Thương thương dáng núi mùa thu...
Một sớm mùa thu, nhìn qua cửa sổ bắt gặp dáng đứng vừa vững chãi trong màu xanh thẫm vừa huyền hoặc trong mây trắng bồng bềnh của núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), ký ức thanh xuân lại ùa về trong tôi...
Người ta ở gần biển thì yêu biển, còn tôi dẫu cũng thích biển nhưng không thể so sánh với tình yêu dành cho núi. Bởi, sau núi là nơi tôi sinh ra, bởi mỗi sớm mai thức dậy mở cửa, núi đã sừng sững, thắm xanh trước mắt mình.
Và núi Hồng với tôi là như thế. Hồi nhỏ, tôi không hề biết “rú Nậy” - ngọn núi mà tôi hằng ngày gắn bó, đi “rạc” bàn chân tuổi thơ không mỏi lại là ngọn núi có cái tên rất đẹp, rất thơ, rất huyền sử... như kia. Lúc đó, nhắc đến địa danh núi Hồng Lĩnh đọc được trong sách vở, tôi cảm thấy nó thật xa vời. Trong tầm nhận thức thơ ngây ấy, tôi đã khẳng định trong suy tư rằng: Rú Nậy rất đẹp, rất huyền bí, không kém gì núi Hồng Lĩnh ở đâu đó xa vời.
Rồi một ngày, biết rú Nậy với núi Hồng, Hồng Lĩnh là một, tôi đã hân hoan trong lòng biết nhường nào. Nói chuyện với bạn bè trong xóm, tôi là một tuyên truyền viên: “Rú Nậy ta là rú Hồng Lĩnh đó, bay biết không?”.
Khi lớn lên, đến nhiều phương trời mới, tôi chợt hiểu, trên mỗi địa danh mà bàn chân tuổi thơ mình đã “luộng”, đã sục sạo khắp núi đồi ấy đều gắn với những câu chuyện lịch sử, được ghi tên vào sử sách, gắn liền với huyền tích về người xưa, về lịch sử cách mạng trên quê hương mình.
Năm lớp 10 là lần đầu tiên tôi đi chùa Hương Tích. Tôi đi bằng con đường mòn băng qua những ngọn núi và một mình trong buổi chiều mùa thu. Sự liều lĩnh đó là kết quả của nhiều lần ao ước một lần được đặt chân đến ngôi chùa thiêng chứa bao huyền sử trên rú Nậy của tôi. Hôm đó, nghe tin một nhóm người là đạo hữu, phật tử trong làng về chùa, tôi liền chờ để bám theo nhưng lúc đến điểm hẹn thì họ đã đi mất. Không bỏ cuộc, nhớ lại lời kể về con đường mòn trên núi được nghe trước đó, tôi đã cố gắng đuổi theo họ nhưng rốt cuộc không kịp khi họ đã đi trước tôi một quãng đường. Trong rừng sâu buổi chiều tà hôm ấy, dường như niềm tin về đức Phật cao cả đã dẫn tôi tìm được đường về chùa, đúng lúc mặt trời xuống núi…
Sau một đêm co ro trong cái lạnh bất ngờ của mùa thu trên núi, sáng ra, đoàn đạo hữu làm lễ sớm rồi hạ sơn. Tôi liền rủ một người bạn đã đi theo đoàn trước đó không theo đường mòn mà tự tìm đường xuống núi ở một lối đi khác, lối đi trong những câu chuyện huyền sử mà tôi từng nghe kể. Nhưng rốt cuộc, hai đứa lại bị lạc giữa đại ngàn xanh thẳm. Sau này, mỗi khi nghĩ về chuyện đó, tôi lại thấy tuổi trẻ của mình thật nhiều mơ mộng và liều lĩnh.
Không liều lĩnh và ngây thơ sao được khi lọt thỏm giữa thung lũng chằng chịt cây cối, vẫn tin mình sẽ tìm được lối đi. Tôi đã nói với người bạn: “Không thấy đường thì đi theo suối, thế nào cũng về được nhà...”. Và cuối cùng chúng tôi cũng thành công. Chỉ có điều thời gian đi về ấy hết gần một ngày và áo quần đứa nào cũng te tua, xơ mướp, mình mẩy bị gai cào xước đau rát khắp nơi... May mắn hơn, chúng tôi đã không gặp rắn độc và những con hổ như trong lời kể của dân gian.
Năm 24 tuổi, tôi quyết định chinh phục đỉnh núi Hồng Lĩnh cũng bằng con đường vượt suối, bởi không biết đường mòn. Cùng với vài người bạn trong làng, chúng tôi đi từ 7h sáng để lên đến đỉnh cao nhất của núi Hồng, hình như gọi là đỉnh Sư Tử. Lên đến nơi thì đã 4 giờ chiều. Chẳng có cờ để cắm, chỉ có phút giây ấy thật tuyệt! Quê hương của tôi hiện lên thật lộng lẫy phía dưới chân núi. Phía Đông núi Hồng, biển như một tấm thảm mênh mông, xanh biếc, phía Nam là TP Hà Tĩnh với tháp truyền hình nổi bật giữa những dãy nhà cao tầng, rồi thấy cả TP Vinh sầm uất bên kia cầu Bến Thủy...
Đặc biệt, tôi nhìn về những xóm làng vùng quê Can Lộc, Lộc Hà, nơi tôi sinh ra. Trong sự thanh bình và khang trang trên mỗi nẻo đường, miền quê ấy, tôi đã hân hoan, xúc động và tự hào khi nghĩ đến những địa danh như: Đỉnh Lự, rú Bin, Truông Gió hay Bến đò Thượng Trụ… Những năm tháng ngày xưa, ông cha mình đã đặt những bước chân đầu tiên, phất ngọn cờ đầu tiên đứng lên đấu tranh chống lại thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc khỏi những năm trường nô lệ lầm than trong cao trào Xô viết 1930-1931…
Và giờ đây, một sớm mùa thu nhìn qua cửa sổ, núi Hồng với dáng đứng vững chãi, xanh thắm sau làn mây trắng bồng bềnh thức dậy trong tôi bao kỷ niệm thanh xuân.
Quê hương tôi giờ đã đổi mới, lịch sử đã sang trang ấm no, hạnh phúc. Và núi Hồng đã ghi dấu trong lòng mình bao thăng trầm của lịch sử. Bao người xa quê, bao người ở lại chắc chắn vẫn nhớ, vẫn thương, hoài niệm về ngọn núi lớn này. Dù gần, dù xa rú ơi! Rú vẫn luôn mang trong mình biết bao huyền thoại để mỗi khi nhìn lên, tôi vẫn thấy tâm hồn mình xanh như những rặng thông.
Như sáng mai nay, chợt thấy thương thương dáng núi mùa thu...
Thiên Vỹ (baohatinh.vn)