Tản văn Lắng lòng ngày cuối năm
Có đi xa mới thấy thấm, thấy thèm cái hương vị Tết quê nhà. Mùi thơm ngậy của những cái bánh chưng vừa được vớt ra còn bốc khói nghi ngút. Mùi thơm ngọt ngào của các loại mứt mẹ làm. Mùi củ hành củ kiệu trong mâm cơm chiều tất niên. Mùi xôi gấc thoảng bay trong giây phút thiêng liêng cúng giao thừa. Những hương vị quen thuộc ấy luôn nhắc nhở người xa quê mau chóng trở về.
Khi thời tiết vẫn còn lạnh nhưng không còn hun hút gió. Khi sương sớm vẫn còn giăng kín trên cành trên lá nhưng không gian đã ấm hơn. Khi cỏ cây như bừng tỉnh sau những ngày mưa lạnh gió cào, rét đậm rét hại. Khi những đoàn ô tô dừng trước cổng chợ hạ xuống bạt ngàn hoa, bạt ngàn quả. Để rồi những thứ đó lại theo xe thồ, xe cải tiến luồn lách vào từng con phố nhỏ thì khi đó mùa xuân đang về rạo rực lòng người.
Có đi xa mới thấy thấm, thấy thèm cái hương vị Tết quê nhà. Mùi thơm ngậy của những cái bánh chưng vừa được vớt ra còn bốc khói nghi ngút. Mùi thơm ngọt ngào của các loại mứt mẹ làm. Mùi củ hành củ kiệu trong mâm cơm chiều tất niên. Mùi xôi gấc thoảng bay trong giây phút thiêng liêng cúng giao thừa. Những hương vị quen thuộc ấy luôn nhắc nhở người xa quê mau chóng trở về.
Dường như những ngày cuối năm mọi lo toan, mọi gánh nặng áo cơm được trút bỏ. Người ta nói nhiều hơn, cười nhiều hơn để cảm nhận được những khoảnh khắc chứa chan bình yên và yêu thương. Ngày cuối năm ủ trong lòng bàn tay thật ấm áp, hít căng lồng ngực mùi vị tinh khôi của nắng buổi sớm, của gió se lạnh chênh chao.
Những ngày cuối năm ai cũng thèm được trở về quê hương. Một nơi mà dù có đi hết cuộc đời vẫn khát khao tìm lại. Mấy lần xe, mấy lần đò, vài lần đi bộ qua cánh đồng mới về đến quê, nhưng người ta vẫn về. Về để được hít hà cái mùi vị của đất sỏi nồng nồng hằn in dấu chân của cha, giọt mồ hôi mằn mặn của mẹ. Mái tóc cha đã phủ đầy sương gió. Đôi mắt mẹ ủ ngập nỗi lo toan. Có muôn vàn lý do để người ta không thể không trở về sum họp gia đình khi năm cùng tháng tận. Về quê ăn Tết không còn là khái niệm đi hay ở mà là cuộc hành hương về cội nguồn. Không chỉ đơn giản là tình cảm mà còn là giá trị đạo đức, văn hóa, là sự sống bền vững của một dân tộc.
Những ngày cuối năm này dù đi xa đến đâu, trong nước hay ngoài nước, ai cũng cố gắng trở về sum họp bên gia đình. Để không thấy mình bơ vơ lạc lõng giữa sự tấp nập của dòng đời. Năm nào cũng có Tết. Năm nào cũng về quê ăn Tết. Về quê ăn Tết là để lòng mình lắng lại trong buổi chiều cuối năm bên những nấm mộ tổ tiên ông bà. Thắp nén nhang thơm, đứng giữa đất trời mà từ sâu thẳm trong tiềm thức mơ hồ có rất nhiều lời rì rầm vọng lại như gửi gắm niềm tin nối dài nhân nghĩa. Về quê ăn Tết là tìm về cảm giác bình yên sau những tháng ngày xuôi ngược. Về quê ăn Tết là để được hít thở bầu không khí quen thuộc không vướng bận vội vàng. Được đón những nụ cười, được nghe những lời chúc chân thành. Được ngắm những đôi mắt rạng ngời. Những điều tưởng cũ mà bỗng nhiên rực rỡ mới mẻ. Cảm giác như lần đầu đón Tết.
Rồi những ngày cuối cùng của một năm cũng sẽ trôi qua, mọi thất bại, mọi giận hờn đều trôi theo dòng thời gian, theo gió bay về cuối trời. Thay vào đó là sự xích lại gần nhau như chưa hề xa cách. Những ngày này là thời gian dễ dàng nhất để khởi bùng lên lòng vị tha và bao dung.
Xin đừng bận tâm nghĩ năm qua ta được gì, mất gì. Mà nên nhìn lại 365 ngày ngắn ngủi ta còn điều gì phải nuối tiếc ân hận không. Để chào đón những điều tốt đẹp, gặt hái được nhiều quả ngọt yêu thương trong năm mới.
Nguyến Sĩ Đoàn/ Báo Hải Dương