A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa cải trổ hoa vàng…

Cây cải bé xíu xiu, lá mang màu xanh nõn lấp lánh cõng hạt sương mai dưới màu nắng đông vàng hanh ngọt lịm. Chúng lớn lên bằng dòng dinh dưỡng đất quê cùng với sự chăm sóc tỉ mẩn của mẹ. Nhìn lưng áo mẹ mồ hôi rịn ướt ai đâu nghĩ rằng giờ đang là mùa đông lạnh giá. Mặc gió liêu xiêu, cái lạnh cắt da cắt thịt, mẹ vẫn cần mẫn chăm sóc cải.

Cha không xuống ruộng sau khi đã dẫn nước từ nguồn về. Nước để cho thấm đất bở tơi chờ ngày đánh trâu xuống cày bừa vài hôm nữa là cấy. Mẹ cười rằng, thế là tôi với ông có cơ hội bên nhau chăm mấy luống cải, không có người nói ra nói vào thấy buồn gì đâu. Cha nhìn lại mẹ cười khề khà. Hai bóng già lặng lẽ vác cuốc ra đồng chăm sóc từng cây cải nhỏ xíu.

Mẹ men theo nắng, bóng gầy nghiêng nghiêng trên lớp đất nâu xỉn. Năm nào cũng vậy, khoảnh đất ven sông này mẹ dùng để gieo cải. Cha phụ mẹ đánh luống, vun dải đất lên cao phòng khi mùa đông có những cơn mưa trái chiều làm ngập úng. Mẹ trở cán cuốc, dùng sức vung cao vào những hòn đất cứng đầu để cho đất được tơi mịn hơn. Xong xuôi là tới công đoạn rải phân ngấu, tay mẹ lại thoăn thoắt dùng cào san đều rồi bắt đầu rắc hạt. Những vốc hạt mẹ rắc, bằng một cách nào đó lạ lùng mà khoảng cách giữa các cây đều tăm tắp, ít khi cây con mọc bị thưa hay dầy quá.

Cây cải bé xíu xiu, lá mang màu xanh nõn lấp lánh cõng hạt sương mai dưới màu nắng đông vàng hanh ngọt lịm. Chúng lớn lên bằng dòng dinh dưỡng đất quê cùng với sự chăm sóc tỉ mẩn của mẹ. Nhìn lưng áo mẹ mồ hôi rịn ướt ai đâu nghĩ rằng giờ đang là mùa đông lạnh giá. Mặc gió liêu xiêu, cái lạnh cắt da cắt thịt, mẹ vẫn cần mẫn chăm sóc cải.

Rồi cũng đến ngày những cây cải bắt đầu ngồng lên với nụ vàng chúm chím. Nghe mẹ nói, lũ con liền rồng rắn gọi bạn trong làng ra đồng cải chơi. Tuổi thơ của lũ trẻ đồng quê thuở trước trong vắt như ban mai, như bông cải vàng giản dị. Hết chơi trò trốn tìm trong lùm cải lại đến trò làm “cô dâu chú rể”. Ngồng cải được tết làm vương miện đội lên đầu cô dâu. Chú rể cầm một bó hoa cải vàng rực rỡ chào đón. Đám phù rể, phù dâu ở ngoài cười vang, tự cho mình kiêm luôn cả “nhiếp ảnh gia” giả vờ khum tay chụp ảnh. Tuổi thơ chỉ có vậy mà đứa nào cũng nhớ, cũng thương. 

Mùa cải lên ngồng, lũ con chờ đợi món ngồng cải xào với mỡ lợn của mẹ. Ngồng cải điểm xuyết những bông hoa cải vàng li ti, làm điểm nhấn cho mâm cơm chiều đông ngọt ngào. Ngồng cải nếu ban đầu ăn thì sẽ có vị hăng nhè nhẹ, sau lại ngòn ngọt, giòn tan. Hết xào, nấu canh mẹ lại lụi cụi muối dưa. Sau này khi những đứa con của mẹ lớn lên, mẹ lại lọ mọ nhổ từng gốc cải, cắt sạch, muối bỏ vào lọ gửi cho con. Ai cũng lắc đầu nói làm chi cho vất vả, mẹ cười: cố gắng cho chúng ăn với cơm cho lạ miệng, chứ ngày nào cũng ăn thịt cá chúng nó cũng chán. Người ta bảo ở phố chẳng thiếu cái gì. Ừ thì điều đó chẳng sai, nhưng ở phố làm sao mà mua được tình thương cha mẹ gửi gắm trong từng mớ cải, mớ rau quê nhà!

Lại thêm một mùa cải trổ hoa vàng, ngọn gió đông phất phơ thổi vào lòng người con xa xứ cứ bâng khuâng chẳng thể nói nên lời. Không dưng lũ con năm xưa bỗng thấy mình trong hình hài của thời thơ dại vô tư trong đám cải vàng rực được bàn tay cha mẹ chăm sóc.

Nhớ ngày xưa yêu dấu vô cùng. Những tháng ngày tuy còn nghèo khổ nhưng an yên, vô ưu vô lo. Ngẫm thời gian lại thấy thương cha mẹ, mỗi mùa cải trôi qua tóc cha mẹ thêm sợi bạc, lưng còng, còm cõi chờ con, chờ cháu. Chẳng biết bao mùa cải nữa cha mẹ còn sống ở trên đời và lũ con lại về quây quần bên mâm cơm gia đình như năm xưa!

Mai Hoàng/ Báo Hải Dương


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu