Nhớ sương
Mười tám năm gắn bó với xứ lạnh rồi xa. Lang thang kỳ hồ về đô hội phồn hoa nam, bắc. Thả bộ phố đêm Pleiku, run rẩy đằm mình trong hơi rét buôn buốt triền rừng Tam Đảo… Phong phanh đón gió biển mặn mòi đến ran rát dưới ánh cao áp vàng rực u u ở biển đêm Phan Rang - Tháp Chàm… Thấm thoắt đã gần sáu năm tôi xa xứ sương mù Đà Lạt. Thổn thức, nhớ. Cả những điều tưởng như đã cũ ở phố thông, phố gió. Kỳ lạ chưa, nhớ những điều bàng bạc như mù mưa và nhớ… sương nơi miền yêu ấy.
Sương mù tạt thẳng vào người buốt lạnh tầm quãng vào giờ gần sáng của khoảng hơn hai mươi năm trước, khi chiếc xe đò cà khổ mất hơn ba mươi tiếng ì ạch từ miền trung đưa tôi ném xuống bến xe đầu đèo Prenn đã khiến lữ khách đắm đuối với sương mù. Dày đặc kỳ lạ, lạnh lẽo kỳ lạ và cả ngọt đến khó hiểu nếu bạn “dũng cảm” há rộng miệng và hít hà thật sâu cái làn sương đặc quánh và lãng mạn lúc ấy.
Bươn chải để sống, để dựng xây, để sánh duyên hạnh phúc và để ấm áp tình người cùng tình đời nơi xứ lạnh có lúc đến quăng quật bầm dập nhưng sự keo sơn với gió, với sương Đà Lạt trong tôi vẫn không hề thay đổi với lần đầu gặp gỡ ở đêm xưa ấy.
Cái cách tôi chọn điểm chiêm ngưỡng sương cũng khác người chăng. Từ đỉnh tình huyền sử Langbiang lúc bảy giờ sáng một mùa mưa, trong màn sương mù dày bất tận và trắng nôn nao hình như Đà Lạt không tồn tại một… nóc nhà nào. Tháp sắt bưu điện trung tâm, nhà thờ Con Gà hay đỉnh tháp kiến trúc cong Cao đẳng Sư phạm của tỉnh trên cung đường Yersin cũng chật vật lắm mới vượt nổi lên biển sương vài mét. Thảm ngọn thông cao vài chục mét bên lộ Hùng Vương, Trần Hưng Đạo hay Thái Phiên, Trại Mát…, cũng chỉ khuất lấp như lòa xòa trên màn sương trắng mê hồn. Hàng nghìn nhà kính, nhà ni-lông trồng bông hay cả trăm thứ rau, dâu… đều khuất lấp chìm dưới màn sương bạc. Trong ấy, dưới sương, mỗi mẹ, mỗi chị vẫn cần mẫn quấn kín thân hình trong len trong dạ để hoa, để rau và để người tô điểm cho phố hoa bừng tỏa.
Con đèo Prenn dài đâu hơn mười cây số khuất chìm dưới thảm thông hàng vạn cây cổ thụ có tuổi gần bằng hai đời người, trong đêm sương, ánh đèn xe khiến cung đèo đẹp như một dòng sông ánh sáng chảy ngược lên đỉnh núi. Người ta đang ngày đêm nườm nượp tìm về Đà Lạt, đến phố lạnh để yêu sương, yêu thông như tôi vậy. Quay lưng lại phía đèo, ngắm về đường Ba tháng Tư, tôi bấm máy cho anh bạn bật dùm bóng đèn an ninh trên nóc lầu năm. Im lặng nhưng anh bạn chiến hữu làm ngay. Ánh sáng của đèn là khái niệm sáng rõ rất vật lý nhưng ngắm làn sương bủa vây làm cái chao đèn nhỏ dần rồi khuất hẳn, cảm giác miên man lại tràn ngập. Chủ nhân căn nhà cao đó chính là người đã khiến lòng tôi ấm áp cả quãng đời ngụ cư nơi xứ lạnh. Mỗi lần lỡ đường, buốt tay trên “cỗ xe hai bánh cà khổ” trong những chặng bôn ba, rong ruổi tôi đã chẳng thể nào quên cả cái va-li áo, khăn, tất vớ mà bạn đã mang đến phòng trọ ngày chân chưa hết mỏi khi lạc bước vào Đà Lạt.
Những tháng ngày ở nơi xứ lạnh ấy, tôi còn có cái sở thích ít giống ai là bơi thuyền trong hồ Đan Kia - Suối Vàng để “đắm” sương chìm trong yên lặng gần như tuyệt đối trong mỗi đêm khuya. Không gian tĩnh lặng đến mức mặt hồ có thể sẽ thảng thốt nếu như bỗng nhiên nghe tiếng đớp mồi dũng mãnh của một… chàng cá quả. Du khách chen chúc thích những bức ảnh bên dăm bảy “cụ” thông, yêu ánh nắng xuyên qua vô vàn vòm tán lá kim dày đặc đổ vãi vương trên mầu xanh thảm cỏ… Còn tôi, lại mê khó cưỡng sự yên bình, vắng lặng kỳ lạ của tiếp nối triền rừng thưa trong vùng thấp thung lũng. Nơi ấy sao lại giúp ta cảm nhận mọi thứ diệu vợi đến thế!
Bạn tôi nói đúng. Sáu năm hay dài hơn thế nhiều lần, nào tôi có quên nổi điều gì nơi phố hoa, phố lạnh. Ai đó, hình như là một nhà thơ, đã đặt bút:
Năm tháng trôi đi chẳng biến thành nỗi nhớ
Nhưng chỉ một lần gặp gỡ
Một thoáng nhìn
Mãi trăn trở trong nhau...
Với tôi, sương khói miền đất lạnh ấy không bàng bạc mà là luôn hiện hữu./.
Tản văn của Trần Sơn Tùng/https://nhandan.vn/