Nửa cái bánh sắn
Vợ chồng tôi cùng làm du lịch. Những năm trước, du lịch Nha Trang phát triển nên thu nhập khá cao. Dịch Covid-19 xảy ra. Đầu tiên là vợ bị nghỉ việc, tôi cố gắng xoay xở bằng lương của mình. Song, chỉ vài tháng sau, tôi cũng bị nghỉ việc. Hai vợ chồng chạy đôn đáo xin việc nhưng không được. Số tiền dành dụm cũng vơi dần. Tôi làm bánh ngọt, ủ cơm rượu, làm yaourt... để bán, nhưng chỉ được một thời gian thì ế ẩm. Đúng lúc đó, tôi bỗng nhận được một món quà lớn.
Hôm đó, người bưu tá đến nhà, đưa tôi tờ phiếu chuyển tiền. Tôi thấy lạ nhưng anh bưu tá đọc đúng họ tên, đúng số nhà, số điện thoại... Cầm tờ phiếu, tôi liếc nhanh số tiền: 20 triệu đồng.
Tôi ngồi phịch xuống ghế, hoang mang. Ai có thể gởi cho tôi số tiền lớn này? Liệu có phải là một chiêu lừa đảo trong số các chiêu lừa đảo tràn lan trên mạng đã được cảnh báo?
Chồng tôi đến bên cạnh, ân cần: “Có chuyện gì thế em?”. Tôi im lặng đưa anh tờ phiếu. Anh lướt nhanh các dòng chữ rồi đọc to tên người gởi: Nguyễn Thanh Hải... Hà Nội. Em có quen người tên Hải này không? Tôi nhận thấy sự nghi ngờ trong giọng nói của chồng
Thanh Hải? Rất nhiều bạn bè của tôi có tên này. Từ hồi còn ở quê, rồi học phổ thông, vào đại học, chuyển việc qua mấy cơ quan, công ty... Nhưng có ai thân thiết đến độ có thể cho tôi tiền, mà lại là số tiền lớn đến thế?
Tôi chưa kịp trả lời, chồng reo lên: A! Có số điện thoại nữa này, em thử gọi điện xem sao? Tôi cầm tờ phiếu từ tay chồng, phía dưới có một dòng chữ: “Tặng Thu món quà nhỏ. Hy vọng bạn sớm vượt qua khó khăn. Bạn cũ thời bánh sắn: Thanh Hải”.
Bánh sắn. Hai tiếng ấy như một tia chớp xẹt qua đầu. Ký ức trong tôi ùa về...
Mùa hè năm cuối phổ thông, tôi và các bạn cùng khu tập thể trở thành công nhân hái chè tại một nông trường trên cao nguyên. Ở đó có những đồi chè mênh mông, xanh ngắt. Để trốn ánh nắng chói chang của cao nguyên, chúng tôi phải dậy từ khi trời còn mờ tối. Công việc hái chè bắt đầu từ 5 giờ. Sọt đeo sau lưng, hai tay thoăn thoắt hái những búp chè đủ độ, chân mải miết bước đi giữa các nương chè. Khoảng 9 giờ, khi mặt trời nhuộm cả không gian một màu nắng vàng rực, loa lóa, chúng tôi thu xếp sọt trở về. Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi lại tiếp tục công việc.
Việc ăn ở do nông trường lo. Chúng tôi được bố trí ngủ trong những cái lán nhỏ làm bằng phên liếp. Bữa trưa và chiều là 1 chén cơm chan canh rau tập tàng và 1 củ khoai lang hay sắn luộc. Khẩu phần sáng cho ngày hôm sau là nửa cái bánh mì không nhân, phát vào buổi tối, nhanh chóng chui hết vào những cái bụng rỗng luôn cồn cào.
Sáng hôm sau, chúng tôi mua bánh sắn của một người địa phương đem đến đồi chè. Chỉ là bánh bột sắn nhân đậu xanh, gói trong lá chuối nhưng với chúng tôi hồi ấy sao ngon thế!
Ngày đầu, tôi không để ý, có một người luôn dậy muộn rồi đi làm luôn chứ không ăn sáng. Người đó là Hải, học lớp bên cạnh. Hôm sau, tôi thấy Hải lủi thủi đi nhanh qua hàng bánh nên gọi: “Hải ơi! Không mua bánh à?”. Hải lắc đầu: “Mình không đói”. Hồng Mai, cùng lớp Hải, ghé sát tai tôi: “Hải không có tiền ăn sáng đâu”. Tối hôm đó, tôi biết thêm, ba Hải là thương binh; lương công nhân vệ sinh môi trường của mẹ chỉ đủ tiền mua thuốc cho ba. Hàng ngày, Hải vẫn cùng mẹ đi nhặt phế liệu bán để đắp đổi qua ngày. Tôi chợt thấy xót xa: Nhà tôi nghèo nhưng chưa nghèo bằng Hải.
Sáng hôm sau, tôi mua 1 cái bánh sắn, cắt ra 2 phần bằng nhau, đem đến chỗ Hải đang nằm: “Dậy đi, ăn sáng với mình”. Tôi có thể mua cho Hải 1 cái. Nhưng, những ngày sau sẽ phải nhịn đói vì số tiền má tôi cho chỉ chừng đó. Hải ngồi dậy, lắc đầu: “Mình không quen ăn sáng”. Tôi để nửa cái bánh trên giường: “Ăn đi, nếu không muốn mắc nợ thì mỗi ngày trả cho mình vài búp chè”.
Từ hôm đó, sáng nào tôi cũng dậy sớm mua bánh, lẳng lặng chia cho Hải một nửa, cố gắng để không ai biết. Tuy đói hơn một chút, nhưng tôi và Hải đều vui. Cũng từ đó bắt đầu một tình bạn rất đẹp giữa chúng tôi, với những ngày Chủ nhật lang thang trong rừng hái sim, lội suối, hái hoa...
Tốt nghiệp phổ thông, Hải có tiêu chuẩn đi học nước ngoài. Còn tôi học đại học trong nước. Thỉnh thoảng, qua bạn bè, tôi được biết, do thông minh và cố gắng, Hải đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Tôi mừng cho bạn.
Tôi bấm điện thoại. Đầu bên kia, một giọng trầm ấm dù đã nhiều năm nhưng không mấy thay đổi: “Thu phải không? Bạn khỏe chứ”. Tôi lúng túng: “Hải ơi! Mình rất cảm ơn, nhưng mình không nhận tiền đâu. Để mình gởi lại cho bạn”. Giọng bên kia trầm xuống, dịu dàng: “Thu biết không, bao nhiêu năm rồi nhưng mình không bao giờ quên nửa cái bánh sắn ấy. Mình vẫn luôn dõi theo bạn. Mình yên lòng khi biết bạn và gia đình đều ổn. Nhưng vì dịch, du lịch Nha Trang khó khăn... Mình chỉ muốn...”. Tôi ngắt lời: “Trả ơn phải không?”. Có tiếng cười của Hải trong máy: “Cứ coi như vậy đi”. Tôi nghiêm giọng: “Thế thì chỉ 10 ngàn đồng là đủ Hải à, phần còn lại mình sẽ gởi trả”. “Ồ! Không đâu Thu ơi, lòng tốt không thể tính bằng tiền”.
Nhờ số tiền của Hải, gia đình tôi vượt qua được khó khăn. Chồng tôi theo học lớp sửa điện, nhận sửa hàng điện gia dụng tại nhà. Còn tôi học may để nhận may hàng gia công. Dù không thể so với trước đây nhưng cũng đủ sống.
Tôi hay nhớ câu nói của Hải: “Lòng tốt không bao giờ bị lãng quên”.
Trần Thị Giao Thủy (theo baokhanhhoa.vn)