Gói cơm nắm - nơi gửi gắm tình thân
Người nông dân đi làm đồng xa, cơm nắm trở thành bữa trưa ngon lành giúp lấy lại sức lực cho công việc khi chiều đến. Những người làm nghề buôn bán hay có việc phải đi xa xa một chút, không thể trở về vào đúng bữa, cơm nắm là người bạn đường thân thiết, lót dạ khi đói lòng. Cơm nắm không biết đã xuất hiện từ bao giờ, có lẽ phải từ lâu lắm rồi vì từ thời cụ kị, ông bà… xa xưa đã có món ăn dân dã này. Nắm cơm không chỉ là chút đồ ăn giúp ta đỡ đói lòng, mà nó còn chất chứa trong đó tình cảm, sự quan tâm, gửi gắm của người thân với người đi xa.
![]() |
Bà tôi kể, ngày xưa nắm cơm bằng mo cau (phần cuống của tàu lá cau áp với thân khi tàu lá cau rụng xuống, được phơi khô), chứ không phải bằng vải như bây giờ. Mo cau - khi được phơi khô, rửa sạch - rất mềm và dẻo. Thổi cơm để nắm phải thật khéo, không nát quá và không rắn quá vì nó liên quan đến độ dền của cơm. Khi nắm cơm, nồi cơm luôn phải được ủ ấm, cơm được xới để vào mo cau và day đi day lại để cho hạt cơm được quyện vào nhau tạo độ dền. Khi sắt nắm cơm thành từng miếng nhỏ không bị bở, gãy.
Thời hiện đại, cứ ngỡ cơm nắm sẽ không còn chỗ đứng nữa trong tâm tư người dân phố thị chứ đừng nói đến sự hiện hữu sờ sờ nơi góc phố hay cửa chợ, nhưng rồi cơm nắm vẫn cứ tồn tại và thậm chí còn phát triển nữa mới hay. Ở Hà Nội, người ta vẫn dừng xe ghé vào bất kỳ hè phố nào để mua nắm cơm mang tới cơ quan tranh thủ ngồi ăn đầu giờ sáng, hay thậm chí là bữa trưa.
Tôi không biết người Việt mình đã ăn cơm nắm từ bao giờ nhưng tôi thật hạnh phúc khi được thưởng thức món cơm đặc biệt do bà làm. Tôi thấy nó ngon hơn hẳn nắm cơm của những cô vẫn đi bán dạo ở ngoài đường. Cuộc sống mà thế hệ trẻ chúng tôi đang sống rất khác so với cuộc sống của bà và bố, nhưng những năm tháng mà bà và bố đã trải qua vẫn luôn khiến chúng tôi rất trân trọng. Tôi cũng phần nào hiểu sự cảm động của bố đối với gói cơm nắm mà bà chuẩn bị cho bố mỗi khi đi công tác. Bởi, đó là tình cảm và tình yêu thương lo lắng của bà luôn dành cho bố con tôi…
Diệp Hương