Quà quê
![]() |
Thịt luộc, dưa hành chấm mắm rươi - món quà đậm đà vị quê hương |
Mấy hôm cô em chồng tôi có vẻ là lạ, đi làm về nó lại sà vào bếp xăng xái giúp mẹ và chị dâu những việc lặt vặt mà mọi khi dẫu có nhờ rã họng nó cũng chẳng buồn động tay, động chân. Đã vậy, thường thì mọi ngày nó thích ngủ nướng đến tận giờ đi làm, nay lại dậy rất sớm, xuống bếp phụ tôi chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Chắc cô nàng có “vấn đề” rồi đây? - Tôi thầm nghĩ. Mẹ chồng tôi thì chỉ mủm mỉm cười. Một lần bà bất ngờ hỏi cứ như đi guốc trong bụng cô con gái rượu.
- Vân này! Thế bao giờ đưa “người ta” về ra mắt bố mẹ đấy?
- Mẹ lại định làm thầy bói rồi. Con làm gì đã có ai mà mẹ! - Vân mặt đỏ ra tận mang tai nhưng mắt thì sáng rỡ. Nó vòng tay ôm cổ mẹ, nhõng nhẽo - Mà mẹ dạy con vài chiêu bí quyết những món ăn “tủ” của mẹ đi.
- Chắc trời lại sắp nổi bão rồi đây? - Mẹ chồng tôi vẫn tủm tỉm cười trêu con gái.
- Mẹ lại trêu con rồi! Tại bọn con sắp tới có hội thi nữ công gia chánh thôi mà - Vân chống chế.
- Thế à! Mẹ cứ tưởng... - Mẹ chồng tôi lại cười và nháy mắt với tôi.
- Thế em đã nghe câu “Đường đến trái tim đàn ông đi qua dạ dày” chưa? - Tôi chêm vào.
- Vậy chắc ngày xưa bố lấy mẹ vì mê các món mẹ nấu rồi? - Vân láu lỉnh trêu lại mẹ - Vậy thì con phải ôm sách học cách nấu các món ăn ngon để còn “câu” con rể cho bố mẹ nữa chứ.
- Cái con quỷ sứ này! Đứa nào mà “rước” mày thì rồi khổ thôi con ạ! - Mẹ chồng tôi cười và cốc yêu lên trán con gái.
Xong bữa sáng, Vân vừa đẩy xe máy ra cửa thì trời bất ngờ đổ mưa, nó bực bội lục tìm áo mưa khắp nơi.
- Mưa rươi đấy mà! - Mẹ chồng tôi bỗng nói vẻ như tiếc nuối - Chẳng hiểu sao cái giống rươi giờ ngày một ít đi. Hôm nọ đi chợ trông thấy một mớ mà họ đòi những sáu bảy chục ngàn, đắt quá mẹ chẳng dám mua.
- Một phần do sự ô nhiễm các nguồn nước, phần nữa các thương lái họ thu mua đưa sang Trung Quốc nên các đặc sản từ rắn, ba ba, ếch đến rạm, rươi... ngày một cạn - Tôi nói.
- Như thế thì buồn thật, chẳng bù cho ngày xưa... - Giọng mẹ chồng tôi trở nên xa xôi.
***
Chiếc xe đò ậm ạch chạy như con ngựa già nua rồi bất ngờ chết máy giữa chừng. Mất gần một ngày ê ẩm trên chiếc xe, Hoài mới đến bến cần xuống thì đã sâm sẩm tối, trời mưa sùi sụt, cô xo ro trong chiếc áo bạt và chợt bật cười sự vô duyên của đôi guốc cao gót trước ngã ba con đường vắng hoe, lầy lội, bùn đất nhão nhoét. Bỗng trong màn mưa giăng mắc, xuất hiện một chiếc xe trâu đang đủng đỉnh nghênh ngang đi tới, tiếng mõ khua lốc cốc nghe thật vui tai, người đánh xe ngồi ngất nghểu, choàng hờ hững chiếc áo tơi và đội chiếc nón sùm sụp. Con trâu dừng lại trước mặt Hoài, rướn cổ rống lên “nghe...e...é...ọ!”, đôi mắt nó vằn đỏ, cánh mũi phập phồng và thở phì phì. Người đánh xe hất hàm, cất giọng ồm ồm:
- Cô đứng chắn đường khiến con trâu của tôi bực mình rồi đấy, về đâu thế?
- Cháu xin lỗi! Bác cho cháu hỏi thăm đường về trường cấp ba ạ! - Hoài tỏ vẻ biết lỗi, cô nói nhã nhặn.
- Bác cháu cái con khỉ! Cùng đường đấy! - Người đánh xe cười khùng khục - Xe này hơi bẩn, nhưng về trường còn chừng một cây số nữa, trời đã tối, đường lại khó đi đấy. Nếu không ngại thì mời cô lên xe!
- Dạ không ngại đâu ạ! Cho cháu đi nhờ với! - Hoài nhanh nhảu chỉ sợ người đánh xe đổi ý.
- Vậy lên nhanh đi, tối rồi!
Vừa vụng về leo lên bệ xe thì một mùi khăn khẳn xộc vào mũi Hoài, hoá ra chiếc xe vừa chở phân chuồng. Đang do dự thì bắt gặp ánh mắt tinh nghịch, hóm hỉnh trong ánh chiều chạng vạng của gã đánh xe còn khá trẻ, cô liền lấy vẻ bất cần ngồi ghé lên thành xe.
- Cô ngồi cẩn thận vào, đường xóc lắm đấy! - Gã đánh xe nói và cầm roi phất nhẹ vào mông con trâu, ra lệnh - Đi nào!
Tiếng mõ lại khua lốc cốc theo nhịp chân trâu, Hoài tủm tỉm cười cái cảnh mình đang ngồi ngất nghểu trên một chiếc xe trâu từng chở phân, nếu kể chuyện này cho lũ bạn thì chắc bọn nó bò ra mà cười đến vỡ bụng mất.
- Tên tôi là Quỳnh - Gã đánh xe tự giới thiệu - Cô về nhận công tác ở trường à?
- Vâng!
- Cô gì này! Tôi hỏi thế này khí không phải… - Quỳnh lại lên tiếng - Bây giờ cũng đã tối rồi, cô có người nhà hay người quen ở đây không?
Gã đánh xe bất ngờ đặt ra một tình huống mà Hoài chưa từng nghĩ đến, tự nhiên cô cảm thấy hốt hoảng thật sự.
- Ở trường giờ này chẳng lẽ không có ai hở anh? - Hoài lo lắng hỏi.
- Chỉ có ông bảo vệ trường, nhưng chắc giờ này ông ấy đang về nhà ăn cơm, tối đến ông ấy chỉ thỉnh thoảng choạng qua trường một lúc thôi!
Im lặng một lát, Quỳnh lại lên tiếng vẻ chân thành:
- Nếu cô không ngại thì tôi đưa cô đến chố chị Nhạn cũng gần trường đấy, nhà chị ấy chỉ có hai mẹ con.
- Nhưng mà... - Hoài ngập ngừng, ái ngại - Có phiền lắm không anh?
- Cô đừng ngại, chị ấy tốt lắm! - Quỳnh trấn an Hoài rồi cũng bất ngờ nói như ấn định - Cứ như thế nhé!
Chiếc xe dừng trước một ngõ nhỏ, thoảng mùi khói hương lẫn trong mùi khói rạ ấm nồng, Hoài ngập ngừng bước theo anh chàng đánh xe giữa hai hàng chè tàu được tỉa xén khá công phu.
- Bà chủ có nhà không? - Quỳnh rổn rảng lên tiếng - Cho thêm một suất cơm nhé!
- Cậu Quỳnh đấy à, có ai thế? Cậu bảo họ cứ vào đi. Tôi đang dở tay một tý - Tiếng phụ nữ lanh lảnh.
Dưới ánh đèn hoa kỳ, một người phụ nữ rất khó đoán tuổi, chị không đẹp, nếu không nói là xấu, vẻ mặt khắc khổ. Chị đang mặc quần áo cho thằng bé chừng bốn năm tuổi, bên cạnh là thau nước ấm thơm sực mùi lá sả. Hoài lễ phép:
- Em chào chị ạ!
- Chào em! Chị xong ngay đây - Chị Nhạn xởi lởi chỉ cho Hoài chiếc ghế và bảo cô ngồi xuống.
- Chà cu Tũn thơm ghê! - Quỳnh bế thằng bé hôn đánh chụt lên má nó, đoạn nói với chủ nhà:
- Đây là cô giáo, bữa nay mới về trường cấp ba nhận công tác nhưng tối rồi, lại không có ai thân quen ở làng mình nên tôi đưa cô ấy về đây. Chị cho cô ấy nghỉ tạm đêm nay được không?
- Được mà! - Chị quay sang ân cần nói với Hoài - Chị là Nhạn. Em cứ tự nhiên như ở nhà nhé.
- Vâng! Em tên Hoài chị ạ. Em làm phiền chị quá! - Hoài bối rối.
- Em đã ăn cơm chưa? Chị Nhạn ân cần - Ra giếng rửa ráy rồi mời em vào dùng cơm với mẹ con chị luôn thể. Cậu Quỳnh nữa, ở lại ăn cơm luôn.
- Cảm ơn chị! Để lần khác đi, tôi còn đưa trâu về nghỉ, đi suốt ngày rồi còn gì - Quỳnh xoa đầu thằng bé rồi quày quả đi ra - Thôi chào chị, chào cô giáo và cu Tũn, tôi về nhé!
- Vậy cậu lại nhà nhé!
Bữa cơm gạo mới có cá đồng kho khế và hai món mà Hoài chưa từng nếm qua bao giờ, cô cứ nhẩn nha ăn và cảm nhận cái vị đậm đà, cay cay của món chả màu vàng rộm, vị ngọt đậm lại chua giôn giốt và một chút cay cay của món canh, cả hai món đều có một mùi thơm vừa quen lại vừa lạ. Hoài cứ đoán già đoán non mãi.
- Em ăn tự nhiên đi chứ! - Chị Nhạn nói và gắp thức ăn vào bát cho Hoài.
- Chị nấu món canh và làm món chả bằng thứ gì thế ạ? - Không nén nổi tò mò, Hoài hỏi - Em chưa được ăn các món ngon như thế này bao giờ.
- Có gì đâu, chỉ là rươi ấy mà! - Chị Nhạn cười hồn hậu - Món chả thì rươi và vài quả trứng, còn canh thì rươi với một ít măng, khế, cả hai món đều phải có thêm ít vỏ quýt, lá nghệ, một ít ớt cay băm nhỏ, toàn cây nhà lá vườn thôi mà.
- Chị khéo tay thật đấy ạ! - Hoài nói thực lòng.
***
Hoài đến ở khu tập thể dành cho giáo viên, đó là dãy nhà phên, lợp tranh tuềnh toàng nằm sau trường học, ngoảnh mặt ra phía bờ sông hun hút gió. Buổi sáng chủ nhật, khu tập thể giáo viên vắng hoe, trời lại bất ngờ đổ mưa. Đang định vào giường tranh thủ làm thêm một giấc ngủ bù đêm qua thức khuya chấm bài, chợt nghe những tiếng chân đi rộn rịch, rồi tiếng chị Nhạn ơi ới:
- Cô Hoài đi vớt rươi không?
Nghe đến rươi, Hoài tò mò muốn biết xem nó trông như thế nào, cô bật dậy quáng quàng.
- Chị đợi em với!
Ngoài bãi sông, người đông như hội, những chiếc áo tơi chạy lúp xúp, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới, tiếng vợt chao nước ì oạp... Dưới màn mưa lất phất, mặt nước gợn sóng lăn tăn, từng đám rươi nhiều màu sắc đang ngó ngoáy, ngọ nguậy. Đám trẻ con dùng vợt, rổ rá để chao, vớt, mấy đứa hứng chí còn nhảy ùm xuống dùng tay để bắt, tiếng té nước ràn rạt, tiếng cười đùa khoái chí... những con rươi với hai hàng chân đều đặn trông như hai hàng bơi chèo trong ngày hội đua thuyền được đổ đầy những chiếc thúng. Non trưa, mọi người lục tục ra về, ai cũng hân hoan với thành quả lao động của mình. Trên đường làng, những gánh rươi kĩu kịt đi về các ngõ. Hoài bế cu Tũn theo chị Nhạn về nhà, cô phụ chị những việc lặt vặt như băm nhỏ những chiếc vỏ quýt khô ám khói bồ hóng, những trái ớt màu đỏ tươi, thái nhỏ những chiếc lá nghệ màu xanh sẫm...
- Chị Nhạn có nhà không? Tôi đem măng và khế sang cho chị đây - Tiếng anh chàng Quỳnh rổn rảng từ ngoài ngõ.
- May quá! - Chị Nhạn xuýt xoa - Tôi đang định sang cậu xin một ít đấy!
- Cô Hoài cũng ở đây à? Hôm nay rươi lên, tôi đoán thể nào chị cũng cần, tiện thể đi qua nên đưa cho chị luôn - Quỳnh nói từ tốn.
- Thể nào tý nữa cậu cũng phải dùng cơm với chúng tôi đấy nhé - Chị Nhạn đon đả - Lần này thì không được chối đâu đấy!
- Thế ra tôi lại đem măng và khế để đổi bữa ăn rồi - Quỳnh cười - Tôi đang phải chở mấy thứ đi đằng này đã, tý tôi quay lại vậy.
Chị Nhạn nhóm lửa, làm rươi, các động tác của chị trông cứ thoăn thoắt thuần thục, trong chốc lát đã có một mâm cơm thật hấp dẫn với những món rươi dậy mùi thơm. Thấy chị Nhạn làm rươi khá nhiều, Hoài thắc mắc:
- Chị làm nhiều thế, ăn làm sao hết?
- Không nhiều đâu em, chốc nữa nhờ em đem một ít sang nhà cụ Ky hộ chị - Chị Nhạn nói với vẻ thương cảm - Tội nghiệp! Cụ chỉ có một mình, lại già lẫn cẫn rồi.
Chị Nhạn trân trọng đặt mâm cơm lên bàn thờ, chậm rãi thắp hương và rì rầm khấn vái. Trên bàn thờ là gương mặt một người đàn ông còn khá trẻ đang cười phô chiếc răng khểnh trông rất hóm hỉnh. Sau này khi đã thân quen, Hoài mới biết chồng chị Nhạn hi sinh khi chị đang mang thai thằng cu Tũn được sáu tháng. Chị là người phụ nữ tháo vát và đôn hậu, đặc biệt các món ăn chị nấu thì dù người khảnh ăn đến đâu cũng không thể chê được. Không ít người đàn ông đến với chị, chân thành có, chơi bời có nhưng chị chỉ ở vậy thờ chồng nuôi con. Một lần Hoài hỏi: “Sao chị không đi bước nữa?”. Chị rơm rớm nước mắt: “Tất cả trái tim chị đã dành cho bố thằng cu Tũn rồi em ạ!”.
- Em xin lỗi! Hôm nay là ngày giỗ của anh hở chị? - Hoài hỏi với vẻ ân hận vì sự vô tâm của mình.
- Không phải đâu em! - Chị Nhạn nói xa xăm - Đây là những món ngày xưa anh ấy thích nhất nên mỗi lần có rươi chị lại làm cơm và mời anh ấy về - ánh mắt chị bỗng long lanh, giọng như nghẹn lại - Em xem kìa, anh ấy “về” đấy!
Theo tay chị, Hoài nhìn lên bàn thờ bỗng thấy những cây hương cháy bừng lên sáng lấp lánh...
***
Giáp Tết, cả nhà tôi tất bật sửa sang nhà cửa. Bố chồng tôi khệ nệ bê về một chậu mai vàng đang điểm nụ. Cô em chồng xăng xái đi chợ mua bánh kẹo và một bó hoa to tướng. Căn nhà như sáng bừng lên bởi sắc Xuân và ấm mùi hương trầm. Hai mươi chín tết, một chàng trai chừng ba mươi tuổi, trông khá chững chạc ôm một bó hoa hồng tươi thắm và một túi quà đến nhà chúng tôi. Vân hớn hở ra đón và giới thiệu với cả nhà:
- Đây là anh Quyền làm cùng cơ quan con.
- Cháu chào hai bác! Em chào anh chị! - Chàng trai lễ phép, chợt trông thấy mẹ tôi, cậu có vẻ ngỡ ngàng, mừng rỡ - Bác là cô giáo Hoài phải không ạ?
- Cháu hỏi tôi? - Mẹ chồng tôi ngơ ngác - Mà hình như tôi đã gặp cháu ở đâu rồi thì phải?
- Dạ! Cháu là cu Tũn ngày xưa đây mà - Quyền cười ngượng nghịu.
- Cháu đã thế này rồi? - Mẹ chồng tôi rạng rỡ - Mười mấy năm rồi còn gì, mà mẹ cháu có khoẻ không?
- Dạ! Cảm ơn cô! Mẹ cháu vẫn khoẻ. Cháu mới chuyển ngành về đây và biết em Vân. Thật tình cờ mẹ của em Vân lại là cô. Mẹ cháu mà biết chuyện này chắc là vui lắm đấy ạ.
- Vậy ra anh là con bác Nhạn mà mẹ vẫn thường kể phải không ạ? - Vân ngạc nhiên vẻ thú vị.
- Cái con bé này vẫn không bỏ được thói lau chau - Mẹ chồng tôi trách yêu.
- Có món quà mẹ cháu gửi biếu gia đình - Quyền mở túi lấy ra một cái chai được bọc cẩn thận - Dạ, đây là mắm rươi mẹ cháu làm đấy ạ!
- Ôi quý hoá quá! - Mẹ chồng tôi trân trọng đỡ cái chai với vẻ rất xúc động.
Bữa cơm tất niên ấm cúng được dọn ra, lần đầu tiên tôi được thưởng thức món thịt luộc, dưa hành chấm mắm rươi, cái thứ mắm được chế biến từ một sản vật mà mẹ chồng tôi cứ nắc nỏm suốt mấy năm nay, nó mang hương vị quê hương đậm đà, tình cảm người quê nồng hậu và cả một câu chuyện tình xúc động. Ngoài kia, một năm mới nữa đang về...
Phan Ngân Hà/http://vanhocnghethuathatinh.org.vn