A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗi nhớ...cánh đồng

Cho đến bây giờ, ngót 25 năm sống đời phố thị, chị Sáu vẫn không bao giờ nguôi quên về cánh đồng làng, vẫn thầm mang trong mình niềm kiêu hãnh là đứa trẻ sinh ra từ làng, lớn lên bằng những mùa khoai, mùa lúa, bằng những giọt mồ hôi chát mặn của bà, của mẹ đổ xuống những vụ chiêm, xót xa trong từng thớ đất, đường cày. Và chị Sáu tin, có bao nhiêu người Việt là có bấy nhiêu cánh đồng trong nỗi nhớ...

Ảnh minh họa 

Chị Sáu quê ở Võ Xá, một làng thuần nông, vùng chiêm trũng. Đồng quê chẳng trồng được cây gì ngoài cây lúa. Mỗi năm 2 vụ chiêm, mùa. Bà ngoại chị vốn là người con gái Sài thành, theo chồng về đất này làm dâu. Làm quen với việc cấy cây mạ xuống cánh đồng sâu, với cái cuốc, cái liềm, quen đếm thời gian bằng những mùa lúa xanh, lúa chín, mùa phơi rạ, chất rơm.

Bà ngoại chị đã hòa mình vào cánh đồng, như bao nhiêu người quê đã sinh ra, lớn lên, làm việc, mến yêu nhau trên cánh đồng làng. Có những người suốt đời quanh quẩn với đồng làng, không quen với việc gì khác ngoài vòng quay cây lúa.

Chị Sáu lớn lên êm đềm trong vạt áo nâu mùi bùn đất, mùi trầu không của ngoại. Quen với bóng ngoại mấp mô trên những thửa ruộng tháng tư xanh thăm thẳm lúa vừa kịp đọng hương, quen với bóng lưng còng cắm cúi cấy nốt mấy rãnh mạ non trong ánh chiều mờ đục bóng hoàng hôn. Quen cả cách ngoại đoán thời tiết, đoán việc được, mất mùa qua tiếng chim gọi nước, qua cánh bay con chuồn chuồn, hay mỗi lúc giao mùa nhìn lên ánh chiều tà.

Ngoại cũng dạy chị về thời khắc bắt được nhiều tôm, nhiều cá trên những thửa ruộng mới gặt xong còn thơm hương lúa mới, dạy chị cách tìm những con ốc ăn sương mùa đất phơi ải, cách dựng những mô rạ chụm vào nhau như một mái nhà nhỏ, cả cách nhổ cỏ ngựa đá gà...

Chị Sáu quen đến nỗi, đôi khi không nghĩ rằng bà đã được sinh ra từ một miền quê khác. Ngày tiễn ngoại về với đồng làng, chị Sáu đã đứng rất lâu bên con mương nhỏ, nơi ngoại vẫn thường khỏa chân sau khi lội ruộng để giũ sạch bùn đất, đã đứng rất lâu bên cây bên cây “thầu đâu” (cây xoan) đầu làng cũng là nơi bắt đầu cánh đồng, bà vẫn thường ngả nón để ngồi nghỉ chân mỗi khi xong việc.

Dường như, bóng dáng nhỏ nhoi của ngoại đã tạc vào cánh đồng quê những đường nét vĩnh cửu. Ngoại, cũng như bao nhiêu người đã sinh ra, lớn lên hay bao nhiêu người xứ khác đã đến đây, canh tác trên đất này, đổ mồ hôi trên từng thớ đất, đường cày, bước chân trên từng bờ vùng, bờ thửa, bàn tay phát cỏ cuốc bờ, khơi mương, tát nước. Lớp người này tiếp nối lớp người khác. Mồ hôi đổ xuống cho những hạt mầm tươi xanh. Và rồi, họ lại nhắm mắt nằm xuống trên cánh đồng rì rào sóng lúa.

Có những chiều quẩn quanh trong lòng phố chật hẹp, chị Sáu đã nhớ biết mấy cánh đồng trong tiềm thức. Cánh đồng bạc thếch đất đai, phấp phỏng những hạt mầm mùa vụ, cần mẫn nuôi lớn những giấc mơ, những hy vọng, tin vào phù sa ngày mai rồi sẽ “còn chồi nảy cây” ngay cả khi lũ bão vừa qua… Và rồi, chị đã mải miết đi tìm…


Hồng Nhung
(Đài TT-TH Quảng Ninh)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu