A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháng 7 nghĩa tình thương nhớ

Tháng 7 nghĩa tình thương nhớ! Xin được nghiêng mình trước các bia mộ có tuổi có tên và cả chưa có tuổi có tên. Xin đừng gọi là “vô danh” bởi chính sự hy sinh lặng lẽ ấy đã vinh danh đất nước...

Tri ân, tưởng niệm các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc là hoạt động truyền thống của chương trình Trại hè Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức hàng năm. Ảnh: Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2022 dâng hương tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà.

Tháng 7 có một ngày đặc biệt, ngày mà cả nước tri ân sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh còn mang trong mình những vết thương chiến tranh. Con số 7 như 7 sắc cầu vồng bắc qua cơn mưa mang hào quang lịch sử một thời. Con số 7 như 7 âm độ trong bản nhạc với những cung trầm ngân vọng da diết. Là con số 7 của nhà Phật với bao nghĩa cử tôn nghiêm như bảy bông sen hồng tinh khiết dâng lên đài hương…

Những ngày này ta gặp các đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Áo các ông đã bạc, màu da còn tái mét cơn sốt rừng, những vết thương trên mình khi trái gió trở trời đau nhức... Thật cảm động biết bao khi ta bắt gặp một nhà thơ chiến sĩ đứng trước nghĩa trang với hàng ngàn ngôi mộ mà trong tay anh chỉ có một bó hương. Và một ứng xử rất nhân văn lay động, thổn thức bao trái tim con người: “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội/ Nhang trầm một thẻ biết làm sao/ Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió/ Hương khói đừng quên nấm mộ nào!” (Thăm mộ chiều cuối năm - Nguyễn Thái Sơn). Hay hình ảnh người vợ đến thăm chồng với một vòng hoa mang theo mà khu rừng chỉ có hai ngôi mộ. Chị đã dâng vòng hoa lên mộ người đồng đội của chồng mình với một cử chỉ thân thương tha thiết: “Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó/ Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ/ Viếng mộ anh có chị đến đây rồi!” (Viếng chồng - Trần Ninh Hồ). Còn đó những ngôi “Mộ gió”: “Chạm vào gió như chạm vào da thịt/ Chạm vào nhói buốt Hoàng Sa” (Mộ gió - Trịnh Công Lộc). Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của người mẹ. Mẹ đã từng mang thai chín tháng mười ngày, đã từng bế bồng, dõi theo từng bước đi chập chững ban đầu của con với biết bao hy vọng. Các con là điểm tựa của mẹ khi về già, khi lưng đã còng, tóc đã bạc. Nhưng chính mẹ lại là “bệ phóng” để tiễn con đi với bao sức mạnh tiềm tàng từ cội nguồn truyền thống. Thế nên: "Mẹ nâng niu. Nhưng giặc Mỹ đến nhà/ Nắng đã chiều... vẫn muốn hắt tia xa!" (Mẹ - Phạm Ngọc Cảnh). 

Tiếng vọng ân tình tháng 7 từ những cánh rừng Trường Sơn chập chờn bướm trắng. Từ những quả núi khét cháy đá vôi ở mặt trận Vị Xuyên. Từ những bờ tường gạch đỏ mà cỏ xanh vẫn len lỏi mọc lên trên kẽ đá của Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm máu lửa. Từ màu tím hoa sim và rặng thông xanh ngời ngời chớp bạc của Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang Tám Cô. Từ ngầu ngầu bọt sóng trắng xanh thẳm của đảo Cô Lin - Gạc Ma với vòng tròn bất tử. Bất tử cả những bè hoa kết nối, bao sắc màu, sắc hương trong những vườn quê thả xuống dòng sông Thạch Hãn “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm" (Đò xuôi Thạch Hãn- Lê Bá Dương).

Tháng 7 là tháng thiêng liêng, tháng cội nguồn nghĩa tình dân tộc. Đền ơn, đáp nghĩa là nghĩa cử cao đẹp của người đang sống với người đã mất. Mà mất sao được hình ảnh những người con gái, con trai: "Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt". Nhà thơ Nam Hà đã viết như thế trong bài thơ nổi tiếng: “Chúng con chiến đấu”. Một Việt Nam bốn nghìn năm trải qua bao cuộc trường chinh đánh giặc vẫn giữ trọn bờ cõi núi sông hồn thiêng đất Việt. 

Tháng 7 nghĩa tình thương nhớ! Xin được nghiêng mình trước các bia mộ có tuổi có tên và cả chưa có tuổi có tên. Xin đừng gọi là “vô danh” bởi chính sự hy sinh lặng lẽ ấy đã vinh danh đất nước. Bởi: "Ôi Tổ quốc! ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết:/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông" (Sao chiến thắng - Chế Lan Viên)./.

Theo Nguyễn Ngọc Phú/https://baohaiduong.vn

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu