Nhà xưa
Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Ông bà ngoại của tôi đã bán mảnh đất có ngôi nhà gỗ rất đẹp và khu vườn đầy cây trái đó đi để theo cậu đến một khu đất mới gần đường để tiện làm ăn. Và từ đó, đã mấy chục năm, chúng tôi không trở lại nơi này. Nhưng không hiểu sao, thời gian gần đây, tôi nhớ ngôi nhà đó quá, nhớ những ngày thơ ấu mà tiếng cười chị em tôi đã lấp đầy cái ngõ nhà bà. Ông bà tôi dù đã là người thiên cổ vẫn nói chuyện với tôi hằng đêm, trong những giấc mơ…
Tôi trở lại nhà xưa, muốn lắng nghe tất cả những gì mà thời gian đã phủ dày, vôi xóa… Đây rồi, ngay sát đường làng, gần ngõ dẫn lên nhà ông bà là giếng làng tựa như cái ao nhỏ. Giếng bây giờ chỉ còn lại những viên gạch cũ ngổn ngang bên búi cây bạc thau khổng lồ. Xưa, giếng là nơi các mẹ, các chị trong làng gặp nhau gánh nước mỗi chiều, tiếng nói cười rổn rảng. Từng bậc gạch từ miệng giếng xuống sát mép nước đỏ bóng lên. Dì thường vục hai thùng xuống mặt nước phẳng lặng ấy mỗi chiều tối đầu hè. Nhìn những vòng sóng nước lấp lóa trăng non thấy thích thú. Đi sau dì, nghe tiếng nước vỗ óc ách vào mép thùng theo mỗi bước chân hòa cùng đủ thứ âm thanh của cuối ngày, bên cạnh mùi sực nức của nhựa cây, mùi cỏ ướt, mùi đất hong khô… tôi ngỡ mình đang tan dần vào bóng tối. Khói loang thành vô số vệt mỏng len khắp ngõ. Tiếng em bé khóc hấm hích nũng mẹ dường như làm rung cả mấy bóng cây.
Nhà ông bà trên đỉnh đồi, ngõ lên gồm mấy chục bậc đá xanh. Bọn tôi từng quỳ bên mặt đá xanh nhẵn thín ấy chơi ô ăn quan. Cạnh đó là đám cây tàu bay, đám mạ mọc từ thóc giắt trong kẽ đá. Bà và dì nấu bữa tối, khói trùm thành đám lớn trên mái bếp. Ông thả rơm vào chuồng trâu. Con trâu cọ sừng vào thoang chuồng cồng cộc mãi không thôi như muốn thông báo nó sắp có một giấc ngủ viên mãn.
Cơm xong, tôi theo dì đi dọc con đường đầy hoa bươm bướm nở dẫn ra cánh đồng lúa nếp. Tôi đứng dưới vòm cây chờ dì lội ruộng cắt lúa non về làm cốm mà phập phồng sợ ma. Đom đóm sa thành một trời sao trước mắt lung linh. Trăng nhòe theo bóng hai dì cháu trên đường làng. Cảnh tượng ấy đã in mãi trong tâm trí, đến một ngày, tôi đã cầm bút viết về những cánh đồng đom đóm, những số phận đàn bà mà tôi gặp.
Tinh mơ ở nhà bà là khoảnh khắc kỳ lạ nhất. Đúng 5 giờ sáng là tắc kè kêu trên mái nhà gọi mọi người thức giấc. Bà mở cánh cửa kêu đến két một cái là con mèo Mun nhảy phốc lên giường dụi dụi đầu vào má tôi. Mùi ổi chín, mít chín loang ra khắp không gian. Sau ngôi nhà là vườn ổi và mít. Lần nào lên nhà bà tôi cũng được cậu út trẩy cho một rổ ổi mang về. Quãng đường mấy cây số từ nhà tôi đến nhà ông bà gần hơn bởi sự háo hức của trèo ổi, ăn quả chín. Có lần ông ốm, mẹ sai tôi mang trứng luộc cho ông. Từ nhà ông bà đi ra tôi đã khóc một mình. Người anh họ nhìn thấy đã đèo tôi về nhà. Bà ngoại thường ngồi bên thềm kể cho tôi đủ thứ chuyện ngày xưa, tay bà cào lên tóc tôi ram ráp. Bà đẹp lão, thường ăn rất ít, mỗi bữa chỉ hai lần xới cơm mà rất khỏe, chẳng bao giờ ốm. Bà thường kể chuyện say mê đến nỗi, tôi chẳng còn để tâm vào câu chuyện của bà mà đầu óc đang nghĩ đến mấy con thỏ nhà hàng xóm (chúng tôi rất mê chơi đùa với những con thỏ trắng), nhưng bà vẫn nói…
Lúc ấy, tôi không nghĩ rằng, hương thơm của hoa trái, của âu yếm tình thân còn thơm tận bây giờ, ngay đây, trên tóc tôi thì phải…
Ngôi nhà giờ đây đã quá cũ càng. Rêu phủ dày trên ngói nâu. Hình như người chủ mới đã lâu rồi không ở nữa. Lối vào nhà người ta đã trồng kín những cây vải thiều và nhãn. Tôi lại nhớ cái gốc hồng sum suê quả ngày xưa. Dưới gốc cây ấy, chúng tôi đã xâu hoa hồng thành chuỗi vòng đeo lên cổ mình hát í ới câu quan họ: “Còn duyên là duyên ngồi gốc, gốc cây thông/ Hết duyên là duyên ngồi gốc, gốc cây hồng là hồng hái hoa…. Hát để trêu dì chứ có hiểu gì đâu. Những bậc đá giờ đây cũng không còn mà được thay bằng đường bê tông. Dù vậy, đôi mắt cũng ấm áp được thấy lại cảnh xưa. Nhưng người cũ đã đi rồi chẳng thấy. Tôi bỗng nhớ những câu thơ của nhà thơ Duy Phi: “Mẹ khuất mấy thu sân cỏ lan/ Bể không người vục nước mưa tràn/ Xõa tóc soi tìm mình chẳng thấy/ Lạ lùng ai đó bóng thời gian…”. Vâng, bóng thời gian đã ngả rạp in trên nền màu chiều như hổ phách trước khu vườn nhà ông bà. Cỏ đã xóa dấu xưa…
Có tiếng tắc kè đâu đây thảng thốt. Hóa ra con vật đó còn chung thủy với chốn này. Hay nó vẫn đợi người xưa trở lại giữa cô đơn?
Tiếng lá rụng khắc vào lòng tôi mênh mông thương nhớ. Xòe tay ra, chiều ầng ậng, loang dần…
Mai Phương (vanvn.net)