Sương phủ cuối chân đồi
Sau ngày ba mất, mẹ dường như trầm lặng hơn. Vẻ mặt tươi cười vốn có không còn nữa. Mẹ lầm lũi đi về từ dạo ấy. Gương mặt mẹ lúc nào cũng đăm chiêu. Chị Hai phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh kiếm sống giúp mẹ. Tôi may mắn hơn khi vẫn được học hành như bao bạn bè cùng trang lứa. Thi thoảng, tôi cũng không thoát khỏi những suy tư khi nhìn vào ánh mắt mẹ nhưng khó hiểu, khó đoán được những điều mẹ đang nghĩ...
Lần nọ, chị Hai bị gã đàn ông ba mươi cưỡng bức trong một lần đi làm về muộn. Cay đắng trước hành động vô nhân tính của gã, mẹ nằng nặc đòi xách dao đi tìm gã để đòi lại công lý cho chị. Thế nhưng, nước mắt và những tiếng van lớn của chúng tôi làm mẹ mủi lòng. Chúng tôi sợ chỉ vì một phút khó kiềm lòng, mẹ có thể gây ra chuyện tày trời nào đó. Rồi mẹ sẽ phải ngồi tù, còn chúng tôi nheo nhóc như lũ chim lạc bầy.
Chị Hai mang trong mình giọt máu của kẻ thú tính. Ðã lường trước sự việc này nên mẹ phải trông chừng không cho chị làm những việc dại dột. Trong đầu chị luôn nghĩ cách phá bỏ cái thai ấy để giải thoát khỏi sự cay nghiệt mà số phận đè nén lên mình. Mẹ thường ngồi tâm sự với chị hàng đêm. Chính những ý nghĩ điên rồ của chị khiến mẹ phải nói ra tất cả sự thật mà bấy lâu cất giữ trong lòng.
Mẹ kể, hồi bằng tuổi chị mẹ cũng từng bị cướp mất đời con gái bởi tay chú họ trong một lần say rượu. Mẹ không dám nói cho bất cứ ai, kể cả bà ngoại. Nhưng rồi mọi chuyện vỡ lở khi bà phát hiện mẹ có những biểu hiện đáng ngờ. Lúc ấy, mẹ đã có thai gần hai tháng. Bà ngoại khuyên can, không cho mẹ động đến cái thai vô tội, vì làm như vậy chẳng khác nào chuốc thêm tội vào người. Mẹ thương bà, thương mình nên giữ cái thai. Sau đó, mẹ chuyển xuống miền sông nước sinh chị Hai. Rồi mẹ quen ba, người đàn ông yêu thương mẹ thật lòng, sẵn sàng chấp nhận đứa con riêng của mẹ, xem như con ruột của mình vậy.
Chị Hai nghe mẹ kể, mắt bừng lên niềm tin về tương lai, giống như mẹ đã từng sống vậy. Chị cũng học được cách tin tưởng vào số phận giống mẹ, vì mẹ bảo cuộc đời sẽ đền bù xứng đáng cho những mất mát con người phải trải qua.
Ngày chị Hai sắp sinh em bé cũng là lúc mẹ quyết định chuyển gia đình lên mạn trên. Ðó là vùng núi trùng trùng, xung quanh là những ngọn đồi với con dốc thoải dài, không cao lắm. Gia đình tôi lúc đầu còn lạ lẫm, nhưng sau đó hòa nhập một cách dễ dàng vào cuộc sống của những người dân di cư từ nhiều miền ở đây. Mỗi người đến nơi này đều có một lý do, nguyên cớ. Họ đến để sống, để trốn tránh số phận, để vùi lấp quá khứ nghiệt ngã, khổ đau. Dường như mọi người đều dễ hiểu và dễ thông cảm cho nhau hơn sau vài lần chạm mặt, nói chuyện. Họ chẳng giấu diếm nhau điều gì, kể cả quá khứ. Họ sống thật với chính mình và mọi người.
Chị Hai chuyển dạ vào một buổi tối mưa dầm dề. Vài tiếng sau, chị sinh. Ðó là một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Khuôn mặt có phần giống chị, đặc biệt là đôi mắt, mẹ bảo thế. Có lẽ mẹ muốn an ủi chị. Còn tôi, tôi cảm thấy thằng bé giống người đàn ông đã cướp đời con gái chị nhiều hơn. Khuôn mặt thằng bé nói lên điều nghiệt ngã ấy. Chị đặt tên con là Ðời.
Thằng bé lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của cả gia đình, nhất là chị. Sau những ngày làm việc trên nương mệt phờ người, nhưng chị không quên dành thời gian chăm sóc và chơi đùa với con. Thằng bé rất hay cười, ngoan ngoãn, hiếm khi quấy khóc nên chị yên tâm gửi con ở nhà cho mẹ trông. Chị đi làm cả ngày. Ðêm đêm, tôi nghe chị ru con bằng những lời ru nhẹ nhàng nhưng xót xa. Chị thì thầm cho con nghe về người cha. Chị kể, giọng không oán trách, không dằn vặt như những ngày còn mang thai. Có lẽ vì chị hiểu, điều cần nhất cho đứa trẻ lúc này là tình thương của một gia đình, của một người cha thực thụ. Chị lại khóc. Có thể vì thương thằng bé hoặc chính chị tự xót thương mình.
Bao ngày vất vả trên nương, trên rẫy cũng được đền bù xứng đáng. Vụ mùa đầu tiên hoàn tất, nào là tiêu, điều, ngô, sắn... Chị Hai và mẹ bận rộn thu hoạch những gì trồng được mang về nhà, thuê người chở xuống xuôi bán. Chị để thằng Ðời ở nhà cho mẹ trông nom, một mình xuống xuôi bán hàng. Tôi học xa nhà, thỉnh thoảng mới về nên tranh thủ được lúc nào là giúp chị, giúp mẹ lúc đấy.
Trong những lần chở hàng xuống xuôi bán, chị quen anh, người đàn ông gần 30 tuổi, chưa có mảnh tình vắt vai, chững chạc và có duyên ăn nói. Anh thường ghé sạp của chị chọn hàng với giá nhỉnh hơn chỗ khác. Không phải vì anh ưu tiên chị mà vì cách chị thuyết phục khiến anh xiêu lòng. Anh hay nhìn trộm chị, ánh nhìn đăm chiêu nhưng đầy thích thú. Chị Hai vốn có mái tóc dài được thừa hưởng từ mẹ, thêm cái duyên ăn nói của ba nên chị không cần sửa soạn vẫn có người phải xao xuyến. Nếu ai mới gặp lần đầu, chưa nghe chị kể về số phận của mình, đều không tin chị đã có một đứa con trai gần ba tuổi. Cả anh cũng vậy. Anh cứ luôn miệng cho rằng chị đang đùa giỡn, khiến anh càng tò mò, thích thú.
Ngày chị Hai đưa anh về ra mắt mẹ cũng là lúc chuyến hàng xuống xuôi vừa bán sạch. Tiếng còi của chiếc xe chở hàng trước ngõ làm cả nhà tỉnh giấc trong đêm. Thằng Ðời đang ngủ giật mình òa khóc. Mẹ tôi bế bồng Ðời lên, chạy ra cửa. Vừa nhớ con vừa nhớ nhà, chị chạy ùa vào ôm vội lấy thằng Ðời hôn hít, bỏ mặc anh bước lững thững phía sau. Cả tháng trời xa mẹ, thằng Ðời được bà ngoại dạy bập bẹ vài tiếng gọi mẹ nghe chưa rõ càng làm chị thương con nhiều hơn. Ðến lúc này, anh mới tin chuyện chị có con là sự thật. Anh cúi đầu chào mẹ rồi theo chị bước vào nhà. Mẹ xuống bếp nấu vội nồi cháo cho chị và anh ăn lót dạ. Ðêm mù mịt, lạnh cóng bởi những lớp sương đêm và gió mùa từ bên kia biên giới thổi tràn về. Anh nán lại ở nhà tôi thêm vài ngày rồi xin phép về xuôi tiếp tục công việc buôn bán. Chị tiễn anh đi, lòng thoáng buồn.
Anh nắm chặt tay chị:
- Nhất định anh sẽ quay lại đón em và cu Ðời xuống xuôi sống cùng gia đình anh. Em sẽ chờ anh chứ?
Chị Hai e thẹn gật đầu rồi đứng tần ngần nhìn bóng anh và chiếc xe chạy trên những con dốc thoải dài trở về xuôi. Bóng chiều cũng vừa chạm ngõ.
Sau hôm anh về, tôi khuyên chị nên sửa soạn chút ít để che vẻ ngoài lam lũ và chai sạn. Chị một mực lắc đầu vì cho rằng chẳng còn trẻ để trau chuốt vẻ bề ngoài chi cho mất công. Chị bảo điều ấy chỉ khiến người ta thêm tò mò, nhòm ngó rồi xì xào, thêm nhức óc. Miệng nói vậy, nhưng thi thoảng tôi vẫn tình cờ bắt gặp chị soi gương, buộc gọn tóc lên chứ không buông dài như ngày nào.
Tôi biết, chị vẫn còn trẻ, sức trẻ trong chị vẫn đang hừng hực. Chị cần tình yêu và được hạnh phúc hơn thế này rất nhiều.
Hai tuần sau anh lên. Vẫn chiếc xe chở hàng, vẫn khuôn mặt rám nắng nhưng nhìn anh có vẻ tươi hơn, không còn bỡ ngỡ, hụt hẫng như hôm đầu mới đến nhà. Anh lịch sự, lễ phép và có vẻ khá hiền lành, dù tôi nghe nhiều lời đồn dân làm ăn khá từng trải và bẻm mép hơn những người bình thường. Song khi tiếp xúc với anh, tôi thấy dường như mình đã sai lầm khi tin vào những lời đồn thổi ấy.
Anh ở chơi vài ngày, phụ gia đình tôi làm lại gian bếp, xây thêm chuồng gia súc phía sau, sửa lại cánh cửa trước cổng... Anh còn cùng chị lên nương làm rẫy, chăm sóc những cây hoa màu. Tình cảm giữa hai người ngày càng thắt chặt hơn.
Ở chơi được ba ngày, anh xin phép mẹ về xuôi. Chiều hôm đó, mẹ đi khắp xóm mua được ba con gà và chút thức ăn. Một phần vì mẹ muốn nấu cơm thết đãi anh, phần để anh mang về xuôi làm quà cho gia đình, họ hàng. Bữa tối dọn ra, cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, nói cười vui vẻ. Thằng Ðời cứ nằng nặc theo anh dù chỉ mới gặp hai lần. Thằng bé có vẻ rất quý anh. Mẹ đối xử với anh như người trong gia đình. Anh cũng tỏ ra rất tự nhiên, trò chuyện hết sức thân mật.
Trong bữa cơm, anh ngỏ ý xin phép mẹ cho mình được làm con rể trong gia đình. Mẹ im lặng một lát rồi nói:
- Chắc anh cũng nghe Trâm kể về số phận của nó rồi. Số phận chẳng ai có thể đoán trước được. Anh yêu nó, muốn cưới, tôi cũng mừng nhưng anh cũng biết nó đã có con. Liệu gia đình anh có chấp nhận một đứa con dâu như nó không?
- Dạ, chuyện này cháu đã thưa với ba mẹ rồi. Ba mẹ cháu rất thông cảm khi nghe kể về Trâm và thằng bé. Cháu thật lòng muốn đem lại hạnh phúc cho Trâm và cu Ðời. Cháu mong cô sẽ đồng ý.
Anh nói với vẻ mặt vô cùng điềm tĩnh.
- Anh đã nói vậy, tôi cũng không có ý kiến gì. Chỉ mong sao gia đình bên ấy xem Trâm như con cái trong nhà, yêu thương nó và thằng Ðời. Nếu thấy dư giả thì làm đám cưới nho nhỏ thông báo cho họ hàng, bà con, còn không, chỉ cần làm vài mâm cơm sum họp gia đình cũng chẳng sao. Cốt là hai đứa yêu thương và chung sống đến trọn đời.
- Dạ cháu hiểu những gì cô nói. Cháu về dưới sẽ thưa chuyện với ba mẹ rồi chọn ngày lên đón Trâm và cu Ðời. Cháu cảm ơn cô đã chấp nhận cho cháu và Trâm đến với nhau.
Bữa cơm tối kề cà chuyện trò rồi cũng xong. Mẹ đến bên bàn thờ, thắp nén nhang cho ba, lầm rầm khấn vái. Rồi mẹ khóc lóc, kể lể. Tôi bỗng mủi lỏng, thương mẹ, thương chị, thân gái một mình... Ðêm buông xuống với cái lạnh của tiết trời mùa đông đến sớm. Chị Hai bảo anh vào phòng ngủ sớm để lấy sức sáng hôm sau về xuôi.
Bỗng chị kéo tôi ra trước cửa, bảo muốn nói chuyện với tôi.
- Chúng ta là chị em cùng mẹ khác cha, đến bây giờ chị mới biết. Chị luôn xem em là đứa em đáng yêu nhất. Chị sắp đi lấy chồng, chẳng qua vì thương thằng Ðời không cha, sợ nó lớn lên tủi thân. Chị cũng muốn tìm cho mình chỗ dựa. Chị sẽ cố làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ. Em hãy chăm sóc mẹ thay chị một thời gian, khi ổn định cuộc sống dưới xuôi, có cơ hội chị sẽ đón mẹ và em về sống cùng.
Tôi nghe chị nói chỉ biết gật đầu vâng theo. Tôi thông cảm với những việc chị đang làm. Tôi hiểu, chị cũng như mẹ, luôn yêu thương thằng Ðời dù nó là kết quả không mong muốn. Cu Ðời không có tội, chị cũng không. Thế nên, chẳng có lý do gì bắt chị và cu Ðời phải chịu khổ suốt đời như thế cả.
Chị bảo tôi vào ngủ sớm để hôm sau còn xuống trường học. Tôi vâng dạ, giục chị vào nhà. Một mình ngồi lại, tôi suy nghĩ vẩn vơ về những điều đang diễn ra trong cuộc sống.
Tôi nghĩ về tương lai của tôi và mẹ sau này. Ðêm nay trăng tròn sáng cả một vùng. Ngoài kia sương phủ trắng chân đồi, tôi nghĩ đến sáng mai khi bình minh ló rạng, màn sương rồi sẽ tan, như đời chị gặp ánh bình minh...
Song Ninh (baodienbienphu)