ hà!
Tôi trố mắt ngạc nhiên, bả đã bao giờ gặp tôi đâu mà nói coi giống dữ, chắc chắn chú Tư đã kể cho bả nghe về tôi nhiều lần. Tôi mau mắn trả lời mụ:
- Con là Nhung đây dì, con mới về ở với chú Tư. May quá về đúng lúc chú bị bịnh nên con coi sóc được chú.
- Vậy hả? Mày bằng tuổi con Hương nhà dì nhưng mày lành lặn tử tế, còn con Hương từ ngày bị hãm cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Chú Tư cắt ngang, hỏi bả:
- Mụ về lần này rồi có vô nữa không?
- Thôi rồi chú, hết đợt rồi. Còn nữa tôi cũng vô nữa, khổ mà vui dữ, chú coi có đúng vậy không?
- Đúng là khổ mà vui, bộ đội mình hy sinh dữ quá mà sao vẫn vui được mới kỳ chớ.
Mụ Chiêm gỡ cái túi đeo bên mình đặt xuống, biểu tôi kiếm cho mụ miếng nước rồi nói với chú Tư:
- Lần này kiếm chú tôi muốn bàn với chú hai việc. Chú biết đấy, Pốt bị ta vây dữ lắm, chúng đói mà không kiếm được cái ăn nên thường tổ chức vô làng giết người cướp gạo. Vậy mình ở đây cũng phải tổ chức bà con cả Việt cả Miên phải biết tự bảo vệ, không để tình trạng như mấy năm trước chúng vô cướp bóc hãm hiếp mà chịu bó tay. Hai là mình tổ chức quyên góp xây dựng chùa, lấy chỗ cho bà con lui tới cúng lễ, qua đó mình vận động bà con tham gia công tác hội. Chú thấy thế nào?
Chú Tư cười biểu bà:
- Chúng tôi có tinh thần, còn làm ra sao thì chị cứ tính toán, chỉ chúng tôi làm theo, mình làm chớ bàn bạc chi nhiều.
Mụ Chiêm chỉ tôi, hồ hởi:
- Vậy được, rồi mình phải lôi kéo cả lũ nhỏ này vô. Chúng mình già rồi anh Tư, phải bồi dưỡng chúng nó thế mình dần chứ.
Nói rồi mụ Chiêm vui vẻ đứng phắt dậy và bước đi mạnh đến mức làm tôi tưởng cái ghe cũng rung rinh theo. Chú Tư cũng đứng lên tiễn mụ. Khi chú quay vô, tôi lạ lùng hỏi chú:
- Sao cứ gọi bả là mụ hoài vậy mà bả không có tự ái?
- Bả là bà đỡ thiệt đó con, cả vũng Giàng Pháo này ai ai đều biết bả, đều kêu bả là bà mụ Chiêm.
- Kể chú đừng nói trước thì con tưởng bả là đàn ông.
- Bả là cán bộ cốt cán đó, cả ngày lăn lộn vì công việc chung thôi, chỉ mắc mỗi tội không ai chịu được là nói dài nói dai quá, nói liên hồi như súng liên thanh à, con biết vậy mà đừng bao giờ mồi chuyện với bả, cứ để bả nói mình bả nghe, nghe chán rồi thì cứ tự đứng lên bỏ đi.
Ít bữa sau, Gấm rủ tôi qua ghe mụ Chiêm chơi với cái Hương. Hương ở nhà một mình coi nhà, nó bận độc chiếc quần xà lỏn với cái áo cộc tay màu xanh. Nó coi mập mạp, da đậm đà, trên mép có một nốt ruồi đen to xinh xắn. Thấy chúng tôi qua, Hương vui mừng ra mặt, cười nói suốt. Tôi chợt nhớ trong câu chuyện bữa nọ mụ Chiêm có nói Hương bị hãm. Tôi tò mò khẽ hỏi Gấm, nó liền chỉ thẳng vô Hương:
- Mày biểu nó kể cho mà nghe, nó chẳng giấu ai cái gì, kể cả chuyện nó bị hãm thế nào.
Mà cũng chẳng đợi tôi hỏi, Hương đã nói:
- Em coi là xong đó chị Nhung. Cả vũng này làm gì có ai không biết em bị Pốt hãm, mà lại bị ba thằng hãm chớ có phải một thằng đâu. Giờ em cũng hết xấu hổ rồi, xấu hổ làm chi chị Nhung, có ai thương mình đâu mà xấu hổ, mình là con gái bị hãm, còn ai thương mình. Chị thương em chị tới thăm hỏi em, em vui lắm, em kể chị nghe chớ em giấu làm gì. Nó nói liên hồi, coi chừng cũng giống mụ Chiêm má nó. Nó biểu nó thường đi phụ má nên giờ cũng sắp thành mụ, rất muốn quên đi chuyện cũ nhưng không sao quên được, khi thành mụ nó sẽ tham gia làm phúc, giúp cho bà con đỡ cực, cực quá hà, lúc sanh cũng cực lúc chết cũng cực, lúc nào cũng cực hết trơn. Tôi ngồi nghe, thi thoảng cười với nó, tự hỏi sao nó khổ vậy mà vẫn vui vẻ, vẫn hăm hở được. Khi tôi và Gấm đứng lên đi về thì nó bỗng kéo Gấm lại.
- Gấm à, có chuyện này nói riêng với chị nghe, nhưng chị chớ có cho ai biết mới được.
Nó nói thì thào, mặt bỗng trở nên nghiêm trọng dễ sợ khiến tôi và Gấm cũng phải hốt hoảng, không biết đã có chuyện gì.
- Anh Hai của Hương mới về tới nè, giờ còn đang giấu dưới gầm ghe đó.
Gấm ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, Hương có anh trai hồi nào vậy?
- Em vẫn có anh Hai mà, nhưng anh Hai bị Pốt bắt đi từ hồi em bị hãm đó, nó hãm em rồi nó bắt anh Hai đi luôn.
- Vậy anh Hai em là Pốt à?
- Đâu phải, anh Hai bị nó cưỡng đi theo nó, nó biết là duôn nhưng nó vẫn cưỡng đi để còn bắt vào dân xin gạo cho tụi nó. - Vậy hả? Giờ làm thế nào?
- Hương không biết. Anh Hai biểu chớ nói cho dân biết dân giết chết anh, ảnh biểu phải tìm đủ cho ảnh ít nhất là 50 chục ký gạo, không được thì Pốt cũng giết, ảnh biểu ảnh cực lắm, đi cũng chết mà ở cũng chết. Chị Gấm chị Nhung giúp ảnh đi.
Gấm đứng ngây, không biết trả lời thế nào, chuyện hệ trọng quá mà. Hương nhìn chúng tôi, vẻ tin cậy và cầu cứu, mắt nó mở to trông sáng và đẹp quá, trông nó gọn gàng xinh xắn khác hẳn mụ Chiêm.
Gấm nói:
- Chuyện này phải hỏi chú Tư chớ không xem thường được đâu.
Nghe nói vậy Hương liền kéo áo Gấm, lo lắng:
- Không được đâu chị Gấm, mọi người bắt ảnh giao chính quyền thì sao .
- Hương khỏi lo đi, tụi mình biết làm gì mà.
Nói rồi Gấm vội vàng kéo tôi, vừa đi Gấm vừa thì thào nói nhỏ:
- Con Hương dạo này khôn ra nhiều rồi đó. Mới cách đây ít lâu hắn còn ngơ ngơ ngẩn ngẩn, có lúc kéo áo ngồi phơi vú trên mũi ghe cho mọi người nhìn, tội lắm.
Tôi hỏi Gấm:
- Còn chuyện anh nó?
- Tao nghe nói từ lâu là nó có anh bị Pốt bắt chớ có biết gì thêm đâu. Chuyện này phải mét chú Tư.
- Hồi nó bị hãm mày có biết không?
- Hồi đó chưa vô vũng.
Về tới ghe đã thấy mụ Chiêm ngồi với chú Tư, hai người đang nhỏ to bàn luận bỗng dừng lại khi thấy hai đứa tôi nhảy vô. Nhìn nét mặt hai người tôi biết ngay họ cũng đang nói chuyện về người anh của Hương, chắc là họ đang băn khoăn có nên bàn tiếp trước mặt chúng tôi hay không. Con Gấm cũng nhanh ý, biết vậy nhưng nó vẫn xía vô liền:
- Con biết hai người đang bàn chuyện anh Hai rồi, có đúng không? Con Hương đã nói cho con Nhung và con biết, chúng con đang tính mét lại chú Tư coi nên làm sao.
Nghe vậy mụ Chiêm rền rĩ:
- Đó, dặn nó kỹ lẵm rồi mà nó có nghe đâu, con ấy không giấu được ai cái gì, đã biểu nó chuyện mà tung tóe ra thì thằng Hai chắc chết quá hà, không bên này thì bên kia giết, bây giờ biết nó là người của ai. Tội thằng bé quá anh Tư, trước cái cấp chú vô vũng này nó hiền lành chăm chỉ, cả ngày lo giăng câu thả lưới đỡ má, rồi bỗng nạn ập tới, con em bị hãm đến tàn hại đời, thằng anh bị bắt mang đi, tới nay trở về thì như tay sai cho Pốt. Cái vụ này rơi vô tôi, đau lòng quá anh Tư, nó là con mình chớ là đứa khác mà bắt được thời tôi lôi ngay ra chánh quyền cho họ xử, nó mắc tội hèn nhát không chống lại bọn tàn quân chớ thường đâu, giờ làm thế nào anh Tư?
Chú Tư kiên nhẫn đợi mụ Chiêm nói hết, chú đã dặn tôi rồi, khi nghe mụ Chiêm nói thì cứ im, đụng vô chỉ như khêu gợi để mụ nói không dứt. Tôi đứng phía sau, nhìn cái lưng mụ vuông vức bè ra, không có chút tóc hoe hoe bơi xuống chắc không nhận ra mụ là đàn bà. Vậy mà chồng mụ lại nhỏ thó, Gấm kể cách đây ba năm bỗng nổi máu làm giàu theo người ta đi Pai Lin đãi đá quý, bị sập hầm chết không mang được xác về, vậy là nhà mụ Chiêm tan nát.
Chú Tư điềm đạm nói với mụ Chiêm:
- Trước sau rồi mọi người cũng biết hết, giờ tốt nhất là đi gặp các anh tình nguyện, họ sẽ biểu mình phải làm gì. Họ không hại thằng Hai đâu.
- Đó tôi cũng nghĩ vậy đó anh Tư, tốt nhất là đi báo cáo bộ đội tình nguyện, nhưng mà chuyện này tôi khó đi nói quá anh Tư, con mình chớ phải kẻ địch đâu, vậy anh Tư đi một chuyến giùm tôi há.
- Được, chị để tôi đi, chị về giữ nó, đừng để nó bỏ trốn. Tôi mượn bo bo máy của chị để đi cho khỏe nghe.
- Có người kêu tôi đi đỡ chiều nay, nhưng không sao, anh cứ lấy bo bo đi, tôi bơi xuồng được rồi. Lẹ lên mà về, ruột gan tôi rối bời bời rồi anh Tư.
Chú Tư xuống bo bo nổ máy lao đi, chiếc bo bo của mụ Chiêm lớn hơn chiếc xuồng chút xíu nhưng được cái máy khỏe, xẹt cái đã ra ngoài biển. Lúc này dân đây còn nghèo, không mấy người có xuồng máy, chỉ có mụ Chiêm đi đỡ nên mới sắm được, thành người sang nhất ở vũng Giàng Pháo này.
Chiều chưa hết chú Tư đã quay lại, có một xuồng máy chở mấy anh tình nguyện Việt Nam và bộ đội Campuchia về theo chú. Chú Tư biểu tôi pha trà mời họ, lại biểu tôi sắp cơm họ ăn tối. Vậy là tôi biết họ ở lại qua đêm. Con Gấm tình nguyện qua phụ tôi, mắt nó cứ đung đưa nhìn mấy anh bộ đội trẻ. Tôi lén khều chú Tư ra riêng một chỗ, khẽ hỏi:
- Chú Tư, họ đông thế mình lấy gì đãi họ, rau không có, con chỉ còn mấy lát khô cá bông.
Chú Tư cười:
- Chú quên không biểu con họ có mang theo mỳ gói nè. Giờ con chạy xẹt đi kiếm mụ Chiêm qua bàn công chuyện với các ảnh ngay, nhớ nói cái Hương coi chừng thằng Hai, giữ nó lại đừng để nó bỏ đi nghe con.
Khi trời đã tối hẳn mụ Chiêm mới bơi xuồng tới. Bả nhận ngay ra một anh bộ đội tình nguyện là người quen, mừng rỡ ôm chầm lấy anh reo lên:
- Trời ơi mừng quá, gặp anh Khả là mừng quá nè. Tôi muốn tự mình đi kiếm anh nhưng hoàn cảnh éo le nó rơi vô tôi mới nhờ anh Tư đi kiếm các anh, anh tới mừng quá…
Vẻ như anh bộ đội có tên là Khả đã biết mụ Chiêm hay nói dài nên anh cắt ngang:
- Bà nói ngắn thôi bà Chiêm ơi, biết hoàn cảnh éo le của bà nên tôi tới ngay đó.
Mụ Chiêm kêu đói, ngồi thụp ngay vô chỗ mấy anh sớt mỳ ăn cùng rất tự nhiên, coi như đã quen liên hệ với nhau từ lâu rồi. Ăn xong chén mỳ, bả xuýt xoa khen ngon, đứng lên toan về lấy đồ nhậu nhưng anh Khả níu lại.
- Ngồi đây bà ơi, ta bàn chuyện thằng Hai chút đi. Trước khi tới đây ban chỉ huy chúng tôi bàn rồi. Chúng tôi nhận định bọn tàn quân buộc thằng Hai mò về tới đây xin ăn cho chúng chứng tỏ chúng đã rệu rã lắm rồi và chúng cũng liều lĩnh quá rồi, ta có thể dùng thằng Hai tương kế tựu kế mà tiêu diệt chúng. Vấn đề là phải vận động thằng Hai chịu đầu thú, hợp tác chặt chẽ với ta. Khi nó chịu thì ta lên kế hoạch, đây có đồng chí Rươn chỉ huy đơn vị bạn, thông thuộc địa bàn, sau khi thuyết phục được thằng Hai, ta lên phương án tác chiến ngay. Ờ mà thằng Hai của bà tên là gì nhỉ?
- Nó tên Hưng, còn có tên Campuchia là Xạ Phươn nữa. Giờ vận động nó sao đây, tôi về kêu nó qua đây được không.
- Ấy không được đâu bà ơi, để tụi tôi qua.
- Bao giờ?
- Ngay bây giờ.
Tôi và con Gấm vội vã thu dọn chén dĩa rồi cũng tút theo mọi người. Thấy có chuyện lạ nên bà con chung quanh bơi xuồng tới tò mò theo dõi bàn tán xôn xao. Từ dưới xuồng nhiều người nhận ra anh Khả liền gọi với lên:
- Anh Khả vô hồi nào đó? Khỏe không?
- Mắc gì mà dạo này ít tới thăm bà con chúng tôi? Tụi trẻ nhắc anh hoài à.
Anh Khả tươi cười vẫy tay chào bà con:
- Chút xíu xong việc tôi đi thăm bà con, chuẩn bị sẵn cái nhậu tối nay đi. Giờ xin lỗi, còn mắc chút đã.
Ba anh bộ đội đứng ngoài như là đứng canh, còn lại vô hết nhà, ngồi im chờ đợi. Cái Hương lo lắng hỏi má nó:
- Má, mọi người định làm gì anh Hai hả má?
Bà mụ Chiêm ngây ra nhìn con một chút, lặng im, ấy là cái điều khác lạ đối với cái máy nói là bả. Rồi bỗng bả nói ngắn gọn, như không phải trả lời con gái mà là nói với chính mình:
- Biểu nó ra đầu thú cách mạng.
Nói rồi bà mụ Chiêm kiên quyết và mạnh mẽ bật tung cái miếng gỗ trên sàn, rọi đèn vô lòng ghe, gọi:
- Hai à, lên đi con. Má đây, có cả các anh bộ đội tới giúp con đây, lên đi Hai, đừng có sợ, con về với cách mạng là điều tốt, cách mạng tha cho con, không có sợ đâu.
Im lặng. Ngọn đèn trên tay bà mụ Chiêm rung nhè nhẹ, phả ánh sáng lên mặt anh Khả ngồi cạnh, làm nổi lên khuôn mặt gồ ghề khắc khổ của người chỉ huy bộ đội tình nguyện. Bà mụ Chiêm quỳ hẳn xuống soi mình vô lòng ghe tha thiết gọi:
- Hưng à, ra đi con, má đây nè, con về hồi nào má con mình đã gặp nhau đâu, ra cho má coi xem con má thế nào. Không có gì sợ đâu, không việc gì phải sợ, mình về với chánh quyền cách mạng là mình tự hào đó con, con nghe má nói không con?
Có tiếng động phát ra từ trong lòng ghe, cùng lúc bà mụ Chiêm khom người lùi ra để nhường chỗ. Một cái đầu tóc rối bơ phờ từ từ nhô lên ở chỗ miếng ván vừa được bật ra, rồi một cánh tay khẳng khiu giơ lên. Bà mụ Chiêm vội vàng chuyển ngọn đèn cho anh Khả, run rẩy nắm lấy cánh tay của con và lẹ làng đỡ nó chui dần lên. Nhìn thế tôi chợt nghĩ mụ Chiêm đỡ sanh cho nhiều người, chắc mụ cũng phải lấy tay đỡ đứa trẻ ra theo cái kiểu như thế này. Thế đó, đỡ cho bao nhiêu người, nay làm cái việc kia khác chi đỡ cho chính bả. Cái người vừa được đỡ ra đó coi nhỏ thó, mặc độc cái quần xà lỏn đen, khoanh tay quỳ xuống, đầu cúi gằm. Bà mụ Chiêm sụt sịt khóc, ôm chầm lấy con vô lòng mình vỗ về hệt như vỗ về đứa trẻ con.
- Hưng à, má đây nè, tội nghiệp con má.
Anh Khả quay sang hỏi cái Hương:
- Từ lúc về tới giờ nó đã được ăn cái gì chưa?
- Chưa có chú, con không dám, chỉ có cho chút nước.
- Vậy thì việc đầu tiên là phải cho thằng Hưng ăn đã, tụi bay mau lấy cơm vô cho nó đi.
Hưng tuột ra khỏi lòng mẹ khi thấy chúng tôi mang cơm vô. Nó vồ lấy ăn hối hả mặc cho mọi người chăm chú nhìn. Đợi Hưng ăn cơm xong anh Khả xua hết mọi người ra để làm việc. Tôi và Gấm về nằm khểnh trên khoang ghe nói chuyện tào lao. Biển im gió và trời trong vắt, đầy sao. Vẫn có nhiều người tò mò bơi xuồng về phía nhà bà mụ Chiêm, chuyện thằng Hưng ra đầu thú lan khắp xóm. Mãi khuya lắm chú Tư mới về. Chúng tôi tranh nhau hỏi:
- Chuyện sao rồi hả chú?
- Nói riêng tụi bay biết thôi nhá, anh Khả đã thuyết phục được thằng Hưng hợp tác, nó chịu dẫn bộ đội mình đi diệt tàn quân rồi.
- Hay quá, bao giờ họ đi, đi xa không?
- Thằng Hưng nói bọn Pốt bắt Hưng tối mai phải mang được gạo đến điểm hẹn, vô tuốt trong rừng, bởi vậy nên chút xíu nữa mọi người đi rồi. Giờ họ đang chuẩn bị các phương án tác chiến, chuẩn bị cho thằng Hưng. Tao cũng được tham gia chiến đấu đó.
Tôi và Gấm nghe chuyện rất phấn khích, đòi chú cho đi theo. Chú nói:
- Có phải đi giăng lưới đâu. Anh Khả biểu theo yêu cầu của bộ đội địa phương thì lần này do bộ đội Campuchia tác chiến, người chỉ huy của họ là cái anh khỏe khỏe đen đen mà có cái răng vàng đó, tụi bay có để ý không. Anh ta quyết định phối hợp với du kích xã, bởi vậy chú mới được vô chớ sao tự mình mà đi tham gia được. Có anh Khả cùng đi thì chú yên tâm quá hà, mới gặp chả lần đầu mà chú ưng ghê, chả chịu gần gụi bà con nên thấy ai cũng yêu mến.
Gấm nói:
- Chú mới biết ảnh chớ còn con gặp ảnh qua lại vũng này mấy lần rồi. Nhậu ghê lắm đó, có hôm nhậu rồi còn ngủ lại ghe nhà dân nữa kia.
Chú Tư thấp thỏm đứng lên ngồi xuống không yên, chắc chú cũng đang bị kích động. Từ trước tới giờ tôi luôn thấy chú là người kiên quyết nhưng trầm tĩnh, công việc hàng ngày không ngán cái gì nhưng trực tiếp đi đánh nhau thế này chắc đây là lần đầu tiên. Chú ngập ngừng một lát trước khi nói cho chúng tôi cái điều bí mật của chú:
- Anh Khả đồng ý phương án là đưa các lực lượng của ta tới trước phục kích, đưa thằng Hưng tới điểm hẹn dụ bọn tàn quân ra, kế đó gọi chúng hàng, nếu không chịu đầu hàng thì tiêu diệt. Cái đó hay quá, tao nói tụi bay biết thôi chớ đừng buôn chỗ khác nghe, bí mật quân sự của người ta. Giờ tụi bay nấu cho chú chén mỳ, tao thấy đói, ăn rồi chú nghỉ chút xíu là đi ngay.
- Bà mụ Chiêm có đi không chú?
- Có chớ, bả đòi bằng được. Bả nói đường lạch Biển Hồ này chỉ có bả là thông thuộc, bả lại là cứu thương.
Tôi ngủ say, chú Tư đi lúc nào cũng không biết, khi thức dậy chung quanh đã rất vắng lặng, mặt trời sớm mai trong trẻo rực rỡ báo hiệu một ngày nắng nóng. Tôi nằm dài nghĩ ngợi về những điều vừa xảy ra. Về ở với chú ít bữa là tôi đã biết việc làm ăn ở Biển Hồ không dễ dàng. Người dân vùng này có hai cái sợ, sợ nhất là gặp Pốt mà không chạy kịp. Chúng bắn bỏ, quăng xác xuống biển rồi kéo ghe đi, đã không ít dân chài đụng Pốt không có đường về. Những chuyện gặp Pốt được kể lại giống như những chuyện cướp biển, bao giờ cũng làm cho mọi người sợ hãi. Giờ chúng bị bộ đội truy quét, dạt hết vô rừng nhưng vẫn phải tìm đường đi cướp bóc để sống, người nào đụng chúng kể như gặp họa rồi. Tiếp theo là sợ kiểm cá. Mùa nước cạn, dân chài không được phép đánh bắt, kiểm ngư làm việc gắt gao. Vì thế, bà con xóm chài chỉ thả lưới chớp nhoáng, kiếm một vài ký rồi lại để lưới khô cả ngày. Làm ăn khó vậy nên ông Mười với chú Tư thường chỉ ngồi châm nước pha trà uống khan, chán rồi rủ nhau làm công việc xã hội, vì vậy họ rất mê đi dân công hay đi phục vụ chiến đấu như chú Tư lần này.
Con Gấm vừa thức dậy đã vội vã chạy ngay qua rủ tôi tới Hương. Dường như cái Hương cũng chỉ đợi chúng tôi qua để kể chuyện:
- Em vừa dọn sạch cái gầm ghe xong à, anh Hai núp dưới đó hơn một ngày một đêm mà dơ thúi quá. Đó, hồi em cũng núp dưới gầm ghe này, núp cùng một đứa con hàng xóm, đang núp bỗng dưng nó khóc thét lên đòi uống nước, Pốt nghe thấy lôi cả hai chị em lên, bắn bỏ thằng nhỏ quăng xác tức thì xuống biển, mé kia kìa, rồi nó chỉ vô em gọi nhau con này coi trắng quá… Hận lắm chớ mà chịu, không làm gì được.
Tôi sốt ruột ngắt lời nó:
- Anh Hưng có nhận lời đi vui vẻ không?
- Không vui vẻ sao được, ông Khả toàn vui đùa bông lơn vậy thôi mà vô việc ai cũng nghe răm rắp, nể sợ ổng lắm, lúc nảo ổng cũng kè kè anh Hai, còn anh Hai thì sợ rúm vô, biểu sao làm vậy, thỉnh thoảng lại biểu má ơi lần này gặp chúng nó con chắc chết quá. Hương thấy họ bày cho anh Hai khi gặp lại Pốt phải làm thế nào, bàn với nhau phải phục kích ra sao, mình nghe đâu có hiểu gì.
- Từ chỗ mình đây vô đó có xa không?
- Họ tính phải một ngày đường.
Vậy là cũng phải chiều tối mai họ mới trở về. Những người ở xóm liên tục qua lại thăm dò, người này hỏi chõ qua người kia. Chú Ba, chú Bảy ông Mười mấy lần dặn tôi với con Gấm:
- Tụi bay coi chừng, thằng Tư thằng Khả mà về thì biểu qua ông luôn nghe, thắng trận này mình nhậu một trận đã đời nghe.
Hai ngày chờ đợi trôi qua căng thẳng và nặng nề. Sang tối ngày thứ hai cho tới khi mặt trời lặn xuống biển rồi mà vẫn im ắng. Tới lúc tối lắm, mọi người mới thấy ngoài biển có ánh đèn pha, lúc đầu nhỏ xíu rồi chậm chạp lớn dần lên thành ngọn đèn rọi về phía trước. Khi ba chiếc xuồng tắt máy cặp vô, tôi thót tim rụng rời nghe thấy bà mụ Chiêm kêu khóc thảm thiết. Tôi nghĩ ngay chắc là con trai bả, thằng Hưng, bị Pốt giết thiệt rồi. Bả vừa khóc vừa quát ầm ầm:
- Rươn à, tôi và bà con ở đây không cho mang ổng về đơn vị ngay đâu. Phải để đây cho chúng tôi cúng ổng đã, ít nhất cũng phải là đêm nay.
Ủa, không phải Hưng, vậy ổng là ai. Tôi chạy gần vô vừa lúc đụng chú Tư. Tôi kéo chú:
- Chuyện gì đó chú, ai bị sao rồi?
- Ông Khả hy sinh rồi.
- Trời ơi, làm sao có chuyện đó được, ổng thế làm sao chúng giết ông được.
- Tại thằng Hưng đó, làm sai phương án chút xíu nên chúng nó phát hiện ra, định tiêu thằng Hưng luôn nên ông Khả nhảy qua cứu nó, đỡ hết loạt đạn đáng lẽ vô thằng Hưng, trước mắt mình không thôi à.
Chú Tư vội vàng quay qua đốc thúc mọi người lập nơi thờ cúng ông Khả. Người tới càng lúc càng đông, tôi cố chen vô nhìn cho được người chết. Nét mặt khô khan gầy guộc của ông Khả nay coi thiệt bình thản, hai tay ngay ngắn đặt trên bụng coi như ổng đang nằm ngủ vậy thôi. Thằng Hưng quỳ xuống bên ông mà khóc. Có ai đó ở dưới xuồng gào lên:
- Trời đất ơi anh Khả ơi, anh hy sinh rồi tối nay tụi tôi nhậu với ai, bao nhiêu đồ nhậu còn chờ cả kia kìa. Tội nghiệp anh chưa, anh vừa biểu tôi anh sắp về Việt
Người ta lũ lượt mang đồ nhậu tới để cạnh xác ông Khả. Bà mụ Chiêm biến mất một hồi, quá nửa đêm trở về mang theo hai thày chùa. Đám đông vây quanh dãn ngay ra cho sư ngồi cầu siêu. Qua sáng sớm có một chiếc bo bo lớn chở bộ đội cả tình nguyện cả Campuchia tới. Họ đề nghị mặc niệm ông Khả rồi xin bà con cho đưa ổng về đơn vị. Hai anh bộ đội trang nghiêm và cảm động quỳ xuống bọc ổng vô chiếc mền màu cỏ úa rồi chuyển ổng qua bo bo, lúc này thì không ai cầm được nước mắt nữa rồi. Người ta chen nhau đưa hương khói và đồ nhậu đi theo người chết, hai thày chùa chắp tay đi kèm hai phía rồi sau đó ai ai cũng vội vã xuống xuồng bơi theo chiếc bo bo chở ông Khả thành một đoàn dài, sóng vồng lên cả một khoảng biển rộng.
Tôi về ghe, một mình buồn bã thút thít khóc. Chợt nhớ tới khuôn mặt trắng bệch của Út Thủy, tới mái tóc bạc lơ phơ bay trước gió sông của bà mẹ chú Tư, bộ mặt đen kín lũ muỗi no máu của dì Tám và bây giờ nét mặt khắc khổ nhưng bình thản của ông Khả. Họ đi cả rồi, mỗi người một nơi, không biết rồi có gặp nhau ở đâu đấy không.
(Còn nữa)
Thăng Sắc