A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố lá non

Khi viết những dòng văn về cây ở thành phố Sài Gòn tôi cứ muốn định ra, đây chính là thành phố lá non xứ Đông Dương. Và riêng tôi đã thấy, chính lá mới là nhụy của hoa, vì hoa mà lá sinh ra, phơi nắng phơi sương, ủ ấp suốt một hành trình của hoa, hàng ngàn, hàng vạn đời lá đã miên man xanh, miên man vàng sút đi rồi miên man rụng xuống...

Xin được thưa riêng suy ngẫm và cảm nhận của tôi về thành phố phương Nam. Dù bừng sắc và bỡ ngỡ trước bao nhiêu biến động của mới lạ, nhưng nó vẫn giữ nguyên được vẻ suy tư của một thành phố lâu đời. Cây ở Sài Gòn luôn có một ấn tượng sâu mạnh với tâm hồn và thị giác của tôi. Ở đây, tôi yêu cây hơn tất thảy. Lắm lúc, tôi chỉ nhăm nhắm tắt điện thoại di động mà ngồi nơi cửa sổ ngắm cây Sài Gòn. Nhà khách Quân đội số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm có một cây me ước chừng cũng vài trăm tuổi. Lá me li ti bốn mùa vàng mặt đất, khi hứng chí thì đậu lên những cánh hoa lan ở bờ tường điểm xuyết một vẻ đẹp lạ lùng an lạc. Tôi không bao giờ nghĩ rằng loài cây to cao lừng lững hàng dăm bảy chục mét, chu vi hai ba người ôm không xuể ấy là me. Me nơi sông Lăng quê tôi nấu canh cua tuyệt ngon nhưng thấp bé và gai góc nữa, cứ luôn cứa móc vào tay chân. Cứa móc vào cả tâm hồn tôi. Chắc me cũng có rất nhiều loại và cơ chừng cây me ngự trị nơi đây hẳn là một loại me chúa, bao năm nay, me kiên trung thả cành xuống từ trên trời thẳm. Không biết có bao nhiêu lá me đang ở trên cây lại càng không biết có bao nhiêu lá me rụng rơi mặt đất? Liệu có một ai đi đếm lá me rơi? Cây me này cũng linh thiêng thì phải bởi đã bao nhiêu lần khi chiều lòng bạn hữu nhậu xỉn đất phương Nam, là bấy nhiêu lần lá me nâng bước tôi trở về lầu ba, lầu bốn an toàn. Tôi đã làm thế nào để đi qua vọng gác đã khoá, vượt qua cổng sắt cao ba bốn mét vào hai ba giờ đêm có lẽ chỉ cành me loà xoà là hiểu rõ nhất.



Ảnh chỉ mang tính minh họa 


Ngay cửa sổ phòng tôi ở có một cây bông gòn. Cây bông lớn đến mức tôi đang ở lầu ba nhìn ra mà vẫn cứ tưởng là phần gốc. Những nhánh bông gòn vạm vỡ đâm thẳng lên trời Sài Gòn xanh dương mời gọi bao nhiêu chim chóc đến. Hôm ấy buổi sáng, tôi ngủ muộn vươn vai nhìn ra cây bông cỡ mấy người ôm thì tuyệt sao bỗng xuất hiện một chú tắc kè nhỏ ngó nghiêng rồi chòi ra nô giỡn từ một ngách của cây. Chú ta rõ là quan sát tôi rất thân tình như chứng tỏ cuộc đời thơ ngây của chú đã quan sát không biết bao người đến rồi đi, đi lại đến ở căn phòng tuềnh toàng này. Hẳn nhiên buổi sáng lũ chim sâu lích rích đã đánh thức chú nên sau khi ngó nghiêng, nghe tiếng huýt sáo bản năng nơi miệng tôi, thì chú đã chuyển hướng nhìn mấy bạn chim vừa chuyền vừa gọi nhau í ới.

Mối lương duyên của tôi với thành phố này còn được thăng hoa bởi tiếng gà. Vốn đang ở ngoại ô Hà Nội, nơi tưởng như sẽ có nhiều đêm được thao thức đợi tiếng gà nhưng đã lâu rồi, tôi đâu còn được gặp. Tiếng gà thơ bé sông Lăng đã lùi vào quá vãng vì những toan tính đất đai công nghiệp. Lũ gà tuổi thơ của tôi tự do biết mấy, đi chơi có khi lạc mấy hôm mới về. Có ả gà mái còn đẻ lang hàng xóm, mẹ tôi giận quá làm thịt cho mấy anh em; còn nữa, gã gà trống đầu đàn oai vệ dũng mãnh nhảy phóc lên chiếc lô cốt cầu Ghênh mà giận dữ khai hỏa. Ò ó o... Thế mà chỉ mươi năm, chúng đã bị thay bằng toàn lũ gà lai tạp bấy bớt, tiếng gáy cứ thế chìm dần, chìm dần…

Bỗng đêm nay khi mà hơi men bè bạn còn đượm, tôi bỗng nghe đâu như có tiếng gà, lại đúng tiếng của gã gà đầu đàn nhà tôi thuở chín mười. Rõ lắm, vẫn hách dịch kiêu dũng như xưa. Tôi định thần ngồi dậy lắng nghe khúc nhạc càng ngày một rộ lên như bản giao hưởng đang giữa phần cao độ. Phấn khởi, dõi mắt ra phía cửa sổ nơi có cây bông gòn đang mở lá, rồi như trời xui, tôi nhấc máy di động gọi cho một người bạn văn cực kỳ mê tiếng gà gáy ở Hà Nội nói như mộng mị: “Anh nghe thấy gì không?” Người bạn văn không tỏ gì là ngái ngủ, trang nghiêm hỏi: “Chú đang ở Sài Gòn cơ mà?”. Tôi mơ màng nói mấy câu rồi cứ thế để máy cho cái âm thanh tuyệt diệu kia tha hồ đối thoại với anh bạn.

Tôi không biết nhà văn Nguyễn Tuân có mê tiếng gà gáy không, nhưng hẳn sự yêu thương cây cối của ông thì rất nhiều người đã chứng kiến và còn truyền nhau về cái sự yêu thương lạ lùng ấy. Khi viết những dòng văn về cây ở thành phố Sài Gòn tôi cứ muốn định ra, đây chính là thành phố lá non xứ Đông Dương. Và riêng tôi đã thấy, chính lá mới là nhụy của hoa, vì hoa mà lá sinh ra, phơi nắng phơi sương, ủ ấp suốt một hành trình của hoa, hàng ngàn, hàng vạn đời lá đã miên man xanh, miên man vàng sút đi rồi miên man rụng xuống. Ôi thành phố lá non yêu quý, hẳn công năng của lá là vô hạn trong những xe hơi, nhà lầu, những bê tông, thời trang và tiền bạc. Xuân đến rồi xuân lại qua, hoa nở rồi hoa lại tàn, chỉ lá xanh mãi mãi ở trong tôi và ở trong ai… 

Phùng Văn Khai (VNQĐ)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu