A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cò trắng bay về

Đã lâu lắm, ít nhất cũng vài ba chục năm, nay tôi lại mới được nhìn, ngắm một đàn cò trắng đông đến thế, nhiều đến thế đậu thanh thản trên cánh đồng làng mình. Có lẽ tới hàng nghìn con. Trắng cả một vùng. Trắng như bông nở. Trắng như hoa mận vào xuân.

Ảnh minh họa 

Đã nhá nhem rồi mà sao chúng vẫn lặng lẽ kiếm ăn. Chúng không bay về tổ. Mặc ô tô, xe máy, xe bò, người đi lại gồng gánh nườm nượp trên đường. Đó thật là điều lạ. Giống cò tinh lắm. Nó chỉ cần thấy loáng bóng người cầm súng là lập tức vỗ cánh bay vụt lên ngay. Biết bao nhiêu tay súng hơi cố bò sát bờ vùng, bờ thửa, nằm ép xuống mặt cỏ nhưng chẳng mấy khi có dịp bóp cò. Rất nhiều người cầm gậy giương lên giả làm súng xem chúng có phát hiện được không. Chúng vẫn nghển cổ nhìn, theo dõi từng động thái nhưng chẳng hề bay. Chỉ đến khi cây gậy vung lên cò mới vỗ cánh liệng vào nền trời. Thế mới biết, cò phân biệt được đâu là súng, đâu là nỏ và đâu là những thứ vô hại, dù ai đó cố làm giống súng.

Tôi dừng lại bên đường. Lòng miên man lách vào nguồn mạch trí nhớ và tâm tưởng. Không tin được đây là những con cò đi đón cơn mưa giữa bầu trời tối tăm mù mịt ngày xưa vì một mối tình. Đây là những con cò đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Đây là những con cò lặn lội đồng xình, “Cái chân đen đủi, cái mình trắng phau”. Đây là những con cò bay ra từ cửa sổ. Những con cò đã mang câu hát đúm của làng tôi bay về đâu suốt mấy chục năm trời. Chúng đã mang phường chèo, phường bội của làng tôi bay về đâu suốt mấy chục năm trời. Chúng đã bay đi từ khi tiếng bom Mỹ nổ xé đất làng, nổ xé bờ tre làng. Những vườn tre, những vườn luồng um tùm vốn là nơi lý tưởng cho chim cò làm tổ bỗng tơi tả bởi đạn bom. 

Cò bay qua cái thời tên những người làng ra trận nhiều hơn tên những người ở nhà cày cấy. Cò bay qua cái thời hợp tác xã một công được ba lạng thóc. Đánh kẻng ăn cơm. Đánh kẻng xuống đồng. Đánh kẻng đi họp. Đánh kẻng ra nhận mỗi khẩu ba lạng thịt tết. Đánh kẻng đến giờ trẻ em học buổi tối. Đánh kẻng đưa ma. Đánh kẻng lấy rơm lấy rạ. Cò bay qua cái thời gạch đá, giấy lộn thay tên người xếp hàng từ nửa đêm gà gáy để được mua mấy cân sắn gạc nai thay gạo, mấy củ xu hào muối thay thịt cá. Cò bay qua cái thời bình bọt, bốc thăm cả ngày không xong ba người một chiếc quần đùi, ba người một chiếc áo may ô. Cò bay qua cái thời đồng ruộng nát như băm bầu. Mỗi suất có khi không lọt một đường bừa. Cò bay qua cái thời đình làng, nghè làng, phủ làng bị dỡ làm trường, trạm để lại một khoảng trống tâm linh mà trái tim con người khi nhớ tới cội nguồn bỗng cảm thấy bơ vơ không bến đậu… Tôi mơ thấy vườn cò Tiến Nông. Tôi mơ thấy vườn cò ở miền Thái Nguyên, Phú Thọ. Tôi thành ông lão vườn chim trong những cánh rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ, Đồng Tháp, Cà Mau…qua truyện ngắn, bút ký của nhà văn Anh Đức. Tôi cứ tưởng, cò chỉ còn trong những câu chuyện cổ tích, chỉ còn thấp thoáng trong những câu ca dao gạt mưa, gạt nắng bay về.

Thế mà hôm nay, trước mắt tôi là cò. Hàng nghìn con cò. Không phải tôi mơ. Không phải những cánh cò đã bay trong lời ru của mẹ. Không phải những cánh cò bay ra từ ca dao tục ngữ. Những cánh cò trắng muốt đang đứng nhìn tôi, nhìn những người qua đường trên cái nền lúa con gái vừa qua kỳ lá hẹ, đang uốn lá mây óng biếc vẽ nên một màu xanh trùng điệp cùng màu xanh thẫm của núi Mố, núi Rùa, núi Nghễ, núi Mái Điềm. Một cảm giác yên bình quá. Làng quê quá.

Người ta bảo tốt đất cò đậu. Đất làng tôi nghìn đời vẫn màu mỡ. Nhưng đã một thời cò vắng bóng. Bao nhiêu thế hệ trẻ làng tôi không còn biết những buổi chiều hàng trăm nghìn con diều hâu bay lượn trên nền trời, hàng trăm nghìn con quạ, hàng trăm nghìn con én bay lượn trên nền trời. Dân làng tôi cứ gọi là diều đắp đê, quạ đắp đê, én đắp đê. Chúng cũng không còn được nghe tiếng cò chập tối bay về chạo nhau ran cả bờ tre quanh làng. Bây giờ cò trở lại. Có thể diều hâu, quạ, én và các loài chim khác cũng sẽ trở về. Chỉ tiếc, làng tôi bây giờ không còn tre luồng nhiều như trước nữa. Người ta chặt hết cây cao bóng cả để kéo điện về làng. Dừa bị chặt. Tre luồng bị chặt. Mít, xoài, bưởi đều bị chặt vì chúng được xếp vào loại cây vườn tạp, kinh tế thấp. Cả làng tôi là một cái vườn tạp khổng lồ. Tuổi thơ chúng tôi lớn lên trong cái siêu vườn tạp ấy. Hồn làng chính là cái siêu vườn tạp ấy. Hàng nghìn tổ chim trong cái siêu vườn tạp ấy. Tất nhiên phải cải tạo lại. Nhưng mọi thứ xảy ra nhanh quá. Nhanh đến mức tôi tưởng làng cởi trần ra trong mưa trong nắng. Đường làng chỉ còn có một loại cây duy nhất chen nhau đứng. Đó là cây cột điện bằng bê tông, mọc trên nền bê tông. Để hòa hợp với thiên nhiên, để đỡ có cảm giác bị cô đơn, trống trải, bị bóc trần ra trong nắng, trong mưa, nhiều người làng tôi bắt đầu nghĩ đến chậu hoa cây cảnh. Nhưng nghệ thuật bon sai lại không phải là nơi cánh cò hạ xuống, càng không phải là nơi chim cò làm tổ để sinh con đẻ cháu.

Bây giờ cò trắng đã bay về. Những ngọn núi kia có phải là nơi cò ở lại? Đồng Lời, khua Đu, khua Nẩn, Cầu Trùng, Cống Máng liệu có giữ được đàn cò ở lại. Tôi cứ miên man, miên man trước một đàn cò. Có thể ai đó nhầm tôi với một con cò. Điều đó chẳng sao. Thì tôi đang nhập vào đàn cò, đang cùng đàn cò trên cánh đồng làng mình, mang ký ức làng từ xa xăm trở về vào dịp đầu xuân trên nền lúa xanh non đang thì con gái…

Nguyễn Minh Khiêm (vanhoadoisong.vn)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu