Thương lắm mùa lũ ơi
Sáng nay, nghe đài thông báo "mực nước các sông đang lên cao, ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương cần cử người theo dõi chặt chẽ diễn biến bão lũ kịp thời" mà lòng tôi thảng thốt. Tôi chợt nhớ đến quê nhà với những tháng năm lam lũ của mình. Thể là mùa lũ đã đến rồi ư? Quê hương ơi, nhớ sao những mùa nước nổi!
Quê tôi nằm bên bờ ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa ông Lô và sông Chảy. Những ngày thường, hai con sông này thật thơ mộng. Đã có bao câu thơ, trang văn viết về vẻ đẹp của quê hương xứ bưởi với dòng Lô trong xanh dạt dào sóng vỗ, luôn mở lòng đón nước sông Chảy cùng xuôi ra biển cả. Thế mà mùa lũ, hai con sững ấy mới hung dữ làm sao. Mới hôm qua sông hiên hoà là thế, thơ mộng là thế, ấy vậy mà sáng nay nước bỗng từ đâu cuồn cuộn đổ về. Dòng sông đục ngầu. Nước chảy réo xiết. Củi rác lều bều. Hồi nhỏ, thấy con sông như thế bọn trẻ trâu chúng tôi thích lắm. Cả bọn tò mò giương những cặp mắt lạ lẫm nhìn dỏng sông trôi. Đứa nào đứa ấy nô đùa ngụp lặn cùng sông nước. Đứa vớt củi, đứa tìm cách bắt cá. Đã mấy lần mẹ tôi quát mắng, đánh đòn vì cái tội ra sông nghịch nước. Đêm về, nghe tiếng trống thúc hộ đê lòng tôi náo nức. Rồi tôi thấy mẹ, thấy chị tôi tất tưởi đang đêm cùng bao người gồng gánh, cuốc xẻng ra đê. Tiếng gọi nhau í ới. Tiếng chó sủa râm ran. Trống thúc liên hồi. Tôi không sao ngủ được. Cả làng kéo nhau ra đê. Vui quá! Tôi cũng vục dậy lẻn đi theo mẹ. Đèn đuốc rực sáng như sao sa dọc tuyến đê trông rất thích mắt. Tôi gặp mấy đứa bạn cũng đang cùng tâm trạng như tôi . Đứa nào cũng vui, đứa nào cũng thích trước cái cảnh hoa đăng bên dòng sông tự nhiên rộng ra mênh mông đến vậy. Ô, niềm vui ngây ngô của tuổi thơ chúng tôi!
Thế rồi chúng tôi lớn dần lên qua những mùa nước lũ. Tiếng trống hộ đê vẫn thúc nhưng không còn là niềm vui của chúng tôi nữa. Lòng tôi quặn thắt nhớ dáng mẹ xưa ngồi ngao ngán nhìn mưa với những tiếng thở dài não nuột. Trong đồng nước ngập mênh mông. Lúa vừa mới cấy xong đã bị chìm trong biển nước. Những chiếc lá lúa non tơ phất phơ dưới nước như những bàn tay chới với, nhìn mà xót ruột.
Ngoài sông, nước dâng lên cuồn cuộn. Con đê oằn mình chống đỡ. Mưa vẫn xối xả. Gió bão vù vù. Tôi không thể nào quên được dáng mẹ tôi liêu xiêu trong mưa gánh đất hộ đê theo tiếng trống thúc. Cái nón trên đầu mẹ tôi chòng chành. Thế rồi, cơn gió tai quái đã giằng mất cái nón ấy bay vèo ra sông. Người mẹ tôi ướt đẫm trong mưa.
Có năm đê vỡ. Nước sông tràn vào đồng réo ầm ầm kinh sợ. Nhà trôi. Bàn thờ trôi. Lợn, gà, trâu, chó không kịp chạy cũng trôi. Bố tôi gồng mình chống chèo trên mảng chuối cố nhặt nhạnh những thứ có thể được với lũ. Một nửa làng chìm trong biển nước. Khi nước rút, xóm làng xác xơ sau mùa lũ. Cây cối ngổn ngang, trụi lá. Lúa thối sạch sành sanh. Cả cánh đồng nham nhở lở loét bùn đất. Trên cao mạ dự phòng thì chuột phá. Thế là trắng tay! Chiều chớm thu, mẹ tôi tất tưởi ruộng dưới, đồng trên mót nhặt từng dảnh mạ để mong sao cấy được lấy một ruộng lúa. Bố tôi thỏ dài trong đêm. Người cứ ngồi như thế và hút thuốc lào vặt nhìn trời sao mênh mông. Ôi những hình ảnh ấy tôi làm sao quên được. Thương lắm, quê hương ơi mùa lũ!
Tôi được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Hết cấp ba, xong đại học, tôi lớn lên trong tình thương của cha của mẹ, từ củ khoai, hạt thóc lấm láp phù sa qua những mùa nước lũ. Tôi đi công tác. Và giờ đây, trong bốn bức tường của căn phòng có gắn máy lạnh này, chợt nghe đài báo bão lũ, tôi bỗng giật mình chơi vơi. Bao năm rồi xa quê, ta đã làm được những gì với cái nơi đã nuôi mình khôn lớn?
Mẹ cha tôi đã mất. Sông Lô thì thầm ru giấc ngủ ngàn năm cho mẹ, cho cha. Chị gái tôi lấy chồng. Nơi ấy bây giờ có người vợ yêu quý của tôi, cô bạn chăn trâu thuở nào. Có lẽ giờ này em cũng đang chèo chống cùng mưa lũ. Phải không dáng em như dáng mẹ tôi xưa liêu xiêu trên con đê mùa lũ? Và hàng đoàn người dân quê tôi đang dồn sức ra đê. Con đê giờ cũng khá hơn xưa. Nhưng nước lũ bất thường có ai mà biết trước. Tôi như nghe thấy tiếng trống hộ đê thôi thúc tùng tùng bên tai. Và lòng tôi bỗng trào dâng nỗi nhớ quê đến da diết nghẹn ngào.
Hoài Vũ (Báo Văn nghệ trẻ)