Đôi chân trần mẹ tôi
Chuyến xe đò cuối cùng chạy vun vút trên con đường làng quen thuộc. Vừa về tới ngõ tôi đã la toáng lên: “Mẹ ơi, con trai cưng của mẹ đã về!”.
Từ trong nhà, mẹ lật đật chạy ra mở cổng. Vẫn với đôi bàn chân trần ấy. Đôi chân đã tần tảo với đôi gánh hàng rong khắp các nẻo đường làng để kiếm từng đồng lo cho tôi ăn học. Đôi bàn chân khô ráp, đầy vết nức nẻ, hằn sâu bởi sự vô tình của năm tháng.
Thời tôi còn nhỏ, cả gia đình bốn người cùng nhau ngủ trên chiếc giường tre chật chội trong căn nhà lá bé xíu. Một lần khi ngủ, tôi bị những “tua da” khô ráp của chân mẹ cào một vết xước dài dọc bắp chân. Từ hôm ấy tôi luôn ấn tượng về đôi bàn chân của mẹ. Đôi bàn chân ấy suốt ngày ra đồng, ra bãi, lội phèn, xuống mặn…, bàn chân chịu sức nặng của gánh gồng, ngâm lâu trong những rãnh bùn khi be bờ đắp ruộng. Vì không được bảo vệ nên đôi chân của mẹ ngày càng chai sạm, sừng hóa.
Những vết nứt bắt đầu xuất hiện và ngày càng sâu. Bùn đất theo các vết nứt ấy “lặn” vào da thịt thành những sọc đen chạy quanh bàn chân mẹ. Ít khi mẹ mang dép hay nói đúng hơn mẹ không có dép để mang. Bởi bao nhiêu tiền kiếm được mẹ đều lo cho chồng cho con. Mẹ không giữ lại gì cho riêng mình.
![]() Ảnh minh họa: Internet |
Trời mưa, đường ruộng trơn trượt, mười ngón chân của mẹ bám chặt xuống đất. Những chiếc móng dày ra, rắn chắc và phủ một lớp màu vàng thẫm, màu của đồng ruộng quê tôi.
Trời nắng, bàn chân không guốc dép bước trên nền đất nóng hổi khi đón con, ra chợ. Nó cháy đen, phồng rộp. Trời lạnh, mẹ càng khổ hơn bởi những vết xước cứ căng lên, có khi tứa máu đau buốt. Không ít lần tôi lấy nước nóng lau chân cho mẹ mà tôi bật khóc.
Mẹ tôi không còn trẻ nữa nhưng đôi bàn chân mẹ vẫn ra vườn chăm sóc chùm cây trái trong vườn, để trồng thêm vài khóm rau dân dã cho tôi ăn cho mát ruột.
Đôi bàn chân trần mẹ luôn đi theo sau, dìu dắt nâng đỡ khi tôi vấp ngã. Theo độ dày của những vết nứt trên chân mẹ, tôi lớn lên…!
Minh Thanh (Danong.com)