A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sông vắng

Từ ngày có cầu Cẩm Kim, giao thông thuận tiện hơn, đường qua phố Hội nhanh chóng hơn. Nhịp cầu bắc qua sông báo hiệu một sự thay đổi đối với con người nơi đây. Nhưng người ta dường như không để ý rằng những con đò, những tiếng bì bạch ấy cũng mất dần theo thời gian. Dòng sông cũng trở nên bớt náo động, nó trở về nguyên vẹn sự bình yên...

Không biết từ bao giờ, tôi đã ít ghé sang con đường Bạch Đằng quen thuộc giữa lòng phố cổ, ít ngồi một mình bên bờ sông Hoài để ngắm nhìn Hội An đẹp đến nhường nào.

Tôi biết đến chùa Cầu từ tấm bé, khi ông nội và ba dựng những khung tranh về chùa Cầu, về những dãy nhà ở phố cổ. Tôi đã hình dung nó thật đẹp qua đôi bàn tay của những người thổi hồn vào gỗ như ông, như ba. Và tôi bắt đầu lớn dần. Tôi muốn tận mắt chứng kiến những điều trên những bức tranh gỗ kia bằng mắt của mình. Lạ lắm! Càng nhìn tôi càng thấy có điều gì không dứt ra được. Điều đó cho đến bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được. Tôi thích ngắm mãi những dãy nhà chạy dài, tầng tầng lớp lớp, cổ kính và lấp lánh những chiếc đèn lồng sặc sỡ. Tôi thích nhìn khách du lịch mà ngày bé chúng tôi hay gọi là khách Tây thả những chiếc hoa đăng xuống dòng sông Thu Bồn hiền hòa. Thu Bồn dường như trôi nhẹ, nhẹ như thể nó đứng yên, dùng dằng chẳng chịu chảy như con sông Hương xứ Huế trong mấy câu thơ của nhà thơ Thu Bồn vậy. Và dường như tất cả đều được in bóng xuống dòng sông hiền hòa ấy làm cho Hội An đã lung linh lại càng thêm huyền diệu. Con sông ấy nhuốm màu kỷ niệm của biết bao nhiêu con người, là nơi để hò hẹn, để yêu thương và còn là nơi để những người con xa nhớ về một phần không thể thiếu của quê hương nguồn cội. Trên con sông ấy, tôi cơ hồ đã đánh rơi những kỷ niệm của một thời xa vắng.

Hội An dường như không chỉ hút khách du lịch mà còn là nơi để người ta trút bầu tâm sự nặng trĩu vào khoảng không gian thơ mộng kia. Nhưng có lẽ, tôi thì khác. Cách đây vài năm, con đường dọc bờ phố Hoài chính là con đường tôi đi học – con đường chứa đầy tiếng nô đùa nghịch ngợm của tôi và những người bạn thuở ấu thời. Thuở đi học của tôi gắn liền với tiếng bì bạch của con đò nhỏ. Hằng ngày, tôi phải bon chen ì ạch đưa chiếc xe đạp lên đò để sang kia sông. Tôi từng tưởng tượng hình như chúng tôi sang sông để kiếm tìm tri thức đúng như nghĩa đen thì phải. Con đò chỉ chứa kha khá xe và người. Chuyến này qua thì chuyến kia lại rời bến. Và cứ thế, một năm, hai năm,… đi đò dường như đã là một điều quá quen thuộc đối với người dân Cẩm Kim như tôi. Tôi hay chen vào trong khoang, giành chỗ thật lý tưởng ở ghế ngoài cùng và bắt đầu thả hồn theo con nước. Một chuyến đò tầm ba mươi phút và dường như thời gian ấy tôi hoàn toàn đắm chìm vào khoảng không gian của trời, mây, nước. Cảm giác thanh bình khi nhìn bãi đất bồi xanh xanh ở phía xa hay dòng nước trong veo của sông Hoài lấn át đi tiếng ồn ào của động cơ hay những cuộc trò chuyện của những người đi buôn về. Và tôi bắt đầu mộng mơ về tương lai, về những chân trời xa lắm.

Từ ngày có cầu Cẩm Kim, giao thông thuận tiện hơn, đường qua phố Hội nhanh chóng hơn. Nhịp cầu bắc qua sông báo hiệu một sự thay đổi đối với con người nơi đây. Nhưng người ta dường như không để ý rằng những con đò, những tiếng bì bạch ấy cũng mất dần theo thời gian. Dòng sông cũng trở nên bớt náo động, nó trở về nguyên vẹn sự bình yên. Bến đò vắng vẻ trầm ngâm như đang trách giận người xưa sao vô tình quên mất. Những hàng quán ven đường cũng dẹp dần đi để lại một khoảng trống buồn hiu. Tôi đứng bên vệ đường Bạch Đằng nhìn sự lặng tờ, im ắng mà lòng có chút sợ hãi. Hội An đẹp vậy, náo nhiệt đến vậy mà sao lại thiếu bóng con đò. Tôi thèm được ngồi lại trong khoang đò năm xưa, thèm được thả hồn vào mây trời và thèm được đắm chìm trong cái khung cảnh yên bình kia.

Chế Lan Viên từng viết:
“Hội An chẳng là quê
Mà là hương, khổ thế
Quên quê, ai có thể
Hương ư? Ôi dễ gì”.

Và với tôi, hương Hội An là chút hương của Thu Bồn, chút hương của những chuyến đò còn phảng phất đâu đây trong niềm nhớ, niềm thương.

Huỳnh Thị Kim Uyên (baoquangnam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu