Mùa ngóng Tết thần tiên
Cuộc sống xa nhà gần mười năm đủ để tôi nhận ra một điều rằng, thời điểm nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ khu vườn tuổi thơ ắp đầy kỷ niệm dậy lên trong tôi nhiều nhất, cồn cào và mãnh liệt nhất chính là những ngày này, khi những tia nắng yếu ớt đủ gọi về một ban mai tươi mới. Và làn mưa đã dễ chịu hơn, không làm đất trời xám xịt lại. Không gian ấy đưa tôi về ngày xưa, nơi tôi cùng với tuổi thần tiên bắt đầu náo nức ngóng chờ ngày sẽ mang đến bên mình nhiều nhất yêu thương.
Ảnh minh họa |
Đó là những ngày tôi và bạn bè đến trường dưới cái lạnh đã không còn tê tái trên con đường làng vừa khô ráo sau cả một mùa lội bùn lầy đến nửa bắp chân, lại trơn tuột, phải bấu chặt mười ngón chân xuống mặt đất vẫn còn lo trượt té. Chúng tôi bắt đầu bàn với nhau về sự chuẩn bị đón Tết của mình, khoe với nhau về chậu hoa vạn thọ đã chớm những nụ đầu tiên. Tôi thường là kẻ thất thế nhất, đến lúc đó mới cuống quýt đi xin hàng xóm hoặc mấy đứa bạn “dư dả” một vài cây hoa móng tay, mào gà, một bụi cẩm tú mai và chiết mấy cành vạn thọ về trồng trước sân. Thế là sau đó, buổi sáng nào cũng không cần mẹ giục vẫn dậy từ rất sớm để xem công trình của mình đã có kết quả gì chưa. Tôi và em gái đã reo lên vui mừng khi những chiếc nụ bé tí mong chờ đã rón rén nhú lên giữa bàn tay xanh vạn thọ. Nỗi náo nức trong tôi, và trong em gái tôi nữa, như được nhân lên gấp bội.
Đó là ngày trên gương mặt mẹ tôi giãn ra những nếp lo âu. Mẹ nhìn chúng tôi cười bảo: “Đi may đồ Tết, mấy con!”. Niềm sung sướng vô bờ lập tức trào dâng trong lồng ngực đứa trẻ nông thôn nhà nghèo là tôi giây phút ấy. Bởi chúng tôi, mỗi năm chỉ được hai lần may áo quần mới: đầu năm học và chuẩn bị Tết. Mà áo quần Tết cũng chỉ là bộ quần tây áo trắng vải xoa hoặc khá hơn là vải katê để tận dụng mặc đi học luôn. Tôi vẫn nhớ, mẹ đã không thể có được chiếc áo hồng bằng vải xốp (thứ vải giờ chẳng còn ai mặc nữa) vì quá đắt, mà chỉ may một bộ đồ bằng vải bông ép màu tím hoa cà. Bộ đồ ấy giờ mẹ vẫn giữ trong tủ đồ cũ như một nhắc nhớ dịu êm.
Đó là ngày mảnh vườn sau nhà lấp lánh hoa chanh. Ôi! Tuổi thơ tôi đã gắn với vườn chanh ấy quá nhiều kỷ niệm. Vườn chanh mà đâu chỉ có chanh. Nào bồ ngót, mồng tơi, rau dền. Sau những đợt mưa, vườn xanh mướt. Tôi cùng mẹ cắt rau từ chiều hôm để sáng ra tôi đội xuống chợ bán dưới cái nắng rụt rè cuối Đông. Tiền bán được, mẹ sẽ cho tôi một ít để bỏ vào chiếc hòn binh đất đặt dưới gầm giường. Đến cận Tết, tôi sẽ khui ra và mua cho tôi, cho em gái một chiếc vòng đeo tay bằng nhựa hay cặp nơ buộc tóc thật dễ thương. Giờ ngồi nhớ lại mới thấy hạnh phúc ngày xưa sao mà bé nhỏ, xinh xắn quá chừng. Và ngay lúc này đây, hiện rõ trước mắt tôi là hình ảnh một bé con tóc chấm vai thì thầm giữa vườn chanh đang nhẹ hương thanh khiết: “Ra thật nhiều trái, chanh nhé! Chị yêu chanh thật nhiều!”. Bé con ơi! Bao giờ ta lại được quay về thơ ngây?
Đó là ngày tôi cảm nhận rõ nhất không khí mùa Xuân đã len vào từng hơi thở của cỏ cây, vạn vật. Để giờ đây, khi cầm trên tay tuổi mình, biết mỗi khi Xuân đến lại mang theo một nỗi ái ngại xuân thì, tôi vẫn không thể ngăn tôi trong trẻo lạ kỳ, lại rạo rực bâng khuâng một mùa ngóng Tết thần tiên…/.
Ngô Thị Thục Trang (Báo Quảng Nam)