Tết Độc lập trong tôi
Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa dịp Quốc khánh 2/9. |
Giờ đã là cuối tháng Tám. Thời tiết nước Pháp đã bắt đầu chớm Thu. Bầu trời trong xanh và cao vời vợi. Những người bạn Pháp của tôi đang nói với nhau về việc vài ngày tới sẽ bắt đầu năm học mới. Tôi cũng cảm thấy bồi hồi, nhưng không chỉ vì năm học mới sắp bắt đầu, mà còn vì ngày kỷ niệm Ngày khai sinh của Tổ quốc tôi cũng đến vào dịp này – dịp mà tôi vẫn quen gọi bằng cái tên thân thuộc là “ Tết Độc lập”.
Từ ngày tôi còn rất nhỏ, ông tôi đã nói với tôi rằng: “Quốc khánh là ngày cả dân tộc ta giành được độc lập, là ngày sinh của đất nước, nên nó còn vui hơn cả Tết”. Chắc đó là cách ông diễn giải nôm na cho một đứa bé 6 tuổi có thể hiểu được thế nào là Quốc khánh. Sau này, khi tôi lớn lên, xa quê hương, cái thiêng liêng của Tết Độc lập luôn là thứ tôi nhớ nhất, nhớ như cách giải thích mộc mạc của ông.
Giờ này, chắc hẳn trên khắp các tuyến phố Hà Nội đã ngập trong sắc cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu… Người người nhà nhà đều háo hức chờ đón ngày thiêng liêng ấy. Tôi bỗng nhớ da diết sắc đỏ - sắc đỏ của màu cờ Tổ quốc tôi.
Ngày tôi còn ở nhà, những ngày này từ phố lớn đến các con hẻm nhỏ, đâu đâu người ta cũng treo cờ. Tôi còn nhớ như in thứ cảm giác đi dưới những con phố nhỏ tràn ngập một màu cờ đỏ, lòng lâng lâng tự hào, xen chút bồi hồi. Tự hào vì đất nước tôi qua bao gian khó vẫn quật cường vươn lên. Bâng khuâng, tôi nhớ đến những hy sinh lặng lẽ của bao thế hệ cha ông để có được ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay oai hùng trước gió như ngày hôm nay.
Tết Độc lập trong ký ức của tôi ngoài không khí nô nức đi xem diễu binh ở quảng trường Ba Đình, tôi còn mong đợi bữa tiệc sum họp gia đình. Tết Độc lập là ngày vui của đất nước, đại gia đình tôi cũng có truyền thống sum họp đầy đủ vào ngày ấy. Ông tôi có 8 người con, ngày 2/9 năm nào, dù đi đâu, ở đâu cũng đầy đủ 8 gia đình quây quần bên mâm cơm. Lũ trẻ chúng tôi sẽ vừa ăn, vừa đùa nghịch, vừa nghe người lớn nói chuyện. Bố tôi, các bác và các cậu sẽ lại kể những câu chuyện mà bố tôi gọi là “chuyện chưa bao giờ cũ”. Những người đàn ông trong gia đình tôi sẽ nói về chiến tranh. Trong những câu chuyện ấy thường kể về mất mát, về hy sinh của những người họ biết trong cuộc chiến trường kỳ bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước. Còn lũ trẻ chúng tôi thì ngơ ngác, lắng nghe.
Khi ấy, trong tâm trí non nớt, chúng tôi chưa thể cảm nhận rõ ràng ý nghĩa của nó. Nhưng sau này, khi lớn hơn, tôi đã hiểu vì sao bố tôi gọi đó là “chuyện chưa bao giờ cũ”. Trong bữa tiệc gia đình này, người duy nhất yên lặng là ông. Ông tôi ngồi bên bàn nước lặng lẽ nhìn con cháu bằng đôi mắt sáng và hiền từ. Tôi nhớ lắm đôi mắt của ông, đôi mắt tràn đầy niềm vui và hy vọng. Có lần tôi hỏi: “Sao ông không ăn cơm?”. Ông tôi từ tốn trả lời: “Ông no rồi. Nhìn con cháu sum vầy, nhìn thấy tương lai yên ấm”. Tôi lại hỏi ông vì sao, ông bảo : “Ông chiến đấu cả đời cũng chỉ mong có giây phút này thôi. Đất nước được thanh bình, gia đình được yên ấm. Vui cũng no rồi”. Và, ông sẽ tiếp tục cười lặng lẽ như thế…
Giờ đây, tôi chỉ có một ước ao nho nhỏ, được dạo bước trên các con phố tràn ngập cờ hoa, được ăn một bữa cơm sum vầy trong ngày Tết Độc lập. Và, để được lặng nghe tim mình nói rằng: “Tôi yêu Tổ quốc tôi!”.
Đăng Long/Hội Sinh viên VN tại Montpellier, Pháp
(Theo Thế giới & Việt Nam)