Mùa hoa tuyết
![]() Ảnh minh họa |
Thuở đôi mươi, chị có mối tình đẹp như vầng trăng với người con trai cùng thôn. Tưởng rằng hai người đã nên duyên phận, ai ngờ gia đình có biến: cha chị bị tai nạn ôtô, chạy chữa hết bao nhiêu tiền của nhưng cũng không qua khỏi. Tài sản duy nhất còn lại là căn nhà trống hoác và món nợ cao như núi. Mẹ chị lại đau ốm liên miên, hai đứa em nhỏ nheo nhóc... Đúng lúc ấy, người chị họ ở bên Nga về thăm quê, cảm thương hoàn cảnh gia đình cô ruột, chị họ đã đưa chị sang Nga làm ăn bằng con đường xuất khẩu lao động. Thế là chị đành hy sinh hạnh phúc riêng để cứu gia đình mình.
Năm đầu tiên mới sang, cuộc sống khắc nghiệt, thời tiết khắc nghiệt nhất là vào mùa đông, cộng với nỗi nhớ nhà và nỗi đau vò xé vì tình đầu dang dở, chị định buông xuôi. Nhưng nghĩ đến mẹ, hai em và bao lần chứng kiến những hoàn cảnh bất hạnh không có nhà, phải lang thang trong giá rét, phải trú tạm ở bến xe buýt, ở tàu điện ngầm... chị tự nhủ dù sao mình cũng còn may mắn hơn bao người vì có chỗ ở ổn định và giấy tờ hợp pháp do sự giúp đỡ của người chị họ...
Chị học cách chấp nhận cuộc sống, làm quen với sự khắc nghiệt của mùa đông. Chị lao vào kiếm tiền, không nề hà bất cứ việc gì, từ dọn phòng khách sạn, rửa bát, trồng rau ở trang trại, bán hàng thuê... Tích góp được ít nào chị lại gửi về cho mẹ trang trải nợ nần. Khi gia đình đã vượt qua khốn khó, chị dành dụm vốn mua lại một “công”, dần mở rộng mối quan hệ làm ăn và chị mua thêm một “palat” nữa...
Mùa đông ở Moscow nhiệt độ xuống dưới âm độ, cảnh vật đắm chìm trong màu trắng muốt của tuyết, của những luồng gió rít rờn rợn, của cái lạnh căm căm đến mức con người có thể đông cứng và hàng bạch dương vươn mình chống chịu cái rét đến tê tái... Trong lòng chị không còn cảm giác chông chênh hay hẫng hụt như những ngày đầu.
Bảy năm lăn lóc xứ người, bươn chải giữa chợ trời, nếm bao cay đắng tủi hờn. Bảy năm, chị chưa về thăm gia đình dù chỉ một lần. Em gái của chị bảo không gặp anh mấy năm rồi, anh đã đi làm ăn xa. Trái tim chị một lần nữa lại nhói lên và chị cầu mong anh hạnh phúc. Dù ký ức tình đầu chưa ngủ yên nhưng cuộc sống là do chị lựa chọn nên chị không trách ai. Mẹ nhớ và muốn chị về. Chị bảo để sắp xếp thời gian.
Mùa đông năm thứ 8. Một ngày như mọi ngày...
Chị dậy từ lúc 5h, mặc thật ấm để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt ở đất nước thuộc phía bắc lục địa Á - Âu này. Quần áo dày sụ, khăn quấn kín cổ, mũ len đội trên đầu chỉ còn hở 2 con mắt, găng tay, tất chân không chỉ một hai lớp, mà tới bốn năm lớp. Trông chị tròn như một cái bắp cải, lặng lẽ lăn ra khỏi nhà khi trời còn tối như bưng, trên các ngả đường vắng teo. Metro chỉ vừa mở cửa lúc 5h30 vẫn còn vắng tanh, cả đoàn tàu chỉ có vài chục hành khách (vì với người Nga bình minh của ngày mới là khoảng 8h sáng), những người đi chợ như chị có thể chọn chỗ ngồi ngủ thêm ít phút. Nhưng chị không ngủ, chị còn phải tính toán xem ngày hôm nay có bao nhiêu khách lấy hàng, ước lượng số hàng khách đặt và còn bán lẻ nữa.
Đến “palat” đúng 6h, chỉ kịp trút bỏ đôi găng tay, chị mở cửa và xếp hàng. Chị làm thật khẩn trương, với chị thời gian là tiền bạc, chỉ cần để tuột mất một “con khách ốp tôm” thì coi như mất một buổi chợ. Chị kinh doanh nhiều mặt hàng: quần áo đủ loại, nước hoa, giày dép... Trời vừa mờ sáng, đã có vài khách quen đến lấy hàng. Vốn là chỗ làm ăn lâu dài, chị chọn cho khách hàng đẹp, rồi đóng kiện và cho người khuân giúp ra xe. Trời sáng rõ mặt người, những đợt khách buôn đã thưa thớt dần, chỉ còn khách mua lẻ trong thành phố đến mua. Đến 15h, chợ đã vãn hẳn khách. Chị rục rịch xếp hàng, thu dọn quầy, đôi tay lúc này bị bỏng lạnh rát buốt tận xương, cả người đau nhức. Chị quen rồi. Mùa đông ở Nga rất mau tối, 16h trời đã nhá nhem, đường phố lại lên đèn.
Mùa đông ở Moscow tuyết vẫn phủ dày đặc trên những con đường, hàng cây, trên cả mặt người. Một màu trắng óng ánh lung linh như trong giấc mơ cổ tích. Bông tuyết nhiều hình dáng bay lất phất, nhẹ rơi rồi tan nhanh thành giọt nước long lanh, nhỏ xíu. Chị chạm tay vào tuyết, không còn cảm giác buốt lạnh... mà như được chạm vào miền cổ tích tuổi thơ chị đã từng mơ ước.
Nguyễn Thị Hải (vanhoadoisong.vn)