Cọ xanh
Mấy hôm rồi trời mưa dầm dề. Đã vào tháng Chạp, rét căm căm mà còn gặp cơn mưa trái mùa rây rả mấy ngày không chịu dứt khiến nhiều người ngao ngán. Ngồi bên nồi khoai luộc bốc khói nghi ngút, mẹ tôi vừa nhấm nháp miếng khoai vàng mật vừa nhìn ra trời nói bâng quơ: “Trông vậy thôi. Mưa rừng cọ gió rừng thông”. Thằng cu em láu táu chỉ háu ăn chưa kịp động não gì là lanh chanh hỏi: là sao mẹ...? Mẹ tôi cười, cốc đầu nó cái, không nói gì. Vì mẹ biết thừa có đứa trẻ nào sinh ra trên mảnh đất Phú Thọ này lại không hiểu quá rành rẽ về cây cọ - loài cây gắn bó đặc trưng của vùng trung du.
Tôi sinh ra ở thành phố, nơi không có những đồi cọ, rừng cọ bạt ngàn nhưng xen giữa phố xá hiện đại, nhà cửa khang trang vẫn thấp thoáng những bóng cọ thân quen. Song cây cọ chỉ thực sự gần gũi thân thuộc với tôi sau mỗi chuyến về quê cùng bố mẹ. Theo những vòng bánh xe rời thành phố, tôi ngày bé nào có biết bao nhiêu kilomet gì đâu, chỉ thấy ven đường những dãy nhà cao tầng, san sát ngày càng bé lại, thưa ra, con đường quốc lộ không còn nghiêng mình thoai thoải mà phải dần uốn lượn theo những quả đồi lúp xúp, và những bóng cọ bỗng đâu hiện ra rợp mắt, lá tròn xào xạc xôn xao như chào đón là tôi biết mình đã về đến quê hương Phù Ninh – nơi được coi là thủ phủ của cây cọ Phú Thọ.
Cây cọ mỗi năm đều đặn mọc 12 tàu lá, thân cao thêm chừng 20cm. Tính theo mốc đó, cây cọ càng cao giá trị sử dụng càng lớn. Từ ngày bé tôi đã biết phụ mẹ quét nhà bằng chổi bện từ bẹ cọ bé con con, còn mẹ tôi quét sân bằng cây chổi lá cọ cao quá vai người lớn. Mùa hè tôi nằm mành cọ mát rượi, mùa đông tôi được thưởng thức món cọ ỏm béo ngậy ngon tuyệt vời, đánh bay cái lạnh cái đói mỗi khi đi học về. Về quê tôi còn được thấy các chú các bác dựng nhà từ cây cọ, lợp nhà bằng lá cọ, ngay cả những cây cầu, những xô nước, máng lợn hay đôi đũa trong nhà cũng từ cây cọ mà ra. Cây cọ thân thuộc với tôi là thế, hữu ích trong cuộc sống là thế mà mỗi lần về quê tôi lại chẳng màng đến những “anh cọ” to lớn, xù xì đằng ấy.
Tôi chỉ thích chơi với những “em” cọ non cao lúp xúp đến đầu đứa trẻ 7 tuổi là tôi. Cây bé xíu mà lá đã xòe tròn che kín gốc. Lá mọc ra từ đất chứ chưa có thân, úm tròn lại được tôi tưởng tượng như một túp lều dã ngoại, mỗi lần chui vào là cười khúc khích. Ngó từ túp lều đó lên, thấy từng tia nắng chiếu qua kẽ lá xanh, nhảy tíu tít trên vai trên áo, thấy cọ sao giống mặt trời xanh, giống chiếc ô che nắng râm mát đường em đi trong bài hát “Đi học” năm nào thế. Ngắm nhìn những em cọ non ấy, cái làm tôi khoái nhất nhưng cũng rụt rè muốn thưởng thức nhất là những lá cọ non. Những búp lá xanh đâm ra từ giữa lùm ấy sao cứ xanh non mỡ màng đến thế. Lá cọ mọc ra như hình dẻ quạt. Ban đầu là những búp lá, nhọn hoắt, cứng chắc đâm thẳng lên trời như cây quạt giấy còn gấp chặt chưa mở. Mấy hôm sau lá bắt đầu từ từ mở ra, như nghe ngóng thế giới xung quanh, như chờ từng ngọn gió mơn man, từng ánh nắng tíu tít tới khẽ gọi mới chịu từ từ xòe lá. Lá non mở ra xanh trong như ngọc, mềm mại như lụa chứ không còn cứng chắc như đinh như từ mấy hôm trước nữa. Đấy là tôi mê mẩn nhất và cũng rụt rè nhất.
Tôi cứ muốn đứng ngắm mãi, mân mê mãi những tờ lá non ấy, nhưng lại lo sợ rồi mấy hôm nữa lá sẽ già đi mất, không còn vẻ non tơ mỡ màng nữa. Tôi chỉ muốn ngắt những đọt lá, tờ lá xanh non ấy vào nhà mà nhìn ngắm cho thỏa thích, để lá non không bao giờ già. Song nhìn vậy thôi chứ lá cọ rất dai. Vừa mới mọc ra đã nhất quyết không rời khỏi cuống nên tôi dù có đánh đu cũng chỉ thêm xước tay, thậm chí lá ngã chỗ đít ra sau chứ cũng không tài nào hái được. Biết tôi lần nào về cũng vậy, bố tôi đứng trên sân với cây quạt cọ trên tay từ lúc nào, vừa vẫy tôi vào nhà vừa cười vang khiến tôi thấy mình thật xấu hổ.
Năm nay mùa đông đến muộn hơn mọi năm, nhưng cái rét để dành bao giờ cũng thấm thía, buốt giá hơn. Phóng xe trên đường nhìn từng túi cọ ỏm nghi ngút khói, béo ngậy, vàng ươm khiến bao người vội vã cũng phải dừng xe, mua một túi về nhà thưởng thức. Những đồ ăn nhà quê thân thuộc ấy nhắc ta về những kỷ niệm, những giá trị cuộc sống bị thời gian vội vàng phủ lấp.
Cây cọ trung du vẫn luôn là niềm từ hào của người dân Phú Thọ, vẫn luôn phát huy giá trị kinh tế và giá trị tinh thần của mình trong cuộc sống. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, con người không chỉ biết phát huy những giá trị truyền thống mà còn phát hiện thêm nhiều công dụng, giá trị mới của cây cọ, như ép dầu cọ, làm đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Những phát hiện mới ấy sẽ gia tăng giá trị của loài cây đất cội nguồn, để cây không chỉ trực tiếp phục vụ cuộc sống người dân mà còn đem lại lợi nhuận, việc làm, bắc cây cầu đưa người dân sang bờ làm giàu, khấm khá.
Cây cọ Phú Thọ quê tôi cũng lớn lên cùng người. Xưa cây gắn bó với cuộc sống văn minh lúa nước, nay lại đồng hành với người dân trong nền kinh tế thị trường. Cây cọ luôn là một biểu tượng ý nghĩa của quê hương Đất Tổ, luôn xòe bóng mát chở che cho những giá trị tinh thần vĩnh cửu.
(Theo vanhocnghethuatphutho.org.vn)