A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thầy giáo làng

Hồi trước giải phóng, hầu hết học trò ở nơi gia đình tôi tản cư phải lội bộ mấy cây số đến hương đình (đình làng) để học. Biết cha tôi có chút chữ nghĩa, trưởng làng nơi gia đình tôi tản cư đề nghị cha tôi mở lớp dạy học để trò khỏi đi xa, đỡ mệt và cũng đỡ nơm nớp với bom rơi đạn lạc. 

Ông trưởng làng mướn nhà giúp, cha tôi mượn sách giáo khoa theo chương trình chung về “nghiên cứu” rồi mở lớp, dạy từ vỡ lòng đến lớp 3. Ban đầu lớp học tư thục của cha tôi không nhiều học trò, nhưng đủ lứa tuổi, có trò 9 - 10 tuổi mới đi học lần đầu.

Dạy được vài tháng, một hôm có ông V. nhà ở gần hương đình dắt cậu con trai tầm 10 tuổi tới xin cha tôi cho con ông vào học. Ông V. kể, con trai ông vốn ham chơi, nghịch ngợm, học ở hương đình mấy năm rồi nhưng chỉ “đút vở bụi tre”, sáng mang vở đi, lang thang đâu đó cho hết buổi rồi về. “Tôi nghe nói anh không chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo đức, lễ giáo nữa nên tôi đưa cháu lên đây, anh giúp được thì tôi mừng lắm” - người cha ấy khẩn khoản.

Sau khi ông V. ra về, cha tôi hỏi cậu bé ấy là “Con có thích học không”, cậu trả lời “Con không thích”. “Vì răng con không thích học?”, “Tại con không biết làm tính, nên hay bị thầy đánh”. Lại hỏi: “Rứa chừ con thích chi?”. “Con thích chơi”.

“Được rồi, con thích chơi thì thầy để cho con chơi thỏa thích. Mai con cứ đem đồ chơi tới lớp, thích chơi cái chi thì đem cái nấy, không cần đem vở”. Cậu bé ấy nghe vậy thì mừng rỡ vô cùng. Cha tôi cũng dặn cả lớp là “Bạn A. (tên cậu bé ấy) thích chơi, nên các con cứ để bạn chơi một mình, còn các con cứ lo học”.

Từ đó, hằng ngày A. mang bi, mang dây su (dây thun) đến lớp, và tất nhiên chỉ để... chơi; còn cha tôi vẫn dạy những học trò khác trong lớp như bình thường. Ngày đầu tiên cậu háo hức khi cả lớp chăm chú học, riêng mình thì được chơi.

Những ngày tiếp theo A. vẫn lủi thủi chơi một mình. Cha tôi để ý, thấy A. chơi nhưng thỉnh thoảng vẫn lén nhìn các bạn học. Được hơn một tuần, buồn và chán, cậu xin cha tôi được học.

Cha tôi bảo “Rứa con về thưa với cha con là con không thích chơi nữa và từ mai con mang vở đến học”. Hôm sau, ông V. hớn hở đưa con tới lớp. Cậu bé A. không mang theo bi và dây su nữa mà là một cuốn vở.

Được cha tôi kèm cặp và động viên, A. bắt đầu ham học và tiến bộ thấy rõ. Quan trọng hơn, cậu lễ phép, đi thưa về trình, không còn ngổ ngáo như trước. Ông V. mừng rỡ, ngoài trả học phí (5 đồng mỗi tháng), ông còn nài nỉ cha tôi nhận thêm những món quà ông tặng để tỏ lòng biết ơn.

Qua lời “rủ rê” của ông V., nhiều gia đình ở gần hương đình đưa con đến học ở lớp của cha tôi. Lớp tư thục của cha tôi sau đó lên tới hơn 30 trò, có cả học trò lớp 5. Những trò này sau đó thi đỗ vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ). Học trò của lớp thuộc nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi, cha tôi linh hoạt trong cách dạy, tùy tính cách, khả năng từng trò mà tìm cách dạy phù hợp để trò nào cũng tiến bộ và ngoan ngoãn.

Nhiều năm sau đó, cứ tới mùng Ba Tết là cha con ông V. đội gạo, mang gà đến nhà biếu cha tôi theo phong tục “mùng Ba Tết thầy”. Rồi nhà tôi chuyển chỗ ở. Nhiều năm sau, khi về quê sinh sống và công tác, những học trò năm xưa của cha tôi, có người là cán bộ xã, huyện gặp cha tôi vẫn vòng tay, cúi đầu chào thầy như thuở xưa...

Kể lại chuyện xưa khi hai cha con hàn huyên về nghề dạy học hiện nay, cha tôi dặn, thầy cô hay cha mẹ cũng đều phải dạy chữ đi đôi với dạy làm người, và học trò cũng như con cái, tùy từng tính cách mà tìm cách dạy phù hợp để ai cũng nên người.

 Châu Nữ/ Báo Quảng Nam


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu