Rau muống
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương...
Câu ca ấy ai mà lại không biết, không thuộc. Nhưng tôi cứ nghĩ chắc chắn, phải từng là người nhà quê, phải là người từng vất vả bán mặt cho đất bán lưng cho giời, phải một nắng hai sương với đồng đất mùa màng và phải đau đáu yêu thương nặng lòng lắm với quê nhà thì mới có được câu thơ ấy chứ! Và tôi lại còn nghĩ rằng, người ấy phải ra đi, phải rời xa, rất xa nơi quê nhà. Rằng, người ấy đã ăn những miếng ăn xa lạ, nếm hưởng cả những thứ của ngon vật lạ của các vùng miền nữa... Thì cái nhớ giờ mới là “Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Thứ món ăn giản dị, quá đỗi quen thuộc, thứ thực đơn dai dẳng của những bữa cơm nghèo. Rồi ngẫm ra, thì không có một thứ rau gì lại gần gũi và thảo hiền như rau muống. Thứ rau duy nhất có thể ăn suốt quanh năm. Từ ngọn rau mỏng, non búng, mỡ màng gọi là rau sơ mới của những ngày hè hay có mưa rào. Đến ngọn rau sẫm xanh, dai dai, nhiều nhựa của mùa thu “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”. Mùa đông lạnh, rau muống cằn chát như có chút gì suy tư ngẫm ngợi. Đến mùa xuân, ăn rau mầm, rau lộc, non bùi, ngọt đậm... Rau muống đem luộc, xanh mướt, hoặc xào tỏi, xanh sậm. Khi luộc, ngon nhất là bằng nước mưa. Phải dìm cho rau ngập nước, chín tới. Để không nát, không dai, không sập sựt. Còn nếu xào, thì chỉ cần trần qua nước sôi, hong ráo nước, cho nguội. Phi tỏi thơm vàng, xào trong chảo nóng già, hơi to lửa. Rau xào sẽ xanh đẹp, lại giữ được nguyên hương vị. Nước rau luộc đánh dấm, có thể là dăm quả sấu xanh, để có bát nước rau hồng nhạt, chua mát. Hay vắt vào nước luộc quả chanh cốm thơm thơm, nước trở nên trong vắt, xanh nhạt. Cũng có khi là quả me, hay lá me, để có vị chua nhang nhác chát. Người thành phố thì ăn rau muống chấm với nước mắm ớt. Còn người quê, thì vẫn thích rau muống chấm tương hơn. Cái mằn mặn, chua cay, cái ngòn ngọt đậm đà, cái ngọt mát thanh thanh, quen thuộc đến ngàn đời mà riêng chỉ rau muống mới có được.
|
Chẳng có rau gì dễ sống, dễ trồng như rau muống. Ở trên cạn, một góc vườn. Cũng có khi trồng trong ruộng cạn xen với cả những loại rau khác nữa.Thả một ít dây rau muống xuống ao hồ, thì chả phải đợi lâu, ắt sẽ có rau ăn. Ở đâu rau muống cũng sống được. Từ những ngọn non tươi mát lành dành cho những bữa cơm bình dị, đến những cuộng những lá muống già cho lợn, hay bón ruộng bón vườn. Rau muống cứ tần tảo nắng mưa cùng người dân quê, cứ hiền lành, tằn tiện, cứ chắt bóp, góp gom chung tình, chung thuỷ.
Nếu cứ cơ hàn, nếu cứ mãi yên bình sống, lặng lẽ sống, ít xáo trộn, và ít ngẫm ngợi, thì cứ là đồng hành cùng rau muống thôi. Nhưng nếu đã đi xa, ví như cái nhân vật “ anh đi” ở trong câu ca đó, nếu có đi dọc ngang chân trời góc bể, thì cái nỗi nhớ quê nhà, nhớ “canh rau muống” với cà dầm tương nó mới trỗi dậy, mới thôi thúc, mới khắc khoải, mới khôn nguôi mãnh liệt. Để rồi, nhớ cảnh, nhớ đất, là để nhớ người. “Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”. Những thứ bình dị lặng thầm như rau muống, chum tương, quả cà là những tín hiệu, những gợi nhớ, những nhịp cầu để kết nối và vĩnh cửu những ân tình ân nghĩa của tâm hồn, của trái tim, của con người.
Anh đi anh nhớ quê nhà...
Đi- đã không còn là để rời xa, mà là để được trở về.
Trở về bởi những hoài niệm, bởi nỗi nhớ. Bởi ở chốn thiêng liêng ấy, có những thứ giản dị khiêm nhường mà không thể quên, không thể thiếu được. Như rau muống.
Thuỵ Lê/ Đại đoàn kết