Ngày cao tuổi nhớ ngoại
Hằng năm, cứ gần tới dịp Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) dù có bận rộn cỡ nào tôi cũng cố gắng sắp xếp công việc để về với bà ngoại. Thế nhưng, năm nay dịch COVID còn phức tạp sẽ hẹn ngoại ngày gần nhất khi hết dịch. Bỗng thấy lòng giăng kín nỗi nhớ ngoại khôn nguôi.
Ngoại thường mở đài radio nghe tin tức. Biết thông tin dịch bệnh ở Sài Gòn căng thẳng. Ngoại gọi hỏi thăm miết thôi. Ngoại còn nói “Ngoại chả sợ giặc Mỹ, Pháp, ngày đó ngoại còn xung phong đi đánh giặc. Còn bây giờ ngoại sợ “con vi” này thôi. Đừng lo cho ngoại nhiều nghe. Ngoại khỏe lắm. Cháu nhớ giữ gìn sức khỏe, hết dịch về với ngoại nghen”. Nghe ngoại nói vừa thương vừa buồn cười. Cũng đúng thôi nhỉ, dịch này cần đồng lòng quyết tâm “chống dịch hơn chống giặc”. Ai ở đâu ở yên đó. Dịch nơi nào bùng mạnh quá thì “đóng cửa cài then”.
Tôi thương ngoại nhiều lắm. Gần 100 tuổi rồi ngoại có đủ “con cháu chắt chút chít” đếm không hết. Cũng vì già rồi nên ngoại nhớ không hết bầy cháu, nhưng ngoại luôn nhớ tôi, thương tôi nhiều nhất, chắc do tôi không còn mẹ.
Bao nhiêu ký ức về ngoại cứ thế mà gợi về. Tôi nhớ mảnh vườn nhỏ nhắn xinh xắn của ngoại. Nhớ bếp củi ngoại nhen nhóm sớm hôm. Đó là nơi ngoại chỉ cho tôi nhiều điều về bài học tử tế. Ấy là căn nhà nhỏ nơi mà dù nắng hay mưa, có khi giông bão vẫn là nơi ấm áp, cất giữ cả tuổi thơ tôi êm đềm.
Mỗi lần về thăm ngoại, dù làm mẹ rồi tôi vẫn nũng nịu nép vào lòng ngoại, muốn được ngoại ôm ấp vỗ về. Tôi thích ngắm khuôn mặt của ngoại. Nét mặt hiền từ lúc nào cũng cười. Nhiều người bảo tôi xinh giống ngoại. Tôi thích mùi trầu từ tóc ngoại phả ra ấm áp và nồng nồng. Hít hà cũng đủ thấy được bình yên sau những ngày mỏi mệt gồng gánh đi làm ở phố thị.
Thương đứa cháu nhỏ lâu ngày mới được về thăm, ngoại bao giờ cũng dặn dò tôi thật kỹ, bàn tay thân thương dịu dàng nắm lấy tay tôi. Nhìn con gái tôi ngoại bảo “mặt giống cha nó như đúc nhỉ" rồi cười tít cả mắt với vẻ ngập tràn hạnh phúc. Cũng bởi thế mà dù có ngược xuôi giữa dòng đời tấp nập nhưng lòng tôi lúc nào cũng nghĩ về ngoại. Bởi ở đó là bến đỗ yên bình.
Nhớ về ngoại, là cái thời còn khó khăn, điện còn chưa có, ngoại bày tôi học chữ học đếm dưới ánh trăng, học dưới ánh đèn dầu. Không chỉ vậy, ngoại còn là một kho đầy ắp truyện cổ tích, truyện Tấm Cám, Thạch Sanh... Bao giờ cũng thế, khi kể xong ngoại lại khuyên bảo tôi những điều hay lẽ phải, những bài học trong cuộc sống.
Nhớ về ngoại, tôi nhớ tất thảy những gì thân thuộc từng ngày gắn bó với người. Là dáng lưng còng mà tôi hay ví như dấu hỏi vẫn thoăn thoắt nhanh nhẹn lắm. Là cái chum đựng nước đã lên rêu, là cái quạt mo cau quạt cho tôi ngủ những trưa hè oi bức. Là những buổi chiều chờ ngoại đi chợ về cho cái kẹo, ly chè, là rất nhiều kỷ niệm thân thương.
Tháng Mười về, ở quê đã có những cơn gió se se lạnh. Mắt cay xè khi nhớ thương về ngoại. Chắc giờ này ngoại đang nhóm lửa nấu ấm nước chè xanh. Một thói quen ngoại vẫn duy trì tới bây giờ dù nhà đã có bếp gas. Vẫn là ánh mắt nhìn xa xăm như mong ngóng đứa cháu về quây quần ôm ấp. Bỗng nhớ những câu thơ quen thuộc trong bài Bếp lửa của Bằng Việt. Những câu thơ giàu xúc cảm ấy tôi nhớ bà nhiều biết bao nhiêu.
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu.
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả.
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...”.
Ngoại ơi, rồi một mai sẽ hết dịch. Con sẽ lại về với ngoại thôi. Con vẫn luôn nguyện cầu người người nhà nhà và có cả ngoại của con luôn nhiều sức khỏe và thật bình an trong mùa dịch này. Nhớ thương ngoại nhiều.
Thiên Kim (theo baolamdong.vn)