A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chốn quê

Những ký ức miền quê ngày xưa cứ hiện về trong ký ức tôi mồn một. Ngôi nhà ba gian thuở nào lại chợt hiện chợt nhoà trong buổi giao mùa cuối năm. Ai đã từng sống ở quê, mới thấu hiểu hết nỗi nhớ quê nhà trong khoảnh khắc này. Đó là lúc mùi nhang đèn lan toả trên bàn thờ tổ tiên trong chiều ba mươi tết.

Quê hương mỗi người chỉ một ... Câu thơ ấy cứ găm vào tiềm thức của những người xa xứ, nao nao nhớ đến những dấu ấn đặc trưng của quê mình. Người nhà nông, có thể bắt đầu từ con đường làng nho nhỏ, chạy ngoằn ngoèo lượn qua những vạt ruộng, men theo những hàng rào dâm bụt; rồi những nọc rơm cao chất ngất bên góc vườn nhà ... cũng đủ là ký ức miên man; là hành trang ủ ấm cho một đời người.


Ta quên sao được mùi khói rơm rát mắt trên những cánh đồng chiều mới gặt; đượm trong ta nắm cơm cháy xém mỗi lúc Đông về. Những buổi chiều hè, thoảng trong cái gió nồm mát rượi, nghe tiếng sáo mục đồng vi vu, ta thèm nhìn con diều biếc lượn trên bầu trời xanh... Chốn quê của người nhà nông là thế đấy. Và những âm thanh rì rào tiếng sóng biển như điệp khúc ngàn năm của đại dương. Người dân biển thường tự hào: Những âm thanh ấy là bản hoà tấu mà biển khơi đã ban tặng cho họ.

Chốn quê của người sông nước là nắng, là gió, là bão táp phong ba. Thuỷ thổ đã vận hành, hun đúc nên khí chất của người dân biển rất nhu mì nhưng cương trực; biết chịu đựng nhưng rất biết chống trả một cách khôn ngoan và quyết liệt. Thiên nhiên nơi đây khắc nghiệt, mưu sinh giữa “cá nước, chim trời” nên con người trở nên rắn rỏi và tính cộng đồng càng thắt chặt hơn.
 
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao những ngôi nhà của người vùng biển thường san sát nhau; không có ranh giới hàng rào, ta mới thấy không khí gần gũi, ấm áp, thân tình; chẳng giống phố xa lúc nào cũng kín cổng cao tường. Giữa cái gió mặn mòi của biển khơi và không gian thoáng đãng, ta nén người hít thở thật sâu, dõi nhìn cánh hải âu chao nghiêng trên con sóng bạc đầu... sẽ làm cho cơ thể ta nhẹ nhõm như trút bỏ bao lo toan phiền muộn, ganh đua... nơi chốn quan trường.

Trong cái buổi phồn hoa nơi chốn đô thành, người lớn bỗng quên mất tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm êm đềm của nơi chốn quê. Đó là một trong những yếu tố khiến trẻ con hờ hững, nhãng quên nơi chôn nhau cắt rốn của đấng dưỡng dục sinh thành. Mỗi khi tết đến hè về, hoạ hoằn lắm mới có dịp đưa con về quê thăm ông bà, cha mẹ. Đành là trắc trở tàu xe; con đường xa bỗng trở thành cái cớ để vin vào làm tội lòng con trẻ. Mạch nước ấy, hạt gạo này, đã chắc chiu nuôi ta nên vóc nên hình và bao vòng tay thắm tình làng xóm nâng bước ta trưởng thành. Chốn quê đã nuôi ta nên người sao mà lòng bạc đến thế.  Ấy mà khi hoạn lộ quan trường, sẩy chân lỡ bước lại tìm về chốn quê neo đậu.

Đêm cuối năm, nằm giữa cõi giao mùa của trời đất, tự dưng đau đáu một nỗi niềm khó tả; bao kỷ niệm ngày xưa bỗng chốc quay về. Con đường cát nóng bỏng chân, ngoằn ngoèo, lê thê qua những rừng dương vi vu hút gió. Nước mằn mặn đầu môi tưởng mùi vị của biển khơi ùa về trong trí nhớ. Chốn quê thiêng liêng đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi. À ơi... ru ngủ... à ơi !

Thanh Uyên (Tạp chí Sông Trà)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu