Rổ rá cạp lại
|
Bao lời đồn ra tán vào rằng năm nay nhà ông Kỷ gặp đại hạn, mất người, mất của… Mặc dù chỉ là liên đới nhưng kỷ luật trong Đảng rất nghiêm khắc, nhất là đối với những người đứng đầu cấp ủy như ông. Sơ hở, buông lỏng quản lý để cấp dưới lộng quyền dẫn tới những sai phạm đáng tiếc. Người ta thông cảm cho ông vì bà Mậu bị bệnh hiểm nghèo gần chục năm nay, khi bệnh của bà ở giai đoạn cuối cũng là lúc xảy ra chuyện. Hằng ngày, ông là người chăm sóc chủ yếu cho bà. Các con trai, gái, dâu, rể của ông bà còn có công việc của mỗi đứa nên chỉ có thể tranh thủ sớm tối bên mẹ. Bà Mậu nằm xuống để lại bao nỗi ngậm ngùi.
Khi vẫn còn nằm trên giường bệnh, bà căn dặn chồng và các con: “Chỉ cần qua 50 ngày mẹ chết, hãy tìm cho bố con một người khác phù hợp để thay mẹ đỡ đần, chia sẻ. Đàn ông mà không có người phụ nữ ở trong nhà đảm đương thì khổ nhiều nhẽ". Rồi bà thở dài, nhắm mắt…
Trở lại cuộc sống của một người dân thường, ông Kỷ trở nên điềm đạm, dân dã và xởi lởi với mọi người hơn. Thay vì sổ sách, họp hành, giờ đây ông phải kéo xe đi cắt cỏ, xin cây chuối về chăm đàn cá sắp đến kỳ thu hoạch dưới ao. Những bộ cánh trắng tinh được treo gọn trong tủ để dành khi có cỗ bàn, hay đi đâu đó thì ông mới diện. Người ta quen dần với hình ảnh ông Kỷ trong những bộ quần áo bạc màu, nhuốm nhựa cỏ cây, đầu đội nón sờn và gương mặt khi lấm tấm, lúc nhễ nhại mồ hôi. Ao cá rồi cũng đến ngày thu hoạch. Có lẽ vì thiếu bàn tay người đàn bà nên lứa cá này kém hẳn. Ông nhẩm tính sơ sơ và buột miệng: “Chắc hòa vốn là may!”. Trong bữa cơm liên hoan lên cá, vì toàn là người trong nhà nên ai ai cũng hỏi han chuyện ông đi bước nữa. Ông trầm ngâm: “Cũng khó lắm vì hoàn cảnh của mình đâu phải ai cũng thông cảm cho? Thôi cứ để dần dà”.
Rồi cũng qua 50 ngày bà Mậu. Theo lời trăng trối của mẹ, các con của ông Kỷ dò hỏi, tìm hiểu nhiều đám nhưng đều không phù hợp. Những người này đều đặt câu hỏi “ông ấy có lương không?”. Nghe vậy mà chúng càng buồn và thương bố. Buồn vì sự thực dụng đâu phải chỉ có ở thế hệ trẻ như người ta vẫn quan niệm. Ở cái tuổi “rổ rá cạp lại” đi tìm hạnh phúc mới thật không phải chuyện dễ. Bọn trẻ thương bố lọ mọ một thân một mình sớm hôm nên thường xuyên qua lại thăm nom cho cửa nhà đỡ phần lạnh lẽo. Biết bố ngại ngùng nên chúng vẫn âm thầm tìm vợ cho ông.
Ở làng có cô Nhâm đi lấy chồng thiên hạ, bao năm nay phiêu bạt làm lụng cũng không đủ trả nợ cho gã chồng cờ bạc, ham chơi. Bỗng nhiên cô trở về mang theo bản xác nhận ly hôn và hai đứa con trai đang học cấp một và cấp hai sống cùng người mẹ già xấp xỉ tuổi 80. Hồi son trẻ, cô là gái đẹp, gái ngoan ở làng, bao đám hỏi nhưng cô lại phải lòng cái gã tận đẩu đâu để rồi chịu kiếp “hồng nhan”. Ngoại tứ tuần, tuy vất vả, lận đận, nhan sắc có tàn phai, nhưng những nét sắc sảo vẫn còn phảng phất. Sự chín chắn, từng trải khiến cô thêm đằm thắm. Nhất là cái nết ngoan hiền của người mẹ thể hiện ở hai đứa trẻ, chúng rất lễ phép, biết vâng lời người lớn, nhường nhịn lẫn nhau và học hành chăm chỉ, giỏi giang. Cô tâm sự với chị em trong nhà rằng sẽ cùng hai con yên sống bên mẹ già, nuôi nấng chúng học hành nên người. Trở về quê hương, cô thấy trong lòng thanh thản và ấm áp lạ thường. Quá lâu rồi, cô đâu có được cảm giác yên bình, thân thương như vậy!
Có người bạo miệng bảo ông Kỷ đến “hỏi” cô Nhâm. Ông đắn đo và rồi vẫn vì “ngại” mà không dám. Có người thì thào với cô Nhâm: “Xã hội giờ cởi mở, không như ngày xưa. Nếu có đám nào hợp, cô cũng nên tính. Có chồng có vợ thì việc lớn việc bé đều dễ xoay xở hơn. Ở vậy nuôi con vất vả, đến lúc mình già, con cái phương trưởng, có hạnh phúc và gia đình riêng thì mình lại cô quạnh, khổ thân!”. Cô Nhâm tự hiểu hoàn cảnh của mình nên cũng nói xa xôi: “Bố đẻ của chúng còn không đủ tình thương dành cho con thì liệu có ai đủ cao thượng và vị tha mà đùm bọc cả ba mẹ con em...?”
Ở làng quê hay lắm, khi “đánh tiếng thăm dò” thấy hai bên có vẻ xuôi nhưng còn e ngại thì họ sẽ “ra tay giúp đỡ” tức thì. Mỗi người nói vào một câu như cùng hùn cho đống lửa kỳ bén mớ rơm, nếu không cháy được thì mới thôi hùn. Họ lại mách anh em, con cái của ông Kỷ. Và sau một thời gian các bên "cùng vào cuộc", câu chuyện tác hợp đã đi đến kết cục tốt đẹp.
Một đám cưới gọn nhẹ, thân tình được tổ chức. Ông Kỷ diện bộ cánh trắng, thắt cà vạt đỏ đến đón cô dâu với áo dài truyền thống màu đỏ cùng hai đứa trẻ thơ ngây. Không nhạc đài xập xình, không cỗ bàn linh đình và không hoa hoét phô trương. Tất cả đều giản dị và ấm cúng. Đại diện gia đình đôi bên phát biểu, căn dặn, rồi hai gia đình cùng ăn trầu xơi nước. Ai nấy tỏ ra vui mừng từ nay hai nhà như một. Người ta xúc động khi thấy các con ông Kỷ vui vẻ dắt hai đứa con cô Nhâm trở ra về. Khúc đường nối hai nhà bỗng trở nên ngắn lại. Khắp dân làng đều chúc phúc cho đôi vợ chồng và hai bên thông gia. Có người còn nói: “Bà Mậu phù hộ nên tác hợp cho họ đấy! Thế là bà ấy yên lòng nơi chín suối được rồi…!”
Đỗ Yến (baohaiduong)