A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn quê hương còn đọng mãi

Theo thời gian, mọi vật đều có thể biến đổi theo sự biến thiên của tạo hóa nhưng có lẽ tình cảm gắn bó máu thịt với quê hương trong mỗi chúng ta không thể phai mờ. Quê hương là nơi ta có thể tìm về để sống lại với chính mình.

Xa quê đã lâu, nay được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi một phần máu thịt của chính mình, tôi có cảm giác thật hạnh phúc như tìm lại được những gì thân quen, gần gũi lạ kỳ. Trong tôi những kỷ niệm của ngày xưa bỗng ùa về, tôi như được sinh ra một lần nữa.

Đang mơ màng tôi bỗng nghe anh tài xế nhắc: Đến địa phận quê chú rồi, chú có nhớ đi tiếp đường nào không? Tôi nhìn qua cửa kính, quả thật lúc đó tôi không thể nào định hướng được. Mọi cái đã đổi thay quá lớn! Ngày xưa, khi làng tôi có người đi xa, mỗi lần đưa tiễn người ra đi, đến đầu làng những người thân vẫn chỉ vào cây đa và nói rằng: Dù đi đâu mỗi lần trở về nhìn thấy cây đa này là làng mình ở đó. Lời nhắc nhở đó cho tới tận hôm nay tôi vẫn nhớ… Tôi ngơ ngác tìm lại gốc đa xưa, nơi ngày trước tôi đã cùng lũ bạn vì mải hái quả đa, rồi tranh nhau quả chín đến nỗi để đàn bò gặm lúa của người ta mà không hay. Cái vị chan chát, ngòn ngọt của quả đa chín có màu thâm đen nơi đầu lưỡi giờ vẫn còn đọng lại trong tôi. Cũng chính nơi gốc đa đó, bố, mẹ và các em đã đưa tiễn tôi. Những hình ảnh đó vẫn còn hiện hữu. Tôi đang ở trên quê mình vì phía trước có tấm biển ghi địa phận quê tôi, nhưng không biết làng mình ở đâu nữa mất rồi, không nhìn thấy gốc đa đầu làng mà chỉ thấy những ống khói của nhà máy đang nhả những làn khói trắng lên bầu trời trong xanh. Tôi cảm thấy mình như mất đi một cái gì đó trong thẳm sâu tâm hồn...

Và tôi được người thân kể lại rằng cây đa không còn nữa vì khi mở đường người ta phải hạ nó đi. Dân làng thương tiếc lắm, có những người đã cương quyết bảo vệ cây đa và bắt phải nắn đường dẫu đi vòng cũng được, nhưng rồi cây đa vẫn phải rời xa... Người làng tôi buồn lắm. Cây đa như chứng nhân lịch sử, người luôn dang rộng vòng tay đón những người con đi xa trở về giờ đã được thay vào đó là tấm biển xanh vô hồn vô cảm...

Đường về quê, giờ đã được nâng cấp đi lại dễ dàng hơn theo nhịp phát triển của đất nước. Những con ngõ nhỏ trong ký ức của tôi ngày xưa mỗi khi trời mưa to thật lầy lội, đó cũng là dịp bọn trẻ con chúng tôi như chim sổ lồng ào ra tắm mưa, chạy từ con ngõ này sang con ngõ khác, í ới gọi nhau. Tên của những con ngõ nhỏ trong làng nghe thật lạ giờ vẫn không đổi, vẫn ngõ Mực, cổng Lội, ngõ Vàng,… nhưng giờ đây nó không còn tối đen như mực và lầy lội nữa. Nó đã được lát gạch hoặc trải bê tông và đã được thắp những ngọn đèn trên mỗi cây cột điện, dĩ nhiên không phải là những cột đèn cao áp như ở thành phố nhưng bấy nhiêu thôi cũng đã làm ấm lòng bao người dân làng tôi. Nhiều thứ đã mất đi không còn nữa như cây đa đầu làng, nhưng người dân làng tôi vẫn sống chan hòa, chân thành, mộc mạc, họ gắn bó máu thịt với từng ruộng lúa, bờ tre của làng quê nên khi xa làng mỗi cá nhân dù ở vị trí nào cũng mang trong mình dấu ấn đặc trưng của văn hóa làng mình. Gốc đa xưa không còn nữa nhưng rễ đa vẫn còn ẩn ngầm sâu trong lòng đất để tiếp tục cho một sự hồi sinh mới.

Theo thời gian, mọi vật đều có thể biến đổi theo sự biến thiên của tạo hóa nhưng có lẽ tình cảm gắn bó máu thịt với quê hương trong mỗi chúng ta không thể phai mờ. Quê hương là nơi ta có thể tìm về để sống lại với chính mình. Trở về quê, tôi như được trở về với chính mình...

Cảnh Tiêu


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu