A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hương mùi già

...Ai đã một lần tắm nước lá mùi chắc hẳn sẽ không thể nào quên mùi hương quen thuộc ấy mỗi dịp Tết đến Xuân về...

Những ngày cuối đông, khi cái lạnh vẫn len lỏi đến từng ngõ xóm, bọn trẻ con chúng tôi đã háo hức đếm từng ngày Xuân về. Vào thời điểm ấy thì trên cánh đồng, những cây mùi đứng khiêm nhường bên cạnh vựa cải xanh, cải cúc... bắt đầu trổ hoa. Những bông mùi nhỏ li ti xen lẫn với hoa cải đẹp như một miền cổ tích. Và năm nào cũng vậy, cứ độ giáp Tết là người dân quê tôi lại ra đồng thu hái những cây mùi già đem về phơi lấy hạt, còn thân mùi đem bó lại chờ đến ngày tất niên.


Ai đã một lần tắm nước lá mùi chắc hẳn sẽ không thể nào quên mùi hương quen thuộc ấy mỗi dịp Tết đến Xuân về. Mùa đông ở miền Bắc, thời tiết thích hợp cho cây rau mùi mọc, nên ở trong vườn hay ngoài ruộng đều thấy bóng dáng những cây mùi kết thành trảng lớn rất đẹp mắt. Miền Nam, cây mùi được gọi là cây ngò thơm, bởi cái hương thơm thanh khiết, có vị rất riêng không tìm thấy ở bất cứ loại cây cỏ nào. Nó được coi là một loại thảo mộc, hơn nữa lại có hương thơm đặc trưng nên những ngày giáp Tết Nguyên đán, cây mùi già được người dân dùng để đun nước tắm gội.

Chẳng biết tục tắm nước lá mùi vào ngày tất niên có tự bao giờ, và cũng không biết hương mùi đã phả thơm biết bao cuộc đời nhưng mỗi dịp xuân về nó làm tôi xao xuyến nhất. Hương thơm thanh khiết ấy mộc mạc như chính những con người nơi miền quê chất phác. Không kể sang, hèn, mỗi mái nhà người Việt đều chuẩn bị những bó mùi để “tẩy trần” đón Xuân. Ngỡ ngàng cảm nhận chút hương vị tưởng đâu là tơ duyên của thiên nhiên ban tặng cho con người làm tôi thấy bâng khuâng nhớ lắm những cái tết xưa cũ.

Năm nào cũng vậy, khi mẹ bắc nồi bánh chưng lên bếp là tôi lại hý hoáy bện một cuộn rơm thật to đặt vòng quanh miệng nồi rồi đặt thau nước lên trên. Như thế, vừa kín hơi, bánh mau chín lại vừa tiết kiệm việc đun nước. Khi thau nước đã nóng là lúc bắc xuống, ngâm trong đó một mớ mùi, dù tươi hay khô mùi càng già, càng có hương thơm đậm. Khi ấy, cái mùi thơm ngai ngái của lá rong, vị thanh khiết của rau mùi quện với một chút oi nồng của khói tạo thành một hương thơm đặc trưng mà chỉ ngày Tết mới có được. Hít thật sâu cái vị mùi già bốc lên, mọi mệt mỏi dường như tan biến.

Ba ngày Tết, hương lá mùi cứ vướng vất. Cái mùi hương thanh khiết ấy dễ hòa đồng, tưởng như thoát tục. Sau này, năm hết Tết đến tôi lại mong ngóng ngày về với quê hương để được vùi tóc trong hương lá mùi quen thuộc. Với mỗi người Việt, tắm nước lá mùi thơm ngày 30 đã là một nếp xưa thiêng liêng như nguồn cội. Khi Xuân về dù đã có bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ, nhưng cũng không thể thiếu hương lá mùi phảng phất.

Trên mõi ngõ phố, mỗi làng quê hương mùi già vẫn lan tỏa bên mỗi nếp nhà. Chợt thấy háo hức, như cảm nhận được cái khoảnh khắc giao mùa đang về.


 
Đỗ Huyền Anh (Đại đoàn kết)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu