Hình tượng con ngựa trong nghệ thuật tạo hình
Thế là chúng ta sắp sửa đón Tết con Kim Mã (ngựa vàng) thứ hai của thế kỷ 21, năm đầu tiên là 2002 Nhâm Ngọ. Thời gian như “bóng câu qua khung cửa” - ý nói thời gian vụt trôi qua đời của mỗi con người với những buồn vui, thành bại nhanh như chú ngựa (câu: ngựa con, ngựa đang lớn) vút qua cửa.
|
Tính theo can chi, ngựa được đặt trong Âm lịch 12 con giáp ở hàng thứ 7 của thập nhị chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), thuộc hệ dương. Hình ảnh con ngựa điển hình cho sức mạnh trường tồn, vẫy vùng, khoáng đạt gắn liền với chiến công trận mạc bi tráng của người anh hùng, cũng như lòng trung thành can đảm, nhân ái: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.
Bởi thế, hình tượng con ngựa xuất hiện rất sớm trong nghệ thuật tạo hình từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Các nhà khảo cổ phương Tây đã phát hiện tại hang Lascaux di tích bích họa thời đại đồ đá cũ gần thị trấn Montignac, phía nam nước Pháp, vẽ hình động vật ngựa, bò nguyên thủy cùng hươu, sơn dương bằng bột màu là axit khoáng có chất sắt và manggan đen, đỏ, vàng. Hình ngựa ở đây có màu vàng, dáng uyển chuyển, mềm mại của con vật nhanh nhẹn, mạnh khỏe. Người nguyên thủy đã biết quan sát con vật khi chuyển động để tái hiện lại trong nơi ở của mình.
Thời trung đại, nền văn minh Trung Hoa để lại cho nhân loại nhiều di sản vật thể vô giá, những thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa. Hội họa Trung Hoa là bậc thầy của thi tứ yên bình nơi trần thế, đồng thời cũng là những bức quốc họa phương Đông được trân trọng bởi tính gần gũi thương yêu giữa người và vật sống xung quanh.
|
Hàn Cán (720 – 780), họa sĩ Trung Quốc đời Đường, thích vẽ cảnh sinh hoạt đời thường, đặc biệt có tài vẽ ngựa. Các tranh ngựa của ông biểu thị rõ thể chất cùng tính cách riêng của con vật. Bút pháp khỏe mạnh, phóng khoáng tạo nên sức sống của hình thể. Bức tranh một vị văn nhân cưỡi ngựa đen bên cạnh lấp ló một ngựa trắng, cả hai con vật như hòa hợp, ẩn dụ, hình hài tuy mộng mị, to khỏe nhưng hiệu quả nghệ thuật rất đáng trân trọng. Theo truyền thuyết, vua Đường hỏi ông học thày nào mà vẽ ngựa giỏi như vậy. Ông tâu rằng: Những con ngựa trong tàu ngựa của bệ hạ là thày dạy cho thần.
Từ Bi Hồng (1895 – 1953) họa sĩ thời cận đại của Trung Quốc, sống và làm việc tại Pháp những năm 1921 – 1926, chịu ảnh hưởng mạnh của trường phái Paris, nhiệt thành muốn chấn hưng quốc họa Trung Quốc có một sắc thái riêng. Cùng với họa sĩ Tề Bạch Thạch, ông đã làm được điều đó. Những tranh thủy mặc của Từ Bi Hồng hình và mảng mực quyện làm biến thái của mực nho (thủy mặc sơn thủy) do Vương Duy đời Đường là người đầu tiên vẽ. Một thứ nghệ thuật chân chất của Từ Bi Hồng xuất hiện với vài đường nét phóng ra dữ dội, đủ lột tả được cái chính. Nếu Tề Bạch Thạch nổi tiếng về những tranh Tôm thì Từ Bi Hồng được biết đến bởi những tranh Ngựa. Những con ngựa hoang bất kham hý vang, thở phì phì, phi nước đại tung vó tự do trong không gian mênh mông. Suốt đời vẽ tôm cá, ve sầu, suốt đời vẽ ngựa, hai họa sĩ bậc thầy của văn hóa Trung Hoa đã chứng minh nghệ thuật bắt đầu từ hiện thực và hiện thực sống động là tài nguyên vô giá cho tư duy mỹ cảm.
Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam từ cổ đại đến nay, hình tượng ngựa luôn hiện hữu trên tác phẩm của họ. Dù là những nghệ nhân khuyết danh xây dựng đình chùa, họ không bận tâm đến lưu danh thiên cổ nhưng những phường thợ đó đã làm nên một bản sắc văn hóa trường tồn. Cùng với những biến thiên lịch sử, thế kỷ 17, một thế kỷ đầy biến động dưới triều đại Lê Trịnh, chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn thống trị, làng xã tiêu điều, nghệ nhân gửi gắm tâm trạng vào những con voi, con ngựa chiến của một thời binh lửa. Trên các ván nong những ngôi đình thôn Đoài, chi tiết ngựa chiến với giám mã đấu côn quyền, người dắt ngựa đầy đủ yên cương, những ván khắc chạm lộng mã phu dắt ngựa, đến những ngựa chiến khối đặc nặng nề đã nói lên được tư duy người bình dân gần gũi con vật đến mức nào.
Điêu khắc hình ngựa ngoài thiên nhiên chúng ta có thể chiêm ngưỡng hình ảnh những võ sĩ mặc giáp trụ tay cầm trùy, tay dắt ngựa được bố cục đăng đối hai bên đường thần đạo ở các lăng Dinh Hương, lăng Họ Ngọ (Bắc Giang) thế kỷ 18.
Đình làng Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), một ngôi đình đường bệ xây dựng cuối chót đời Hậu Lê thế kỷ 18, vẫn vùng vẫy nét chạm “bát mã quần phi”. Tám con ngựa Đình Bảng là đỉnh cao của điêu khắc đình làng, đỉnh cao của tài năng nghệ sĩ khi nắm bắt được trạng thái chuyển động đa dạng của con vật gần gũi. Nhà nghiên cứu - họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, khi ở cương vị Viện trưởng Viện Mỹ thuật, bắt tay xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã không ngần ngại đưa những mô típ ngựa chiến, ngựa quần phi trong những nét trang trí đặc trưng của bảo tàng.
|
Các nghệ sĩ tạo hình cận hiện đại Việt Nam cũng tìm thấy hình ảnh ngựa rất quyến rũ trong mảng màu nét bút. Nhất là hình ảnh ngựa lại ra đi từ những áng văn thơ bất hủ. Nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm trong Chinh Thị ngâm khúc đã thốt lên:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Còn có hình ảnh nào đẹp hơn về người chinh phu qua con mắt người chinh phụ.
Năm 1942, cuốn Nguyễn Du văn họa tập được xuất bản tại Hà Nội là nơi tụ hội các bậc họa sĩ tài danh của Việt Nam, mỗi người có một cảm nhận riêng trong từng ý thơ để rồi qua nét bút, từng cảnh đẹp thiên nhiên vọng vào tâm thức thi nhân và họa sĩ. Hai tác phẩm tả cảnh đẹp nhất trong truyện Kiều thuộc về họa sĩ Trần Văn Cẩn với cảnh:
Đêm thu khắc vợi canh tàn
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương.
Trần Văn Cẩn tìm đến cảnh đêm tĩnh mịch, cặp tình nhân với “vó câu khấp khểnh” lặng lẽ đi trốn cùng nhau dưới ánh trăng lạnh lẽo. Và họa sĩ Lê Phổ, họa sĩ bậc thầy về bảng màu ấn tượng, đã ghi lại cảnh gặp gỡ Kim – Kiều qua nét vẽ mềm mại thiết tha của một phương Đông cổ. Chàng dắt ngựa dáng dấp thanh tao, văn nhân, hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. Sắc hồng phơn phớt của bức tranh báo hiệu một bảng màu thanh tân sau này của Lê Phổ.
Hình ảnh ngựa trong huyền thoại Gióng được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện thành công trong không gian Đông Sơn, vừa mơ hồ, vừa hiện hữu. Những nét trong tranh đều được lắp dựng từ hình kỷ hà gẫy gọn, khúc triết. Những bước chân ngựa mạnh mẽ chuyển động được khắc họa từ những mô típ tiêu biểu trên trống đồng Đông Sơn, thấm thía cái triết lý sâu xa của nghệ thuật tiền sử khi thể hiện hình hài của người anh hùng làng Gióng. Cả hai tranh Gióng nổi tiếng của ông trên tranh Sơn mài đều được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tạo nên sự khác biệt giữa ông và đồng nghiệp trong quan niệm về biểu đạt nhân vật lịch sử.
Họa sĩ Lê Bá Đảng những năm sống tại Pháp đã sáng tác hàng sưu tập tranh thạch bản đề tài ngựa. Trên tấm tranh trắng toát, nét khắc in lồi lõm hình hài ngựa phi trong không gian bao la. Ông quan niệm mọi chuyển động của đối tượng mô tả cần nhòe mờ lãng mạn, nhất là hình ảnh con ngựa đã luôn thường trực trong ý nghĩ của mỗi người nên không cần tô vẽ.
|
Gần đây trong một buổi ngồi chuyện gẫu với một họa sĩ trẻ, anh Lê Trí Dũng, tôi hỏi: Này, sang năm Ngọ ông đã vẽ ngựa chưa? Trả lời: Năm Ngọ à, chết với em! Tôi chưa kịp hiểu “chết” thế nào, anh bạn đã mở ipad rồi bấm nhoay nhoáy. Trời ạ! Hàng chục tranh ngựa xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng lướt qua, tôi hoa cả mắt. Đẹp quá! Mạnh mẽ cuồng nhiệt, từng dáng ngựa tung vó chuyển động dữ dội, cuộn trong sắc màu. Thế đấy, một con ngựa đẹp cả hình hài lẫn tính cách luôn cuốn hút lòng đam mê say đắm của muôn đời nghệ sĩ.
Nguyễn Hải Yến
(Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật)
Nguồn:quehuongonline.vn Copy link