A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây lựu của cha tôi

Thân cây lựu bắt đầu đâm chồi thêm nhiều nhánh, chiều cao cũng bắt đầu vươn lên. Trong một góc ban công, nó âm thầm lặng lẽ vươn lên mầm sống, tự nó ngắm nhìn nước thủy triều của con kinh nhỏ, thấy những chiếc ghe thuyền qua lại, hoặc ngắm ánh trăng treo trên đỉnh hàng cây dương liễu bên kia đường. Nó vui với những điều bình dị của quê tôi, hòa quyện từ trong lòng đất bản thân tràn trề sức sống, cây lựu bắt đầu cho ra những nụ hoa màu hồng nhỏ hình giống cái chuông.

Tôi không nhớ cha xin ở đâu cây lựu đó, ngày được về trồng trước ban công nhà, cây lựu được cha cho vào một cái lu nhỏ cũ bằng sành rồi đặt nó vào góc cuối bên phải cạnh hàng hoa huệ trắng. Thân của nó bé xíu, lá mỏng manh, chỉ cao khoảng hai tấc thước. Buổi chiều tôi thường bắt ghế ngồi cạnh cái lu nước bên trái ban công nên không chú ý nhiều đến cây lựu này.
 
Một buổi sáng vài tuần sau đó cha vào bếp thấy tôi ngồi làm cá lòng tong, cha hỏi xin tôi vài cái đầu cá, lúc đó tôi thật ngạc nhiên nên hỏi cha cần đầu cá để làm gì, cha trả lời ngắn gọn : "đầu cá làm phân bón rất tốt cho cây lựu". Tôi lấy chén bỏ vài đầu cá rồi đưa cho cha, ông nhận rồi cầm cái chén đi thẳng ra trước ban công, trước đó tôi chưa bao giờ nghe và thấy ai dùng cá làm phân bón cây như thế, nên tính hiếu kỳ tôi đi theo xem ông làm gì với đầu cá? Ông đào những ô đất nhỏ dưới góc cây, đặt xuống từng đầu cá rồi lấp đất lại.
 
Cái "ngộ nghĩnh" của tôi lúc đó là hình ảnh mấy cái đầu cá lòng tong nằm dưới gốc cây lựu, tôi thấy “kinh dị” làm sao, như chúng sẽ biến thành các "hồn ma cá", nhưng tôi không dám nói ra ý tưởng này với cha. Càng sợ hơn nữa khi vài ngày sau mấy con kiến vàng đánh hơi cá tìm đến kiếm ăn, nhưng kiến vàng là loài có thật mà hồn ma cá thì không hiện hữu nên cuối cùng chúng cũng phải rút quân kiếm ăn nơi khác. Cứ thế, hễ khi nào biết tôi đi chợ mua các loại cá nhỏ thì cha vẫn làm như thế, và tôi lại càng xa lánh cây lựu đó, không bao giờ tôi bắt ghế ngồi gần cây lựu.
 


Cây lựu. Ảnh minh họa Internet 

Thân cây lựu bắt đầu đâm chồi thêm nhiều nhánh, chiều cao cũng bắt đầu vươn lên. Trong một góc ban công, nó âm thầm lặng lẽ vươn lên mầm sống, tự nó ngắm nhìn nước thủy triều của con kinh nhỏ, thấy những chiếc ghe thuyền qua lại, hoặc ngắm ánh trăng treo trên đỉnh hàng cây dương liễu bên kia đường. Nó vui với những điều bình dị của quê tôi, hòa quyện từ trong lòng đất bản thân tràn trề sức sống, cây lựu bắt đầu cho ra những nụ hoa màu hồng nhỏ hình giống cái chuông. Thì ra nó là cây lựu loại kiểng, cha tôi có ý trồng cho đẹp để ngắm.
 
Nhưng cây lựu không dừng ở những nụ hoa nho nhỏ đó, từ vài nụ hoa tàn, thành trái lựu xanh non, lớn dần theo từng ánh trăng non, trăng khuyết, trăng tròn, có một đôi trái lựu ngày càng lớn, từ màu xanh sang màu hồng rồi thành màu đỏ thẳm, chúng to như cái chén ăn cơm. Thuở ấy tôi không thấy ai bán trái lựu để ăn như bây giờ, cho nên tôi bắt đầu thích thú nhìn chúng lớn. Buổi chiều tôi thường bế con của anh chị để ngắm trái lựu, các cháu cũng thích cứ đưa bàn tay nhỏ nhắn ra đòi hái.
 
Lúc này cha tôi đem cây lựu đặt chính giữa hàng hoa, cho nên ai đến viếng nhà cũng đều trầm trồ đôi trái lựu. Một buổi chiều tôi phát giác chúng đã quá chín muồi cho nên thân vỏ nứt ra khoe những hạt lựu mọng nước, màu đỏ thắm. Cả nhà thích thú xúm lại xem, cha tôi bảo phải hái vì nếu không chim sẽ đến phá, tôi đành phải hái hai trái lựu nhưng lòng tiếc lắm. Tôi mang rửa sạch và tách ra, bên trong những hạt lựu đều đặn thật to, mọi người trong gia đình ai cũng muốn nếm thử, và ngạc nhiên vì vị ngọt lịm thơm nồng của chúng. Sau đó hai đứa cháu trong nhà vui vẻ thưởng thức nốt hai trái lựu, và đó là lần duy nhứt cây lựu kiểng cho ra hai trái ăn được như thế.
 
Bây giờ trái lựu rất được thịnh hành, tôi thường mua về ăn nhưng có lẽ do ấn tượng nên tôi vẫn chưa thấy trái lựu nào có vị ngọt như hai trái lựu ngày ấy.. Và hễ bất cứ lúc nào tôi trông thấy cây lựu ở đâu tôi cũng nhớ về cây lựu của cha tôi. Mùa Xuân vừa qua về thăm quê hương, trên con đường làng vào thác Giang Điền, thấy ngoài sau vườn của một căn nhà nhỏ có trồng một cây lựu thật xum xuê, tôi lại nhớ đến cha và những kỷ niệm.
 
Mùa Hạ lại về, hôm nay với bầu trời xanh thẳm, bềnh bồng từng cụm mây trắng đang đứng yên vì không gió. Những hàng cây xanh mát, như những kỷ niệm của một thuở nơi căn nhà tôi, làng tôi, Việt Nam quê hương tôi. Những người Việt xa xứ như chúng tôi luôn ấp ủ, gìn giữ những kỷ niệm đẹp nơi cội nguồn.
 
Một ý tưởng ngộ nghĩnh vừa lóe lên trong đầu, làm ánh mắt tôi long lanh, gương mặt rạng ngời, trên môi nhoẻn một nụ cười cho mình, tôi vừa định nghĩa được rằng, những cái đầu cá mà cha tôi dùng làm phân bón cây lựu đã không biến thành các "hồn ma cá", mà tất cả đã trở thành " Nàng Tiên Cá " ban phép mầu cho cây lựu của cha sống mãi trong lòng tôi.

Dạ Lý
 

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu