Tiếng lư đồng
Những lúc buồn Sinh thường ôm chiếc lư đồng ra hàng ba ngồi ngắm nghía, lau đến nhẵn bóng. Ðến chừng thiu thiu buồn ngủ, Sinh lại ôm chiếc lư đặt lên đầu tủ gỗ rồi đi thẳng vào trong buồng, ho khan vài cái rồi thiếp đi trong xao xác gió. Cơm chín, Ðào lom khom sang hết phần nước trong cái khạp đã mẻ sang cái khạp lành để dành uống suốt năm, còn cái khạp mẻ Ðào đội nón lá đi bộ ra bờ sông moi đất sét về trét lại, phơi chừng hai nắng là lành. Giữa mênh mông đất trời trơ trọi ngôi nhà nhỏ, mùa gió liêu xiêu, mùa mưa ủ rũ. Làng thì đông, muốn đến làng phải đi hết con đường mòn dẫn ra bờ sông, ở đó có chiếc đò chia đất quê thành hai miền hoàn toàn xa lạ. Bên kia sông, người dân hăng say cấy cày. Bên này sông, đất hoang khô cằn cháy nắng. Vợ chồng Ðào ôm khát khao một ngày nào đó được hòa hợp với làng, dựng nhà dựng cửa, làm ruộng, vỡ đất trồng cây. Thế nhưng đất làng thì đắt mà vợ chồng Ðào có cày cục trọn đời cũng không mua nổi tấc đất cắm dùi, hai vợ chồng ngậm ngùi chọn một nơi giữa mảnh đất không người qua lại làm nhà sinh sống. Cũng bởi những lời đồn thổi vô căn cứ mà người ta tránh mảnh đất bên này sông như tránh quỷ, cây cối rau màu chưa đến ngày thu hoạch đã rã xác nằm dài, thè cái lưỡi dài xiết rên đòi nước. Ðã bao lần vợ chồng Ðào điêu đứng, tiền của đổ ra mua hạt giống gieo trồng, vậy mà hạt đi đường hạt, đất vẫn lặng thinh.
Ðào thường đứng ngẩn ngơ nhìn đồng bãi xa xôi, nghĩ sao mình liều lĩnh quá. Ðào nhớ về ngày trước, nghĩ về hôm nay, Ðào chỉ thấy hơi buồn chứ không hối tiếc. Ai có ngờ con gái bà chủ tiệm may nổi tiếng trên thành phố bây giờ lênh đênh phiêu dạt nơi đất khách quê người, sống trong cảnh nghèo nàn, túng thiếu. Ðào từng nếm trải mùi vị của nhung lụa ấm êm, từng cắp sách đến trường và hò hẹn trong những chiều chuông nhà thờ vang vọng phía tường vôi cổ kính rêu phong. Nhiều người cậy nhờ mai mối đến nhà Ðào ngỏ ý kết tóc se duyên, Ðào không chịu lại đi phải lòng anh thanh niên khố rách áo ôm, dò dẫm ngoài chợ với đòn gánh cong vút hai đầu và tiếng rao nặng trĩu tuổi thanh xuân. Mẹ Ðào biết được buông lời xỉ vả, mẹ bảo:
- Người ta công ăn việc làm ổn định không chọn, đi chọn cái thằng mua gánh bán bưng. Mày định tự tay giết chết cuộc đời mày hả con? Lao vào đó để đói khổ dài dài hả con.
Ðào bưng mặt khóc ròng, dùng hết lời lẽ để năn nỉ nhưng dường như không lay chuyển được trái tim người đàn bà tần tảo một đời chống chọi với phong ba để bảo vệ gia đình và cơ ngơi ông ngoại để lại. Ba Ðào bỏ nhà ra đi từ khi Ðào còn bi bô tập nói. Do không chịu được cảnh dưới quyền người đàn bà sắc xảo, ba buồn lòng bỏ nhà theo người đàn bà khác xây hạnh phúc riêng. Ngót mấy mươi năm Ðào không gặp lại người đàn ông ấy. Mẹ một mình nuôi Ðào khôn lớn từng ngày, hi vọng mai này Ðào sẽ thay mẹ nối nghiệp, giữ gìn gia sản là tâm huyết cả đời của ông ngoại trước kia. Mẹ luôn mạnh mẽ, chưa bao giờ Ðào thấy mẹ khóc. Giờ thì mẹ can ngăn hạnh phúc lứa đôi, Ðào xót lòng van xin:
- Con với anh ấy lỡ phải duyên phải kiếp với nhau rồi! Người ta nghèo mà có tình, có chí làm ăn. Nghèo đâu là cái tội?
- Ðời mẹ trăm đắng ngàn cay, mẹ biết tất. Con mà cứ khăng khăng va vào thì sẽ ân hận cả đời, Ðào à!
Bây giờ Ðào thấy nước mắt mẹ rơi lã chã trên khuôn vải đang cắt dở trên bàn làm nó hoen màu. Tự dưng Ðào thấy mình có lỗi, nhưng Ðào cảm được tấm chân tình của Sinh, như những buổi chiều tan học Ðào thường ra chợ phụ Sinh quảy rau đi bán. Bạn bè gặp trách Ðào “làm cô chủ tiệm may không làm, lại đi phải lòng anh nông phu nghèo rớt mồng tơi cho cực nhọc một đời”. Ðào cười bảo “nghề nào cũng là nghề, tình yêu đâu phân biệt sang hèn?”. Ngăn Ðào không được, đám bạn đến tận nhà mách mẹ Ðào. Chiều hôm đó, bà đội nón lá giả người đi chợ đứng sau bức tường rình rập, thấy con gái nói cười bên thằng bán rau, đon đả mời hàng. Bà giận lòng xông ra kéo Ðào về, hết lời mắng nhiếc Sinh. Nhìn người thương bị xỉ vả nặng nề, lòng Ðào đau như cắt, Ðào khóc đến sưng cả mắt. Căn nhà lặng im không ai nói với ai một lời. Ðào nhốt mình trong gian phòng tối tăm, ngột ngạt. Cánh cửa sổ đối diện với nhà thờ chỉ cần mở ra là thấy được dòng người hối hả vào trong lễ đường, kinh cầu văng vẳng. Ðào buồn không mở, một mình đối diện với chính mình. Trong xót xa, tuyệt vọng, Ðào mơ hồ nghĩ về một cuộc đi…
Trời khuya gió thốc. Ðợt giông này vừa đi thì đợt giông khác kéo đến giật mạnh khiến cánh cửa sổ va vào nhau rầm rập. Ngồi trong phòng, Ðào nghe rõ tiếng lá xao xác vào bức tường vôi cổ kính. Ðộ chừng đợt giông thứ tư, Ðào lặng lẽ ra đi. Ðêm nay thuyền Sinh neo lại dưới chân cầu. Ðào chẳng mang theo đồ đạc gì, chỉ gói gọn mấy bộ quần áo đơn sơ trong cái túi nhỏ màu xám. Lúc đi ngang qua phòng mẹ, Ðào khóc nấc. Cánh cửa phòng im ỉm, ở bên ngoài Ðào quỳ sụp xuống lạy mẹ ba lạy rồi ra đi. Phố càng về khuya càng vắng vẻ, không một tiếng ồn ã cộ xe, không một dấu chân người trên mặt đường lạnh ngắt. Lòng Ðào rỗng tuếch, một thoáng lo âu cho chặng đường mai sau, một thoáng nuối tiếc cho những gì xưa cũ. Mai này Ðào không còn ở bên mẹ, không còn được nghe tiếng nói cười, xa dần cái âm thanh xé vải rột roẹt và tiếng vòng quay máy may ì ạch mỗi đêm. Cả cái con phố này nữa, bao năm vẫn mang một dáng hình xưa cũ không gì đổi thay. Rồi Ðào sẽ không còn nhìn thấy phố ngập nắng mai, lá khô xao xác, vắng bóng người và tiếng xích lô kẽo kịt ban chiều. Chao ôi là buồn! Sực nhớ ra Sinh đang đợi, Ðào ngoái lại nhìn căn nhà dấu yêu lần cuối rồi chạy nhanh về phía con đường chập choạng ánh đèn khuya. Trước mắt Ðào là khoảng không chơi vơi, vô định…
- Em đến rồi à?
- Sinh, là anh rồi! Em cứ tưởng anh đã bỏ em mà đi rồi chứ! - Ðào nức nở.
Sinh vòng tay ôm chặt lấy Ðào. Một cảm giác ấm áp, mơn man chạy dài khắp thịt da xua tan sự giá lạnh đến hiu hắt dưới sương khuya.
- Mình đi thôi em, đi cho kịp con nước - Sinh nõi khẽ.
- Ừ… Mình đi…
- Em không hối hận sao? Vẫn còn kịp đó em. Theo anh đời em sẽ khổ…
Ðào ngắt lời Sinh bằng nụ hôn đầu đời. Trong giây phút, Sinh thấy mình hạnh phúc vô biên, anh thầm cảm ơn sự hi sinh và lòng độ lượng của Ðào, cả tình yêu bao dung mà Ðào dành cho Sinh. Anh níu tay Ðào bước xuống thuyền, chiếc thuyền bạt nước chòng chành dưới chân cầu Thạnh Lợi.
- Vào trong mui ngồi đi em, kẻo gió. Ðộ chừng sáng mai là sẽ đến.
Ðào khom người chui vào bên trong. Trên thuyền chẳng có gì, trước mũi là đôi quang gánh quen thuộc Sinh vẫn thường quảy ngang qua cổng trường Ðào học những trưa hè. Chiếc lư đồng sáng bắt đèn sáng loáng treo lửng lơ trên vách. Ðào khẽ hỏi:
- Chiếc lư này quý lắm!
- Ừ, nó là kỉ vật của ba anh để lại - Sinh nói bằng giọng buồn thiu - Ngày gia đình sa sút, ba mẹ dọn về quê sinh sống, thứ quý nhất còn lại trong nhà chính là chiếc lư đồng. Ba nỗ lực giữ lại chứ không bán. Rồi ba mất tích trong một đêm mưa, mặc dù mẹ con anh đã chạy vạy khắp nơi tìm ba, nhưng ba vẫn biệt tăm…
Sinh ngừng lại, thở dài thườn thượt. Tiếng anh hòa với tiếng mái chèo khuya nước.
- Còn mẹ?…
- Mẹ anh… vì mãi nhớ thương ba nên mắc bệnh trầm trọng. Chiều ấy, mẹ qua đời. Còn mình anh lênh đênh khắp mọi nơi. Ðến tận bây giờ…
Ðào im lặng. Ðời Sinh buồn quá! Ðào tự hứa với lòng sẽ bù đắp cho Sinh trong khoảng đời sau này, không phải bằng tình thương máu mủ ruột rà mà bằng tấm lòng của một người vợ đầy trắc ẩn, dẫu có đi qua trăm đắng nghìn cay Ðào cũng an lòng. Ngày mai, khi nhìn lại cuộc đời, Ðào sẽ thấy rằng những khoảng khắc Ðào thực sự sống là những lúc Ðào làm điều gì đó hết lòng vì tình yêu.
- Chợp mắt xíu đi em, còn xa lắm.
Ngọn đèn dầu tỏa một quầng mờ ảo vừa vỗ về giấc ngủ của Ðào, vừa đủ soi đường cho Sinh chèo chống con thuyền đi về miền quê xa lắc.
Sáng hôm sau, Ðào tỉnh dậy, thấy mình mơ màng giữa mênh mông trời đất. Mùi phù sa sông nước và hơi lạnh sớm mai vây lấy Ðào, một cảm giác mà Ðào chưa bao giờ trải qua. Loay hoay tìm Sinh, anh đang ngồi sau lái thuyền vo gạo, ngọn khói êm ả bay lên từ bếp lửa nhỏ trên thuyền quyện vào mũi Ðào thơm ngát.
- Mình đã đến chưa anh?
- Em dậy rồi à? Còn chút nữa thôi em! Anh nấu cơm em ăn cho chắc bụng. Ði từ khuya đến giờ chắc em đã đói rã rời rồi.
Ðào cười. Bữa cơm trên thuyền đơn sơ. Mẻ cá kho tiêu từ hôm trước vẫn còn, nhúm rau muống luộc Sinh hái được lúc đi ngang qua đồng bãi xanh rì. Giữa một vùng châu thổ rộng lớn, hai con người nương tựa vào nhau. Họ chẳng có gì ngoài tình yêu thương và trái tim son sắt. Họ hứa hẹn sẽ đi với nhau đến nơi cuối đất cùng trời, dẫu là phiêu lưu, lang bạt…
Vợ chồng Sinh chọn mảnh đất hoang bên này sông đắp nền, dựng nhà dựng cửa, đắp giồng trồng đậu trồng cà. Ðất khô khốc, Ðào phải ra sông gánh nước về tưới cho đất mềm đi rồi gieo hạt. Mấy mùa cây lúa chết khô, một vụ trúng thì hai ba vụ thất. Ðào bàn với chồng:
- Phải cải tạo lại đất đai thôi anh à! Cứ thế này mãi, bao nhiêu vốn liếng đổ sông đổ biển, tiếc lắm!
- Tiền đâu hả em? Nào là máy móc, phân bón, giống cây trồng… bao nhiêu là thứ. Hai vợ chồng ta kham sao nổi?
Ðào lặng đi một thoáng. Chợt có cái gì lóe lên trong đầu, Ðào quay qua Sinh:
- Còn chiếc lư đồng?
- Chiếc lư… Mình định bán nó đi sao? Tôi không đồng ý, chiếc lư này tôi giữ gìn nó ngót hai mươi năm nay rồi. Không được đâu, mình nghĩ lại đi - Sinh dứt khoát. Chưa bao giờ Ðào thấy Sinh nóng nảy đến thế.
Ðào điềm nhiên đặt tay lên vai chồng, thủ thỉ:
- Anh à! Ðôi khi phải biết buông bỏ nhiều thứ trong quá khứ. Cứ giữ mãi cũng không phải là cách. Vợ chồng mình không thể nuối tiếc kí ức, ôm lấy nhớ thương trong đoạn đời phía trước mãi được. Ðất cần mình, luật sinh tồn cần mình đứng lên gồng gánh gian lao…
Sinh nhìn thấy vẻ thản nhiên, ánh mắt đầy tâm huyết của Ðào, anh vội ngoảnh mặt về phía đồng khơi xa tít. Ngoài kia nắng gió bời bời. Anh im lặng, Ðào cũng không nói gì. Họ đang nghĩ gì? Trong đầu họ hiện ra một vùng đất trù phú, cây cối được tưới tiêu bằng nguồn nước mát ngọt phù sa. Tiếng vợ chồng gọi nhau í ới, gà mẹ dắt díu gà con, trâu bò thung thăng nhai cỏ ngoài triền sông nước lớn nước ròng. Ở đó, một ngôi nhà mới sừng sững mọc lên, miền quê ngập hương lúa mới. Bên kia - bên này không còn phân chia ranh giới trong ý nghĩ người làng. Chiếc cầu nối lấy bờ vui, hạnh phúc đong đầy trong khóe mắt…
- Ừ, em nói đúng. Ðiều quan trọng là mình phải bắt nhịp với cuộc sống.
Ðào cười tít mắt, nghiêng đầu tựa vào vai chồng, bờ vai hao gầy nhưng vững chãi, bình dị mà bao dung.
Giữa đồng trưa vắng vẻ bất giác vẳng lên tiếng lư đồng, lửng lơ, êm ái...
Hoàng Khánh Duy (baodienbienphu)