A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chòi canh gió chơ vơ

Mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra tôi thương nhớ cánh đồng làng mình nhiều đến thế. Ngày bé, tôi chỉ thấy cơ cực khi mùa nắng cháy theo mẹ đi đào cáy, mùa đông cầm vồ đập mịn đất khô nẻ trong cái rét cắt da.

 Ảnh minh họa

Những ngày tập gánh gồng, tôi vừa đi vừa khóc. Bây giờ, đôi lúc trí nhớ của mình có thể ngửi được mùi đồng đất sau mưa, mùi nhựa cỏ, mùi khói đốt đồng, mùi phân hoai mục… Tôi đã đi qua biết bao vụ chiêm vụ mùa, từng ngồi trong chòi lá canh dưa hấu cả ngày giữa đồng không.

Bố tôi dựng một cái chòi lá giữa đồng, bốn góc là bốn cây tre già, nylon quây chung quanh. Mái lợp bằng lá dừa, lá chuối. Dạo ấy mùa hè, bố mẹ phân công cho tôi canh dưa hấu ban ngày, bố sẽ canh ban đêm. Mỗi khi ra đồng, tôi xách theo can nước mưa, cầm theo cuốn truyện cổ tích dù cuốn sách ấy tôi đã đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng. Đang mùa hè nắng gắt, đồng vắng lắm, tôi nằm canh dưa chỉ mong có ai đó đi qua để níu lại chào một câu. Gặp được đứa trẻ nào đi móc cua hay bắt ốc thì vui lắm. Tôi sẵn lòng chiêu đãi nó một trái dưa còi. Ngày ấy người ta chưa phủ nylon lên luống dưa như bây giờ, thành ra dưa tốt bao nhiêu thì cỏ tốt bấy nhiêu. Có một cô người làng khác sang làng tôi cắt cỏ. Cô xin cắt cỏ ở ruộng dưa, tôi mừng quá đồng ý ngay. Cỏ tốt, chả mấy mà đầy quang gánh, hai cô cháu trò chuyện rất vui. Thế là ngày nào tôi cũng mong cô ấy đến. Một hôm khi gánh cỏ đã đầy, cô bước lên bờ ruộng thì hụt chân. Quang đứt, gánh cỏ đổ hết xuống ruộng. Tôi vội chạy ra thì thấy hai quả dưa lăn ra từ trong gánh cỏ.

Cô xấu hổ, còn tôi thì loay hoay với mấy trái dưa, tôi sợ bố mẹ biết được tôi đã chểnh mảng mà để cho người ta trộm trái. Thành ra, khi cô bện cổ quang xong tôi bảo cô cứ cầm hai trái dưa về. Cô không dám cầm, cô gánh cỏ lên đê, trở xoay đòn gánh giữa nắng trưa bỏng rát. Tôi bưng hai trái dưa vào trong chòi lá, búng vào thấy dưa kêu boong boong già đanh. Đêm ấy trong giấc mơ tôi thấy rất nhiều người làng khác bơi qua đầm. Họ hái dưa rồi thả nổi xuống đầm, khua nước cho dưa xuôi về làng họ, cả ruộng dưa mấy sào nhà tôi chỉ còn trơ lại cuống và lá. Tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi vã ra.

Dưa hấu đợt hai vỏ dày hơn, độ ngọt cũng kém hẳn. Tôi thích nhất là đợt thu hoạch dưa ngọn. Tất cả đám trẻ con ùa đến tha hồ mót dưa - đó là những trái dưa vẹo vọ, có trái chỉ to hơn nắm tay bổ ra ruột chỉ hơi hồng hồng. Dưa ngọn chất đầy một góc nhà, dưa ấy bán chẳng ai mua. Ăn cơm xong mẹ tôi bổ ra tráng miệng. Buổi trưa trốn cha mẹ ra ngõ chơi mang theo trái dưa nhỏ thì cả bọn trẻ con rôm rả hẳn. Niềm vui ngày ấy sao mà giản dị.

Bây giờ mỗi khi qua đò về làng, tôi thường đi men theo con đê, ngắm cánh đồng khu khuyến nông và bãi Tiền rồi mới vào làng. Bãi Tiền ngày xưa trồng dâu nuôi tằm, mùa nước lụt chỉ có cây dâu là sống được. Bây giờ làng đắp đất trồng tre chắn lũ, bãi Tiền màu mỡ trồng chuối ven sông. Khu khuyến nông bạt ngàn mầu xanh ngắt của dưa hấu, lạc, đậu. Người làng đi làm đồng có máy té nước, máy gặt, máy lồng - năng suất cao hơn lại giải phóng sức lao động, chẳng có ai thiết tha hái trộm một vài trái dưa hay bẻ vài túi đậu. Đám trẻ con cũng không phải đi chăn trâu cắt cỏ nên chẳng có ai nghịch phá trái lành. Cánh đồng mênh mông bạt ngàn gió nô đùa, bầy chim sẻ sà xuống từng đàn bắt sâu. Những chòi lá được dựng lên làm nơi nghỉ trưa, trốn nắng, đụt mưa hay chỗ dừng chân cho khách lạ lỡ đường. Không có đứa trẻ nào ngồi trong chòi lá chăm chăm nhìn ra ruộng dưa canh trái ngọt.

 

Hoàng Hiền (theo nhandan.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu