Chợ làng
Ai sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nào đó mới hiểu hết cái thú của đi chợ làng. Chợ làng không chỉ là nơi bán - mua mà còn là nơi mọi người trao đổi, thăm hỏi lẫn nhau do mối quen biết “tình làng nghĩa xóm”.
![]() |
Toàn người làng với nhau nên người bán không nói thách quá, người mua ít mặc cả theo kiểu trả giá chỉ còn “một nửa” như ở các chợ lớn nơi đô thị!
Sản phẩm hàng hoá của chợ làng cũng bình dị như chính con người vậy. Mọi thứ bày biện không hề hào nhoáng: giỏ cua, mớ ốc vẫn còn vương bùn non, mớ rau còn nhựa ứa, sọt trứng lơ thơ vài sợi rơm mới lót ổ…
Đến bất cứ một vùng quê nào, chỉ cần nhìn qua chợ làng, quan sát hàng hoá - thực phẩm bày bán và khung cảnh bán - mua là có thể biết được đời sống của người dân nơi đây. Cái sự no đủ hay thiếu thốn nó bày ra hết! Vẫn còn những vùng quê nghèo mà chợ làng chỉ họp nháo nhào, bán - mua lèo tèo vài thứ mà giá rẻ như… cho! Đôi khi về những vùng quê xa, thấy cả sảo rau muống hay một thúng cà chua chỉ có giá vài ngàn mà xót xa cho công sức lao động của người nông dân…
Đi chợ làng, bạn rất hay được nghe những lời phân bua của người bán. Chẳng hạn, nếu bạn chê mớ rau này cằn quá thì thế nào cũng nhận được lời giải thích do “cuối vụ”, “sương muối nhiều”; cà chua xanh thì do “nhà em hái từ ruộng, cà chín tự nhiên nên không đẹp mã, nhưng ngon lắm”…
Vào những dịp phiên, chợ đông vui hẳn. Không khí hồ hởi thấy rõ trên gương mặt người đi chợ. Tiếng nói, tiếng cười ríu rít. Cứ ra chợ là gặp người quen, và thể nào cũng phải đứng lại chào hỏi thân mật vài người.
Chợ phiên thường họp sớm và tan muộn hơn ngày thường một chút, hàng hoá cũng phong phú hơn. Cách đây mấy mươi năm, có những thứ phải chờ đến chợ phiên mới mua được (ví dụ: lưỡi xẻng, cán cuốc, rổ, rá, con dao rựa…), còn ngày thường chỉ có những thực phẩm thông thường. Bây giờ đương nhiên chợ phiên vẫn đông hơn, nhưng ngày thường thì hàng hoá cũng không phải khan hiếm.
Không khí ở chợ làng vui nhất vào những ngày áp Tết âm lịch. Ra chợ vào lúc này, bạn sẽ gặp những người… cả năm mới gặp. Ấy là những người con của làng học tập hay làm ăn xa về tụ họp ăn Tết với gia đình. Con người Việt Nam dù có đi đâu, ở đâu thì đến ngày Tết thiêng liêng của dân tộc cũng luôn có xu hướng tìm về gia đình, quê hương bản quán. Và chợ làng là nơi những người con xa thấy rõ nhất sự biến đổi của cảnh sống quê mình.
Yêu sao cái chợ làng nhỏ bé, thân thuộc! Dù bạn đã rời quê lên phố, thường xuyên đi siêu thị hay các trung tâm thương mại lớn… thì cam đoan có những phút lặng của tâm hồn, giữa cảnh đông đúc phố phường, bạn sẽ nhớ đến quay quắt cái chợ làng mình, nhớ cảnh bán - mua bình dị cùng những gương mặt thân thuộc của “người làng”.
Chẳng nơi đâu bằng quê mình, phải không bạn?
Theo VNN